Chiều 13/02, tại Hà Nội, trong không khí những ngày đầu xuân Kỷ Hợi 2019, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đã tới thăm, gặp mặt cán bộ công chức, viên chức, người lao động Viện Khoa học và Công nghệ GTVT.
Cùng dự buổi gặp mặt có: Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ Trần Văn Lâm, Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ Hoàng Hà, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch đầu tư Nguyễn Duy Lâm, Phó Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông Phan Quang Hiển....
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể gặp mặt cán bộ, công nhân viên Viện Khoa học và Công nghệ GTVT
Tại buổi gặp mặt, ông Nguyễn Xuân Khang - Bí thư Đảng ủy, Viện trưởng Viện Khoa học và Công nghệ GTVT cho biết, với lịch sử hơn 60 năm hình thành và phát triển, đơn vị luôn nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ Bộ GTVT giao. Trong 5 năm gần đây, Viện đã hoàn thành 3 đề tài cấp Nhà nước, 102 đề tài cấp bộ, 5 nhiệm vụ môi trường.
Đặc biệt, có những đề tài mang tính ứng dụng cao đã được áp dụng vào thực tiễn như: Nghiên cứu, lựa chọn áo đường trên các tuyến đường xe tải hạng nặng phù hợp với điều kiện nhiệt ẩm; Nghiên cứu cơ sở khoa học cho việc cắm biển tải trọng các cầu đường bộ. Về công nghệ thi công bảo trì, sửa chữa công trình, Viện đã nghiên cứu công nghệ tái chế nóng, tái chế nguội mặt đường bê tông nhựa, giải pháp thay cáp cho cầu dây văng ở Việt Nam,...
Phát biểu tại buổi gặp mặt, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đánh giá: Viện Khoa học và Công nghệ GTVT cùng Viện Chiến lược và Phát triển GTVT là hai đơn vị sự nghiệp quan trọng của ngành GTVT, luôn thực hiện tốt nhiệm vụ nghiên cứu, đề xuất để Bộ ban hành cơ chế chính sách, quy hoạch chiến lược khả thi. “Những năm gần đây, có rất nhiều công nghệ mới, vật liệu mới ra đời. Nếu không có các viện, những thành tựu khoa học mới, sẽ không thể chuyển giao để phát triển, ứng dụng phù hợp với điều kiện tại Việt Nam” - Bộ trưởng nói.
Bộ trưởng cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, nếu Viện Khoa học và Công nghệ GTVT không chủ động nghiên cứu, thay đổi mô hình, việc duy trì hoạt động sẽ rất khó khăn. "Chất xám đang từng bước chảy qua các tập đoàn tư nhân. Trong khi mức lương trung bình của người lao động tại đơn vị sự nghiệp như Viện KHCN GTVT chỉ khoảng 7 - 8 triệu thì các công ty tư nhân sẵn sàng trả gấp 5-6 lần để thu hút người tài. Nếu chúng ta cứ trung thành với mô hình hoạt động cũ, đến thời điểm nào đó, công quỹ cạn kiệt, người lao động sẽ bỏ đi hết” - Bộ trưởng lưu ý và đề nghị Viện Khoa học và Công nghệ GTVT trong thời gian tới cần lựa chọn cho mình một mô hình hoạt động hiệu quả hơn.
“Mô hình để lựa chọn có thể là chuyển đơn vị thành doanh nghiệp; thành lập một số công ty trực thuộc doanh nghiệp hoặc nghiên cứu, để một số trung tâm thuộc Viện hiện tại hạch toán độc lập để có thể tham gia vào công tác đấu thầu, tư vấn khảo sát, thiết kế, giám sát, vừa lấy uy tín, vừa có được nguồn thu trả lương cho người lao động cao hơn, giữ chân những người tài” - Bộ trưởng gợi ý.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể chụp ảnh cùng cán bộ, công nhân viên Viện Khoa học và Công nghệ GTVT
Theo Bộ trưởng, trong điều kiện nguồn ngân sách hạn hẹp như hiện nay, Viện Khoa học và Công nghệ GTVT cần nghiên cứu, xây dựng chế độ tiền lương công bằng. Trong đó, Viện có thể sử dụng 30 - 50% quỹ lương chi trả theo thâm niên, số phần trăm còn lại trả theo mức đóng góp. “Trong bộ máy đơn vị sự nghiệp hiện nay, nhiều người “lâu năm lên lão làng” song nhiều người dù có thời gian công tác lâu nhưng trì trệ. Khi chế độ tiền lương mới được thực hiện, người có thâm niên cao, lao động hiệu quả sẽ được hưởng cao. Người nào thiếu năng động sẽ nhận mức thấp, từ đó tạo được động lực cho đội ngũ lao động trẻ phấn đấu và chúng ta sẽ có đội ngũ kế thừa tốt”, Bộ trưởng gợi ý.
Bộ trưởng nhấn mạnh thời đại công nghiệp 4.0 đang phát triển mạnh mẽ, các đơn giá định mức sẽ có sự thay đổi, vật liệu mới, phương thức quản lý mới sẽ liên tục ra đời. Vì vậy, cán bộ công chức, viên chức, người lao động thuộc Viện cần nâng cao kỹ năng nghề nghiệp để chủ động tiếp cận những thành tựu mới.
P.V