Ngày 23/8, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đã chủ trì cuộc họp về kiểm điểm tiến độ Dự án đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông (8 dự án đầu tư theo hình thức PPP); Dự án xây dựng đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi; Dự án xây dựng đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận; Cảng Hàng không quốc tế Long Thành; Đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông
Cùng dự cuộc họp có Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông, Thứ trưởng Nguyễn Văn Công, Thứ trưởng Nguyễn Nhật cùng đại diện Lãnh đạo các cơ quan, đơn vị liên quan.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đã chủ trì cuộc họp về kiểm điểm tiến độ các dự án
Tiến độ triển khai cao tốc Bắc - Nam còn chậm
Theo báo cáo của Vụ Đối tác công tư, tiến độ triển khai báo cáo nghiên cứu khả thi 8 dự án đầu tư theo hình thức PPP của Dự án đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông đã chậm hơn so với tiến độ dự kiến ban đầu khoảng 2 - 3 tháng.
Nguyên nhân khách quan do các dự án đường bộ cao tốc có quy mô lơn, tính chất phức tạp, trình tự thủ tục rất chặt chẽ; quá trình thảo thuận với các địa phương, địa phương có nhiều ý kiến, yêu cầu bất cập về quy mô đường gom, hầm chui dân sinh,... phải thỏa thuận nhiều lần; thủ tục của một số bộ, ngành khi tham gia ý kiến rất chặt chẽ; thủ tục trình Thủ tướng Chính phủ quyết định phần vốn đầu tư của Nhà nước kéo dài..
Cùng với đó, nguyên nhân chủ quan do chất lượng hồ sơ trình thẩm định chưa bảo đảm yêu cầu; đơn vị tư vấn bố trí nhân lực thực hiện chưa đáp ứng cho 11 dự á; hầu hết các dự án mặc dù Ban QLDA đã có tờ trình gửi Bộ GTVT nhưng hồ sơ báo cáo nghiên cứu khả thi nộp chậm 4 - 12 ngày.
Về Dự án xây dựng đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, Vụ Đối tác công tư cho biết khó khăn, vướng mắc đó là hiện còn có ý kiến khác nhau về việc sử dụng quyền thu phí để hỗ trợ dự án BOT và việc có được tiếp tục thu phí hay không đối với đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước.
Một đoạn đường bộ cao tốc. Ảnh minh họa
Theo Tổng công ty Đầu tư phát triển và Quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long (Tổng công ty Cửu Long), công tác thu xếp vốn để thực hiện dự án đã hoàn thành việc ký kết hợp đồng tín dụng cho Dự án với các Ngân hàng tài trợ; công tác GPMB đã bàn giao toàn bộ cọc mốc cho địa phương, đến nay địa phương đã phê duyệt phương án BTHT, bàn giao mặt bằng được 49,3/51,1km (đạt 96%); hiện các công việc về lựa chọn nhà thầu, công tác triển khai thi công, bán quyền thu phí được triển khai tích cực.
Tại cuộc họp, sau khi nghe các đồng chí Thứ trưởng phụ trách dự án và lãnh đạo các cơ quan, đơn vị liên quan phát biểu, báo cáo tiến độ triển khai các dự án, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đánh giá trong thời gian qua, các cơ quan, đơn vị đã có nhiều nỗ lực, cố gắng, tuy nhiên tiến độ các cự án vẫn chưa đạt yêu cầu, nhiều gói thầu còn chậm tiến độ, trong đó có nguyên nhân chủ quan và khách quan.
Để đẩy nhanh tiến độ các dự án, Bộ trưởng giao các đồng chí Thứ trưởng phụ trách dự án chủ trì làm việc với các cơ quan, đơn vị liên quan để đánh giá tình hình triển khai dự án, tiến độ cũng như nguyên nhân các dự án chậm tiến độ, để có hình thức kiểm điểm phê bình, khắc phục tình trạng chậm tiến độ, nhằm kiểm soát, đẩy nhanh tiến độ trong thời gian tới.
Đối với Dự án xây dựng đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, Bộ trưởng đánh giá dự án còn nhiều hạn chế, nếu không có giải pháp đồng bộ thì dự án khó hoàn thành theo đúng tiến độ. Bộ trưởng yêu cầu Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông làm việc với Tổng công ty Cửu Long và các cơ quan, đơn vị liên quan về tiến độ dự án, kế hoạch giải ngân, thanh toán…
Bộ trưởng yêu cầu Tổng công ty Cửu Long tập trung nhân lực, thiết bị cùng doanh nghiệp dự án để triển khai thi công tại hiện trường, đẩy nhanh công tác giải ngân xây lắp; dự kiến cuối 9/2018, Bộ trưởng cùng lãnh đạo địa phương và các cơ quan liên quan sẽ trực tiếp kiểm tra hiện trường toàn tuyến đường,
Đối với Dự án xây dựng đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, Bộ trưởng yêu cầu các cơ quan, đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ công việc để đảm bảo thông xe vào dịp Quốc khánh 2/9; Bộ trưởng giao Thứ trưởng phụ trách chỉ đạo Cục QLXD và CLCTGT, Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) sớm khắc phục những hạn chế mà Hội đồng nghiệm thu nhà nước đã kết luận; có giải pháp rà soát, hoàn chỉnh toàn bộ hạng mục trên tuyến đường; một số chỗ liên quan đến khiếu kiện, khiếu nại cần phối hợp với địa phương để giải quyết, làm rõ trách nhiệm của Bộ, của địa phương, để tạo sự đồng thuận, bảo đảm an toàn giao thông, an ninh trật tự xã hội.
Thành lập Hội đồng thẩm định NN đánh giá Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành
Liên quan đến Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành và triển khai mở rộng Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, Bộ trưởng nhấn mạnh đây là hai dự án rất quan trọng, được xã hội quan tâm, trong quá trình triển khai thực hiện các cơ quan, đơn vị phải đảm bảo tiến độ, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương.
Bộ trưởng yêu cầu trước ngày 2/9/2018, Cục Hàng không Việt Nam, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) và các cơ quan, đơn vị liên quan hoàn thiện Hồ sơ quy hoạch Cảng hàng không Tân Sơn Nhất để sớm phê duyệt.
Bộ trưởng giao Vụ Kế hoạch đầu tư tham mưu Thứ trưởng phụ trách tổ chức cuộc họp với lãnh đạo TP. HCM công bố quy hoạch sân bay Tân Sơn Nhất, cũng như thống nhất một số nội dung công việc giữa các bộ, ngành, địa pương, doanh nghiệp.
Phối cảnh Cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Đối với việc lập dự án khả thi Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, Bộ trưởng yêu cầu phối hợp chặt chẽ với Bộ Kế hoạch đầu tư và các bộ ngành liên quan trong quá trình lập báo cáo nghiên cứu khả thi (F/S) tổng thể đảm bảo tiến độ; sớm thành lập Hội đồng thẩm định nhà nước.
Bộ trưởng yêu cầu ACV chỉ đạo trong công tác tổ chức Ban điều hành, củng cố Ban QLDA, cần thiết mời các chuyên gia, cố vấn có kinh nghiệm để tư vấn; nghiên cứu, thành lập Nhóm công tác thuộc dự án chuyên về giải quyết các công việc liên quan đến GPMB.
Bộ trưởng yêu cầu đến tháng 3/2019, phải lập xong báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM), việc lập ĐTM được lập song song với quá trình lập F/S tổng thể và sẽ trình thẩm định, phê duyệt trước khi trình F/S cho Hội đồng thẩm định nhà nước.
Tháng 9 vận hành thử toàn bộ Dự án Cát Linh - Hà Đông
Tại buổi làm việc, báo cáo Bộ trưởng và các đồng chí lãnh đạo, Phó giám đốc Phụ trách Ban QLDA Đường sắt Vũ Hồng Phương cho biết, khối lượng xây lắp Dự án Cát Linh – Hà Đông đã hoàn thành khoảng 96% (chưa bao gồm hạng mục thiết bị). Các hạng mục mục hoàn thiện kiến trúc nhà ga, các đơn thể trong khu Depot; hạ tầng khu Depot vẫn đang tiếp tục được triển khai.
“Vật tư, thiết bị vẫn đang được Tổng thầu tiếp tục thực hiện. Hiện 95% khối lượng vật tư, thiết bị đã về đến công trường. Tổng thầu đã triển khai lắp đặt khoảng 83%”, ông Phương cho biết thêm.
Về công tác chuẩn bị vận hành chạy thử, đại diện Ban QLDA Đường sắt cho biết vào cuối tháng 7/2018 đã xông điện toàn hệ thống dự án và tiến hành căn chỉnh 5 hệ thống chuyên ngành thiết bị. Tổng thầu cũng đã vận hành thử đoàn tàu vào ngày 20/8/2018, đồng thời tiếp tục tiến hành căn chỉnh 6 hệ thống chuyên ngành thiết bị còn lại.
“Dự kiến từ ngày 20/9/2018 sẽ thực hiện căn chỉnh, chạy thử liên động toàn hệ thống của dự án (toàn bộ 11 hệ thống chuyên ngành thiết bị) theo đúng ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng chính phủ”, ông Vũ Hồng Phương khẳng định.
Chỉ đạo đối với Dự án này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể ghi nhận sự cố gắng của các cơ quan liên quan, Dự án có chuyển biến nhưng vẫn có nguy cơ chậm tiến độ yêu cầu Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông phối hợp với lãnh đạo UBND TP.Hà Nội, làm việc với nhà đầu tư và các cơ quan có liên quan giải quyết toàn bộ vấn đề đang vướng mắc hiện nay, trong đó có việc công bố quy trình vận hành để nghiên cứu, kiểm tra, giám sát.
‘Đây là tài sản lớn, dự án lớn không chỉ của ngành giao thông, không vận hành sớm để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân là rất lãng phí. Tối đa 6 tháng sau khi vận hành thử phải tiến hành vận hành thương mại", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể chỉ đạo.
Xuân Nguyên