Đây là hai trong số nhiều nội dung quan trọng được Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể chỉ đạo các cơ quan thuộc Bộ tập trung hơn nữa tại buổi Giao ban Bộ GTVT thường kỳ tháng 5/2018 sáng nay (29/5).
Dự buổi làm việc còn có Thứ trưởng Nguyễn Văn Công; Phó Chủ tịch chuyên trách Uỷ ban ATGT QG Khuất Việt Hùng; các đồng chí lãnh đạo các cơ quan tham mưu; các Ban QLDA; các đơn vị thuộc Bộ.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể chủ trì buổi giao ban Tháng 5/2018
Tại buổi làm việc, các đồng chí lãnh đạo Bộ và đại diện các cơ quan đã được nghe các báo cáo thuộc các lĩnh vực quan trọng mà Bộ GTVT quản lý. Cụ thể, báo cáo đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ công tác tháng 5 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm tháng 6 năm 2018; báo cáo tình hình xây dựng và phê duyệt các đề án chiến lược, quy hoạch, đề án khác tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2018, kế hoạch tháng 6 năm 2018; Tình hình thực hiện nhiệm vụ do lãnh đạo Bộ GTVT và lãnh đạo Chính phủ giao do Chánh Văn phòng Bộ Nguyễn Trí Đức trình bày; Báo cáo kết quả quyết toán dự án vốn đầu tư XDCB và BOT hoàn thành Tháng 5/2018 (đến ngày 28/5); kế hoạch tháng 6/2018 do Vụ trưởng Tài chính Đỗ Văn Quốc trình bày; báo cáo tình hình xây dựng văn bản QPPL tháng 5 và kế hoạch tháng 6 năm 2018 do Vụ trưởng Vụ Pháp chế Trịnh Thị Hằng Nga báo cáo; Báo cáo về tình hình TTATGT 5 tháng đầu năm do Vụ trưởng Vụ ATGT Nguyễn Văn Thạch trình bày.
Trước đó, báo cáo Bộ trưởng, Vụ trưởng Vụ ATGT Nguyễn Văn Thạch cho biết: 5 tháng đầu năm, toàn quốc xảy ra hơn 7.400 vụ tai nạn giao thông, làm chết hơn 3.400 người, bị thương hơn 5.700 người. So với 5 tháng đầu năm 2017, số vụ TNGT giảm 534 vụ (giảm 6,66%), số người chết giảm 15 người (giảm 0,43%), số người bị thương giảm 825 người (giảm 12,52%).
Riêng trong tháng 5 năm, toàn quốc xảy ra 1.470 vụ, làm chết 688 người và làm bị thương 1.126 người. So với tháng cùng kỳ năm 2017 giảm 185 vụ (giảm 11,18%), giảm 8 người chết (giảm 1,15%), giảm 342 người bị thương (giảm 23,30%).
Lãnh đạo các đơn vị phụ trách lĩnh vực cũng cho biết công tác xây dựng văn bản QPPL, đề án được tập trung thực hiện, bám sát chương trình công tác. Trong tháng 5/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 65/2018/NĐ-CP ngày 12/5/2018 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đường sắt và Nghị định số 75/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018 quy định về tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn và trang phục, phù hiệu của lực lượng bảo vệ trên tàu do Bộ GTVT chủ trì trình; như vậy 100% các nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đường sắt đã được ban hành.
Trong tháng 5/2018, lãnh đạo Bộ đã trực tiếp chủ trì kiểm tra hiện trường, tăng cường công tác quản lý chất lượng, đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án như: BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ, BOT Hòa Lạc - Hòa Bình, cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi, cao tốc Bến Lức - Long Thành, đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành - Đức Hòa, Đường sắt đô thị tuyến Cát Linh - Hà Đông…; cùng Lãnh đạo Chính phủ trực tiếp kiểm tra hiện trường, đẩy nhanh tiến độ thi công Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận; đã kịp thời hoàn thành đưa vào khai thác cầu Cao Lãnh và tuyến nối cầu Cao Lãnh - cầu Vàm Cống thuộc Dự án kết nối khu vực trung tâm đồng bằng Mê Kông vào ngày 27/5/2018.
Các dự án trọng điểm của ngành cũng tiếp tục được chỉ đạo, triển khai thực hiện; đã hoàn thành báo cáo nghiên cứu khả thi (FS) dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông và đang tiến hành thẩm định hồ sơ của 03 dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam (đoạn Mai Sơn - QL45, QL45 - Nghi Sơn và Phan Thiết - Dầu Dây); đã hoàn thành đàm phán với nhà thầu xếp thứ nhất để ký hợp đồng tư vấn lập FS tổng thể Dự án CHKQT Long Thành; Đã báo cáo PhóThủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng về Điều chỉnh Quy hoạch CHKQT Tân Sơn Nhất...
Bộ trưởng tiếp tục yêu cầu làm tốt công tác đảm bảo TTATGT
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể ghi nhận kết quả công việc mà các đồng chí phụ trách các lĩnh vực đã báo cáo, nhiều công tác đạt được kết quả khả quan.
Tuy nhiên, Bộ trưởng khẳng định, nhiệm vụ trong tháng 6 và những tháng tiếp theo của các cơ quan, của Bộ còn rất nặng nề, nếu không nỗ lực cố gắng sẽ không hoàn thành nhiệm vụ do Đảng và Nhà nước giao phó.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đặc biệt yêu cầu các cơ quan tập trung vào công tác đảm bảo TTATGT, kiềm chế TNGT và công tác cải cách hành chính.
“Trong thời gian ngắn vừa qua đã xảy ra nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng cả đường sắt và đường bộ. Một số tiêu chí về cải cách hành chính cũng bị xuống hạng. Điều này cho thấy cũng ta phải nghiêm túc nhìn nhận, rà soát, xem xét mọi công tác một cách khoa học để kịp thời điều chỉnh, có thế mới thực hiện tốt nhiệm vụ được giao”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh.
Chỉ đạo riêng về công tác cải cách hành chính, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể yêu cầu các đồng chí thủ trưởng đơn vị phải rà soát, xem xét, khắc phục từ chuyên viên, từ các bộ phận một cách rõ ràng.
“Văn phòng Bộ phải có cơ chế kiểm tra chéo để đảm bảo tìm ra nguyên nhân rồi tìm cách khắc phục, tìm rõ chủ quan do ai, khách quan từ đâu đến. Từ đó đưa vào nhiệm vụ trọng tâm Tháng 6 để làm tốt hơn công tác cải cách hành chính”, Bộ trưởng yêu cầu.
Về công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật Bộ trưởng cũng cho rằng về tiến độ thì đảm bảo nhưng chất lượng dường như chưa đạt hiệu quả như mong muốn.
“Số lượng, thời gian cũng quan trọng nhưng nội dung văn bản đó có đi vào cuộc sống hay không, có được người dân và doanh nghiệp phản ánh tiêu cực hay dễ thực hiện và hiệu quả như thế nào mới là quan trọng”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh.
Từ đó Bộ trưởng yêu cầu Vụ trưởng Vụ Pháp chế có đánh giá chi tiết các văn bản quy phạm pháp luật ban hành gần đây có chất lượng như thế nào. Bởi văn bản có chất lượng mới có thể có vai trò đột phá về thể chế, từ đó mới thúc đẩy các hoạt động liên quan đến Ngành, đến xã hội.
“Văn bản nào của đơn vị nào cụ thể có nhiều phản ứng trái chiều từ dư luận cũng phải nêu ra để có phương án giải quyết phù hợp nhất, tất cả vì lợi ích của người dân và doanh nghiệp”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh.
Tiếp đó, Bộ trưởng cũng yêu cầu trong công tác xây dựng, thẩm định Đề án, chiến lược và các nhiệm vụ khác do Văn phòng Bộ chủ trì cũng phải dành thời gian thẩm định, rà soát, đánh giá cụ thể, rõ ràng. Các Văn bản, Đề án đã hoàn thiện tại Bộ rồi, chuyển đi các cơ quan của Chính phủ chậm muộn ở đâu, tại sao, cán bộ phụ trách văn bản, đề án phải bám sát kỹ để biết, để cùng các cơ quan tháo gỡ, bổ sung các thủ tục, quy trình còn thiếu, có vậy mới kịp thời gian và tiến độ.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cũng yêu cầu Văn phòng Bộ rà soát xem lại tình hình thực hiện thông báo kết luận của Lãnh đạo Bộ cũng như của các bộ, ngành như thế nào? Có thông kê rõ ràng, chậm muộn ở đâu, hiệu quả thế nào, có báo cáo cụ thể, có khen, chê đơn vị và cá nhân thực hiện, chứ không để tình trạng chỉ đạo rồi để đó không giải quyết.
Bộ trưởng cũng yêu cầu Vụ kế hoạch đầu tư rà lại công tác giải ngân; khó khăn vướng mắc trong xây dựng cơ bản như thế nào? Khởi công khánh thành nghiệm thu thế nào; tập trung vào các công trình chậm tiến độ, ban nào để chậm, lý do vì sao? Bên cạnh đó, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cũng chỉ đạo Yêu cầu Vụ kế hoạch đầu tư rà lại công tác giải ngân; khó khăn vướng mắc trong xây dựng cơ bản như thế nào? Khởi công khánh thành nghiệm thu thế nào; tập trung vào các công trình chậm tiến độ, ban nào để chậm, lý do vì sao?
Bộ trưởng cũng lưu ý đẩy nhanh công tác quyết toán các dự án, đặc biệt là các dự án BOT.
“Quyết toán chậm dự án là kiên quyết không giao nhiệm vụ. Đặc biệt là đối với các dự án BOT. Quyết toán là để công khai minh bạch tài chính, để người dân và các tổ chức liên quan cùng giám sát, phản biện, để Ngành GTVT thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ được giao”, Bộ trưởng yêu cầu cương quyết.
Bộ trưởng cũng lưu ý các cơ quan liên quan chuẩn bị kỹ cho các Luật sắp trình Quốc hội trong kỳ họp tới.
Bộ trưởng cũng yêu cầu các đơn vị tiếp tục tập trung theo dõi, rà soát khó khăn vướng mắc tại các doanh nghiệp đã cổ phần hoá.
“Vụ QLDN phải có trách nhiệm rà soát lại các văn bản, quy định về trách nhiệm của Bộ đối với doanh nghiệp sau CPH, công khai minh bạch xác định tài sản doanh nghiệp thế nào để hỗ trợ doanh nghiệp ổn định và phát triển chứ không chỉ giải quyết xong cổ phần hoá là xong trách nhiệm”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể yêu cầu.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cũng nhắc nhở các cục quản lý chuyên ngành, Tổng cục Đường bộ VN, các tổng công ty lưu ý mùa mưa bão đang đến gần, phải có các phương án phòng chống cụ thể, đảm bảo an toàn cho hạ tầng giao thông, đảm bảo an toàn giao thông cho người và phương tiện tham gia lưu thông
Đặc biệt nhấn mạnh một lần nữa về tình hình TTATGT đang diễn biến phức tạp, Bộ trưởng Bộ GTVT, Phó Chủ tịch Thường trực Uỷ ban ATGT Quốc gia Nguyễn Văn Thể yêu cầu Văn phòng Uỷ ban ATGT QG, các cơ quan liên quan xác định rõ lại vai trò của từng thành viên uỷ ban ATGT QG như thế nào? Vai trò của các ngành liên quan ra sao? Văn phòng Uỷ ban phải có đánh giá, báo cáo Phó Thủ tướng rõ ràng để khắc phục và phối hợp; trách nhiệm của chính quyền địa phương như thế nào nhất là điểm giao cắt phát sinh tự phát qua đường sắt?
"Ngành Đường sắt nói riêng và các cơ quan đơn vị cần rút kinh nghiệm sâu sắc về công tác quản lý, vận hành, nâng cao ý thức người thực thi công vụ trong công tác đảm bảo TTATGT. Đây là công việc khó khăn không chỉ một sớm một chiều mà thành công và chỉ lơ là một chút là ảnh hưởng đến tính mạng, tài sản của người dân, do đó, chúng ta phải phát huy tinh thần làm việc tốt hơn nữa, phải nâng cao trách nhiệm bản thân để hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ tính mạng, tài sản của nhà nước và nhân dân bằng chính trách nhiệm của mỗi cán bộ ngành GTVT", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể chỉ đạo.
Phong Kỳ