Chiều 3/8, tại Hội nghị phối hợp công tác giữa TP.HCM và Bộ GTVT, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể khẳng định “Giao thông phải đi trước một bước, các tỉnh cần phối hợp chặt chẽ với Bộ để sớm hoàn thiện mạng lưới giao thông, làm nền tảng để phát triển kinh tế, xã hội. TP.HCM là trung tâm đô thị lớn nhất cả nước và ngày càng mở rộng nên điều quan trọng là giao thông phải thông thoáng...”.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể phát biểu tại Hội nghị phối hợp công tác giữa TP.HCM và Bộ GTVT
"Vành đai 3,4: Làm càng sớm càng tốt"
Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, tại thủ đô Hà Nội, các tuyến đường cửa ngõ hiện nay đều rộng và có cao tốc kết nối nên vận tải rất thuận lợi. Trong khi đó, cửa ngõ TP.HCM đi các tỉnh hầu như đều bị ách tắc. Bộ trưởng đặt câu hỏi: “Tuyến đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây mới đưa vào khai thác không lâu đã ùn tắc vào cuối tuần. Tương tự, cao tốc TP.HCM - Trung Lương cũng quá tải. Hiện nay đã quá tải, 5-10 năm nữa thì sao?".
Ông dẫn chứng, ngoài 2 cao tốc trên, các tuyến QL22, QL50, QL1 đi các tỉnh miền Tây, miền Đông cũng đang quá tải. Chính vì thế nếu không có điều chỉnh quy hoạch tốt và có quỹ đất hình thành nên các trục đường Vành đai mới thì sẽ không khơi thông được cửa ngõ TP.HCM. Do vậy, việc cấp bách trong những năm tới là sớm triển khai đồng bộ các tuyến đường Vành đai 3, Vành đai 4. Phải làm càng nhanh càng tốt nên TP.HCM cần tiếp tục phối hợp với các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai để kết nối giao thông vùng giữa các khu công nghiệp, cảng.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đề nghị sớm hoàn thiện các tuyến đường vành đai cho TPHCM
Tính bài toán giao thông cho sân bay Tân Sơn Nhất
Liên quan đến sân bay Tân Sơn Nhất, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, tuần tới, Quân ủy Trung ương sẽ cho ý kiến về quy hoạch Tân Sơn Nhất, về việc mở rộng và nghiên cứu xây dựng các tuyến giao thông kết nối giải quyết tình trạng quá tải và ách tắc giao thông. Ngay sau đó, lãnh đạo Bộ sẽ tiếp tục làm việc với UBND TP về triển khai quy hoạch mở rộng và hệ thống giao thông kết nối đảm bảo sự đồng bộ lâu dài cho sân bay này. Bộ trưởng cũng lưu ý Tedi South cần phối hợp với địa phương nghiên cứu kết nối giao thông đồng bộ giữa sân bay Long Thành với Tân Sơn Nhất và các dự án cao tốc, đường sắt tốc độ cao dự kiến triển khai trong tương lai.
Vấn đề nâng cấp, mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất được lãnh đạo Bộ GTVT
và TP.HCM nhất trí cần sớm được triển khai
Tiếp tục mở rộng kênh Chợ Gạo, kết nối giao thông thủy - bộ - đường sắt
Đối với lĩnh vực đường thủy, Bộ trưởng cho rằng dù cầu đường sắt Bình Lợi sắp hoàn thành, nâng cao tĩnh không cầu tạo thuận lợi cho tàu bè trên sông Sài Gòn đi các tỉnh nhưng tuyến kênh chợ Gạo cửa ngõ vào TP cũng bắt đầu quá tải. Bộ trưởng yêu cầu Cục Đường thủy nội địa VN nghiên cứu, sớm đề xuất phương án chi tiết mở rộng kênh Chợ Gạo giai đoạn 2 để liên thông hệ thống giao thông thủy, tiết kiệm chi phí vận chuyển giữa các hệ thống sông, cảng trong khu vực.
“Khu vực TP.HCM và các tỉnh Đồng Nai, Long An đang phát triển các cảng nước sâu nên việc kết nối giao thông với hệ thống cảng biển, khu công nghiệp rất quan trọng. Cục Hàng hải VN phải phối hợp với các đơn vị liên quan hỗ trợ các địa phương nghiên cứu kết nối giao thông hệ thống cảng để vận chuyển hàng hóa thuận lợi tránh đi vào các khu dân cư. Tôi giao Cục Đường sắt phối hợp với TP.HCM sớm thống nhất hướng tuyến và quy hoạch 2 tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam và tuyến đường sắt TP.HCM đi Cần Thơ”, Bộ trưởng chỉ đạo.
Ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM cho biết
Sở đang phối hợp tích cực với Bộ GTVT để sớm triển khai các dự án giao thông
TP.HCM đang tăng tốc hoàn thành nhiều công trình giao thông trọng điểm
Trước đó báo cáo với đoàn công tác, ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM cho biết, trong hai năm qua, Bộ GTVT và UBND TP.HCM đã phối hợp chặt chẽ giải quyết nhiều vấn đề hạ tầng giao thông đô thị. Hiện nay trên địa bàn TP, đã và đang triển khai đầu tư xây dựng các tuyến cao tốc, vành đai, đường trục chính đô thị và các công trình hạ tầng giao thông.
Cụ thể như: cao tốc Bến Lức - Long Thành, đường Vành đai 2 đoạn từ Phạm Văn Đồng đến nút giao Gò Dưa, Vành đai 3 đoạn từ Tỉnh lộ 25B (huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai) đến nút giao Thủ Đức. Nút giao thông Mỹ Thủy, hầm chui An Sương, mở rộng Xa lộ Hà Nội, đường song hành cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, tuyến đường sắt đô thị số 2 (Bến Thành – Tham Lương)…
Theo ông Bùi Xuân Cường, công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông (TTATGT) tiếp tục được triển khai đồng bộ, quyết liệt với 7 nhóm giải pháp để hạn chế ùn tắc và TNGT. Đến nay số điểm ùn tắc giảm từ 37 điểm (cuối năm 2016) xuống còn 34 điểm (năm 2017). Tình hình TNGT trong 6 tháng đầu năm 2018 giảm cả 3 tiêu chí.
Sau khi hoàn thiện các tuyến đường Vành đai kết nối vùng
sẽ giải quyết được tình trạng ùn ứ giao thông khu vực cửa ngõ TP.HCM
Ông Cường báo cáo tại hội nghị: "Bộ GTVT cùng UBND TP.HCM đã phối hợp rà soát, báo cáo đề xuất và được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận bổ sung thêm một số công trình quy hoạch phát triển giao thông TP.HCM gồm: cầu Cát Lái, cầu Cần Giờ và tuyến song hành QL50. Hiện nay TP.HCM đang phối hợp với Bộ GTVT triển khai các dự án đường bộ cao tốc TP.HCM - Mộc Bài, đường Vành đai 3, Bến Lức - Hiệp Phước thuộc Vành đai 4, nâng cấp mở rộng QL22, QL50… nghiên cứu đầu tư tuyến đường sắt TP.HCM - Cần Thơ, dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam.
Tại cuộc họp, đại diện UBND TP.HCM kiến nghị Bộ GTVT nhiều vấn đề như bố trí nguồn vốn để thực hiện đầu tư các dự án cao tốc, kết nối giao thông giữa TP.HCM với các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Nâng cao năng lực tuyến đường sắt BìnhTriệu - Hòa Hưng, xây dựng tuyến đường sắt nhẹ Thủ Thiêm - sân bay Tân Sơn Nhất, đầu tư đồng bộ hệ thống cảng cạn ICD theo quy hoạch dọc tuyến sông Sài Gòn, Đồng Nai, Vàm Cỏ.
Lãnh đạo TP cũng đề nghị Bộ xem xét chấp thuận chủ trương cho Sở GTVT thực hiện thí điểm các tuyến xe buýt không trợ giá hoạt động từ sân bay Tân Sơn Nhất đến các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu.