Chiều 02/01, Cục Hàng hải VN tổ chức Hội nghị Triển khai kế hoạch nhiệm vụ năm 2019.
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đã đến dự và phát biểu chỉ đạo. Cùng tham dự có Thứ trưởng Nguyễn Văn Công.
Bộ trưởng đánh giá cao những kết quả mà cán bộ, nhân viên,
người lao động Cục Hàng hải VN đã đạt được trong thời gian qua
Tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đánh giá cao những kết quả mà cán bộ, nhân viên, người lao động Cục Hàng hải VN đã đạt được trong thời gian qua.
“Việt Nam là đất nước có hàng hóa xuất nhập khẩu (XNK) chiếm tỉ trọng cao. Hầu hết hàng hóa đều phải đi qua cảng biển để vào thị trường nội địa. Vì vậy, ngành Hàng hải là một trong những ngành đặc biệt quan trọng, thậm chí quan trọng nhất trong 5 lĩnh vực của ngành giao thông”, Bộ trưởng khẳng định và đánh giá thêm, trong thời gian qua, hàng hải cũng chính là ngành thực hiện cải cách thủ tục hành chính mạnh mẽ nhất của Bộ GTVT, tiệm cận nhanh với CMCN 4.0 đang lan tỏa mạnh mẽ.
Tuy vậy, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho rằng, ngành Hàng hải vẫn chưa tận dụng được hết tiềm năng. Sự kết nối với 4 phương thức còn lại, đặc biệt với đường sắt và đường thủy nội địa vẫn còn yếu, tình trạng “có cảng, kho bãi nhưng không có đường” vẫn tồn tại. Trên cơ sở đó, Bộ trưởng yêu cầu Cục Hàng hải VN phải nghiên cứu, thực hiện tốt ngay từ khâu quy hoạch.
“Đối với cảng Lạch Huyện ở khu vực phía Bắc, Cục Hàng hải VN phải nghiên cứu quy hoạch lại các cảng nhỏ, tập trung lợi thế cho Lạch Huyện phát triển, phải tính phương án khi cảng Lạch Huyện có nhiều hơn 2 bến cảng như hiện tại thì việc kết nối giao thông sẽ ra sao? Có cần xây dựng nhiều hơn một cây cầu Lạch Huyện? Phương án đường thủy sẽ kết nối như thế nào? Với lợi thế của Hải Phòng, một cảng Lạch Huyện đã đủ đáp ứng hay cần phải xây dựng thêm một cảng khác?”, Bộ trưởng đặt vấn đề.
“Tại khu vực phía Nam, ngành hàng hải cũng phải cân nhắc đường bộ vào cảng Cái Mép – Thị Vải có nên mở rộng để giải quyết tình trạng ách tắc như hiện nay? Nếu mở thì mở đường nào? Quy mô ra sao? Có nên hình thành đường sắt, đường thủy nội địa kết nối, gom hàng?”, Bộ trưởng nói và nhấn mạnh, ngành hàng hải phải huy động mọi nguồn lực để thuê tư vấn, chuyên gia giỏi làm tốt vấn đề quy hoạch.
Theo Bộ trưởng cho dù cảng Cái Mép - Thị Vải đã có Đề án giao thông kết nối song nếu các phương án hoạch định không khả thi, cơ quan chức năng phải thuê tư vấn nước ngoài đánh giá lại. Phát triển cảng biển không cần nhiều quy hoạch mới nhưng phải có quy hoạch tốt để có những trung tâm cảng thực sự chất lượng.
Bộ trưởng cũng cho rằng, việc phát triển cảng biển phải đồng đều. Ngành hàng hải phải chú trọng hơn trong nghiên cứu, hình thành cảng biển ở khu vực miền Trung.
“Đặc biệt, khu vực ĐBSCL đang có đầy đủ yếu tố thuận lợi để phát triển hàng hải nhưng cảng Cái Cui hiện không hiệu quả, vì vậy phải nghiên cứu, chọn vị trí làm một cầu cảng mới, một cầu cảng tận dụng nguồn lực và trí lực của các tập đoàn tư nhân chứ không sử dụng vốn ngân sách Nhà nước”, Bộ trưởng nói.
“Để nâng cao chất lượng cảng biển, thu hút hàng hóa và các hãng tàu lớn trên thế giới mở tuyến đến Việt Nam, tất cả các cảng biển Việt Nam, các DN ngành hàng hải phải nhanh chóng hình thành một cơ sở dữ liệu lớn của ngành để quá trình giám sát, thực hiện TTHC tại cảng được tự động hóa hoàn toàn”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nhận định và yêu cầu ngành hàng hải rà soát, sàng lọc lại nguồn nhân lực, chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ chủ chốt và có phương án cho lực lượng cán bộ nguồn để bồi dưỡng, nâng cao trình độ nghiệp vụ, tránh tình trạng “tre đã già nhưng măng chưa mọc”, ảnh hưởng đến sự phát triển của ngành.
Cục trưởng Nguyễn Xuân Sang đã báo cáo tóm tắt với Bộ trưởng
về tình hình hoạt động của ngành Hàng hải trong năm 2018
Trước đó, Cục trưởng Cục Hàng hải VN Nguyễn Xuân Sang đã báo cáo tóm tắt với Bộ trưởng về tình hình hoạt động của ngành Hàng hải trong năm 2018.
Năm 2018, Cục HHVN đã nỗ lực xây dựng, thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật (QPPL), trình Bộ GTVT dự thảo 25 Thông tư. Trong đó, một số văn bản có nội dung mới, tác động đến nhiều tổ chức, cá nhân như: Nghị định của Chính phủ về quản lý hoạt động nạo vét trong vùng nước cảng biển và vùng nước đường thủy nội địa; Thông tư về biểu khung giá dịch vụ hoa tiêu, dịch vụ sử dụng cầu, bến, phao neo, dịch vụ bốc dỡ container và dịch vụ lai dắt tại cảng biển Việt Nam.
Về công tác tổ chức cán bộ, năm 2018, Cục HHVN đã tổ chức xây dựng Đề án rà soát kiện toàn tổ chức, bộ máy theo nội dung Nghị quyết số 18 và Nghị quyết số 19 của Ban Chấp hành Trung ương Khóa XII. Trong đó, đề xuất phương án giảm 1 phòng, 5 cảng vụ, 1 Trung tâm theo lộ trình.
Về công tác bảo đảm an toàn hàng hải, tính đến 15/12/2018 xảy ra 18 vụ tai nạn hàng hải làm chết và mất tích 4 người. So với năm 2017, số vụ tai nạn hàng hải năm 2018 đã giảm 1 vụ; giảm 8 người chết và mất tích, không có người bị thương.
Cục Hàng hải VN cũng đã chỉ đạo, phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra 2.212 lượt tàu biển Việt Nam hoạt động tuyến nội địa và phương tiện mang cấp VR - SB, phát hiện 2.149 lượt tàu có khiếm khuyết; Kiểm tra 467 lượt tàu biển Việt Nam hoạt động tuyến quốc tế, phát hiện 410 lượt tàu có khiếm khuyết và kiểm tra 2.009 lượt tàu biển nước ngoài, phát hiện 770 lượt tàu có khiếm khuyết.
Bên cạnh đó, trong năm 2018, Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải VN đã thu nhận và xử lý là 450 vụ tai nạn, điều động 77 lượt tàu cứu nạn chuyên dụng thực hiện TKCN trên biển, cứu và hỗ trợ hơn 1.000 người.
Tính đến tháng 12/2018, đội tàu biển Việt Nam có 1.593 tàu, tổng trọng tải khoảng 7,8 triệu DWT, đứng thứ 4 trong khu vực ASEAN và thứ 30 trên thế giới. Trong đó, đội tàu container tăng trưởng từ 19 tàu (năm 2013) lên 41 tàu trong (năm 2018), tăng bình quân khoảng 20%/năm.
Năm 2018, tổng sản lượng vận tải do đội tàu biển Việt Nam thực hiện ước đạt 144,6 triệu tấn, khối lượng hàng hóa luân chuyển đạt hơn 153 triệu tấn.km, tăng 10,9% so với năm 2017, chiếm tỷ trọng 55,6% trong tổng lượng hàng hóa luân chuyển của tất cả các phương thức vận tải.
Đội tàu mang cờ quốc tịch Việt Nam hiện đã đảm nhận được gần 100% lượng hàng vận tải nội địa bằng đường biển, trừ một số tàu chuyên dụng như LPG, xi măng rời…. Đối với vận tải biển quốc tế, đội tàu container Việt Nam hoạt động chủ yếu trên các tuyến vận tải ngắn Đông Nam Á và Đông Bắc Á, một số tàu hàng rời đã vận tải hàng hóa trên các tuyến châu Âu.
Tổng sản lượng hàng hóa thông qua cảng biển của các phương tiện thủy nội địa năm 2018 ước đạt 171,6 triệu tấn, tăng 30,5% so với năm 2017, số lượt phương tiện ra, vào cảng đạt 30,2 nghìn lượt, tăng 39,4% so với năm 2017, trong đó phương tiện VR-SB đảm nhận vận chuyển là 35,2 triệu tấn, tăng 88% so với năm 2017. Đặc biệt, Việc kết nối vận tải giữa đường biển với đường thủy nội địa đã phát triển mạnh mẽ trong những năm gần đây.
Về cảng biển, hiện nay, tổng số bến cảng được công bố là 272 bến cảng, tổng công suất trên 550 triệu tấn/năm. Năm 2018, sản lượng hàng hóa thông qua hệ thống cảng biển Việt Nam ước đạt 524,7 triệu tấn (không bao gồm sản lượng hàng hóa quá cảnh không bốc dỡ), trong đó, khối lượng hàng container thông qua cảng biển năm 2018 ước đạt 17,8 triệu TEU, tăng lần lượt 19% và 24% so với năm 2017. Lượng hành khách qua cảng cũng tăng 28,9% so với năm 2017, đạt 5,8 triệu hành khách.
Về dịch vụ hàng hải và logistics, cả nước hiện có khoảng 1.300 DN tham gia cung cấp các loại hình dịch vụ hàng hải. Các DN cung cấp dịch vụ logistics của Việt Nam mới chỉ đáp ứng được ¼ nhu cầu thị trường và đang dừng lại ở việc cung cấp dịch vụ cho một số công đoạn ban đầu (đóng gói, cho thuê kho bãi, làm dịch vụ hải quan…) cho chuỗi dịch vụ logistics khép kín.
Tuy vậy, thủ tục hành chính trong dịch vụ logistics và trong thủ tục tại cảng biển thời gian qua đã có tiến bộ đáng kể. Cục HHVN đã chỉ đạo các cảng vụ thực hiện ký số Giấy phép điện tử cho tàu thuyền vào, rời cảng biển. Triển khai mở rộng Cơ chế một cửa quốc gia đối với 11 thủ tục hành chính lĩnh vực hàng hải trên Cổng thông tin một cửa quốc gia tại 25 Cảng vụ Hàng hải từ tháng 7/2018. Tổng số hồ sơ điện tử được tiếp nhận, phê duyệt từ ngày 1/7/2018 đến nay là hơn 28.000 hồ sơ, chiếm 87% tổng số hồ sơ được tiếp nhận.
Bộ trưởng thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trao
Cờ thi đua của Thủ tướng Chính phủ cho CVHH Quảng Ninh
Thứ trưởng Nguyễn Văn Công trao tặng Danh hiệu Chiến sĩ thi đua ngành GTVT cho các cá nhân
Cũng tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đã thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trao Cờ thi đua của Thủ tướng Chính phủ cho CVHH Quảng Ninh. Cùng đó, Thứ trưởng Nguyễn Văn Công đã trao tặng Danh hiệu Chiến sĩ thi đua ngành GTVT cho 4 cá nhân và Bằng khen của Bộ trưởng Bộ GTVT cho 4 tập thể là Cảng vụ Hàng hải Vũng Tàu, Cảng vụ Hàng hải TP. Hồ Chí Minh, Trung tâm Phối hợp TKCN Hàng hải VN, Trung tâm Phối hợp TKCN Hàng hải khu vực I và 11 cá nhân của Cục Hàng hải VN.
Thứ trưởng Nguyễn Văn Công trao Bằng khen của Bộ trưởng Bộ GTVT cho các tập thể và cá nhân
H.N