Là thành viên Chính phủ đầu tiên đăng đàn, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể sẽ có gần 4 tiếng trả lời chất vấn của ĐBQH về các vấn đề ngành giao thông.
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể mở đầu phiên trả lời chất vấn sáng 4/6
Mở đầu phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết mỗi lượt chất vấn sẽ mời 3 ĐBQH đặt câu hỏi, mỗi câu hỏi tối đa 1 phút và Bộ trưởng có tối đa 3 phút trả lời cho một câu hỏi. Nếu có vấn đề cần nói thêm cho rõ, người điều hành phiên chất vấn có thể để Bộ trưởng nói thêm.
Mở đầu có 3 ĐBQH đăng ký chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể là ĐB Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình), ĐB Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc), ĐB Nguyễn Anh Trí (Hà Nội).
"TRÁCH NHIỆM GIẢI TRÌNH CAO NHẤT ĐỂ NGƯỜI DÂN GIÁM SÁT'
Trước khi trả lời 3 đại biểu, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể có 5 phút đầu tiên báo cáo về những vấn đề chung của ngành được dư luận quan tâm.
Trước hết, Bộ trưởng GTVT gửi lời cảm ơn Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Bộ ngành T.Ư cùng các cơ quan truyền thông đã luôn đồng hành cùng Bộ GTVT. Sự động viên, chỉ đạo và quan tâm của xã hội là động lực lớn giúp Bộ GTVT thực hiện nhiệm vụ Nhà nước giao.
Bộ trưởng Thể nhấn mạnh, GTVT là ngành kinh tế đặc biệt, quan hệ chặt chẽ với đời sống kinh tế xã hội và được người dân rất quan tâm. GTVT thực hiện chức năng đi trước mở đường để tạo điều kiện cho kinh tế phát triển.
Bộ GTVT luôn nhận được rất nhiều ý kiến cử tri, với trách nhiệm của mình, Bộ GTVT đã lắng nghe, tiếp thu, nghiên cứu và kịp thời trả lời chất vấn của ĐBQH và của cử tri cả nước. "Chúng tôi nghĩ rằng trách nhiệm giải trình của Bộ ngành là trách nhiệm quan trọng nhất để nhân dân cả nước giám sát hoạt động này", Bộ trưởng Thể cho biết.
Theo Bộ trưởng, thời gian qua, Bộ GTVT luôn nỗ lực, phấn đấu thực hiện các chủ trương về phát triển GTVT, cố gắng xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ. Tuy nhiên, do nguồn lực ngân sách và nguồn vốn có hạn nên hạ tầng giao thông, công tác tổ chức GTVT và đảm bảo ATGT thời gian qua nhiều bất cập, hạn chế, GTVT phát triển không đồng đều giữa các vùng miền, vùng sâu vùng xa còn rất nhiều khó khăn so với các khu vực khác.
GTVT là nhu cầu của các địa phương và yêu cầu của xã hội nhưng nguồn lực của Nhà nước còn hạn chế nên chỉ đảm bảo một phần yêu cầu của xã hội.
Một số lĩnh vực như đường sắt trong một giai đoạn rất dài chúng ta chưa quan tâm đúng mức nên hệ thống đường sắt đang rất yếu kém. Một số lĩnh vực GTVT rất quan trọng như đường thuỷ nội địa, GTVT ven bờ đáng lẽ phải được phát triển tốt nhưng do quan tâm chưa đúng mức nên vai trò của các loại hình này hạn chế.
Bên cạnh đó, tình hình TNGT diễn biến phức tạp. Vừa qua cả hệ thống chính trị đã vào cuộc một cách quyết liệt, trong nhiều năm qua số vụ, số người chết và người bị thương do TNGT giảm theo từng năm nhưng còn ở mức cao.
"Năm 2017 số người chết vì TNGT hơn 8000 người, là con số lớn. Chúng tôi ý thức trách nhiệm phát triển kết cấu hạ tầng giao thông là của ngành GTVT cần có giải pháp đột phá để giảm thiểu TNGT", Bộ trưởng nói.
Để phát triển hạ tầng giao thông, ngoài nguồn vốn Nhà nước và vốn vay, từ năm 2009 đến nay ta đẩy mạnh xã hội hoá đầu tư theo hình thức BOT, là chủ trương đúng, phù hợp với yêu cầu hiện nay vì ngân sách hạn chế, nợ công ở mức cao. Việc thực hiện triển khai quyết liệt nhưng qua thời gian, ngoài tạo động lực phát triển kinh tế xã hội thì việc quản lý, đấu thầu, khai thác các dự án BOT còn bất cập và được xã hội quan tâm.
Bộ GTVT cùng nhiều Bộ, ngành đã tiếp thu ý kiến, đã chỉ đạo rà soát và trình Chính phủ thay đổi tên trạm thu phí BOT bằng tên mới phù hợp yêu cầu.
Chúng tôi rất cảm ơn dư luận xã hội và ĐBQH quan tâm thời gian qua, chúng tôi sẽ cố gắng sớm nhất báo cáo Chính phủ việc sử dụng tên mới cho phù hợp.
"Với những yếu kém của ngành GTVT, thay mặt ngành GTVT, chúng tôi xin nhận trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước và nhân dân. Chúng tôi sẽ cố gắng thực hiện tốt chủ trương của Nhà nước để xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, tổ chức vận tải, đảm bảo ATGT và đặc biệt vận hành các dự án BOT một cách tốt nhất", Bộ trưởng Thể nhấn mạnh.
Mở đầu phiên trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết Bộ GTVT đã trình Chính phủ xem xét sửa tên "trạm thu giá BOT" bằng một tên gọi khác, chúng tôi sẽ nghiên cứu để sử dụng tên khác cho phù hợp. Tuy nhiên, phát biểu ngay sau đó, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng: "Việc này không cần nghiên cứu, tôi thấy Bộ GTVT cứ dùng lại tên gọi cũ là trạm thu phí, vì tên gọi này đã đúng bản chất".
LÀM RÕ VÌ SAO KẾT QUẢ KIỂM TOÁN CHÊNH HỢP ĐỒNG BOT
ĐB Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình): Rất chia sẻ với Bộ trưởng vừa nhận vị trí mới nhưng mất rất nhiều thời gian để trả lời các kiến nghị của cử tri.
Xin được chất vấn Bộ trưởng: Đề nghị Bộ trưởng làm rõ chênh lệch số năm thu phí giao thông giữa dự toán với kết quả KTNN công bố? Việc thu phí BOT thực hiện trên các cơ sở mở rộng, nâng cấp đường QL 1 sắp tới sẽ khắc phục thế nào?
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể: Đây là vấn đề cả xã hội quan tâm. Tôi xin làm rõ sự chênh lệch giữa hợp đồng BOT và kết quả kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước.
Theo Luật và Nghị định của Chính phủ, giai đoạn qua, chúng ta tổ chức đấu thầu dự án BOT và ký hợp đồng BOT, trong dự án BOT có nhiều phần gọi là dự phòng: như dự phòng trượt giá, dự phòng khối lượng, dự kiến công tác GPMB và những vấn đề phát sinh kinh phí. Do đó dự án BOT được duyệt bao gồm các khoản có thể phát sinh nên dự án có giá trị lớn.
Căn cứ vào quy định của pháp luật, Bộ GTVT ký hợp đồng với nhà đầu tư BOT theo dự án được duyệt, đảm bảo tính công khai, minh bạch, trong quá trình thực hiện dự án BOT, Bộ GTVT chủ động kiến nghị Kiểm toán Nhà nước cùng tiến hành kiểm toán trước khi Bộ GTVT quyết toán.
Thời gian qua, với 56 trạm BOT thì Kiểm toán nhà nước đã tham gia kiểm toán 50 dự án, còn 6 dự án đang triển khai.
Để đảm bảo quyền lợi của người dân, Nhà nước và nhà đầu tư, Bộ GTVT đã đàm phán với các nhà đầu tư BOT và trong hợp đồng có 1 điều khoản là giá trị sau quyết toán là căn cứ để Bộ GTVT điều chỉnh thời gian thu phí và các chính sách liên quan đến phí.
Việc Kiểm toán nhà nước phát hiện có sự chênh lệch là điều hiển nhiên. Với những dự án triển khai nhanh, ít biến động giá, ít phát sinh khối lượng thì những phần dự phòng này là phần chênh lệch số năm mà Kiểm toán nhà nước đã chỉ ra.
Số liệu của Kiểm toán nhà nước và số lượng quyết toán của Bộ GTVT luôn tương đồng với nhau. Đặc biệt, số lượng quyết toán của Bộ GTVT trong nhiều dự án còn thấp hơn cả số liệu của Kiểm toán nhà nước.
Về thu phí BOT, trên quan điểm bảo vệ lợi ích của người dân, vừa qua khi mặt bằng giá tăng cao, chúng tôi rà soát và giảm toàn bộ 56 dự án BOT, có dự án giảm 2- 3 lần, từ 35 nghìn đồng/xe con xuống chỉ còn 15 nghìn đồng.
ĐB Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc): Tình trạng hiện nay nhà dân được cấp phép xây dựng nhưng sau khi cải tạo nâng cấp đường đã tạo sự chênh lệch cốt rất lớn giữa nhà dân và lề đường, gây bức xúc trong nhân dân. Dân phải bỏ tiền sửa chữa nhà để ở. Xin Bộ trưởng cho biết trách nhiệm này thuộc cơ quan nào? Cơ quan nào phải bồi thường cho người dân? Giải pháp cho vấn đề này là gì?
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể: Việc cải tạo nâng cấp các quốc lộ và đường giao thông dẫn đến chênh lệch cao độ giữa đường và nhà dân.
Theo Luật Xây dựng, ở các đô thị có quy định cốt nền của các công trình dự án trên đô thị, Bộ GTVT căn cứ vào quy định đó để khống chế cốt của các tuyến đường trong quá trình nâng cấp, xây dựng mới.
Ngoài đô thị không quy định cốt nền mà chỉ quản lý khu cụm dân cư nên thời gian qua một một số dự án cốt mặt đường cao hơn cốt nhà, việc này chúng tôi nghĩ rằng có trách nhiệm của Bộ GTVT, chúng tôi phải cố gắng đưa ra các giải pháp phù hợp với cốt nền để ít ảnh hưởng tới người dân. Như vừa qua, QL1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên chúng ta nâng cấp từ một đường yếu lên kết cấu lớn để đảm bảo giao thông thông suốt thì chúng ta nâng cốt nền tương đối cao. Trong quá trình thực hiện chúng tôi luôn giám sát chặt chẽ.
Về phía Bộ GTVT, tôi nhận trách nhiệm với Đảng, Nhà nước và nhân dân vì chưa có giải pháp đảm bảo hài hoà nhất.
Còn về chính quyền địa phương cũng nên có trách nhiệm phối hợp với các Bộ, ngành để rà soát thực hiện tốt.
ĐÃ CHỐT THỜI THU PHÍ KHÔNG DỪNG: MINH BẠCH, CÔNG KHAI
ĐB Nguyễn Anh Trí (Hà Nội): Ngày 4/12/2015, Bộ GTVT đã phê duyệt dự án thu phí tự động không dừng. Ngày 27/2/2018 Thủ tướng đã chỉ thị đẩy nhanh thu phí không dừng. Quan điểm và quyết tâm của Bộ trưởng về việc này thế nào, đến bao giờ hoàn thành thu phí không dừng tại các trạm BOT nhằm minh bạch hơn việc thu phí?
Câu hỏi thứ 2 là giao thông vùng Tây Bắc còn rất khó khăn. Cử tri mong Bộ trưởng vi hành bằng ô tô lên với bà con để nghiên cứu xây dựng kế hoạch đầu tư làm đường ở đó có được không?
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể: Thu phí không dừng là chủ trương đúng đắn. Thủ tướng đã ban hành quyết định 07, trong đó nêu rõ đến cuối 2018, toàn bộ dự án BOT trên QL1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên phải hoàn thành thu phí tự động, toàn bộ trạm BOT trên các tuyến đường còn lại phải hoàn thành cuối năm 2019.
Hiện nay Bộ GTVT đang triển khai quyết liệt, chúng tôi xem việc thu phí tự động không dừng là giải pháp công khai minh bạch tốt nhất.
Sắp tới khi vận hành toàn bộ thì người dân, các cơ quan Nhà nước có thể giám sát nguồn thu của các trạm BOT một cách cụ thể. Chúng tôi sẽ cố gắng hoàn thành tốt kế hoạch theo chỉ đạo của Thủ tướng.
Với vùng Tây Bắc còn nhiều khó khăn cần phát triển giao thông để phát triển du lịch, khai thác các lợi thế về giá trị văn hóa lịch sử, chúng tôi hiểu tình hình khó khăn của Tây Bắc. Bản thân tôi trong quá trình thực hiện nhiệm vụ cũng đã đi khảo sát và thực tế tại một số địa phương.
Với trách nhiệm của Bộ GTVT, chúng tôi sẽ thực hiện tốt các dự án và tham mưu cho Chính phủ để bố trí các dự án, nhưng cũng có khó khăn là nguồn lực của ta hiện rất hạn chế.
Vừa qua Bộ GTVT trình kế hoạch trung hạn 952 nghìn tỷ đồng trong giai đoạn 5 năm nhưng ngân sách Nhà nước chỉ bố trí được 292 nghìn tỷ đồng, do đó nhiều công trình dự án chưa có điều kiện bố trí vốn.
Chúng tôi tiếp thu ý kiến của ĐB, bản thân tôi và lãnh đạo Bộ sẽ trực tiếp tới các địa phương này để nghiên cứu, phối hợp với địa phương để báo cáo Quốc hội và Chính phủ.
Sau khi Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể kết thúc phần trả lời chất vấn của nhóm ĐBQH đầu tiên, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá, Bộ trưởng đã trả lời rất đúng, trúng, đi thẳng vấn đề và đảm bảo đúng thời gian cho phép.
ĐB Nguyễn Phước Lộc (TP.HCM): Đề nghị Bộ trưởng cho biết khi nào tất cả các trạm BOT công khai phí đầu tư; số tiền thu, số năm thu trên bảng thông tin điện tử đặt tại các trạm? Tới thời điểm cụ thể nào hoàn thiện xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin kết nối dữ liệu thu phí trạm BOT với cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan kiểm toán, cơ quan thuế?
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể: Hiện Bộ GTVT đang tập trung sớm quyết toán công trình các dự án BOT. Theo đó, việc này phụ thuộc vào tiến độ quyết toán giải phóng mặt bằng của chính quyền địa phương và phần quyết toán xây lắp của nhà đầu tư. Tuy nhiên, hiện việc quyết toán giải phóng mặt bằng tại các địa phương còn rất chậm. Bộ GTVT đề nghị UBND các cấp hết sức quan tâm tới việc này để có con số công khai minh bạch trước toàn dân.
Sau khi đã điều chỉnh quyết toán xong sẽ công khai minh bạch chi phí đầu tư, thời gian thu phí các thông tin có liên quan để người dân giám sát.
Bộ GTVT đang thực hiện Quyết định 07 của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, lộ trình trong năm nay, toàn bộ trạm BOT trên QL1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên phải thực hiện thu phí tự động, mọi thông tin liên quan sẽ được công khai trên hệ thống gắn tại trạm và kết nối với các cơ quan chức năng để tiện theo dõi và giám sát. Tới 2019, toàn bộ trạm BOT trên các quốc lộ cả nước đều phải thu phí tự động.
Tôi cũng xin báo cáo thêm trong số 88 trạm BOT đang khai thác và xây dựng trên cả nước, có 53 trạm BOT nằm trên tỉnh lộ, các đô thị do địa phương quản lý. Bộ GTVT sẽ làm việc với chính quyền địa phương để những nơi này sớm công khai minh bạch các thông tin liên quan tới thu phí BOT.
ĐB Lý Tiết Hạnh giơ bảng đăng ký tranh luận
THỂ CHẾ CHƯA HOÀN CHỈNH NÊN TRIỂN KHAI BOT VƯỚNG MẮC
ĐB Lý Tiết Hạnh (Bình Định): QL1 qua Bình Định qua nhiều lần sửa hiện vẫn có chất lượng rất xấu, xin hỏi Bộ trưởng bao giờ chính thức khởi công sửa toàn bộ tuyến đường này? Trách nhiệm của Bộ trưởng như thế nào trong việc đảm bảo tiến độ? Hiện QL1 đi qua Bình Định với khoảng 200km song có tới 3 trạm thu phí, có nhiều quá không?
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể: QL1 qua Bình Định là đoạn đường hết sức quan trọng, thời gian qua đã nâng cấp và hoàn thành vào 2015. Sau khi hoàn thành thì đến năm 2016, thời tiết diễn biến khắc nghiệt, mùa hè kéo dài nắng nóng, bão lũ nhiều… sau bão có đoạn nước tràn qua mặt đường, kết hợp với lượng phương tiện lưu thông lớn, tải trọng nặng..., trong khi công tác tuần tra kiểm soát của các cơ quan chức năng chưa được tốt. Vì thế đã có một số đoạn hư hỏng nặng.
Bộ đã chỉ đạo duy tu bảo dưỡng, nhưng kinh phí duy tu sửa chữa rất hạn chế, chỉ đáp ứng 30% nhu cầu, việc sửa chữa gặp nhiều khó khăn, do đó chưa đáp ứng được. Bộ GTVT đã chỉ đạo Tổng cục đường bộ xử lý một cách triệt để, đòi hỏi một khoản kinh phí lớn, chúng tôi sẽ có gằng trong khả năng và từ nguồn trung ương bố trí thêm.
Về việc trên địa bàn Bình Định có đến 3 trạm BOT, việc này bám sát theo thông tư 159 của Bộ Tài chính, quy định là khoảng cách bình thường giữa 2 trạm BOT là 70km, còn dưới 70km thì có thỏa thuận với địa phương. Và việc này đã có sự đồng ý của UBND tỉnh Bình Định. Tuy nhiên tôi cũng đánh giá là một số nơi trạm BOT còn dày, bà con cũng khó khăn. Tôi kính mong đồng bào cử tri, nhất là tỉnh Bình Định thông cảm. Trong các phương án xử lý, chúng tôi đã đặt việc giảm giá lên trên rút ngắn thời gian thu phí, để chi phí xã hội thấp nhất.
ĐB Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre): Tôi thấy một trong những vấn đề bất cập trong thể chế về thực hiện trong đầu tư đối tác công tư (PPP), gây nhiều bức xúc chưa giải quyết được căn bản, Bộ trưởng giải quyết thế nào? Đâu là giải pháp căn cơ?
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể: Trong thời gian vừa qua, thể chế thực sự chưa hoàn chỉnh nên việc triển khai đã gặp một số vướng mắc, nhất là thời điểm Luật đầu tư công chưa ra đời. Liên quan tới biểu hiện sai phạm thực hiện BOT, Bộ đang tiếp thu và khắc phục triệt để, xử lý cương quyết, đồng thời đảm bảo hài hòa lợi ích của người dân, của Nhà nước và nhà đầu tư.
Hiện Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ KH-ĐT hoàn thiện các luật liên quan, trong đó quy định trách nhiệm toàn bộ trách nhiệm, cơ chế chính sách liên quan. Chúng tôi mong muốn hoàn thiện luật này sớm.
ĐB Nguyễn Lân Hiếu (An Giang): Xin hỏi Bộ trưởng, việc tái cơ cấu Vinashin, Vinalines thực hiện tới đâu? Liên quan tới những trạm BOT đi theo dự án mở rộng QL1A như QL 91, QL90, Bắc Giang, Thái Nguyên…, những trạm này có tuân theo quy hoạch?
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể: Sau tái cơ cấu Vinashin hoạt động chưa hiệu quả, Chính phủ vẫn thường xuyên chỉ đạo quyết liệt để giải quyết. Còn Vinalines đến năm 2017 đã có lãi trên 500 tỷ đồng, dự kiến 2018 lãi khoảng 700 tỷ đồng, hiện đang chuẩn bị cổ phần hóa. Nợ của Vinashin vẫn nằm trong phạm vi được Chính phủ bảo lãnh. Chúng tôi sẽ thực hiện nghiêm giải pháp của Chính phủ.
Việc mở rộng QL1A và một số trạm BOT đặt trên các tuyến đường song hành và tuyến tránh, chúng tôi đã báo cáo đầy đủ với Quốc hội. Hiện việc này đang được xử lý trên cơ sở đánh giá toàn diện của Chính phủ.
DÙNG QUỸ BẢO TRÌ ĐƯỜNG BỘ CHỐNG XUỐNG CẤP QUỐC LỘ
ĐB Phạm Tất Thắng (Vĩnh Long): Giải pháp chống xuống cấp 2 tuyến quốc lộ đi qua địa bàn tỉnh Vĩnh Long là QL53 và QL54. Tuyến QL53 đi qua địa bàn tỉnh Vĩnh Long đến Trà Vinh, đường hẹp xuống cấp, thường xảy ra tai nạn. Trên tuyến có nhiều cầu yếu. Trước đây đã có dự kiến mở rộng nâng cấp tuyến đường này theo hình thức BOT, đã khởi công nhưng lại chưa thực hiện được. Xin Bộ trưởng cho biết lý do vì sao? Thời gian nào sẽ thực hiện.
QL54 đi qua 3 tỉnh Đồng Tháp, Trà Vinh và Vĩnh Long. Hai đầu Đồng Tháp và Trà Vinh đã hoàn thiện. Nhưng đoạn qua Vĩnh Long xuống cấp khá nặng. Xin Bộ trưởng cho biết phương án khắc phục và thời gian tiến hành?
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể: QL53 là một trong các dự án Bộ GTVT đã chấm dứt hợp đồng với nhà đầu tư BOT. Với thành phố Trà Vinh, đây là con đường độc đạo. Khi triển khai, vì nhiều vướng mắc nên tiến độ rất chậm. Chúng tôi xét thấy việc tiếp tục triển khai dự án này có thể dẫn tới không đồng thuận cao nên chúng tôi quyết định chấm dứt hợp đồng BOT.
Hiện ngân sách Trung hạn đã bố trí rồi. Khoản dự phòng 10% trung hạn thì cũng đang được cân đong, đo đếm cho rất nhiều dự án. Chúng tôi cố gắng tranh thủ nguồn vốn này nhưng không biết Quốc hội có đồng thuận hay không. Để đảm bảo sự êm thuận cho QL53, trước mắt, chúng tôi sẽ sử dụng vốn quỹ Bảo trì đường bộ, chỉ đạo Tổng cục đường bộ VN tiến hành khảo, sát sửa chữa mặt đường, đáp ứng yêu cầu phục vụ người dân. Chúng tôi sẽ ưu tiên cầu yếu nhiều hơn. Ngay sau kỳ họp này, chúng tôi sẽ chỉ đạo TCĐB kiểm tra QL53 ngay.
Riêng QL54, ở Đồng Tháp và Trà Vinh đã được mở rộng nâng cấp. Nhưng đoạn ở Vĩnh Long còn nhỏ hẹp, xuống cấp. Việc này chúng tôi đã nắm. Trong Kế hoạch trung hạn vừa qua, chúng tôi đã đưa việc sửa chữa QL54 trình Chính phủ, Quốc hội để bố trí vốn. Tuy nhiên, do dự án chưa được ưu tiên nên khi Quốc hội biểu quyết thì dự án này không nằm trong danh mục.
Sắp tới, Bộ GTVT sẽ phối hợp với UBND tỉnh Vĩnh Long, nghiên cứu tham mưu cho Bộ, ngành, Chính phủ để duy tu, sửa chữa mặt đường hiện nay, để đáp ứng nhu cầu vận tải trong khu vực.
Về lâu dài, chúng tôi sẽ kiên trì chuẩn bị hồ sơ, báo cáo Quốc hội. Nếu không bố trí được nhiệm kỳ này thì cố gắng trong nhiệm kỳ sau (2020 – 2025).
TẤT CẢ CÁC DỰ ÁN BOT ĐỀU MỜI THẦU CÔNG KHAI
ĐB Trương Trọng Nghĩa đặt câu hỏi chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể
ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP HCM): Việc xét duyệt dự toán, quyết toán, đặt trạm thu phí và phê duyệt thời gian thu phí trong các dự án BOT, định giá công trình hạ tầng hoặc đất, bất động sản đổi cho nhà đầu tư trong dự án BT có ý nghĩa quyết định hiệu quả đầu tư và chống tham nhũng tiêu cực. Một số dự án BOT cử tri nghi vấn có thất thoát lớn. Xin Chính phủ cho biết đã kiểm tra, xử lý như thế nào? Giải pháp sắp tới?
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể: Vừa qua, chúng tôi tổ chức đấu thầu dự án BOT. Không dự án nào không tổ chức đấu thầu, không mời thầu công khai trên trang web đấu thầu của Bộ KH-ĐT trong thời hạn một tháng theo quy định. Trong thời gian này, những nhà đầu tư quan tâm sẽ nghiên cứu thông tin, nghiên cứu hồ sơ để tham gia.
Với những dự án có 2 nhà đầu tư tham gia trở lên, Bộ sẽ tổ chức tham gia đấu thầu theo luật định. Tuy nhiên, trong giai đoạn đó, chúng ta triển khai rất nhiều dự án BOT. Nhiều nhà đầu tư chưa rành thủ tục hoặc vẫn đang có nhiều công việc nên không tham gia. Nhiều dự án chỉ có một nhà đầu tư tham gia nên Bộ GTVT không thể tổ chức đấu thầu. Một số dự án chúng tôi kéo dài thời gian thông báo trên trang web đấu thầu để mong muốn có thêm nhà đầu tư nhưng không có. Luật cho phép Bộ GTVT chỉ định thầu nếu chỉ có 1 nhà thầu tham gia.
Việc này đã được TTCP, cơ quan chức năng nhất là Bộ KH-ĐT giám sát chặt chẽ. Việc đấu thầu có hình thức hay không, tôi xin trả lời là Luật Đấu thầu của ta hết sức chặt chẽ. Cơ quan chức năng hiện nay cũng tăng cường kiểm tra giám sát việc thực hiện Luật. Nếu phát hiện có việc thông thầu, vi phạm Luật, căn cứ vào Luật Đấu thầu sẽ xử lý nghiêm.
Về việc một số dự án kéo dài gây lãng phí, việc này là có. Khi tham gia đấu thầu, nhà thầu đều mong muốn nhận được nhiều công trình dự án.
Một số nhà thầu trúng nhiều dự án, rải rác ở địa phương. Vấn đề phối hợp giữa các bộ, ngành địa phương chưa chặt chẽ. Một số dự án sau khi trúng thầu, năng lực tài chính không đáp ứng được nên một số công trình chậm.
Về góc độ quản lý ngành, chúng tôi họp giao ban hàng tháng, hàng quý, thậm chí hàng tuần để đảm bảo dự án hoàn thành đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng, tránh lãng phí.
Về ý kiến cho rằng xét duyệt dự toán, vị trí đặt trạm thu phí BT, BOT có thể dẫn đến thất thoát, tôi xin trả lời là chúng tôi đã làm hoàn toàn đúng quy định của pháp luật.
Thời gian qua, khi thực hiện các dự án BOT, Bộ GTVT đề nghị Bộ Xây dựng chỉ đạo viện Kinh tế của Bộ Xây dựng thẩm tra dự toán cho Bộ GTVT. Những dự án BOT khi triển khai, những quy định về vị trí, mức thu đều được giám sát chặt chẽ.
Về giải pháp lâu dài, sau khi dự án được duyệt, dự phòng rất lớn. Nên hiện nay, với những dự án sẽ triển khai, thực hiện chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, sau khi dự án được duyệt, Bộ GTVT sẽ tiến hành lập hồ sơ thiết kế kỹ thuật dự toán, phê duyệt hồ sơ dự toán của hồ sơ thiết kế kỹ thuật để sao cho gần sát với thực tế, tránh tình trạng ký hợp đồng cao nhưng thực tế lại thấp. Việc này chúng tôi đã triển khai cho dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông và các dự án hiện nay.
NĂM 2020 NỐI THÔNG CAO TỐC TRUNG LƯƠNG - MỸ THUẬN SAU NHIỀU KHÓ KHĂN VỀ VỐN
ĐB Phạm Hồng Vân: Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận và Mỹ Thuận - Cần Thơ triển khai đến đâu? Bộ trưởng có cam kết sẽ đưa dự án sử dụng vào năm 2020?
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể: Vừa qua chúng ta triển khai dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận tiến độ rất chậm. Mấu chốt là do chưa thu xếp được vốn. Dự án này lên tới gần 10 nghìn tỷ, một con số rất lớn. Và đặc biệt là do chưa có kế hoạch xây dựng, dự án cầu Mỹ Thuận 2 cũng chưa được triển khai nên nhà đầu tư chưa thấy hấp dẫn. Nếu chúng ta có cầu Mỹ Thuận 2, có được cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, thì toàn bộ cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ chạy thẳng từ TP HCM về, hiệu quả kinh tế rất cao.
Kỳ họp trước, Quốc hội đã biểu quyết xây dựng cầu Mỹ Thuận 2. Hiện Bộ GTVT đang tập trung, tháng 9 này sẽ phê duyệt dự án.
Vì có cầu Mỹ Thuận 2 cộng với việc có Thông tư 75 của Bộ Tài chính, nhà đầu tư BOT Trung Lương - Mỹ Thuận đã thu xếp vốn của 5 ngân hàng, tài trợ khoảng 7.500 tỷ đồng, cùng với vốn của nhà đầu tư thì chúng ta đã đủ điều kiện để triển khai dự án này. Hiện nay, đã giải phóng mặt bằng được 49/51 km. Chúng tôi cố gắng đến 2020 sẽ thông được cao tốc từ Trung Lương đến Mỹ Thuận.
Riêng đoạn Mỹ Thuận - Cần Thơ, chúng tôi đã mời thầu 1 tháng theo đúng quy trình. Hiện đã có 4 liên danh nhà đầu tư tham gia. Hiện Bộ GTVT đang sơ tuyển các điều kiện bắt buộc với các dự án. Sau khi sơ tuyển, chúng tôi sẽ chính thức đấu thầu, dự kiến vào tháng 7, tháng 8.
CHỈ ĐỊNH THẦU: LÀM THEO LUẬT, CHỈ NHỮNG GÌ ĐƯỢC PHÉP, BỘ GTVT MỚI LÀM
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể trả lời chung các ĐB tranh luận lại (các ĐB Hoàng Quang Hàm, Nguyễn Thanh Hồng, Mai Sỹ Diến, Trương Trọng Nghĩa, Nguyễn Văn Chiến, Phùng Đức Tiến)
Về thể chế, chúng tôi tiếp thu ý kiến đại biểu. Ban hành Luật Đầu tư theo hình thức PPP thì sẽ giải quyết được những vấn đề hiện nay. Trước đây chúng ta chưa có Luật, Nghị định cũng chưa hoàn chỉnh, chúng tôi cũng chỉ bám theo những quy định tại thời điểm đó.
Nhóm vấn đề liên quan đến người dân, khi triển khai dự án, chúng tôi đã lấy ý kiến của UBND các cấp. Chúng ta cũng chưa có quy định cụ thể là lấy ý kiến ai, cụ thể như thế nào, do đó, trong quá trình làm, chúng tôi đều thống nhất với UBND, thậm chí UBND các cấp triển khai giải phóng mặt bằng để triển khai dự án. Tại một số địa phương, chúng tôi còn lấy ý kiến của đoàn đại biểu Quốc hội. Khi thực hiện dự án, chúng tôi căn cứ vào quy hoạch và chấp hành nghiêm.
Một số dự án chúng ta thấy rằng dân xây dựng nhà nhiều nhưng cốt nền không đồng đều. Chúng ta phải lấy bình quân, đảm bảo cốt theo quy định nên một số hộ nền nhà thấp, chúng tôi đã triển khai các đường dân sinh, đường gom kết nối.
Về chi phí qua trạm BOT, chúng tôi cố gắng giảm thấp nhất. Về lâu dài, thì chúng ta sẽ chỉ triển khai trên đường song hành.
Về tranh chấp giữa nhà đầu tư với Bộ GTVT và các cơ quan có liên quan, chúng ta sẽ thực hiện theo đúng Luật Dân sự.
Đối với việc chỉ định thầu, sẽ triển khai theo quy định của luật. Việc gì cho phép, Bộ mới làm. Có những dự án, chúng tôi phải xin và có ý kiến của Thủ tướng Chính phủ chúng tôi mới triển khai. Việc làm này hết sức công khai, minh bạch. Cơ quan nhà nước có thể kiểm tra, xử lý vi phạm.
Về một số công trình dân sinh thiết kế chưa hợp lý, trong quá trình thực hiện, chúng tôi đã có điều chỉnh. Trong khả năng dự án còn tài chính chúng tôi đều có điều chỉnh bổ sung đảm bảo phương án tốt nhất có thể cho người dân.
Về trách nhiệm cá nhân có liên quan với những kết luận của kiểm toán, tôi xin nhắc lại, kiểm toán chỉ ra thời gian giảm là do chúng ta chưa sử dụng dự phòng. Giai đoạn triển khai dự án, lãi suất ngân hàng rất cao. Lập dự án lúc đó phải căn cứ vào mức lãi suất nào. Những phần dự phòng không cần dùng đến, hoặc đẩy nhanh tiến độ, hoặc làm hồ sơ kỹ nên không phát sinh khối lượng... Những phần không sử dụng này không phải là thất thoát.
Hợp đồng nêu rõ là chúng ta sẽ căn cứ vào kết quả quyết toán để điều chỉnh thời gian thu phí. Việc ký ban đầu là ký hợp đồng trên dự án để nhà đầu tư có điều kiện để triển khai các bước tiếp theo.
ĐB Cao Thị Xuân (Thanh Hoá): Các dự án đầu tư vừa qua đều chỉ định thầu. Nhà đầu tư được chỉ định thầu lại bán lại để hưởng chênh lệch. Bộ trưởng lý giải thế nào về việc này?
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể: Qua báo cáo giám sát của Uỷ ban TVQH, tất cả dự án sau khi chúng ta triển khai mở rộng nâng cấp QL1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên, sau giai đoạn 2011-2012 chúng tôi đều tổ chức đấu thầu đúng quy định. Việc này có thể giám sát qua trang web đấu thầu của Bộ KH-ĐT.
Dự án QL1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên là dự án trọng điểm, chúng ta thực hiện theo Nghị quyết 13, tại thời điểm triển khai dự án thì thời gian rất cấp bách, thời điểm đó các Bộ ngành, đặc biệt là Bộ GTVT đã nghiên cứu nhiều giải pháp để xin chủ trương của Chính phủ. Bộ GTVT cũng đã có văn bản kiến nghị Thủ tướng và Chính phủ xem xét cho chỉ định thầu để triển khai nhanh.
Và Thủ tướng đã có quyết định chỉ định thầu các gói thầu liên quan đến dự án QL1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên. Số liệu giám sát cho thấy chỉ có 1 dự án chỉ định thầu, còn các dự án sau đó đều được đấu thầu hết.
NHIỀU DỰ ÁN THU PHÍ HỞ CÒN BẤT CẬP
ĐB Nguyễn Thị Kim Bé (An Giang): Người dân chỉ tham gia giao thông vài trăm mét tại trạm BOT T2 ở Lộ Tẻ (Kiên Giang) nhưng phải trả tiền cả tuyến. Vậy có công bằng?
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể: Với dự án QL91 qua trạm T2, chúng tôi khẳng định việc xây dựng các dự án BOT và tổ chức thu phí thì 1 dự án bố trí 1 trạm, nhưng đây là dự án có nhiều bất cập liên quan đến đi lại của người dân, có thể đi gần qua trạm nhưng phải trả phí, rồi đường giao cắt ngang xuyên qua trạm cự ly ngắn vẫn phải trả phí. Đây là hình thức bất khả kháng vì đường có dân sinh sống nên với mật độ dân cư và đường giao thông dày thì ta không thể nào tổ chức thu phí kín, vì không thể đền bù GPMB.
Do đó chúng tôi báo cáo Quốc hội, những dự án thu phí hở có những bất cập, chúng tôi cũng rất mong chính quyền địa phương và bà con thông cảm. Chúng tôi đã thực hiện miễn giảm mức thu qua trạm T2 rất lớn, toàn bộ bà con sống trong khu vực được xem xét miễn giảm.
Thời gian qua, Bộ GTVT đã làm việc với UBND các cấp của tỉnh An Giang rất nhiều lần, chúng tôi xin tiếp thu ý kiến của đại biểu, sau kỳ họp này chúng tôi sẽ giao Tổng cục đường bộ phối hợp với chính quyền địa phương rà soát một cách kỹ lưỡng tất cả các phương án để đưa ra phương án hợp lý.
Hiện nay, theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ GTVT tổ chức thu phí kín toàn bộ. Tức là Bộ GTVT làm đường song hành với đường hiện hữu và vận hành dự án này như một đường cao tốc. Toàn bộ việc thu phí là thu phí kín.
ĐẠI BIỂU TRUY TRÁCH NHIỆM XE QUÁ TẢI: BỘ TRƯỞNG NÓI CÒN 10%
ĐB Dương Minh Tuấn (Bà Rịa Vũng Tàu): Vừa qua chúng ta bỏ ra nhiều tiền duy tu cầu đường nhưng xe quá tải phá nát đường dân sinh liên tục xảy ra vừa qua, không những vi phạm pháp luật mà còn tiềm ẩn nguy cơ TNGT rất cao nhưng chưa được xử lý triệt để. Xin Bộ trưởng cho biết tồn tại này thuộc trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân nào? Theo Bộ trưởng, tình trạng trên có giải quyết dứt điểm được hay không?
Việc đầu tư nâng cấp hạ tầng thì Nhà nước bỏ ra kinh phí lớn, việc tổ chức, quản lý vận tải và bảo dưỡng con đường này là trách nhiệm rất lớn của ngành giao thông và nhiều đơn vị.
Vừa qua chúng ta đã tổ chức nhiều đợt tăng cường tuần tra kiểm soát, xử lý xe quá khổ quá tải hoạt động ở các tuyến đường.
Trước năm 2011-2012, tỷ lệ xe quá khổ quá tải rất phổ biến, sau một quá trình ta làm quyết liệt, hiện nay theo thống kê của Tổng cục đường bộ chỉ còn khoảng 10% xe quá khổ, quá tải và các xe này hoạt động phạm vi hẹp, ít đi tuyến xuyên qua các tỉnh vì công tác tuần tra kiểm soát rất kỹ.
Chúng tôi xin tiếp thu ý kiến của đại biểu, Bộ GTVT sẽ chỉ đạo Tổng cục Đường bộ Vn phối hợp với cơ quan chức năng như CSGT để tăng cường tuần tra, kiểm soát xử lý tận gốc tình trạng này, bảo vệ các con đường Nhà nước đầu tư cho nhân dân.
PHẢI ĐIỀU CHỈNH QUY HOẠCH TỔNG THỂ CÁC THÀNH PHỐ LỚN
ĐB Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình): Dù đã thực hiện rất nhiều giải pháp song thời gian qua tình trạng ùn tắc giao thông tại các thành phố lớn vẫn chưa được giải quyết. Cử tri cho rằng bộ ngành, cơ quan chức năng còn thiếu quyết tâm trọng việc phân công tổ chức thực hiện giải pháp khắc phục ùn tắc giao thông. Đề nghị Bộ trưởng cho biết trách nhiệm thực hiện giải pháp giải quyết tình trạng này?
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể:Tình trạng ùn tắc giao thông diễn biến phức tạp tại các thành phố lớn, dù đã triển khai nhiều giải pháp nhưng chưa có hiệu quả cao mặc dù thời gian qua Chính phủ và các bộ ngành địa phương đã rất quyết tâm vào cuộc.
Chúng ta có thể thấy các đô thị lớn đều đã tồn tại và phát triển hàng trăm năm với rất nhiều lần điều chỉnh quy hoạch, tuy nhiên trong nhiều giai đoạn quy hoạch lại không sát với thực tiễn. Cá nhân tôi nhận thấy rằng cần có điều chỉnh tổng thể quy hoạch tại thành phố lớn, qua đó giám sát thật chặt việc thực hiện quy hoạch, đặc biệt tại các khu đô thị mới. Từ đó mới hy vọng có giải quyết căn cơ để giảm tình trạng ùn tắc giao thông.
TAI NẠN GIẢM NHƯNG VẪN CÒN Ở MỨC CAO: PHẢI KIỂM ĐIỂM TRÁCH NHIỆM
ĐB Nguyễn Thị Xuân Thu (Khánh Hòa): Báo cáo của Bộ GTVT cho thấy thời gian qua, TNGT mỗi năm đã cướp đi 8-10 nghìn sinh mạng, 20 nghìn người rơi vào cảnh tàn phế. Xin được hỏi Bộ trưởng có giải pháp nào hiệu qủa hơn để giảm TNGT trong thời gian tới?
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể: Thời gian qua, số người chết do TNGT đã giảm song vẫn còn cao. Cụ thể, năm 2017 cả nước có khoảng 8.700 người chết vì TNGT, trong khi đó giai đoạn 2011-2012 con số này cao hơn nhiều, vào khoảng 11.500 người chết.
Chúng ta đã thực hiện các giải pháp liên quan, tuy nhiên chúng tôi xin tiếp thu ý kiến của đại biểu để cùng với Ủy ban ATGT Quốc gia tăng cường các biện pháp kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Qua đây chúng tôi cũng mong người dân cả nước khi tham gia giao thông cần quan tâm chấp hành tốt Luật Giao thông đường bộ.
ĐB Mai Sỹ Diến (Thanh Hóa): Báo cáo của Bộ GTVT về TNGT 2017 vẫn còn 13 tỉnh thành có tai nạn giao thông tăng từ 1- 3 tiêu chí. Nguyên nhân, theo Bộ trưởng nêu là do công tác chỉ đạo điều hành của một số địa phương còn hạn chế, công tác xử lý vi phạm chưa triệt để, ý thức chấp hành của một bộ phận người tham gia giao thông chưa cao.
Khi liên tục xảy ra các vụ TNGT đường sắt vừa qua, Bộ trưởng hoàn toàn nhận trách nhiệm cá nhân. Nhưng tôi thấy thiếu trách nhiệm của Bộ GTVT trong các vụ TNGT năm 2017 vừa qua.
Thứ hai, Bộ trưởng chưa trả lời tranh luận về bình đẳng trong cung cầu thực hiện BOT.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể: Trong nhiều cuộc họp về ATGT, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hoà Bình - Chủ tịch Uỷ ban ATGT Quốc gia đều nghiêm khắc phê bình các địa phương để xảy ra TNGT tăng từ 1 - 3 tiêu chí. Phó Thủ tướng đã chỉ đạo hết sức quyết liệt, yêu cầu các địa phương có báo cáo, giải trình cũng như đưa ra giải pháp kiềm chế tai nạn.
Tuy nhiên, TNGT không được kiềm chế, tai nạn vẫn xảy ra thì chúng ta cũng cần kiểm điểm để xem trách nhiệm của Ban ATGT các địa phương, của Bộ GTVT, của Bộ Công an như thế nào.
Phía Bộ GTVT, chúng tôi nghiêm túc tiếp thu. Chúng tôi sẽ chỉ đạo lực lượng thanh tra giao thông, chỉ đạo Tổng cục đường bộ tăng cường tuần tra kiểm soát, cố gắng chỉ đạo đúng ý kiến chỉ đạo của Chính phủ là giảm 5 - 10% số vụ, số người chết và số người bị thương vì TNGT.
Về ý kiến liên quan đến việc bình đẳng trong sử dụng dịch vụ BOT, hiện nay chúng ta thực hiện Nghị quyết 437 và các dự án mới, chúng ta sẽ làm trên đường song hành. Như thế sẽ rất công bằng, chúng ta thích đi nhanh, đường đẹp thì sẽ trả chi phí. Chúng ta không muốn thì đi đường hiện hữu.
TỪ VỤ "CÂY QUÁI THÚ": VI PHẠM GIAO THÔNG VẪN DIỄN RA NGHIÊM TRỌNG
Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận): Việc phương tiện không đủ điều kiện mà vẫn lưu hành, đồng chí Bộ trưởng Bộ GTVT nhiệm kỳ trước cho rằng do chủ phương tiện đối phó. Ô tô đi đăng kiểm, mượn thùng bệ và nhiều phụ tùng khác để đăng kiểm, sau đó về thì thay đổi hết. Bộ trưởng có giải quyết được tình trạng này hay không?
Việc vi phạm giao thông rất tràn lan nhưng xử lý chỉ 15 – 20%. Số còn lại bị bỏ qua hoặc nhận tiền chung chi. Bộ trưởng đánh giá như thế nào về lực lượng kiểm soát giao thông hiện nay?
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể: Đúng là có hiện tượng này. Bộ GTVT cùng cơ quan chức năng của Bộ như Cục Đăng kiểm VN đã triển khai nhiều giải pháp. Giải pháp căn cơ là trong giấy phép lưu hành của các phương tiện, nhất là xe tải, chúng tôi đã ghi lại hình ảnh kích thước của thùng. Khi cơ quan chức năng kiểm tra, nếu phát hiện thùng xe không đúng như kích thước trong giấy phép thì hoàn toàn có thể xử lý, tránh tình trạng khi đăng kiểm thì sử dụng thùng xe nhỏ, lưu hành thì sử dụng thùng xe lớn. Bộ đã triển khai, trong tất cả hồ sơ đăng kiểm hiện nay đều có hình ảnh này. Nếu các ngành chức năng phối hợp chặt chẽ, tăng cường kiểm tra thì hoàn toàn có thể xử lý.
Về công tác xử phạt, việc vi phạm Luật Giao thông đường bộ tương đối phổ biến. Mức độ xử phạt như đại biểu phản ánh, bản thân tôi không xác định được. Tôi không bình luận về con số này. Khi xử phạt có cả thanh tra giao thông, cảnh sát giao thông, chính quyền địa phương.
Tuy nhiên, tôi thống nhất nhận định tình hình vi phạm diễn ra nghiêm trọng. Khi xử lý vi phạm, vẫn có một số vụ việc bị bỏ qua. Chúng tôi xin tiếp thu nghiêm túc. Sắp tới, Ủy ban ATGT quốc gia cùng với Bộ GTVT sẽ chỉ đạo quyết liệt để các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra xử lý.
ĐB Nguyễn Sỹ Cương tranh luận: Chúng tôi biết là có giải pháp về đăng kiểm, có hình ảnh nhưng sao các phương tiện quá khổ, quá tải vẫn lộng hành? Liệu đây đã là giải pháp triệt để? Liệu có cần phải thu hồi giấy chứng nhận đăng kiểm đó hay không?
Vừa rồi có cây quái thú lọt qua trạm kiểm soát giao thông của 16 tỉnh. Tôi cho rằng lực lượng kiểm soát giao thông có vấn đề.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể: Việc chúng ta dùng hình ảnh, kích thước để quản lý hiện do Bộ GTVT đang triển khai. Để xử lý triệt để, chúng ta cũng có những chế tài. Nếu các chủ phương tiện không thực hiện nghiêm, chúng tôi có thể thu hồi giấy phép hoặc xử lý về hành chính. Nếu cả hệ thống chính trị quyết tâm vào cuộc, không riêng gì ngành GTVT, tăng cường kiểm tra ở quốc lộ, huyện lộ, tỉnh lộ cũng như khu dân cư thì sẽ giải quyết triệt để được hiện tượng này.
Về việc xử phạt vi phạm luật ở các đô thị, bản thân tôi thấy vi phạm không đội mũ bảo hiểm còn diễn biến phức tạp. Vẫn còn trường hợp lực lượng chức năng bỏ qua, không xử lý. Tôi nghĩ rằng, trong giờ cao điểm, nếu chúng ta dừng lại để xử phạt thì có thể ảnh hưởng đến giao thông. Tuy nhiên, tôi cũng không đồng tình việc bỏ qua không xử lý vi phạm mà khi phát hiện phải có biện pháp xử lý nghiêm.
Việc vận chuyển 1 cây lớn qua nhiều tỉnh như đại biểu nêu, các cơ quan chức năng đã vào cuộc. PTT Trương Hoà Bình đã yêu cầu kiểm tra, rà soát và xử lý nghiêm, xử đúng người đúng tội.
ĐẦU TƯ QUỐC LỘ QUA CÁC ĐỊA PHƯƠNG, CẦN QUỐC HỘI, CHÍNH PHỦ THÔNG QUA
ĐB Đinh Duy Vượt (Gia Lai):Cách đây gần 2 năm, Đoàn đại biểu QH Gia Lai đã chất vấn về con đường "gian khổ, nguy hiểm" QL19, QL25. Nhưng hiện nay vẫn nguyên bức xúc. Đề nghị Bộ trưởng trả lời một lần nữa về thời điểm triển khai để nhân dân vững tin và hy vọng.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể: Liên quan đến QL19 và QL25, đường nối 2 địa phương có 2 trạm thu phí, đoạn ở giữa đang xuống cấp. Chúng tôi xác định rõ một số con đường mang tính trọng điểm khu vực, có ý nghĩa lớn với không chỉ một địa phương.
Trong kế hoạch trung hạn, Bộ GTVT đã xây dựng cần tới 952 nghìn tỷ. Nhưng khi Quốc hội biểu quyết, căn cứ vào tình hình phát triển kinh tế, chúng ta chỉ bố trí được 292 nghìn tỷ. Con đường này chưa nằm trong danh mục đầu tư công trung hạn. Chúng ta cũng không thể triển khai đường này theo hình thức BOT vì đây là đường độc đạo.
Bộ GTVT cùng với địa phương sẽ phối hợp chặt chẽ, tham mưu Chính phủ, qua Bộ KHĐT để tranh thủ các nguồn vốn có thể bố trí được trong nhiệm kỳ này. Chúng ta còn gần 10% dự phòng. Nếu QH, Chính phủ, các bộ, ngành đồng thuận, có kinh phí thì chúng ta sẽ triển khai con đường này.
ĐB Hứa Văn Nghĩa (Trà Vinh): Dự án QL53 từ TP Trà Vinh đến Long Toàn chiều dài 43 km là tuyến đường chính nối trung tâm của tỉnh đến 1 trong 8 khu kinh tế trọng điểm của cả nước đã được GPMB thi công dở dang một số đoạn nhưng bị đình hoãn từ năm 2011. Hiện tuyến đường đang xuống cấp nghiêm trọng, gây bức xúc trong nhân dân, không đáp ứng được yêu cầu phát triển KTXH của tỉnh. Đã có nhiều ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước là tiếp tục nâng cấp tuyến đường này. Xin Bộ trưởng cho biết khi nào thì triển khai?
Thứ hai, công trình cầu Đại Ngãi trên QL 60 là công trình cử tri rất mong đợi đã được khởi động từ năm 2015 nhưng đến nay chưa được khởi công. Xin Bộ trưởng cho biết khi nào có thể khởi công dự án này?
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể:QL53 đoạn Trà Vinh - Long Toàn là con đường hết sức quan trọng kết nói Trà Vinh với khu nhiệt điện duyên hải của tỉnh Trà Vinh. Thời gian qua, Bộ GTVT đã tiến hành GPMB, xây dựng một số đoạn, một số công trình. Tuy nhiên, thực hiện Nghị quyết 11 về dừng, giãn hoãn một số dự án, do đó dự án này bị dừng lại.
Vừa qua, Bộ GTVT đã nghiên cứu tiến hành đầu tư theo hình thức BOT nhưng chúng tôi quyết định không triển khai vì đây là đường hiện hữu, nếu triển khai theo hình thức BOT sẽ trái với Nghị quyết của Quốc hội.
Chúng tôi đã phối hợp với UBND tỉnh Trà Vinh tham mưu cho Quốc hội đưa dự án này vào danh mục các dự án thực hiện khoản 15 nghìn tỷ, tuy nhiên, do đang kỳ họp Quốc hội nên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội chưa xem xét. Sau khi Uỷ ban Thường vụ có chủ trương về khoản 15 nghìn tỷ này, chúng ta sẽ triển khai nâng cấp ngay vì chúng ta đã có mặt bằng rồi.
Riêng với cầu Đại Ngãi, trước đây chúng ta dự định triển khai theo hình thức PPP, Nhà nước sẽ cân đối ngân sách 3 nghìn tỷ đồng, nhà đầu tư bỏ ra 2.700 tỷ để xây dựng cầu này. Tuy nhiên, sau khi cân đối nguồn vốn trung hạn giảm từ 952 nghìn tỷ xuống còn 292 nghìn tỷ thì Quốc hội không bố trí được 3 nghìn tỷ phần vốn Nhà nước. Chính vì vậy, chúng ta không thể triển khai cây cầu theo hình thức PPP.
Vừa qua, để giải quyết nhu cầu của địa phương, Chính phủ đã chỉ đạo đưa dự án này vào danh mục sử dụng nguồn vốn ODA của Nhật Bản. Nhật cũng đã tài trợ cho chúng ta 3 triệu USD để nghiên cứu dự án cầu Đại Ngãi. Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cũng đã có văn bản giao Bộ KH-ĐT tiến hành thẩm định dự án. Bộ GTVT sẽ phối hợp chặt chẽ. Đối với Chính phủ Việt Nam, đây là một trong những dự án ưu tiên. Nếu dự án hoàn thành, trình Quốc hội, Quốc hội đồng ý cho vay ODA thì công trình sẽ được triển khai theo kế hoạch mới.
ĐB Trần Văn Quý (Hưng Yên): Cử tri Hưng Yên và Hà Nam đang đánh giá có sự lãng phí trong việc đầu tư dự án cầu Hưng Hà đoạn đường nối đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng. Xin hỏi Bộ trưởng có đồng tình đánh giá trên hay không? Nếu có sự lãng phí thì giải pháp như thế nào để dự án sớm được hoàn thiện đi vào vận hành? Liệu nguyên nhân chính có phải do chậm phân bổ vốn?
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể: Bộ GTVT đã làm việc trực tiếp các địa phương Hà Nam, Hưng Yên, hiện đang trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định để có kinh phí hoàn thiện đoạn đường này. Khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua việc bố trí nguồn vốn hoàn thiện dự án, khi đi vào vận hành chắc chắn sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao.
ĐƯỜNG SẮT LẠC HẬU, TAI NẠN NHIỀU: VÌ SAO?
ĐB Tô Thị Bích Châu (TP HCM): Cử tri cho rằng chất lượng đường sắt hiện nay quá tệ. Đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp cụ thể tập trung nâng cao chất lượng hạ tầng đường sắt và giảm tối đa tai nạn đường sắt?
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể: Trong báo cáo với Quốc hội, Bộ GTVT nói rõ giao thông đường sắt, đặc biệt là tuyến đường sắt Bắc Nam là tuyến đường hết sức quan trọng, nếu giải quyết tốt sẽ giảm tải cho đường bộ rất nhiều và không cần đầu tư nhiều tiền phát triển hệ thống đường bộ. Tuy nhiên, phải nhìn nhận là thời gian qua chúng ta chưa có giải pháp hình thành tuyến đường sắt Bắc Nam đảm bảo đúng yêu cầu.
Đường sắt Bắc Nam hiện nay rất lạc hậu, và có những đoạn đường sắt đã hình thành 70-80 năm mà chưa có giải pháp nâng cấp. Chúng tôi nhận trách nhiệm của ngành trong công tác tham mưu, nâng cao chất lượng đường sắt.
Hiện nay còn 5.719 đường giao cắt với đường sắt, trong đó hơn 1.519 đường giao cắt do Tổng công ty Đường sắt VN tổ chức ở những đường cắt ngang lớn có nhiều phương tiện qua lại, còn lại đường giao cắt dân sinh là đường nhỏ kết nối các khu cụm dân cư, những đường giao cắt này luôn tiềm ẩn nguy cơ TNGT.
Với những đường giao cắt có tổ chức chúng ta quản lý tương đối tốt, nhưng đường giao cắt nhỏ lẻ đều có biển báo, hay biện pháp làm gờ giảm tốc, tuy nhiên việc chấp hành, tham gia giao thông thời gian qua không được nghiêm, dù có hiệu lệnh, biển báo nhưng không ít trường hợp không quan sát nên dẫn đến tai nạn.
Để chấn chỉnh, chúng tôi chỉ đạo Tổng ty đường sắt, tổ chức hội nghị trực tuyến với các tỉnh thành có đường sắt đi qua, cam kết với các địa phương sẽ tăng cường công tác quản lý, trách nhiệm nào của Bộ GTVT hay của địa phương, tăng cường tự động hoá hoặc đưa ra các giải pháp đảm bảo ATGT đường sắt tốt hơn. Về lâu dài Bộ GTVT đang chuẩn bị Đề án xây dựng tuyến đường sắt Bắc Nam tốc độ cao và chuẩn bị trình Quốc hội.
ĐB Dương Trung Quốc (Đồng Nai): Đường sắt là phương tiện công cộng cần được ưu tiên. Trước đây Việt Nam đã có hệ thống đường sắt hoàn thiện nhất Châu Á, để đường sắt như ngày hôm nay là do nhận thức của chúng ta. Cách đây 8 năm Quốc hội đã thẩm định và không tán thành xây đường sắt cao tốc Bắc Nam nhưng vẫn khẳng định cần tuyến đường sắt hoàn thiện. Tuy nhiên, những năm qua đường sắt dậm chân tại chỗ? Đề nghị Bộ trưởng chia sẻ quan điểm về đường sắt.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể: Với chất vấn của ĐB Dương Trung Quốc, tôi đồng tình cao. Đường sắt phải quản lý như đường cao tốc, đây là loại hình vận tải đặc biệt nên cần quản lý chặt chẽ, tránh việc xâm phạm phạm vi an toàn dẫn đến tai nạn. Về lâu dài chúng tôi đang tập trung xây dựng đề án tuyến đường sắt Bắc - Nam tốc độ cao báo cáo Quốc hội.
Về dự án đường sắt cách đây 8 năm trình Quốc hội và Quốc hội chưa thông qua, trách nhiệm thuộc về Bộ GTVT, nếu thấy cần thiết cho xã hội thì phải kiên trì đề xuất. Năm 2019, Bộ GTVT sẽ trình dự án đường sắt Bắc Nam tốc độ cao.
Bộ cũng đang triển khai các giải pháp cấp bách để chấn chỉnh tình hình TNGT, sắp tới Bộ sẽ tổ chức nhiều cuộc họp truyền thông nhiều hơn để mọi người nắm rõ, vì chúng tôi rất quan tâm đến đường sắt.
Đại biểu Dương Trung Quốc tiếp tục đặt lại câu hỏi: Phải chăng đầu tư đường sắt thì ít mang lại lợi ích cho các nhóm hơn, nên chúng ta ít chú trọng?
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể: Chúng tôi xem tất cả các lĩnh vực như nhau. Đường sắt có chi phí vận tải thấp so với các loại hình khác. Đường biển, đường thuỷ nội địa cũng vậy. Riêng đường bộ chi phí cao do phải đầu tư, duy tu sửa chữa lớn. Nhưng làm đường sắt cần nguồn vốn rất lớn, hàng chục tỷ USD. Nếu làm mới thì phải làm được song hành, khổ 1,435m, nếu Quốc hội thống nhất thì mới có thể triển khai được, đáng tiếc là chưa thể thông qua. Chúng tôi khẳng định không có phân biệt.
Nhưng chúng tôi xin tiếp thu ý kiến của đại biểu. Sắp tới, khi Quốc hội thông qua đề án, chúng tôi sẽ chọn những đoạn tuyến tốt như Hà Nội - Vinh, TP HCM - Nha Trang để triển khai trước.
Trước mắt, chúng tôi sẽ cố gắng phối hợp với địa phương đề ra các giải pháp để đảm bảo ATGT, hiệu quả.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhắc ltại kỳ họp thứ 4 Quốc hội đã đồng ý dùng 15.000 tỉ đồng trong giai đoạn trung hạn 2016-2020 để bổ sung đầu tư cho giao thông, trong đó có 7.000 tỉ cho đường sắt. "Đề nghị bộ trưởng về triển khai", Chủ tịch Quốc hội nói.
LÝ GIẢI CHUYỂN VỐN VAY 22 NGHÌN TỶ THÀNH VỐN CHÍNH PHỦ CẤP PHÁT
ĐB Hoàng Văn Cường (Hà Nội): Theo quy định của Luật quản lý đầu tư công, chúng ta không phép chuyển vốn vay thành vốn cấp phát. Trên cơ sở nào Bộ GTVT vẫn đề nghị chuyển vốn vay 22 nghìn tỷ đầu tư 4 dự án của VEC thành vốn Chính phủ sẽ cấp phát?
Việc này đã xảy ra rất lâu khi chưa có Luật đầu tư công và Nghị quyết 07 của Bộ chính trị thì Chính phủ đã có quyết định bố trí vốn cho VEC, do Tổng công ty này thực hiện một số đường cao tốc vừa mang yếu tố kinh tế kỹ thuật vừa đảm bảo quốc phòng an ninh và kinh tế xã hội.
Như tuyến cao tốc Hà Nội-Lào Cai, không chỉ là đột phá cho vùng Tây Bắc, mà còn đảm bảo an ninh quốc phòng và an sinh xã hội, do đó nguồn thu từ dự án này cũng không thể nào bù đắp như 1 dự án BOT bình thường. Thủ tướng đã quyết định giao vốn cho những dự án này. Nhưng thủ tục chưa khép kín, làm chậm và chưa xong.
Hiện nay khoản tiền này, Chính phủ đã đồng ý nhưng thủ tục thì chưa trình và báo cáo Quốc hội, do đó, những dự án này mang yếu tốc chính trị, kinh tế đặc biệt quan trọng, có ý kiến chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng nên Bộ GTVT kiến nghị Quốc hội xem xét, còn Bộ GTVT chấp hành nghiêm quyết định của Quốc hội.
Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân: Đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài chính trả lời câu hỏi của ĐB Hoàng Văn Cường.
Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng:
Nghị quyết 07 của Bộ Chính trị quy định không chuyển nguồn vốn vay bảo lãnh Chính phủ thành nguồn vốn cấp ngân sách. Bộ Chính trị đã có Nghị quyết về tái cơ cấu ngân sách, đảm bảo an toàn nợ công.
Luật Quản lý nợ công cũng đã thể chế hoá nguyên tắc trên, có hiệu lực thi hành từ 1/7/2018. Đối với các dự án của VEC, có 5 dự án được triển khai từ năm 2008, Chính phủ vay ODA theo cơ chế vay và cho vay lại. Trong quá trình triển khai đến nay, các khoản giải ngân ghi tạm vào nợ công. Đến năm 2013, Thủ tướng đã có quyết định 2072 cho phép chuyển từ cơ chế vay về cho vay lại sang cơ chế nhà nước đầu tư. Lý do là do khó khăn trong quá trình hoàn vốn như Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đã báo cáo Quốc hội.
Trong kế hoạch đầu tư 2016 – 2020, Quốc hội đã bố trí dự toán cho 5 dự án này là 22 nghìn tỷ. Thực tế, giai đoạn 2008 – 2016, chúng ta đã giải ngân trên 26 nghìn tỷ. Trong báo cáo của Chính phủ với Quốc hội đã đề cập vấn đề này. Uỷ ban Thường vụ quốc hội cũng đã đề nghị cần có báo cáo tổng thể triển khai 5 dự án cũng như cơ chế quản lý vốn vay thành vốn cấp phát. Thường vụ Quốc hội cũng đã yêu cầu Chính phủ báo cáo lại Bộ Chính trị về nội dung này trước khi báo cáo quốc hội. Chính phủ đã giao Bộ KHĐT tổng hợp báo cáo. Hiện chúng tôi đang chuẩn bị báo cáo này.
ĐB Hoàng Văn Hùng (Thái Nguyên): Với mục tiêu đáp ứng giảm tải giảm ùn tắc QL 3, phục vụ phát triển KT-XH, Bộ GTVT cho xây cao tốc Thái Nguyên-Bắc Kạn theo hình thức BOT và sửa chữa QL3 cũ. Tuy nhiên cử tri Thái Nguyên kiến nghị bỏ trạm này. Quan điểm của Bộ GTVT?
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể: Việc đặt 2 trạm BOT trên QL3 cũ và cao tốc mới Thái Nguyên-Bắc Kạn, Bộ GTVT đã nhiều lần làm việc với UBND tỉnh Thái Nguyên, bàn nhiều giải pháp trong đó có giải pháp hoàn chỉnh mở rộng đường cao tốc Hà Nội- Thái Nguyên, đây là dự án hoàn toàn sử dụng vốn ODA. Nếu được Chính phủ chấp thuận thì sẽ không tổ chức thu phí trên QL3 cũ, thay vào đó sẽ đặt trạm BOT trên đường cao tốc mới Hà Nội- Thái Nguyên và Thái Nguyên-Bắc Kạn.
Với phương án này chúng ta có khả năng hoàn vốn dự án. Tuy nhiên, vấn đề này còn liên quan tới nhiều bộ ngành nên Bộ GTVT sẽ tiếp thu ý kiến phối hợp để nghiên cứu tham mưu giải pháp, khi nào Chính phủ quyết định sẽ đảm bảo tổ chức thực hiện ngay.
ĐB Trần Thị Hằng (Bắc Ninh): Đề nghị Bộ GTVT xem xét việc tạm dừng, giãn Dự án tuyến đường sắt Yên Viên- Phả Lại, Hạ Long-Cái Lân đã được cho phép đầu tư từ 2004. Vấn đề này Bộ trưởng đã trả lời cử tri song vẫn đề nghị Bộ trưởng làm rõ hơn bao giờ dự án này được khởi động trở lại, đường gom dân sinh bao giờ được thực hiện tránh sự lãng phí bởi tới nay dự án đã cơ bản đã hoàn thành đền bù giải phóng mặt bằng?
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể: Liên quan tới Dự án đường sắt kết nối Yên Viên-Phả Lại triển khai từ 2004, giai đoạn đầu tập trung giải phóng mặt bằng, thi công mặt đường… tuy nhiên tới giai đoạn 2008-2009, nền kinh tế rơi vào lạm phát tăng cao, ngân sách khó khăn, Chính phủ đã quyết định dừng, giãn một số dự án có mức đầu tư lớn, thực hiện trong thời gian dài.
Tới thời điểm này, việc khởi động dự án tuyến đường sắt trên phụ thuộc vào ý kiến của của Quốc hội. Về trách nhiệm của mình, Bộ GTVT cam kết phối hợp với chính quyền địa phương sớm giải quyết thỏa đáng quyền và lợi ích hợp pháp của người dân liên quan tới giải phóng mặt bằng.
SO SÁNH SUẤT ĐẦU TƯ CHƯA ĐÚNG
ĐB Đặng Thuần Phong (Bến Tre): Bộ trưởng nghĩ như thế nào khi công nghệ kỹ thuật thì như nhau nhưng 1km đường của ta thì từ 700 -1000 tỷ, của các nước khác thì chỉ vài ba trăm tỷ. Tuổi thọ của đường xá của họ khoảng 50 năm, của ta chỉ 2 - 3 năm là xuống cấp?
Thứ hai, về đầu tư đường sắt, nguyên nhân vì sao một thời gian dài đầu tư cho đường sắt rất thấp? Quan điểm của Bộ trưởng về vấn đề này như thế nào?
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể: Một số dư luận cho rằng đầu tư giao thông ở Việt Nam chi phí đắt, tuổi thọ kém, không đảm bảo so với mặt bằng trong khu vực. Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ, ngành trong đó có Bộ Xây dựng, Bộ GTVT cung cấp thông tin liên quan đến suất đầu tư của đường ở Việt Nam và các nước trong khu vực.
Chúng ta xây dựng đường giá thấp, giá cao thì phụ thuộc vào địa chất, địa hình và GPMB. Nếu nền móng yếu như ĐBSCL, đồng bằng sông Hồng, ven biển miền Trung thì chúng ta phải xử lý đất yếu, hết sức tốn kém. Ngoài ra, muốn dùng đất để đắp nền đường, chúng ta phải vận chuyển từ nơi khác đến. Các khoản chi phí này khác nhau giữa từng địa phương, từng nước.
Đặc biệt, chi phí GPMB, thu hồi đất ở ta rất cao trong khi một số nước thì chi phí này rất thấp. Do đó, nếu nói rằng suất đầu tư của ta từ 700 - 1000 tỷ có thể đúng với một số đoạn chứ không phải tất cả.
Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng chủ trì cùng với Bộ GTVT sẽ tiến hành thi công một số đoạn đường cao tốc thuần tuý công nghệ mới, từ đó có được suất đầu tư. Hiện Bộ Xây dựng đã xây dựng đề cương, báo cáo Chính phủ. Sắp tới, sẽ triển khai một vài đoạn ở phía Bắc, miền Trung và phía Nam. Chúng ta giám sát chặt chẽ các chi phí để có được suất đầu tư đại diện cho các khu vực.
Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể trả lời trong phiên chất vấn sáng 4/6
DỰ ÁN ĐƯỜNG SẮT, ĐƯỜNG THỦY KINH PHÍ LỚN, PHẢI CÓ CHỦ TRƯƠNG MỚI TRIỂN KHAI ĐƯỢC
ĐB Lê Thanh Vân (Cà Mau): Hiện đại hoá hệ thống đường sắt Bắc - Nam và nâng cấp hệ thống giao thông thuỷ nội địa ở đồng bằng sông Hồng, đồng bằng sông Cửu Long là 2 trong số 5 ưu tiên được đề cập trong Nghị quyết 13. Nhưng vừa rồi Bộ trưởng mới nói là tới đây sẽ xây dựng đề án. Tôi muốn hỏi là hơn một nhiệm kỳ qua, tại sao chủ trương đúng đắn của Đảng lại không được triển khai. Đề nghị Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tham gia trả lời câu hỏi này?
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể: Về ý kiến của đại biểu, đúng là đường sắt Bắc - Nam và giao thông đường thuỷ nội địa ở khu vực phía bắc đều đang được ưu tiên. Đảng và Nhà nước đã chỉ đạo từ lâu. Tuy nhiên, như tôi đã nói, do kinh phí đầu tư đường sắt rất lớn, khi thực hiện phải có chủ trương từ Quốc hội, Chính phủ mới triển khai được.
Với đường thuỷ nội địa, Bộ GTVT cũng rất quan tâm. Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì một cuộc Hội thảo về giảm thiểu chi phí Logistics trong đó nêu rõ việc kết nối các loại hình vận tải. Phát triển giao thông đường thuỷ nội địa được xem là một trong những giải pháp tốt để giảm chi phí vận tải.
Chúng tôi cho rằng việc phát triển giao thông thuỷ ở phía Bắc là rất quan trọng. Nếu chúng ta kết nối tốt thì toàn bộ hàng hoá từ Việt Trì, Phú Thọ có thể chuyển thẳng về Lạch Huyện, đỡ gánh nặng cho đường bộ.
Bộ GTVT cách đây 3 năm đã báo cáo, Thủ tướng đã ban hành Quyết định 47 về ưu tiên một số chính sách cho vận tải thuỷ nội địa. Hiện tại, chúng tôi đang chỉ đạo Cục Đường thuỷ nội địa tổng kết và tham mưu Chính phủ một cơ chế mới, ưu tiên hơn, cố gắng cung cấp nguồn tín dụng để doanh nghiệp mua phương tiện, tổ chức hoạt động vận tải.
Kết thúc phiên chất vấn buổi sáng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết trong buổi sáng đã có 30 ĐBQH đặt câu hỏi chất vấn, 20 lượt đại biểu tranh luận và hiện còn 28 đại biểu đăng ký chất vấn.
Buổi chiều, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể tiếp tục trả lời chất vấn và tranh luận trong 40 phút, tiếp đó là phần giải trình của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng và kết luận phiên chất vấn đầu tiên của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân.
Trước đó, phát biểu khai mạc phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, nội dung chất vấn, trả lời chất vấn là một trong những nội dung trọng tâm của kỳ họp Quốc hội, được phát thanh, truyền hình trực tiếp để cử tri theo dõi, giám sát.
Theo Chủ tịch Quốc hội, thời gian qua, hoạt động giám sát nói chung và chất vấn nói riêng có nhiều đổi mới, tác động tích cực đến nhiều mặt trong điều hành của Chính phủ và địa phương, góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật, thúc đẩy phát triển KT-XH, được cử tri và nhân dân cả nước quan tâm đánh giá cao.
Chủ tịch Quốc hội cho biết, lần này Quốc hội đã chọn ra 4 nhóm vấn đề chính để chất vấn.
Thứ nhất là Giải pháp hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông và bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong cả nước, nhất là tại các thành phố lớn. Giải pháp xử lý những vấn đề tồn tại đối với các dự án giao thông đầu tư theo hình thức xây dựng-kinh doanh-chuyển giao (BOT).
Thứ hai là Công tác quản lý đất đai tại các thành phố lớn, các địa phương có nhiều khiếu nại, tố cáo. Tình trạng ô nhiễm môi trường và kiểm soát hoạt động xả thải của các doanh nghiệp. Các biện pháp ứng phó với biến đổi khí hậu tại các vùng, địa phương, đặc biệt là đồng bằng sông Cửu Long.
Thứ ba là Thực trạng thị trường lao động ở nước ta hiện nay, vấn đề giải quyết việc làm trong nước và đưa lao động Việt Nam ra nước ngoài làm việc theo hợp đồng. Các giải pháp nâng cao chất lượng dạy nghề; dạy nghề theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp và theo nhu cầu xã hội. Công tác chăm sóc và bảo vệ trẻ em; giải pháp khắc phục tình trạng bạo hành và xâm hại trẻ em.
Cuối cùng là thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục đại học, giáo dục phổ thông. Công tác quản lý giáo dục mầm non, nhất là giáo dục mầm non ngoài công lập. Giải pháp khắc phục tình trạng xuống cấp về đạo đức, lối sống cho giáo viên và học sinh trong nhà trường.
Gắn với 4 nhóm vấn đề trên là 4 Bộ trưởng sẽ đăng đàn trả lời chất vấn gồm: Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể, Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà; Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung và Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ.
Ngoài ra, các Phó Thủ tướng phụ trách lĩnh vực và các Bộ trưởng, trưởng ngành có liên quan nếu cần thiết sẽ cùng trả lời và giải trình thêm.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, đây là những nhóm vấn đề được cử tri cả nước quan tâm.
Chủ tịch Quốc hội yêu cầu mỗi ĐBQH nêu câu hỏi cần ngắn gọn, rõ ý, đi thẳng vào nội dung, bảo đảm đúng thời gian quy định. Bộ trưởng trả lời đi thẳng vấn đề, xác định rõ trách nhiệm, hướng khắc phục và lộ trình thực hiện.
Sau phiên chất vấn, Quốc hội sẽ ban hành Nghị quyết làm cơ sở để Chính phủ và các Bộ, ngành triển khai thực hiện; các cơ quan Quốc hội và nhân dân giám sát việc thực hiện lời hứa.