Liên quan đến 4 vấn đề Đại biểu Quốc hội Đinh Văn Nhã (đoàn Phú Yên) nêu tại nghị trường ngày 26/10 về dự án hầm đường bộ qua Đèo Cả, lãnh đạo Bộ GTVT khẳng định, Bộ đang khẩn trương phối hợp với Nhà đầu tư xử lý những vấn đề vượt thẩm quyền và cùng với các Bộ, ngành báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, tháo gỡ khó khăn cho dự án, trên cơ sở tuân thủ các quy định pháp luật và quy định tại hợp đồng BOT.
Hầm Hải Vân
Dự án hầm đường bộ qua Đèo Cả (bao gồm cả hầm Cù Mông và hầm Hải Vân) là dự án trọng điểm quốc gia có tổng mức đầu tư lên đến 26 nghìn tỷ đồng. Ngoài vốn Nhà nước (5.048 tỷ đồng) hỗ trợ dự án, trong quá trình thực hiện, Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận một số cơ chế chính sách đặc thù để bảo đảm hiệu quả dự án.
Đề xuất mức phí trên nguyên tắc hài hoà lợi ích người dân và DN
Bất cập đầu tiên Đại biểu Đinh Văn Nhã chỉ ra là mức thu phí qua hầm Đèo Cả chỉ được thu bằng mức phí đường bộ QL1 là thấp, trong khi đó so suất đầu tư hầm Đèo Cả với đầu tư hầm đường bộ lớn hơn rất nhiều.
Trả lời về vấn đề này, lãnh đạo Bộ GTVT cho biết, ngay từ năm 2017, Bộ GTVT đã nhận thức được nội dung này và Bộ đã chỉ đạo các cơ quan liên quan nghiên cứu điều chỉnh Thông tư số 35/2016/TT-BGTVT trên cơ sở ban hành khung mức giá dịch vụ phù hợp với tính chất đặc thù của công trình hầm.
Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế đất nước, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ GTVT giảm mức giá dịch vụ sử dụng đường bộ để giảm chi phí vận chuyển, tăng khả năng cạnh tranh. Ngoài ra, hiện nay người dân có sự lựa chọn đi theo 2 đường: qua hầm thì trả phí, còn đi theo đường đèo QL1 không mất phí. Khi đó, nếu tăng mức phí quá cao thì người dân sẽ lựa chọn đường đèo cũ để lưu thông, việc này không những ảnh hưởng đến hiệu quả của Dự án mà còn tăng nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông tăng cao do địa hình khu vực đường đèo rất khó khăn.
Cũng theo chủ trương nêu trên của Chính phủ, tháng 3/2018, Bộ GTVT đã có văn bản đề xuất Thủ tướng Chính phủ chấp thuận phương án sử dụng chung trạm Bắc Hải Vân để thu phí hoàn vốn Dự án hầm đường bộ Đèo Cả (trong đó có hạng mục hầm Hải Vân 2) và dự án hầm Phú Gia-Phước Tượng.
Lý giải về đề xuất này, Bộ GTVT cho biết, hiện trạm thu phí Bắc Hải Vân đang thu phí cho dự án BOT hầm Phú Gia-Phước Tượng, còn trạm thu phí Nam Hải Vân (chưa xây dựng) sẽ thu phí hạng mục hầm Hải Vân 2. Trạm dự kiến xây dựng chỉ cách trạm BOT Bắc Hải Vân 10km.
“Khi đó sẽ xảy ra bất cập, người dân đi từ Đà Nẵng đến trước cửa hầm Hải Vân phải trả phí lưu thông qua hầm, sau khi ra khỏi hầm lại tiếp tục trả phí cho dự án Phú Gia-Phước Tượng. Điều này sẽ gây bức xúc cho chủ các phương tiện, ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự khu vực trạm thu phí”, đại diện Bộ GTVT cho biết.
Trong khi đó, theo phương án kiến nghị lên Chính phủ là giảm bớt 1 trạm thu phí (đi từ TP.Huế và TP.Đà Nẵng chỉ phải qua 2 trạm là Phú Bài và Bắc Hải Vân), sẽ giảm chi phí xây dựng thêm 1 trạm thu phí mới.
Ngược lại, nếu chọn phương án xây dựng trạm thu phí, ngoài việc phát sinh thêm chi phí xây dựng trạm mới (khoảng 50-70 tỷ đồng) thì sẽ có 3 trạm thu phí (Phú Bài, Bắc Hải Vân, Nam Hải Vân) trong khoảng cách khoảng 74km từ TP.Huế đến khu du lịch Lăng Cô và hầm Hải Vân.
“Trong tương lai, mức phí tại trạm Bắc Hải Vân sẽ cao hơn các trạm khác trên QL1 do thu phí hoàn vốn 2 dự án và cũng bởi như ý kiến Đại biểu vừa nêu về việc suất đầu tư xây dựng hầm Đèo Cả lớn hơn hầm đường bộ rất nhiều. Tuy nhiên, Bộ GTVT dựa trên nguyên tắc không đánh đổi tất cả vì phương án tài chính mà sẽ đưa ra mức phí phù hợp với sức chịu đựng của nền kinh tế, đảm bảo hài hoà lợi ích của cả người dân và DN.
Bộ GTVT đã giao các cơ quan liên quan nghiên cứu, lựa chọn mức phí phù hợp và sớm ban hành Thông tư sửa đổi Thông tư số 35/2016/TT-BGTVT để áp dụng. Dự kiến Thông tư 35 sẽ được ban hành trong tháng 11/2018”, lãnh đạo Bộ GTVT cho biết.
Không dựng trạm một đằng, thu phí một nẻo
Vấn đề tiếp theo được Đại biểu Đinh Văn Nhã nêu đó là, phương án tài chính để hoàn vốn của dự án bị mất cân đối nghiêm trọng (có thể hụt hơn 4.000 tỷ đồng) do quy hoạch đường bộ cao tốc Bắc - Nam không được thực hiện trên địa bàn Phú Yên - Bình Định. Đặc biệt, theo đại biểu, Bộ GTVT đã đơn phương báo cáo Thủ tướng Chính phủ không thành lập trạm thu phí La Sơn - Túy Loan không đúng cam kết hợp đồng. Đại biểu Đinh Văn Nhã cũng đề nghị, để đền bù khoản hụt thu này cho DN, Ngân sách Nhà nước phải bố trí hỗ trợ như cam kết.
Vụ PPP cho biết, theo cơ chế ban đầu đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, Nhà đầu tư sẽ thu phí hoàn vốn tại trạm La Sơn - Túy Loan (thuộc dự án xây dựng đường Hồ Chí Minh đoạn La Sơn - Túy Loan đầu tư theo hình thức BT).
Tuy nhiên, trong quá trình rà soát tổng thể các trạm thu phí BOT có bất cập, trong đó có trạm La Sơn-Túy Loan đang ở tình trạng “đầu tư một nơi, thu phí một nơi”, rất dễ gây phản ứng của người tham gia giao thông. Vì thế, Bộ GTVT kiến nghị phương án không sử dụng trạm La Sơn-Tuý Loan để hoàn vốn cho dự án hầm Đèo Cả, đồng thời Bộ cũng kiến nghị Chính phủ bố trí nguồn vốn Nhà nước để hỗ trợ Dự án.
Trên cơ sở tính toán phương án tài chính, Bộ GTVT đã có văn bản số 10167/BGTVT-ĐTCT ngày 11/9/2018 báo cáo Thủ tướng Chính phủ 2 phương án:
Phương án 1 là giữ nguyên phương án thu phí tại trạm La Sơn - Túy Loan theo đúng Hợp đồng dự án đã ký.
Phương án 2, trường hợp không cho phép Chủ đầu tư thu phí tại trạm La Sơn - Túy Loan, cần bổ sung khoảng 3.200 tỷ đồng vốn ngân sách Nhà nước để hỗ trợ cho Dự án. Lãnh đạo Bộ GTVT cho hay vấn đề này đang đượclấy ý kiến các bộ, ngành liên quan để tham mưu Thủ tướng Chính phủ xem xét, giải quyết trong thời gian sớm nhất.
Hai vấn đề còn lại mà Đại biểu Đinh Văn Nhã nêu đó là: phương án tài chính để hoàn vốn bù vào 2 khoản mà Công ty BOT Đèo Cả đã ứng gồm 900 tỷ đồng để sửa chữa, mở rộng hầm đèo Hải Vân giai đoạn 1 và 300 tỷ đồng để chi vận hành hầm đèo Hải Vân từ năm 2016 đến nay không thực hiện được do không lập thêm trạm thu phí Nam Hải Vân và phần vốn Ngân sách nhà nước tham gia hỗ trợ GPMB tái định cư của dự án còn thiếu khoảng 1.200 tỷ đồng.
Về 2 vấn đề này, lãnh đạo Bộ GTVT cho biết, những khoản trên đều đã được tính trong phương án tài chính, ngay sau khi thông tư sửa đổi Thông tư 35 được ban hành, trạm Bắc Hải Vân sẽ áp dụng mức phí mới, áp dụng hoàn vốn cho cả 2 dự án hầm đường bộ Phú Gia-Phước Tượng và hầm Đèo Cả. Sau khi kết thúc hoàn vốn cho Dự án hầm đường bộ Phú Gia - Phước Tượng, trạm Bắc Hải Vân sẽ sử dụng để hoàn vốn cho Dự án hầm đường bộ qua Đèo Cả.
Không có chuyện "đóng cửa" hầm Hải Vân 1
Liên quan đến thông tin sẽ “đóng cửa” hầm Hải Vân 1 do nguồn tiền ứng ra từ vốn chủ sở hữu hiện nay của doanh nghiệp quá lớn và kéo dài, trao đổi với Báo điện tử Chính phủ Chủ tịch HĐQT Công ty BOT Đèo Cả ông Hồ Minh Hoàng cho biết, Công ty đang phối hợp với Bộ GTVT tính toán tổng thể lại phương án tài chính của toàn bộ dự án để báo cáo lên Chính phủ.
“Về phía Công ty Đèo Cả, trước mắt chúng tôi sẽ cân đối nguồn tiền của Công ty để thanh toán chi phí vận hành hầm, bằng mọi cách sẽ duy trì hầm vận hành ổn định, đảm bảo tuyến đường lưu thông thông suốt cho người dân”, ông Hồ Minh Hoàng cho biết.
Dự án hầm đường bộ qua Đèo Cả (bao gồm cả hầm đèo Cù Mông và mở rộng hầm đường bộ Hải Vân) có tổng mức đầu tư khoảng 26.154 tỷ đồng (nguồn vốn BOT 21.106 tỷ đồng; nguồn vốn Nhà nước hỗ trợ Dự án 5.048 tỷ đồng). Theo dự kiến ban đầu, Dự án sẽ sử dụng 7 trạm thu phí gồm: trạm Đèo Cả, trạm Bàn Thạch, trạm Cù Mông, trạm Nam Hải Vân, trạm La Sơn - Túy Loan, trạm Bắc Hải Vân (bắt đầu thu sau khi kết thúc hoàn vồn Dự án hầm đường bộ Phú Gia - Phước Tượng) và trạm Ninh An để hoàn vốn. Thời gian hoàn vốn khoảng 29 năm.