Hàng loạt đơn vị trực thuộc của Bộ GTVT đã và đang tiến hành tinh giản đầu mối, cán bộ. Bộ GTVT cũng lên kế hoạch giảm tới 16,5% biên chế trong giai đoạn 2015 - 2021, vượt xa chỉ tiêu 10% như yêu cầu tại Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị.
Hàng loạt đơn vị giảm đầu mối, biên chế
Ông Phạm Hồng Sơn, Giám đốc Ban QLDA2 cho biết, trước hợp nhất Ban QLDA 2 và Ban QLDA ATGT, số lượng lao động của hai ban lên tới 220 người.
“Sau sáp nhập, chúng tôi đã sắp xếp, từ 17 phòng ban giảm còn 10 phòng ban, giảm 2 phó giám đốc, 7 trưởng phòng và 15 phó phòng”, ông Sơn nói và cho biết, số lượng lao động của Ban QLDA 2 hiện còn 190 người, giảm 30 người so với thời điểm trước sáp nhập.
“Dự kiến, sang năm 2019, chúng tôi sẽ tiếp tục tinh giản bộ máy, giảm số lượng lao động xuống còn khoảng 130 người”, ông Sơn chia sẻ.
Cấp đổi GPLX tại Tổng cục Đường bộ Việt Nam
Là đơn vị đầu tiên thuộc khối quản lý nhà nước của Bộ GTVT tiến hành “gọn, nhẹ” bộ máy theo tinh thần Nghị quyết T.Ư 6, ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN cho biết, trong đề án trình Bộ GTVT lần đầu, tổng cục chỉ đề xuất giảm các phòng ở cấp cục, ban và trường trực thuộc tổng cục. Tuy nhiên, sau đó đề án này đã được yêu cầu làm lại. Tổng cục thực sự “mạnh tay” khi đề xuất ghép Vụ Tổ chức cán bộ vào Văn phòng Tổng cục để thành lập Vụ Tổ chức - Hành chính; hợp nhất Tạp chí Đường bộ và một phần công việc của Vụ Khoa học Công nghệ để hình thành Trung tâm Truyền thông và Thông tin đường bộ.
“Đợt sắp xếp lần này còn chấm dứt sự tồn tại của Cục Quản lý đường bộ cao tốc. Đến thời điểm hiện tại, cục tồn tại được 5 năm. Tuy nhiên, do tốc độ phát triển đường cao tốc ở nước ta chậm, lại trong bối cảnh phải giảm biên nên không có điều kiện để thành lập các chi cục ở phía dưới. Mặt khác, phần lớn đường bộ cao tốc hiện nay thực hiện theo hình thức BOT do các nhà đầu tư quản lý, khai thác nên chúng tôi trình phương án giải thể cục này”, ông Huyện thông tin.
Cũng theo ông Huyện, quá trình sắp xếp và làm công tác tổ chức dịp này diễn ra thuận lợi do cách làm công khai, đề cao tính gương mẫu của đảng viên, còn phía tổ chức thì coi trọng việc làm công tác tư tưởng. “Cả một đời phấn đấu lên, nay phải xuống vị trí thấp hơn, ai cũng sẽ có “tâm tư”. Nhưng chúng tôi quán triệt, động viên đây là yêu cầu của Đảng, Nhà nước thì mọi người chấp hành và chia sẻ”, ông Huyện nói.
Phía Cục Hàng không VN, ông Đỗ Văn Thạo, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ của cục cho biết, tới đây, đơn vị sẽ sáp nhập Phòng Pháp chế và Hợp tác quốc tế thành một để tinh gọn bộ máy. “Vừa qua, Văn phòng thường trực Ủy ban an ninh Hàng không quốc gia cũng được đưa về Cục Hàng không VN. Tuy nhiên, chúng tôi cũng nỗ lực sáp nhập vào các phòng ban chuyên môn để đảm bảo không phát sinh thêm tổ chức”, ông Thạo cho hay.
Ông Trần Kỳ Hình, Cục trưởng Cục Đăng kiểm VN cho biết, đã xây dựng xong phương án sắp xếp, tổ chức lại bộ máy, tinh giản 10% biên chế để bộ máy gọn nhẹ, hoạt động hiệu quả hơn. Trong đó, sáp nhập một số phòng tương đồng, cũng như một số đơn vị trực thuộc. Cùng với văn phòng, một số đơn vị trực thuộc có thể được sáp nhập lại hoặc chuyển từ đơn vị sự nghiệp hạch toán phụ thuộc cục thành đơn vị sự nghiệp công lập.
Tương tự, ông Hoàng Hồng Giang, Cục trưởng Cục ĐTNĐ Việt Nam cho biết, phương án sắp xếp tới đây là giảm xuống còn 7 đầu mối (6 phòng nghiệp vụ và văn phòng), giảm 2 đầu mối so với hiện nay. Một số chức năng, nhiệm vụ sẽ được chuyển cho các chi cục thực hiện. Lộ trình thực hiện trong năm 2019.
Cũng theo ông Giang, việc sắp xếp tại các đơn vị bên dưới (chi cục, cảng vụ) trực thuộc cũng được tiến hành. Số lượng cấp phòng của chi cục giảm 4 so với hiện nay, còn cảng vụ cũng giảm 20 đầu mối phòng, ban và đại diện so với hiện nay.
Không chỉ giảm số lượng mà phải nâng chất lượng
Trao đổi với Báo Giao thông, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ GTVT) Trần Văn Lâm cho biết, đang xây dựng đề án kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp theo hướng tinh gọn theo Nghị quyết T.Ư 6. “Chúng tôi đang xây dựng đề án theo hướng giải thể tất cả các phòng thuộc các vụ. Cụ thể, Vụ Tổ chức cán bộ sẽ giải thể 4 phòng, Vụ Kế hoạch - Đầu tư giải thể 1 phòng, Văn phòng Bộ GTVT giảm 3 phòng. Thanh tra Bộ giảm 2 phòng”, ông Lâm thông tin.
Phó vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ GTVT) Lê Thanh Hà cho biết thêm, theo kế hoạch, giai đoạn 2015 - 2021, Bộ GTVT sẽ tinh giản 1.855 biên chế, tương ứng với giảm 16,5% so với năm 2015. Trong đó, khối cơ quan hành chính giảm 230 biên chế (11,3%), khối đơn vị sự nghiệp giảm 1.650 biên chế (17,2%). “Theo Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, tỉ lệ tinh giản biên chế đến năm 2021 tối thiểu là 10%. Tuy nhiên, Bộ GTVT đã lên kế hoạch giảm tới 16,5% trong giai đoạn này”, bà Hà nói và cho biết thêm, năm 2017, chỉ tính riêng khối sự nghiệp, Bộ GTVT đã giảm được 894 chỉ tiêu. Với khối hành chính, kế hoạch giảm biên chế sẽ do Bộ Nội vụ quyết định (trừ trực tiếp vào giao biên chế hàng năm).
“Năm 2015, Bộ Nội vụ giao Bộ GTVT 2.030 chỉ tiêu biên chế, năm 2016 giao 2.000 chỉ tiêu; 2017 giao 1.970 chỉ tiêu và năm 2018 giao 1.935 chỉ tiêu. Như vậy, đến hết năm 2018, khối hành chính Bộ sẽ giảm 95 chỉ tiêu”, bà Hà thông tin.
“Tuy nhiên, tinh giản biên chế không đơn thuần chỉ là giảm số lượng cán bộ, công chức, viên chức mà còn để kiện toàn, nâng cao chất lượng hệ thống tổ chức bộ máy. Hay nói cách khác, mục tiêu của tinh giản biên chế không phải là giảm được bao nhiêu người cho bộ máy, mà là giữ được bao nhiêu người làm việc hiệu quả ở lại”, bà Hà nói và cho biết: Trong tinh giản biên chế có rất nhiều nội dung, gồm tổ chức sắp xếp bộ máy, tăng tự chủ đối với đơn vị sự nghiệp công lập, cổ phần hoá, giảm số lượng đầu mối…
Chia sẻ khó khăn về việc tinh giản biên chế, bà Hà cho rằng, nhiều cơ quan đơn vị còn nể nang, chưa mạnh dạn đánh giá đúng chất lượng thực sự của đội ngũ công chức, viên chức. “Theo kết quả đánh giá, phân loại hàng năm, hầu hết công chức, viên chức đều hoàn thành tốt và xuất sắc nhiệm vụ. Rất ít người không hoàn thành nhiệm vụ. Đánh giá như vậy thì việc đạt tỷ lệ tinh giản biên chế gặp khó khăn, việc nâng cao chất lượng và cơ cấu lại đội ngũ công chức, viên chức cũng khó thực hiện”, bà Hà nói thêm.
Phải sáp nhập những đơn vị tương đồng về nhiệm vụ
Tại cuộc họp về cơ cấu tổ chức, bộ máy của các cơ quan, đơn vị của Bộ GTVT tổ chức gần đây, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nói, Trung ương Đảng đánh giá, bộ máy tổ chức hiện nay còn cồng kềnh nên hoạt động thiếu hiệu quả. Một công chức, viên chức thay vì một ngày làm được 10 việc, nhưng thực tế hiện nay có những đơn vị chỉ làm được 3-5 việc, dẫn đến năng suất lao động kém. Đầu mối công việc cũng còn rườm rà, một việc chỉ 1 đơn vị xử lý nhưng lại có cả một “hội đồng”, dẫn đến kéo dài thời gian. Một cơ quan lại có nhiều đơn vị trực thuộc, có nhiều đầu mối, khi xử lý một việc lại phải lấy ý kiến rất nhiều vụ, đơn vị, cuối cùng không ai chịu trách nhiệm.
Nhiều đơn vị xây dựng đề án vị trí việc làm xong, thu gọn đầu mối nhưng vẫn giữ số lượng người như cũ nên không giảm được. Một đề án tốt, khoa học là phải xây dựng được phương án giảm số lượng người theo từng năm và đến năm 2025 là phương án cuối cùng đạt chỉ tiêu giảm theo yêu cầu giảm 20% và số việc làm phải tăng thêm cho từng vị trí công việc để giảm biên chế. Bộ trưởng yêu cầu tất cả các đơn vị trong ngành phải nghiên cứu để tinh giản đầu mối công việc.
Được biết, từ năm 2017, Bộ GTVT đã quyết liệt sáp nhập Ban QLDA 1 và Ban QLDA Thăng Long thành Ban QLDA Thăng Long; Ban QLDA 2 và Ban QLDA ATGT thành Ban QLDA 2; Ban QLDA đường thủy thuộc Cục ĐTNĐ Việt Nam vào Ban QLDA Đường thủy thuộc Bộ; Ban QLDA Hàng hải thuộc Cục Hàng hải VN vào Ban QLDA Hàng hải trực thuộc Bộ. Sau khi sắp xếp lại, Bộ GTVT còn 13 Ban QLDA, giảm 4 Ban QLDA so với ban đầu.
“Ngay sau khi hợp nhất 2 Ban QLDA, chúng tôi đã sắp xếp, tinh gọn bộ máy, giảm từ 18 phòng, ban xuống còn 10 phòng, giảm một phó giám đốc và 4 cán bộ cấp phòng trên cơ sở vẫn đảm bảo yêu cầu công việc”, ông Dương Viết Roãn, Giám đốc Ban QLDA Thăng Long cho biết.