Thứ trưởng Lê Đình Thọ: Phòng chống thiên tai phải gắn liền thực tiễn

Thứ tư, 06/11/2019 13:49
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Sáng 6/11, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ - Thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Quảng Bình về công tác phòng chống thiên tai năm 2019 ở địa phương này.


Trước khi làm việc, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ
cùng Đoàn công tác đã đi kiểm tra Khu neo đậu tránh trú bão tàu cá Nhật Lệ, TP Đồng Hới

Từ đầu năm 2019 đến nay, tỉnh Quảng Bình có 8 đợt không khí lạnh và không khí lạnh tăng cường; 10 đợt nắng nóng xuất hiện với nhiệt độ cao. Trong đó, tại huyện Tuyên Hóa đạt 43 độ C, vượt giá trị lịch sử 1.4 độ C. Từ ngày 30/8 - 5/9/2019 tỉnh Quảng Bình bị ảnh hưởng trực tiếp của cơn bão số 4 và áp thấp nhiệt đới Kajikia. Bão và áp thấp nhiệt đới gây mưa lớn trên diện rộng, có nơi lượng mưa đo được lên đến 954mm…

Mưa bão từ đầu mùa cho tới nay ở Quảng Bình đã khiến 4 người chết, bị thương 29 người; 11.021 nhà bị ngập; nhiều trường học, cơ sở y tế… bị ảnh hưởng; khoảng 1.500 ha diện tích lúa, hoa màu và cây trồng hàng năm bị ngập, hư hỏng… Ước tính tổng thiệt hại toàn tỉnh mưa bão xảy ra lên đến trên 415 tỷ đồng.

Theo ông Lê Minh Ngân - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình cho biết: Những năm qua, công tác phòng chống thiên tai được cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện tốt. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc trong lúc triển khai.

Trước thực tế này, tỉnh Quảng Bình đề nghị Tổng cục Phòng chống thiên tai, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai và các bộ ngành Trung ương quan tâm hỗ trợ các phương tiện phòng chống lụt bão như: Thuyền máy, phao cứu sinh, phao bè. Huấn luyện lực lượng TKCN tỉnh để có thể thực hiện nhanh nhất nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ trên biển. Hỗ trợ kinh phí nạo vét hệ thống luồng, lạch ở cửa sông; nâng cấp, sửa chữa các công trình hồ chứa nước; đầu tư các tuyến đường tránh lũ, cầu vượt… Đặc biệt, đầu tư đóng mới 1 tàu SAR và được cắm chốt ở tỉnh Quảng Bình…

Đánh giá cao những nỗ lực của tỉnh Quảng Bình trong công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn những năm vừa qua, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ - Thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai cho biết: Về thiên tai thì công tác phòng chống vẫn là chủ yếu, phòng chống tốt thì hậu quả sẽ giảm đi rất nhiều.

Để công tác phòng chống thiên tai đạt hiệu quả cao, trước tiên phải tạo ý thức, nhận thức chung về phòng chống thiên tai trong quần chúng nhân dân và cấp ủy chính quyền cơ sở. Quảng Bình là địa phương có hội tụ đủ các yếu tố của thiên tai: không khí lạnh, hạn hán, áp thấp, mưa, bão, lũ… 116km dọc bờ biển Quảng Bình là nơi tập trung rất đông dân cư. Trong khi đó, biến đổi khí hậu ngày càng có nhiều diễn biến thất thường.

“Về công tác phòng chống thiên tai, những năm vừa qua Quảng Bình đã làm tốt nhưng không được chủ quan mà phải quán triệt hơn nhiệm vụ này trong các cấp ủy chính quyền và nhân dân. Để hạn chế tới mức tối đa nhất thiệt hại của thiên tai, Quảng Bình phải huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc. Đặc biệt từ chỉ đạo đến triển khai các giải pháp phải cụ thể, chi tiết chứ không thể chung chung”, Thứ trưởng Thọ nói.

Theo Thứ trưởng Lê Đình Thọ: Để làm tốt công tác phòng chống thiên tai, thời gian tới Quảng Bình phải xây dựng được ý thức, nhận thức chung từ người dân đến cấp ủy chính quyền. Nếu người dân và cấp ủy chính quyền không có ý thức thì chúng ta tuyên truyền bao nhiêu cũng không có hiệu quả.

Song song với tuyên truyền, Quảng Bình phải xây dựng các phương án, kế hoạch tổ chức triển khai phòng chống và tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn một cách chi tiết, cụ thể cho từng vấn đề.

Đơn giản như tuyên truyền, thì ở khu vực sát biển phải có phương án tuyên truyền khác với đồng bào vùng núi. Hay như việc xây dựng cơ sở hạ tầng của trụ sở UBND, trường học, trạm y tế… ở các địa phương dọc ven biển, nguy cơ lũ lụt cao. Ngoài công năng chính thì cũng phải tính đến phương án thành nơi tránh trú cho người dân trong những ngày xảy ra mưa, bão.

Tương tự nhà dân, ở các vùng chịu nhiều ảnh hưởng của thiên tai, bão lụt… chính quyền địa phương cũng phải tuyên truyền, hướng dẫn người dân trong quá trình thiết kế, xây dựng tính đến phương án phòng, chống thiên tai chứ không phải chạy theo cái đẹp, cái sang.

Hay như quá trình diễn tập cũng phải thực hiện một cách nghiêm túc, cụ thể, chi tiết; phải có sự tham gia của người dân, không phải diễn tập mang tính hình thức, để lấy hình ảnh đẹp…

Ngoài ra, Thứ trưởng Lê Đình Thọ cũng đề nghị UBND tỉnh Quảng Bình bố trí kinh phí để mua sắm, trang bị các dụng cụ, máy móc, thiết bị… nhằm ứng phó có hiệu quả nhanh nhất khi xảy ra thiên tai.

Ghi nhận những ý kiến kiến nghị của các đại biểu, Thứ trưởng Lê Đình Thọ cho biết: Với cương vị là thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai Thứ trưởng sẽ có ý kiến với Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai sớm hỗ trợ Quảng Bình trong việc nạo vét luồng lạch; hỗ trợ kinh phí nâng cấp, sửa chữa các công trình hồ chứa nước đã xuống cấp, hư hỏng; bố trí một tàu SAR ở tỉnh Quảng Bình…

hoailam

Nguồn: baogiaothong

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)