Sáng nay (12/11), Bộ GTVT tổ chức Hội nghị nghe Báo cáo cuối kỳ về Nghiên cứu tiền khả thi Dự án đường sắt tốc độ cao (ĐSTĐC) Bắc - Nam. Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông chủ trì Hội nghị.
Tham dự Hội nghị có đại diện các Bộ, Ngành và 20 địa phương có Dự án đi qua; đại diện Đại sứ quán Nhật Bản và Đại sứ quán Hàn Quốc; đại diện các Cục, Vụ, Viện của Bộ GTVT cùng nhiều các cơ quan liên quan khác.
Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông chủ trì Hội nghị
Theo Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông, Dự án đường sắt tốc độ cao đã được đề xuất và đưa vào chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước từ rất sớm.
“Đến nay, Bộ GTVT đã tổ chức 04 hội nghị, hội thảo 4 chuyên đề và đã tổ chức báo cáo đầu kỳ, giữa kỳ... để xin ý kiến các cơ quan, đơn vị liên quan, các chuyên gia, nhà nghiên cứu”, Thứ trưởng cho biết.
Trên cơ sở đó, Thứ trưởng bày tỏ kỳ vọng, sau khi nghe báo cáo cuối kỳ của Liên danh Tư vấn, Hội nghị sẽ được nghe những ý kiến đánh giá , phân tích và góp ý của đại biểu dự họp về báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án ĐSTĐC trên trục Bắc -Nam.
Kết quả nghiên cứu tiền khả thi Dự án ĐSTTĐC trên trục Bắc – Nam đã đầy đủ và đồng bộ
Theo kết quả nghiên cứu tiền khả thi của Liên danh Tư vấn, Dự án Đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc -Nam có điểm đầu là ga Hà Nội, điểm cuối là ga Thủ Thiêm (TP. Hồ Chí Minh). Dự án đi qua 20 tỉnh thành với chiều dài toàn tuyến khoảng 1545km, đường đôi - khổ 1435mm, có 24 ga và 03 ga quy hoạch tiềm năng, 05 depot, 42 cơ sở bảo trì hạ tầng.
Về kịch bản phát triển đường sắt trên trục Bắc - Nam sẽ nâng cấp tối ưu hóa năng lực đường đơn của tuyến đường sắt hiện tại để khai thác vận tải hàng hóa và hành khách địa phương; xây dựng tuyến mới để khai thác tàu khách với định hướng giai đoạn đầu khai thác với tốc độ 200km/h, về lâu dài khai thác tốc độ 320km/h (tốc độ thiết kế 350km/h).
Giai đoạn đầu triển khai đầu tư xây dựng và đưa vào khai thác năm 2032 đối với 2 đoạn là Hà Nội - Vinh (dài 282,65 km) và Nha Trang – TP. HCM (dài 362,15 km); đoạn còn lại Vinh – Nha Trang sẽ được tiếp tục xây dựng từ năm 2035 và phấn đấu hoàn thành đưa vào khai thác toàn tuyến vào năm 2050.
Liên danh tư vấn cũng đề xuất mô hình quản lý khai thác dưới dạng thành lập một công ty đầu tư và quản lý hạ tầng đường sắt tốc độ cao và một công ty vận tải đường sắt tốc độ cao. Các công ty này sẽ đầu tư phương tiện, tổ chức vận hành khai thác và bảo dưỡng hạ tầng, phương tiện và trả phí thuê cơ sở hạ tầng cho công ty đầu tư và quản lý hạ tầng.
GS.TSKH Lã Ngọc Khuê đưa ra ý kiến về nội dung
phân kỳ đầu tư trong nghiên cứu tiền khả thi của Dự án
Dưới sự điều hành của Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông, các đại biểu và Liên danh Tư vấn đã dành phần lớn thời gian tại cuộc họp để thảo luận và trao đổi về các nội dụng của Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi của Dự án.
Trong đó, nhiều đại biểu đánh giá Báo cáo lần này của Liên danh Tư vấn là rất đầy đủ và đồng bộ; đồng thời các đại biểu đã tập trung phân tích nhiều vào vấn đề phân kỳ đầu tư; công tác về dự báo nhu cầu vận tải; vấn đề về hiệu quả đầu tư; kinh nghiệm của các nước trên thế giới; công nghiệp phát triển đường sắt và phụ trợ; hình thức đầu tư…của Báo cáo Nghiên cứu tiền khả thi Dự án ĐSTĐC trên trục Bắc – Nam
Mục tiêu cuối năm 2018 sẽ báo cáo Nghiên cứu tiền khả thi lên các cấp có thẩm quyền
Cảm ơn ý kiến đóng góp, phản biện của các chuyên gia, các nhà khoa học; các cơ quan trong và ngoài nước; các địa phương, các Bộ, ban, ngành… đã đồng hành toàn bộ quá trình thực hiện nghiên cứu tiền khả thi của Dự án, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông nhấn mạnh rằng, Dự án này là dự án hết sức quan trọng và rất lớn. Để hoàn thiện nghiên cứu dự án này vẫn còn nhiều vấn đề cần thực hiện để đạt được mục tiêu vào cuối năm nay sẽ báo cáo lên các cấp có thẩm quyền.
Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông tiếp tục đề nghị
Liên danh Tư vấn làm rõ ý kiến các đại biểu dự họp
Đánh giá cao sự chuẩn bị của Liên danh Tư vấn đối với Báo cáo hôm nay, Thứ trưởng đề nghị Tư vấn tiếp thu và giải trình các ý kiến đóng góp của các đại biểu dự họp để tiếp tục hoàn thiện Báo cáo.
“Tư vấn cần tiếp tục tập trung làm rõ các nội dung về sự cần thiết đầu tư của Dự án; đưa ra đánh giá tác động về an toàn giao thông hiện tại và tương lai; tác động phát triển kinh tế - xã hội đối với vùng miền (các địa phương có Dự án đi qua và không có Dự án đi qua); so sánh việc lựa chọn công nghệ; rà soát, tính toán lại hiệu quả kinh tế và các vấn đề về công nghiệp đường sắt… .”, Thứ trưởng đề nghị.
Về tiến độ nghiên cứu và thực hiện Dự án, dự kiến hoàn thành báo cáo nghiên cứu tiền khả thi tháng 11/2018; Báo cáo các cấp có thẩm quyền từ tháng 12/2018 – 7/2019; Hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án để trình Chính phủ tháng 8/2019; Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến vào tháng 8/2019; Quốc hội thông qua tại kỳ họp tháng 10/2019. |
K.A