Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng báo cáo Quốc hội một số vấn đề "nóng" về giao thông sau phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng trả lời chất vấn trước Quốc hội chiều 5/6
Diện mạo giao thông đã thay đổi nhanh chóng
Báo cáo làm rõ thêm một số vấn đề tại phiên chất vấn của Quốc hội chiều 5/6, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhắc đến hàng loạt vấn đề trong đầu tư hạ tầng giao thông, giải quyết nút thắt cho các vùng, các địa phương hay tồn tại của các dự án BOT đường bộ, hàng không, các vấn đề liên quan hoạt động vận tải hay công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông. Theo ông, đây là những vấn đề cử tri đặc biệt quan tâm.
Theo Phó thủ tướng, những năm qua, Nhà nước dùng nhiều ngân sách và huy động các nguồn vốn xã hội để đầu tư hạ tầng giao thông, làm thay đổi nhanh chóng diện mạo giao thông, qua đó giúp giảm chi phí sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh. Tuy nhiên trong phát triển kết cấu hạ tầng giao thông còn bất cập, trong đó có việc thiếu đồng bộ.
Phó thủ tướng cho biết hiện cả nước có khoảng 295.000 km nhưng chỉ có hơn 977 km đường cao tốc, thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực. Từ đây, Phó Thủ tướng nêu rõ mục tiêu đến 2020 phải có 2.000 km đường cao tốc. Hệ thống sân bay, cảng biển có bước phát triển nhưng hiện trạng quá tải tại một số sân bay vẫn diễn ra. Hệ thống đường sắt xây dựng cách đây cả trăm năm đã thiếu an toàn. Giao thông đường thủy nội địa chưa được khai thác hiệu quả.
Việc kết nối các loại hình giao thông còn chậm, thiếu đồng bộ. Việc đầu tư hạ tầng cho vùng Đông Bắc, Tây Bắc và kết nối giao thông giữa Tây Nguyên với duyên hải miền Trung và TP.HCM còn nhiều khó khăn; hạ tầng các đô thị lớn đầu tư chậm, đặc biệt là hệ thống đường sắt đô thị đã ảnh hưởng đến ách tắc giao thông, ô nhiễm môi trường đô thị.
Việc đầu tư hạ tầng giao thông cho ĐBSCL còn chưa đáp ứng sự phát triển; Cơ cấu các loại hình vận tải mất cân đối. Hệ thống đường sắt mới đáp ứng 1,31% tổng nhu cầu vận chuyển hàng hóa và 1,97% với vận chuyển hành khách.
Đặc biệt, đại biểu Quốc hội rất bức xúc về quản lý đầu tư, xây dựng các công trình giao thông còn nhiều hạn chế, yếu kém. Điển hình là tình trạng tăng vốn ở nhiều công trình trọng điểm, nhiều công trình chậm tiến độ, chất lượng thấp, việc quản lý vận hành dự án BOT còn nhiều bất cập, gây bức xúc trong nhân dân…
Đẩy nhanh lựa chọn nhà thầu cao tốc Bắc - Nam, sân bay Tân Sơn Nhất
Yêu cầu tới đây cần khắc phục hạn chế trong lĩnh vực giao thông, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng chỉ rõ: Trước hết phải đẩy nhanh tiến độ dự án giao thông đã được bố trí vốn trong kế hoạch trung hạn cũng như các dự án công tư, đẩy nhanh việc lựa chọn nhà thầu để thực hiện đầu tư tuyến cao tốc Bắc - Nam, sân bay Tân Sơn Nhất.
“Quan điểm của Chính phủ, Thủ tướng là phải lựa chọn nhà thầu, đầu tư công khai, minh bạch theo đúng quy định của pháp luật. Làm sao hạn chế thất thoát, lãng phí trong quá trình đầu tư xây dựng” - Phó thủ tướng nói và nhấn mạnh sẽ có ưu tiên nhà đầu tư trong nước đủ năng lực. Nhà đầu tư nước ngoài được lựa chọn phải là nhà đầu tư có năng lực, trách nhiệm, có uy tín và được kiểm chứng.
Cho biết Thủ tướng yêu cầu đẩy nhanh tiến độ các tuyến cao tốc trọng điểm, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nói thêm: Cơ bản sẽ hoàn thành cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ vào năm 2020 và đã có kế hoạch bố trí vốn hỗ trợ, sẽ báo cáo Quốc hội những vấn đề phát sinh.
Cùng đó, sẽ tháo gỡ khó khăn để sớm đưa vào khai thác các dự án đường sắt đô thị; Đẩy nhanh các tuyến vận tải thủy nội địa; Tập trung giải quyết bất cập trong BOT giao thông, phải đảm bảo quyền lợi các bên, tiếp tục rà soát, vừa đảm bảo dự án hoạt động và kiên quyết không đầu tư tuyến mới trên tuyến đường độc đạo; Rà soát các quy hoạch về kết cấu hạ tầng giao thông, xác định nút thắt lớn để có kế hoạch trong đầu tư xây dựng.
Phó Thủ tướng cho biết tất cả các dự án chưa được ghi vốn hoặc bổ sung vốn dự phòng phải chuyển sang giai đoạn 2021-2025, trừ trường hợp huy động được nguồn vốn xã hội, song việc này là rất khó.
Yêu cầu phải xây dựng thêm ít nhất 3.000 km đường cao tốc, Phó Thủ tướng nhấn mạnh: 10 năm qua chúng ta xây dựng được 2.000 km rồi thì 10 năm sau, với tốc độ phát triển kinh tế này phải xây dựng được 3.000 km nữa. Bên cạnh đó, phải tập trung xây dựng một số tuyến đường sắt ưu tiên như Hà Nội - Vinh, TP.HCM - Nha Trang, TP.HCM - Cần Thơ, nếu có điều kiện thì làm trong 2020.