Chiều 28/9, tại Hà Nội, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể chủ trì cuộc họp về giải pháp đảm bảo trật tự ATGT đường sắt; trong đó có việc xây dựng Đề án xử lý các vị trí đường ngang, lối đi tự mở đảm bảo ATGT trên tuyến đường sắt quốc gia.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể chủ trì cuộc họp
Ông Đoàn Duy Hoạch - Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt VN cho biết, thực tế 3 năm gần đây, TNGT đường sắt giảm ở cả 3 tiêu chí. Theo thống kê của Tổng công ty Đường sắt VN, 9 tháng đầu năm 2018, TNGT đường sắt giảm 18% về số vụ. Tuy nhiên, TNGT đường sắt vẫn xảy ra, nhiều vụ nghiêm trọng, tập trung nhiều ở các lối đi tự mở.
“Nguyên nhân chủ yếu là thiếu nguồn lực để thực hiện các giải pháp. Vì thực tế, để đảm bảo ATGT đường sắt, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 1856 và sau này thay thế bằng Quyết định 994 về lập lại hàng lang an toàn giao thông đường bộ, đường sắt và đều đã đề ra các giải pháp căn cơ nhưng vốn ngân sách bố trí không được bao nhiêu. Mặt khác, chính quyền địa phương chưa quan tâm” - ông Duy Hoạch Hoạch cho biết.
Theo ông Vũ Quang Khôi - Cục trưởng Cục Đường sắt VN, trên các tuyến đường sắt quốc gia hiện nay có 4.160 lối đi tự mở và 1.514 đường ngang các loại. Từ năm 2005 đến 2017, số vụ tai nạn xảy ra trên các lối đi tự mở và đường ngang chiếm gần 60% tổng số vụ TNGT đường sắt, trong đó tai nạn xảy ra trên lối đi tự mở chiếm trên 42%.
Vì vậy, mục tiêu của Đề án là nhằm nhằm rà soát các lối đi tự mở, đường ngang nguy hiểm để đưa ra các biện pháp tổng thể nhằm thu hẹp, giảm, xóa bỏ lối đi tự mở, xóa bỏ vị trí đường sắt chuyên dùng giao với đường sắt quốc gia; cải tạo, nâng cấp đường ngang trên đường sắt quốc gia và xác định lộ trình thực hiện.
Đề án cũng đưa ra 7 nhóm giải pháp, trong đó có các biện pháp như xây dựng hàng rào, đường gom và các công trình phụ trợ như đường ngang, cầu vượt, hầm chui để giảm 2.078 lối đi tự mở. Với lối đi vào một hộ dân mà chưa thể xóa thì hộ dân phải cam kết với chính quyền địa phương về việc hạn chế phương tiện giao thông qua lại, tự đảm bảo ATGT, như vậy sẽ quản lý, kiểm soát được khoảng 1.340 lối đi.
Trên các tuyến đường sắt quốc gia hiện nay có 4.160 lối đi tự mở. Ảnh minh họa
Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông nhấn mạnh việc lập Đề án nhằm đưa ra các giải pháp bảo đảm ATGT đường sắt đến 2020, tiến tới hạn chế, không phát sinh và xóa bỏ đường ngang dân sinh, xây dựng các đường ngang có quản lý.
Thứ trưởng đề nghị cần phải đưa ra giải pháp có định hướng kết hợp, có mở đường gom, phân định rõ trách nhiệm xây dựng đường gom, có quy định rõ ràng khi mở đường ngang; xây dựng thiết kế mẫu, định hình sơ bộ để địa phương tổ chức triển khai thực hiện.
Thứ trưởng yêu cầu trong quá trình tổ chức thực hiện phải quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan trung ương, địa phương; gắn chỉ đạo của Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia; Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; đồng thời phải có phương án bố trí vốn, lộ trình thực hiện hợp lý.
Kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể yêu cầu các cơ quan liên quan việc xây dựng Đề án phải mang tính khả thi cao, thực sự hiệu quả và phải giảm thiểu TNGT đường sắt.
Về việc xử lý các lối đi mở và đường ngang để đảm bảo an toàn, Bộ trưởng yêu cầu phải phân loại thật kỹ để có giải pháp xử lý phù hợp với từng loại. “Với các điểm giao cắt đường bộ - đường sắt mà ô tô qua lại nhiều, cần coi đây là đối tượng đặc biệt để có giải pháp đặc biệt vì tai nạn tàu va ô tô thường để lại hậu quả rất nặng nề” - Bộ trưởng gợi ý
Bộ trưởng cho rằng, ngoài biển báo giao thông, điểm giao cắt đường bộ - đường sắt cần phải lắp các thiết bị cảnh báo khác như đèn tín hiệu, chuông, làm gờ giảm tốc; thậm chí xây dựng mô hình tự quản cảnh giới an toàn. Tương tự, với giao cắt mà xe gắn máy qua được và lối đi chủ yếu cho người đi bộ lại có các giải pháp phù hợp; trong đó, chú trọng giải pháp làm hàng rào, đường gom; đẩy mạnh ứng dụng KHCN, lắp đặt camera giám sát…
“Cần đưa vào Đề án giải pháp tăng cường thực hiện và xử lý trách nhiệm của các chủ thể liên quan, kể cả cơ quan quản lý Nhà nước; Xử lý nghiêm trách nhiệm người đứng đầu, đặc biệt với chính quyền địa phương cấp phường, xã, thôn ấp. Đây là Đề án nhân đạo, có ý nghĩa xã hội rất lớn. Vì vậy, việc xây dựng Đề án phải khả thi, để khi thực hiện đem lại hiệu quả cao” - Bộ trưởng yêu cầu.
Xuân Nguyên