Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường trực tiếp chỉ đạo công tác phòng chống và khắc phục hậu quả bão lũ tại Miền Trung
Thứ năm, 01/10/2009 20:37
Sáng ngày 29/9, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường đã trực tiếp đi vào Quảng Bình và các tỉnh miền Trung để chỉ đạo công tác phòng chống và khắc phục hậu quả bão lũ. Trước đó ngày 28/9, Bộ GTVT đã có Công điện yêu cầu các đơn vị trong ngành khẩn trương chống bão, đảm bảo an toàn giao thông.
Sáng ngày 29/9, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường đã trực tiếp đi vào Quảng Bình và các tỉnh miền Trung để chỉ đạo công tác phòng chống và khắc phục hậu quả bão lũ. Trước đó ngày 28/9, Bộ GTVT đã có Công điện yêu cầu các đơn vị trong ngành khẩn trương chống bão, đảm bảo an toàn giao thông.
Cụ thể, Cục Đường bộ chuẩn bị dầm cầu, phao, xe máy, nhân lực sẵn sàng tham gia ứng cứu, tuần đường 24/24h đối với các tuyến đường quan trọng, phân luồng giao thông ngay khi ách tắc. Lực lượng thanh tra giao thông phải chủ động phối hợp CSGT khi phân luồng. Tổng Công ty Đường sắt chỉ đạo các đơn vị quản lý tuyến đường sắt Bắc - Nam từ Thanh Hóa đến Phú Yên phòng tránh cơn bão số 9 theo phương châm 4 tại chỗ và phối hợp với các đơn vị Trung ương và địa phương trong công tác trung chuyển hành khách và hàng hóa khi xảy ra ách tắc giao thông đường sắt.
Bộ GTVT yêu cầu các Sở GTVT và Vụ ATGT, Cục Đường thủy nội địa chỉ đạo các đơn vị sắp xếp tầu, thuyền tại nơi neo đậu để tránh va, đập gây hư hỏng chìm đắm tầu, thuyền; nghiêm cấm tầu, thuyền, đò ngang, đò dọc hoạt động trên sông khi có bão, lũ.
Các Ban QLDA chỉ đạo các nhà thầu thi công triển khai phương án phòng, tránh cơn bão số 9, đảm bảo giao thông thông suốt trong mọi tình huống và có biện pháp bảo vệ các công trình cầu cống, kho tàng, nhà ga, bến cảng, phương tiện vận tải, máy móc thi công… nhằm hạn chế thiệt hại do bão gây ra đến mức thấp nhất và thường xuyên báo cáo về Ban chỉ đạo PCLB và TKCN Bộ.
Quảng Trị
Sở GTVT Quảng Trị đã tổ chức nhiều đoàn kiểm tra, đôn đốc công tác phòng chống bão lũ tại công trình cầu Cửa Việt, Bắc Phước, Cửa Tùng; các công trình cầu phao Trung Yên, Trung Yên, nhà hàng nổi Phi thuyền đã được tháo dỡ, neo cột vào nơi an toàn. Đến sáng ngày 29/9, đã di chuyển các bệ nổi phục vụ thi công cầu Cửa Việt, cầu Bắc Phước vào bờ và chằng neo an toàn.
Các đơn vị quản lý đường bộ đã tập trung các vật tư thiết yếu phục vụ cho công tác đảm bảo giao thông như rọ thép, đá hộc, dầu máy tại các điểm xung yếu. Công ty Cổ phần quản lý và XDCT Nam Hiếu đã tập kết 1 máy xúc, 400 lít dầu, 150 rọ thép lên ĐT588 và 1 máy xúc để đảm bảo giao thông trên đường tỉnh 588A.
Thừa Thiên - Huế
Theo báo cáo của Sở GTVT, tính đến trưa ngày 29/9, QL 1A và đường tránh phía Tây thành phố Huế vẫn thông xe, tuy nhiên, do mưa lớn, gió to, xe cộ đi lại rất khó khăn. QL 49A đang bị ách tắc giao thông tại các vị trí Km8-Km9, Km 20 - Km 24 ngập sâu 0,8m, Km 75 +150, Km 92, Km96 tới cửa khẩu S3 tắc đường do sạt lở taluy dương. Đường Hồ Chí Minh hiện đang tắc tại khu vực đèo Pake (km313 - km321). QL 49 B ngập lụt gây ách tắc giao thông cục bộ một số đoạn từ Km1 đến Km5 +200.
Hệ thống đường tỉnh nhiều đoạn bị ngập sâu trong nước. Các tuyến Bắc sông Hương như ĐT4, ĐT 8B, 8A mặt đường bị ngập sâu từ 0,3 - 1,1m xe cộ không đi lại được. Các tuyến Nam sông Hương, ĐT 1, 2, 3, 10A ngập sâu nhiều đoạn gây gián đoạn giao thông.
Đường 14B - đường lên huyện Nam Đông do cây gãy đổ trên nhiều tuyến nên việc đi lại của người dân gặp nhiều khó khăn.
Các tuyến đường vành đai Bắc sông Hương nhất là khu vực nội thành ngập sâu nhiều điểm từ 0,3 - 0,6m. Các tuyến Nam sông Hương bị ngập cục bộ một số tuyến khu vực Phú Xuân, cuối đường Phan Chu Trinh, ngã tư Phan Bội Châu, Phan Đình Phùng.
Hà Tĩnh
Được dự báo về mức độ nguy hiểm của bão số 9. Sáng 28-9, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã tổ chức cuộc họp khẩn với Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão & Tìm kiếm cứu nạn (PCLB - TKCN) cùng nhiều ban ngành triển khai công tác đối phó bão. Cùng với việc kêu gọi các tàu đánh cá vùng ven vào bờ và neo giằng tàu tránh va đập, chìm tàu, đảm bảo an ninh trật tự khu neo đậu để nhân dân yên tâm sơ tán, chủ trương sơ tán dân vùng xung yếu ven biển cũng được triển khai. Được biết, 42 xã ven biển, với hơn 48.000 người đã triển khai tốt phương án PCBL “4 tại chỗ”, chuẩn bị sơ tán khoảng 20.000 người trước khi bão đổ bộ vào đất liền.
UBND tỉnh Quảng Bình đã kiểm tra việc chỉ đạo dự trữ lương thực, thực phẩm, thuốc men và các nhu yếu phẩm cần thiết khác cho nhân dân ở các vùng có nguy cơ bị chia cắt, vùng ngập sâu và các vùng dân cư khác; kiểm tra các phương án di dời, sơ tán dân ra khỏi vùng ảnh hưởng trực tiếp của bão...
Nhiều xe ô tô, 4 ca nô sẵn sàng túc trực để tham gia cứu hộ, cứu nạn ở khu vực nội địa; 3 tàu thường trực của Hải đội 2 đang thường trực tại cửa Gianh làm nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn tại khu vực này và khu vực trên biển. Đến ngày 28-9, Quảng Bình có 4.146 tàu và 22.526 lao động, hiện tất cả đã vào bờ tránh bão. Dọc nhiều tuyến đường nội thành Đồng Hới, hệ thống cây xanh cũng được giằng néo, chặt tỉa nhằm tránh gãy đổ.
Nghệ An
Thực hiện công điện khẩn của Thủ tướng Chính phủ, Nghệ An đã triển khai ngay các biện pháp cấp bách đối phó bão số 9 nhằm hạn chế thấp nhất ảnh hưởng của cơn bão có sức gió giật tới cấp 14.
Nghệ An đã thực hiện triệt để việc di dời dân ra khỏi vùng cửa sông, ven biển, vùng thường xuyên ngập sâu, cùng có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất đến nơi an toàn. Cử người canh gác, nghiêm cấm việc đi lại qua các bến đò ngang và ngầm giao thông ngập sâu khi có bão, lũ, tránh xảy ra chết người do thiếu trách nhiệm, chủ động bố trí lương thực, thuốc men, nước uống và các nhu yếu phẩm cần thiết tại các vùng thường xuyên bị chia cắt.
Trước đó do ảnh hưởng của vùng áp thấp nhiệt đới, từ ngày 24- 27/9 trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã có mưa to và rất to. Nhiều khu vực xuất hiện lốc xoáy gây thiệt hại lớn về người và của. Theo báo cáo tổng hợp của Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh Nghệ An tính đến ngày 27/9 mưa lớn và lốc xoáy đã làm 7 người chết, 1 người mất tích.
Tuyến đường QL 1A đi qua địa bàn (TP Vinh) cũng bị ngập nước, QL48 bị sạt lở nặng, gây ách tắc giao thông nhiều giờ. Mưa lớn đã làm ngập hàng chục nghìn ha hoa màu các loại, 1.317 ngôi nhà bị ngập, 50 nhà bị tốc mái, nhiều công trình xây dựng, giao thông bị nước cuốn trôi, hàng trăm tàu thuyền các loại bị đánh chìm. Tổng thiệt hại theo thống kê ban đầu của Ban Phòng chống lụt bão tỉnh Nghệ An là trên 60 tỷ đồng.
GTVT
GTVT