Ngày 7/8, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể chủ trì cuộc họp về Đề án Kết nối giao thông khu vực các tỉnh miền núi phía Bắc.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể chủ trì cuộc họp
Tham dự Hội nghị có Thứ trưởng Nguyễn Văn Công; lãnh đạo đại diện UBND các tỉnh Vĩnh Yên, Bắc Giang, Quảng Ninh, Lai Châu, Bắc Kạn, Sơn La; lãnh đạo Sở GTVTcác tỉnh liên quan và cơ quan trực thuộc Bộ GTVT.
Đề án Kết nối mạng giao thông khu vực các tỉnh miền núi phía Bắc với mục tiêu đề xuất phương án tăng cường kết nối giao thông nội vùng, liên vùng và quốc tế; sắp xếp ưu tiên các dự án đầu tư mang tính chất đột phá cho giai đoạn 2021 - 2025 và 2026 - 2030 để phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng… Phạm vi áp dụng cho 14 tỉnh trung du miền núi phía Bắc và Quảng Ninh.
Nhấn mạnh Đề án này rất quan trọng, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết: Trong thời gian qua, Bộ GTVT giao nhiệm vụ cho Tư vấn và các cơ quan thuộc Bộ triển khai một số đề án nhằm nghiên cứu chuyên sâu tình hình phát triển GTVT ở các khu vực; lựa chọn, đề xuất những công trình mang tính chất liên vùng, đột phá của từng khu vực. Sau khi đề án được phê duyệt sẽ làm căn cứ để bóc tách thành kế hoạch phát triển GTVT cho từng khu vực.
Bộ trưởng đề nghị lãnh đạo đại diện các tỉnh liên quan nghiên cứu, đưa ra cụ thể các công trình trọng điểm ưu tiên đầu tư, giai đoạn 2021-2025 tập trung nguồn vốn đầu tư công; ưu tiên dự án có khả năng huy động nguồn lực ngoài ngân sách nhà nước cho phát triển vùng, liên vùng. Đồng thời yêu cầu đơn vị Tư vấn, các cơ quan thuộc Bộ tiếp thu ý kiến của đại biểu dự họp, cập nhật và hoàn thiện nội dung Đề án, trong đó ưu tiên các tuyến đường bộ hướng tâm kết nối các tỉnh với Thủ đô Hà Nội; ưu tiên những công trình, dự án liên vùng mang tính đột phá, đồng bộ; phối hợp với các tỉnh nghiên cứu cơ chế chính sách, tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho các tỉnh, đảm bảo phát triển hệ thống GTVT tốt nhất.
Theo đánh giá về kết nối giao thông vùng miền núi phía Bắc của Viện Chiến lược và Phát triển GTVT (đơn vị Tư vấn), hệ thống kết cấu hạ tầng trong những năm qua đã từng bước được nâng cấp, trong đó hệ thống đường bộ cao tốc, quốc lộ kết nối nội vùng cũng như kết nối liên vùng đã cơ bản nâng cấp một bước, góp phần phát huy lợi thế vùng, tạo liên kết nội vùng, giữa vùng với Thủ đô Hà Nội và hệ thống cảng biển khu vực phía Bắc. Tuy nhiên, các tuyến liên kết ngang chưa được đầu tư đồng bộ, liên thông. Sự phối hợp giữa các phương thức vận tải chưa hợp lý, đồng bộ, tính kết nối không cao. Hệ thống đường bộ là chủ yếu song chưa đồng đều, cấp thấp. Về chất lượng, tỷ lệ có mặt đường láng nhựa vẫn còn cao…
Các công trình, dự án liên vùng, quan trọng đều được Tư vấn đưa ra, phân kỳ đầu tư trong Đề án, cũng như đánh giá những hạn chế kết nối đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng không và chỉ ra nguyên nhân. Trên cơ sở thực trạng nguồn lực và đánh giá mức ưu tiên đầu tư cho hạ tầng giao thông sẽ được tăng lên trong giai đoạn tới, Tư vấn đề xuất 3 phương án đầu tư cho giai đoạn 2021-2030, trong đó đưa ra tỷ lệ phần vốn xã hội hóa/tổng mức đầu tư.
Theo Vụ Kế hoạch đầu tư, hiện nay, Bộ GTVT đang triển khai xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, đồng thời Bộ được Chính phủ giao tổng kết 10 năm Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2011-2020, trong đó có phát triển hạ tầng giao thông, trên cơ sở đó đưa ra định hướng Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2021-2030 và kế hoạch 5 năm 2021-2025. Thực hiện nhiệm vụ này, Bộ đã rà soát đánh giá lại toàn bộ kết quả đầu tư các vùng trong cả nước. Đối với vùng trung du miền núi phía Bắc, Viện Chiến lược và phát triển GTVT đã nghiên cứu đánh giá hiện trạng kết cấu hạ tầng, kết quả thực hiện theo quy hoạch được Vụ Kế hoạch đầu tư đánh giá thấp. Trên cơ sở rà soát đánh giá tiềm năng phát triển của các tỉnh miền núi phía Bắc, các định hướng phát triển kinh tế-xã hội của vùng để từ đó đưa ra định hướng phát triển về kết cấu hạ tầng giao thông, đảm bảo đúng mục tiêu, vai trò của giao thông là “đi trước một bước”, đáp ứng đúng Chiến lược phát triển kinh tế của các địa phương trong giai đoạn tới.
Tại cuộc họp, đại diện các tỉnh đánh giá cao Đề án, nhất trí về định hướng phát triển GTVT và thứ tự ưu tiên đầu tư một số dự án trọng điểm có tính kết nối liên vùng, tạo điều kiện cho các tỉnh trong khu vực phát triển kinh tế-xã hội tốt nhất. Đồng thời các tỉnh cũng đề nghị Bộ GTVT sớm phê duyệt Đề án, làm cơ sở để các tỉnh cập nhật quy hoạch.
V.H