Ngày 19/5, Bộ GTVT, UBND TP Cần Thơ, UBND tỉnh Đồng Tháp phối hợp tổ chức Lễ khánh thành Cầu Vàm Cống nối liền đôi bờ sông Hậu giữa quận Thốt Nốt (TP Cần Thơ) và huyện Lấp Vò (tỉnh Đồng Tháp) góp phần hoàn thiện mạng lưới giao thông khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), tạo động lực phát triển kinh tế xã hội, tăng cường đảm bảo quốc phòng an ninh trong khu vực.
Cây cầu mang nhiều ý nghĩa
Ông Trần Văn Thi, Tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư phát triển và quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long (CIPM) cho biết, dự án cầu Vàm Cống và đường dẫn hai đầu cầu là dự án thành phần 3 thuộc Dự án kết nối khu vực trung tâm đồng bằng sông Mê Kông. Công trình được đầu tư bằng nguồn vốn vay ưu đãi của Chính phủ Hàn Quốc (EDCF) và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam do CIPM là chủ đầu tư.
Lãnh đạo cắt băng khánh thành dự án cầu Vàm Cống
Cầu được khởi công xây dựng vào ngày 10/09/2013, với thiết kế có tổng chiều dài 2,97km, đường dẫn 5,88km nằm trên địa phận huyện Lấp Vò và quận Thốt Nốt, huyện Vĩnh Thạnh.
Cầu được thiết kế với quy mô cầu dây văng hai mặt phẳng dây, nhịp chính dài 450m, với 4 làn xe ôtô và hai làn xe thô sơ.
Trong quá trình thi công, dù gặp phải một số điều kiện không thuận lợi nhưng nhờ nỗ lực khắc phục từ phía các đơn vị tư vấn, nhà thầu cũng như sự trợ giúp nhiệt tình từ các nhà tài trợ, dự án đến nay đã được hoàn thành.
"Đây là công trình cầu thứ 2 bên cạnh cầu Cao Lãnh góp phần rút ngắn khoảng cách đi lại giữa các địa phương. Đồng thời, thể hiện mối quan hệ giữa hai nước Việt Nam và Hàn Quốc", Tổng giám đốc CIPM bày tỏ.
Ông Võ Thành Thống, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ cũng bày tỏ sự vui mừng trước sự kiện cầu Vàm Cống được đưa vào sử dụng. Đây là sự kiện thực hiện hóa ước mơ ngàn đời của người dân đôi bờ sông Hậu; tạo động lực lớn cho sự phát triển kinh tế xã hội của Cần Thơ nói riêng và ĐBSCL nói chung.
Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể nhận định, giao thông vận tải là mạch máu của ngành kinh tế, giao thông phát triển đến đâu, kinh tế phát triển theo đến đó. Với vai trò và động lực này, ngành GTVT và các công trình giao thông vận tải có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, trong nhiều nhiệm kỳ qua, Đảng và Nhà nước đã tập trung rất nhiều nguồn vốn để phát triển giao thông vận tải ở khu vực ĐBSCL nói riêng và cả nước nói chung.
Bộ trưởng Bộ GTVT phát biểu tại buổi lễ
Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng gặp không ít khó khăn. Do đó, việc xây dựng và đưa vào khai thác công trình cầu Vàm Cống có ý nghĩa cực kỳ quan trọng. Không chỉ Đồng Tháp, Cần Thơ và An Giang là những địa phương trực tiếp hưởng lợi mà còn góp phần kết nối phát triển cả khu vực ĐBSCL. Cầu Vàm Cống là một mắt xích quan trọng trên tuyến đường Hồ Chí Minh. Cầu Vàm Cống thông xe sẽ giảm bớt thời gian và chi phí đi lại cho người dân.
Nhịp cầu nối đôi bờ vui
Nhà ở xã Vĩnh Trinh, nhưng nơi làm việc của anh Nguyễn Văn Hòa ở xã Định An, huyện Lập Vò. Để kịp thời gian, hằng ngày, anh phải dậy từ rất sớm để đi làm.
"Từ đây, tôi phải đi ngược lên bến phà Vàm Cống, mỗi bận mất khoảng 1 tiếng. Hôm nào kẹt phà càng vất vả hơn. Giờ có cầu Vàm Cống rồi, tôi đi nhanh hơn, chỉ có khoảng 15 phút là tới nơi. Mừng lắm, phấn khởi lắm", anh Hòa bày tỏ.
Cầu Vàm Cống
Cùng chung niềm vui quê hương có cây cầu mới, lão nông Lê Văn Mạnh (66 tuổi, ngụ xã Vĩnh Trinh) khấp khởi mong tới giây phút được đặt chân lên cầu Vàm Cống.
"Muốn đi mấy nay mà chưa được cho lên. Tôi đang chờ làm lễ xong để được tham quan cầu. Cám ơn nhà nước đã lo cho dân có một cây cầu để đi. Từ nay chúng tôi muốn đi thành phố không cần phải xuống Cần Thơ hay lên Long xuyên nữa", ông Mạnh xúc động.