Chiều 22/10, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đã chia sẻ thông tin về 2 dự án trọng điểm quốc gia đang được Bộ GTVT triển khai.
Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể
Cao tốc Bắc - Nam kỳ vọng thu hút 50 - 60 nhà đầu tư trong nước
Phát biểu trong phiên thảo luận tại tổ (Kỳ họp thứ 8, QH khóa XIV) chiều nay về kế hoạch phát triển KTXH và ngân sách nhà nước, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể chia sẻ thông tin về 2 dự án trọng điểm quốc gia đang được Bộ GTVT triển khai là cao tốc Bắc - Nam phía Đông và CHK quốc tế Long Thành.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho hay: Hiện Bộ GTVT đang thẩm định phê duyệt hồ sơ thiết kế và dự toán các dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông. “Đối với 3 dự án đầu tư công, Bộ GTVT đang triển khai đấu thầu tổ chức thi công, hoàn thành trong năm nay, sang năm 2020 chỉ thực hiện xây lắp. Riêng với 8 dự án PPP, hiện Bộ GTVT đã phát hành hồ sơ mời sơ tuyển đấu thầu trong nước. Thời gian sơ tuyển khoảng 2 tháng. Đến thời điểm này, khoảng 30 nhà đầu tư trong nước đã tham gia mua hồ sơ”, Bộ trưởng nói và nhấn mạnh: “Chúng tôi kỳ vọng có thể thu hút được 50 - 60 nhà đầu tư trong nước”.
Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, theo Luật Đầu tư, chưa có nhà đầu tư thì chưa làm thiết kế kỹ thuật, chưa chuẩn bị điều kiện khởi công được. Do đó, dự kiến tháng 8/2020, khi có nhà đầu tư thì mới có thể khởi công. Từ nay đến thời điểm đó sẽ tập trung công tác GPMB.
Chúng ta mong muốn rất nhanh, nhưng trong điều kiện như hiện nay, chúng ta sống và làm việc theo pháp luật. Pháp luật quy định nhiều khâu, chúng ta không thể làm khác được.
Đẩy nhanh xây sân bay Long Thành
Với Dự án CHK quốc tế Long Thành, Bộ trưởng cho hay hiện Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) mới chỉ được giao lập dự án đầu tư. Để xây dựng sân bay quốc tế Long Thành thì phải có nhà đầu tư. Do liên quan an ninh quốc phòng và nhiều vấn đề khác, chỉ có thể tuyển chọn nhà đầu tư trong nước.
“Theo quy định hiện hành, sau khi Quốc hội thông qua chủ trương, Chính phủ sẽ phê duyệt dự án trước khi đấu thầu chọn nhà đầu tư. Nhưng đấu thầu cũng không khả thi bởi khi đấu thầu, nhà đầu tư phải có hồ sơ kinh nghiệm, có quản lý, có xây dựng những công trình tương tự. Hiện ở Việt Nam chỉ có duy nhất ACV đang quản lý khai thác 21 sân bay. Sun Group thì mới triển khai duy nhất CHK quốc tế Vân Đồn” – Bộ trưởng nói.
Bộ trưởng Thể cho biết, theo Luật Đấu thầu, nếu chỉ có 1 nhà đầu tư tham gia, Bộ GTVT sẽ xin phép Chính phủ để mở thầu để chọn nhà đầu tư đó. “Như vậy, chúng mất 1 năm cũng chỉ để chọn ACV. Do đó, nếu Quốc hội thống nhất chọn ACV cũng đồng nghĩa là chúng ta sẽ rút ngắn thời gian được 1 năm. Sang năm 2020, chúng ta chỉ hoàn thiện thủ tục hồ sơ thiết kế kỹ thuật, dự toán, sang 2021 có thể khởi công. Tuy nhiên, nếu đấu thầu thì sớm nhất cũng phải 2022 hoặc 2023 mới có thể khởi công”, Tư lệnh ngành GTVT thông tin.
Cũng liên quan đến việc triển khai CHK quốc tế Long Thành, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể bày tỏ mong muốn Quốc hội chấp thuận chủ trương bổ sung hai tuyến đường bộ kết nối số 1 (dài 3,8km kết nối trục chính cảng đầu phía Tây với QL51) và tuyến số 2 (dài 3,5km kết nối tuyến số 1 với đường cao tốc thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây) vào dự án đầu tư xây dựng CHK quốc tế Long Thành giai đoạn 1 để đầu tư theo quy mô phân kỳ đầu tư.
Tổng chi phí dự kiến khoảng 4.802 tỷ đồng (trong đó, chi phí đầu tư xây dựng là 3.233 tỷ đồng và chi phí giải phóng mặt bằng là 1.569 tỷ đồng). Diện tích cần giải phóng mặt bằng khoảng 136 ha.
“Nếu không bổ sung 2 con đường này vào dự án thì không thể tổ chức đầu thầu. Chỉ khi được bổ sung vào dự án, Quốc hội thông qua chủ trương, Chính phủ phê duyệt dự án thì địa phương mới có thể điều chỉnh Kế hoạch sử dụng đất, từ đó mới triển khai thu hồi đất” – Bộ trưởng nói và cho biết: Trường hợp không được phê duyệt mà dùng vốn đầu tư công, do dự án chưa có trong danh mục, Bộ GTVT sẽ phải đưa vào kế hoạch trung hạn 2021 – 2025. Như vậy, tới năm 2021 mới có thể xem xét cho lập dự án, hết năm 2021 mới phê duyệt dự án và năm 2022 mới thu hồi đất cho 2 tuyến đường này được.