Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể: Phải dám nghĩ, dám làm, giao thông mới đột phá

Thứ hai, 11/02/2019 09:49
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết, năm 2018 ghi nhận nhiều dấu ấn nổi bật của đất nước khi kinh tế tăng trưởng mạnh; hạ tầng giao thông phát triển ngày càng tạo thuận lợi cho người dân đi lại, làm ăn tạo ra khí thế mới, niềm tin mới, mở ra cơ hội lớn cho đất nước cải cách và bứt phá. Điều này là cơ sở để mọi người dân an vui đón Tết Kỷ Hợi 2019 và tạo đột phá phát triển hạ tầng giao thông…

Cải cách thể chế tạo động lực phát triển

Năm 2018, ngành GTVT đã quyết liệt thực hiện đổi mới toàn diện và đạt được nhiều kết quả nổi bật. Nhìn lại một năm qua, Bộ trưởng đánh giá thế nào về những kết quả này?

Năm 2018 là năm bản lề thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII, cũng như kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm (2016-2021) của đất nước, nên có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Dù còn gặp nhiều thách thức, nhưng được sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, toàn diện của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự phối hợp, hỗ trợ kịp thời của các bộ, ngành, chính quyền các địa phương và sự chủ động, quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành của tập thể Ban Cán sự Đảng, lãnh đạo Bộ GTVT và sự quyết tâm, nỗ lực của tập thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động…, ngành GTVT đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.


Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đốc thúc dự án cầu vượt Mai Dịch 

Về công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, chúng tôi xem việc hoàn thiện thể chế là một trong những nhiệm vụ quan trọng, cần có bước tiến đột phá. Vì đột phá về thể chế sẽ tạo động lực để phát triển. Năm 2018, Bộ GTVT đã hoàn thành 100% kế hoạch xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; quan tâm nâng cao chất lượng xây dựng, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật sao cho phải thực chất, đi vào cuộc sống.

Với công tác xây dựng, phát triển hạ tầng giao thông, đây là nhiệm vụ rất quan trọng của ngành GTVT. Không có đường sá, kết cấu hạ tầng giao thông tốt, chúng ta không thể tổ chức vận tải và giao thương để phát triển KT-XH được. Năm 2018, với những công trình đang triển khai, chúng tôi đã có những nỗ lực, cố gắng hoàn thành dứt điểm, đưa nhiều dự án vào khai thác để phát huy hiệu quả đầu tư.

Bộ GTVT, các địa phương, các chủ đầu tư đã hoàn thành và đưa vào khai thác nhiều công trình giao thông lớn như: Cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, cầu Bạch Đằng, cầu Cao Lãnh, cao tốc Hạ Long - Bạch Đằng, cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình, cầu Ba Vì - Việt Trì, CHK quốc tế Vân Đồn...

Nhiều dự án trong số này được huy động vốn theo hình thức xã hội hóa, trong đó có dự án đầu tư 100% vốn của tư nhân. Các dự án đưa vào khai thác góp phần thay đổi diện mạo giao thông, thúc đẩy liên kết vùng và phát triển KT-XH địa phương, đồng thời đáp ứng nhu cầu đi lại ngày càng tốt hơn của người dân.

Liên quan đến công tác chuẩn bị đầu tư, chúng tôi đang triển khai những dự án, đề án rất lớn như: Xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông; Xây dựng sân bay quốc tế Long Thành; Mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất; Xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao trục Bắc - Nam...

Trong đó, có những dự án, công tác chuẩn bị phải kéo dài thời gian trong nhiều năm, nhiều nhiệm kỳ. Đến thời điểm này, tất cả những dự án nêu trên đang được triển khai các bước theo đúng kế hoạch, tiến độ đề ra.

Về công tác vận tải, vẫn còn tình trạng xe dù bến cóc, xe trá hình, xe quá khổ quá tải, cuộc chiến taxi truyền thống và taxi công nghệ… nhưng chúng tôi đã tập trung cao độ để chỉ đạo, quản lý hoạt động vận tải được bình thường. Hiện, ngành GTVT đang nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến để hoàn thiện trình Chính phủ xem xét ban hành Nghị định bổ sung, sửa đổi Nghị định 86 nhằm quản lý hoạt động vận tải quy củ, nền nếp và hiệu quả hơn.

Công tác đảm bảo ATGT là một trong những nhiệm vụ khó khăn, quan trọng nhất vì chúng tôi luôn ý thức, bảo vệ tính mạng con người là quan trọng nhất và trên hết.

Đến thời điểm này, cả hệ thống chính trị chứ không riêng ngành GTVT đã rất nỗ lực, nhờ đó chúng ta đã đạt được mục tiêu kéo giảm cả 3 tiêu chí (giảm 6,71% về số vụ, giảm 0,40% về số người chết và giảm 13,13% về số người bị thương), tuy nhiên tiêu chí số người chết không đạt được mục tiêu giảm 5% đã đề ra.

Với những kết quả nêu trên, chúng tôi đánh giá công tác đảm bảo TTATGT đã có những chuyển biến tích cực và được cải thiện tương đối tốt.

Có thể nói, 2018 là năm hết sức khó khăn với ngành GTVT với nhiều vấn đề nóng đặt ra và nhiều yêu cầu rất cao, tuy nhiên chúng tôi cố gắng thực hiện tốt nhất trách nhiệm của mình. Chúng tôi trân trọng cảm ơn sự đồng hành của xã hội, các bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là sự chỉ đạo tập trung của Chính phủ để đến thời điểm này, ngành GTVT cơ bản hoàn thành các mục tiêu đặt ra.

Nhưng thẳng thắn nhìn nhận, ngành GTVT vẫn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Còn những điều gì khiến Bộ trưởng chưa hài lòng? Năm nay, ngành GTVT sẽ tập trung khắc phục tồn tại như thế nào để đạt được kết quả cao nhất?

Những kết quả trên của ngành GTVT mới chỉ là bước đầu, thẳng thắn nhìn nhận một số lĩnh vực vẫn còn hạn chế chưa được khắc phục triệt để.

Đơn cử như công tác đảm bảo ATGT trong năm 2018, dù có nhiều nỗ lực và TNGT tiếp tục giảm trên cả 3 tiêu chí. Tuy nhiên, thiệt hại về người vẫn ở mức cao và còn xảy ra một số vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng. Một điểm nữa khiến tôi trăn trở thời gian qua là công tác kiểm soát chất lượng đối với một số công trình giao thông.


Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể

Mặc dù, Bộ GTVT đã chỉ đạo rất quyết liệt, yêu cầu chủ đầu tư, các nhà thầu, tư vấn giám sát, tư vấn thiết kế và các cơ quan, đơn vị liên quan quản lý chặt chẽ về chất lượng công trình, coi chất lượng công trình là vấn đề cốt lõi và được ưu tiên số một. Tuy nhiên, trong năm qua xảy ra một số vụ việc liên quan đến công trình xuống cấp và công trình không đảm bảo về chất lượng. Cùng với đó, một số dự án BOT vẫn còn là điểm nóng, chưa được giải quyết dứt điểm.

“Để làm được một con đường, một cây cầu tiêu tốn hàng trăm, hàng nghìn, thậm chí hàng chục nghìn tỷ đồng. Đó là một con số rất lớn, nhất là trong bối cảnh đất nước ta còn nghèo, mỗi đồng vốn bỏ ra, dù là ngân sách, ODA hay kêu gọi xã hội hóa đều là tiền của dân. Nếu theo nghĩa này, mỗi khi triển khai một dự án là chúng ta đang nghĩ lớn và làm lớn rồi - Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể

Năm nay, chúng tôi phải nỗ lực nhiều hơn nữa và triển khai công việc ngay từ những ngày đầu, tháng đầu, quý đầu để hoàn thành tốt nhất mục tiêu, nhiệm vụ được giao. Chúng tôi cũng đã đặt ra một số mục tiêu cụ thể. Về công tác xây dựng cơ bản, chúng tôi đã xây dựng kế hoạch năm 2019, tổng kiểm tra rà soát lại tình hình thực hiện dự án, khả năng giải ngân để đăng ký với Chính phủ, Quốc hội; Đồng thời, nỗ lực thực hiện tốt nhất công tác giải ngân. Nếu chúng ta thực hiện công tác giải ngân tốt, sớm đưa các công trình vào khai thác sẽ phát huy hiệu quả đầu tư của dự án.

Dự án xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông gồm 11 dự án thành phần đã phê duyệt đầu tư, trong đó có 3 dự án vốn ngân sách Nhà nước và 8 dự án đối tác công - tư. Chúng tôi đang tập trung thiết kế bản vẽ, thi công và dự toán, cũng như phối hợp với các địa phương đẩy nhanh công tác GPMB, để trong năm 2019 sẽ tổ chức đấu thầu toàn bộ và khởi công một số dự án thành phần nêu trên.

Về dự án CHK quốc tế Long Thành, dự kiến trong tháng 10/2019 chúng tôi sẽ báo cáo Quốc hội. Hiện nay, Bộ GTVT đang phối hợp với tỉnh Đồng Nai tiến hành kiểm đếm công tác GPMB, đồng thời đã chỉ đạo TCT Cảng hàng không VN tập trung đẩy nhanh tiến độ lập dự án.

Năm 2019, cũng còn một nhiệm vụ rất quan trọng nữa là phải trình Quốc hội Đề án xây dựng đường sắt tốc độ cao trục Bắc - Nam. Hiện nay, chúng tôi đã hoàn thành công tác nghiên cứu tiền khả thi. Dự kiến, chúng tôi sẽ báo cáo Chính phủ, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành T.Ư vào giữa năm 2019, để cuối năm 2019 sẽ báo cáo Quốc hội quyết định chủ trương lập báo cáo nghiên cứu khả thi chi tiết.

Thời gian vừa qua, Bộ GTVT đã báo cáo Chính phủ kế hoạch vốn năm 2019 là khoảng 41.000 tỷ. Nguồn vốn này đã nằm trong kế hoạch vốn trung hạn 2016-2021, nên khi được Chính phủ phê duyệt kế hoạch vốn, chúng tôi sẽ tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ giải ngân các dự án.

Nếu giải ngân tốt, vào cuối năm chúng tôi có thể kiến nghị Chính phủ bổ sung thêm nguồn vốn để sớm hoàn thành và đưa các dự án quan trọng vào khai thác, nhằm đem lại hiệu quả cao nhất đối với dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông.

Đối với công tác đảm bảo ATGT luôn là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong chỉ đạo, điều hành của Bộ GTVT. Công tác này liên quan đến nhiều yếu tố chủ quan, nếu chúng ta không tập trung triển khai tốt và đồng bộ các nhóm giải pháp đề ra, TNGT sẽ diễn biến rất phức tạp và khó đạt được mục tiêu đề ra. Chúng tôi sẽ cùng các địa phương, đặc biệt là với Ủy ban ATGT Quốc gia tập trung chỉ đạo để năm 2019 cố gắng đạt 3 chỉ tiêu kéo giảm TNGT như mục tiêu đề ra.

Liên quan đến vấn đề nóng, được xã hội rất quan tâm thời gian qua là việc đặt trạm và thu phí hoàn vốn đối với các dự án BOT, chúng tôi đã báo cáo Chính phủ rất nhiều lần, với rất nhiều phương án. Tuy nhiên, giải quyết, xử lý dứt điểm vấn đề nóng nêu trên đã vượt quá khả năng, thẩm quyền của Bộ GTVT, vì việc miễn giảm toàn bộ mức phí qua các dự án BOT cho các phương tiện tham gia giao thông, Chính phủ và Quốc hội cần bố trí nguồn kinh phí lớn để xử lý.

Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, năm 2019, chúng tôi sẽ tham mưu và giải quyết căn cơ các dự án BOT hiện hữu, còn những dự án mới chúng tôi sẽ thực hiện đúng Nghị quyết của Quốc hội.

Giao thông luôn phải đi trước...

Để đất nước có một mùa xuân an vui, vai trò của ngành GTVT rất lớn, đặc biệt là công tác đảm bảo ATGT, phát triển vận tải. Vậy, công tác này thời gian qua được Bộ GTVT quan tâm như thế nào, thưa Bộ trưởng?

GTVT có vai trò đặc biệt quan trọng, liên quan mật thiết đến cuộc sống của mỗi người dân. Do vậy, giao thông luôn phải đi trước một bước để mở đường, tạo đột phá phát triển KT-XH, đảm bảo quốc phòng, an ninh và sự ổn định, bền vững của đất nước và tạo thuận lợi trong giao thương và đi lại của người dân.

Nhận thức được điều đó, những năm qua, ngành GTVT đặc biệt quan tâm đầu tư xây dựng phát triển hệ thống hạ tầng giao thông hiện đại. Đối với công tác vận tải, chúng tôi chú trọng phát triển hài hòa cả 5 phương thức là đường bộ, đường sắt, hàng không, hàng hải và đường thủy nội địa.

Thời gian qua, vận tải đường bộ đang chiếm tỷ trọng lớn trong cả 5 lĩnh vực vận tải hành khách và hàng hóa của đất nước. Điều đó dẫn tới nhiều hệ lụy như: Ùn tắc, xe quá tải bùng phát, giá cước vận tải nói riêng và các chi phí liên quan đến logistics quá cao so với các nước trên thế giới, đồng thời TNGT đường bộ cũng diễn biến rất khó lường.

Vì thế, ngoài lĩnh vực vận tải đường bộ, chúng tôi sẽ chú trọng hơn để phát triển hài hòa các loại hình vận tải của các lĩnh vực khác, nhằm chia sẻ áp lực và tình trạng quá tải đối với lĩnh vực đường bộ. Đối với lĩnh vực hàng không những năm gần đây đã có sự phát triển vượt bậc. Thị trường hàng không Việt Nam thuộc diện tăng trưởng nhanh nhất trên thế giới. Nếu như trước đây chỉ có một hãng hàng không là Vietnam Airlines, nay đã có thêm Vietjet, Jetstar Pacific, tới đây là Bamboo Airways và một số hãng hàng không khác đang xin cấp phép.


Cao tốc Hạ Long - Móng Cái

Lĩnh vực đường sắt dù vẫn còn tồn tại, hạn chế nhưng sau một thời gian đổi mới, chấn chỉnh đã cải thiện rất nhiều. Vé tàu hỏa giờ gần như được bán hoàn toàn qua mạng với nhiều hình thức thanh toán trực tuyến. Đường thủy, hàng hải cũng đang dần đổi mới và từng bước lấy lại thị phần.

Đặc biệt, tuyến vận tải sông pha biển (SB) dù mới được mở cách đây 3-4 năm nhưng đã tạo bước đột phá lớn. Có thời điểm mức tăng trưởng lên đến 3 con số. Đường thủy và hàng hải phát triển không những san sẻ gánh nặng cho đường bộ, giảm cước phí vận tải mà còn góp phần đảm bảo ATGT, kéo giảm ùn tắc và TNGT.

Cùng với việc phát triển hài hòa các loại hình vận tải nêu trên, thì vấn đề đảm bảo ATGT luôn được Bộ GTVT yêu cầu đặt lên hàng đầu. Đã tham gia vận tải hàng hóa, hành khách thì phải đảm bảo an toàn. Chỉ có như vậy chúng ta mới có sự phát triển bền vững và mọi người, mọi nhà mới thực sự có mùa xuân an vui, an toàn.

Nhiều người cho rằng, muốn phát triển hạ tầng giao thông hiện đại phải dám nghĩ, dám làm, thậm chí dám nghĩ lớn, làm lớn. Thực tế đã chứng minh, trước đây ngành GTVT dù nhiều giai đoạn rất khó khăn về vốn vẫn có thể đầu tư nhiều công trình giao thông tầm cỡ, tạo đà phát triển đất nước. Quan điểm của Bộ trưởng thế nào về điều này? Tới đây, Bộ trưởng định hướng thế nào trong việc huy động nguồn lực để tiếp tục đầu tư phát triển hạ tầng giao thông?

Tôi cho rằng, không chỉ riêng việc phát triển hạ tầng giao thông, mà muốn phát triển đột phá bất kỳ lĩnh vực nào, chúng ta cũng phải dám nghĩ, dám làm. Giao thông là lĩnh vực luôn phải “đi trước mở đường” thì càng phải dám nghĩ, dám làm, nếu không muốn nói là phải nghĩ lớn, làm lớn. Bởi để làm được một con đường, một cây cầu tiêu tốn hàng trăm, hàng nghìn, thậm chí hàng chục nghìn tỷ đồng. Đó là một con số rất lớn, nhất là trong bối cảnh đất nước ta còn nghèo, mỗi đồng vốn bỏ ra, dù là ngân sách, ODA hay kêu gọi xã hội hóa đều là tiền của dân. Nếu theo nghĩa này, mỗi khi triển khai một dự án là chúng ta đang nghĩ lớn và làm lớn rồi.

Thời gian qua, có một số giai đoạn chúng ta huy động vốn xã hội hóa rất tốt, nên triển khai đầu tư được nhiều công trình dự án lớn, sau khi đưa vào khai thác mang lại hiệu quả KT-XH rất cao. Chúng tôi luôn nhận thức việc huy động vốn và phát triển cơ sở hạ tầng giao thông, nhất là các công trình trọng điểm là rất cần thiết.

Hiện nay, nguồn lực rất khó khăn, vốn ngân sách hạn chế, vốn vay ODA rất khó, vì trần nợ công cao, nên chúng tôi đang nỗ lực đề xuất các giải pháp để huy động vốn trong dân, vốn ngoài nước của nhà đầu tư; Thậm chí, sắp tới có triển khai đấu thầu quốc tế các dự án theo hình thức đầu tư công - tư. Chúng tôi cũng đã báo cáo Chính phủ để có giải pháp mở rộng trần cho vay của ngân hàng, nhưng kinh phí này chỉ tập trung vào phát triển giao thông, không đầu tư cho các hình thức khác. Chúng tôi mong muốn làm sao huy động được nhiều nguồn vốn nhất có thể để chọn những công trình, dự án đột phá để đầu tư xây dựng.

Để thực hiện việc này, chúng tôi đang nghiên cứu xây dựng và triển khai 7 đề án giao thông kết nối liên vùng. Trong số 7 đề án này, chúng tôi xác định mỗi khu vực chọn ra 1-2 dự án mang tính chất liên vùng trọng điểm để khi có vốn ngân sách hoặc vốn xã hội sẽ đầu tư ngay, làm sao trong khoảng thời gian 5 năm phải hoàn thành cơ bản. Những dự án này khi đưa vào sử dụng sẽ tạo ra sự đột phá cho giao thông liên vùng và tạo điều kiện để KT-XH của các vùng và cả nước có sự phát triển tốt hơn.

Đơn cử, hiện nay chúng tôi đang nghiên cứu kết nối khai thác tốt cảng Lạch Huyện. Để làm được điều này, phải nghiên cứu cả vùng Đông Bắc bộ, khu vực từ Hà Nội đến Hải Phòng; đồng thời nghiên cứu các nguồn hàng, yêu cầu vận tải, kế hoạch phát triển cảng Lạch Huyện... Từ đó, chúng tôi xác định công trình nào cần ưu tiên, đường bộ, đường sắt hay đường thủy nội địa và những công trình này cần kinh phí khoảng bao nhiêu, sau đó sẽ báo cáo Chính phủ xem xét, quyết định. Khi chúng ta tiếp cận được nguồn vốn và đầu tư được kết nối hạ tầng giao thông của các vùng này, chắc chắn cảng Lạch Huyện sẽ có sự phát triển đột phá. Tương tự như vậy, chúng tôi cũng đang đi theo hướng này để kết nối giao thông nhằm phát huy được tiềm năng thế mạnh của các khu vực khác.

Đổi mới và tăng tốc

Mỗi năm, ngành GTVT đều chọn một chủ đề làm kim chỉ nam hành động. Năm 2019, chủ đề được Bộ GTVT lựa chọn là gì, thưa Bộ trưởng? Bộ trưởng có thể cho biết kế hoạch và các giải pháp cụ thể để triển khai tốt nhất chủ đề, phương châm hành động này thế nào?

Nếu năm 2018 là năm bản lề, năm 2020 là về đích trong thực hiện Kế hoạch phát triển KT- XH 5 năm 2016 - 2020 thì năm 2019 chính là năm “tăng tốc” để thực hiện nhiệm vụ KT- XH của cả 5 năm.

Do vậy, ngoài phương châm hành động của năm là: “Đề cao trách nhiệm; đoàn kết sáng tạo; dám nghĩ, dám làm”, tôi đặc biệt nhấn mạnh đến vấn đề “tăng tốc” hoàn thành nhiệm vụ trong ngành GTVT. Tôi muốn năm 2019, Bộ GTVT phải có sự đổi mới triệt để phương thức chỉ đạo, điều hành bằng những việc làm cụ thể, có tính đột phá để khắc phục những tồn tại, yếu kém, đạt được hiệu quả thực chất.

Nhân dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, qua Báo Giao thông, tôi xin gửi lời chúc thành công tới toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong ngành và mong rằng, ngành GTVT sẽ cùng nhau đoàn kết, nỗ lực hết mình, khắc phục những khó khăn, trước mắt để năm 2019, ngành GTVT sẽ thu được những kết quả toàn diện hơn, xứng đáng với sứ mệnh mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.

Tôi luôn tin tưởng, dù còn gặp nhiều khó khăn, thách thức ở phía trước nhưng với truyền thống “Đi trước mở đường” cùng với sự đoàn kết của toàn ngành, sự chỉ đạo, tạo điều kiện kịp thời của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự giúp đỡ của các bộ, ngành Trung ương, địa phương, sự ủng hộ của người dân, Bộ GTVT sẽ hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao và sớm tạo được bước đột phá chiến lược về phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, đảm bảo mục tiêu phát triển KT- XH đất nước.

Đón chào mùa xuân, mùa lễ hội mới, tôi kêu gọi mọi người dân khi tham gia giao thông phải chấp hành các quy định về ATGT. Việc tuân thủ các quy định về ATGT không chỉ là bảo vệ an toàn tính mạng cho bản thân mình, mà còn góp phần bảo vệ cho cộng đồng. Tôi mong tất cả chúng ta thực hiện tốt các quy định này để tránh những tai nạn đáng tiếc, thương tâm có thể xảy ra và để xã hội chúng ta ngày càng phát triển phồn vinh, hạnh phúc hơn.

 

Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

hanhntc

Nguồn: baogiaothong.vn

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)