Đây là một trong nhiều nội dung được báo cáo tại Hội nghị giao ban trực tuyến tháng 4 và triển khai nhiệm vụ tháng 5 của Bộ GTVT do Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể chủ trì, chiều nay (6/5).
Nhằm đảm bảo giãn cách đúng quy định trước tình hình dịch Covid-19 còn đang diễn biến phức tạp, Bộ GTVT luôn chủ động hạ tầng công nghệ thông tin để triển khai tại các phòng họp trực tuyến, vừa đảm bảo hoạt động chuyên môn bình thường, vừa chống dịch hiệu quả.
Tham dự buổi làm việc, tại điểm cầu ở Trụ sở Bộ GTVT có Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông, Nguyễn Văn Công, Lê Đình Thọ, Nguyễn Nhật, Lê Anh Tuấn; các đồng chí lãnh đạo các cơ quan tham mưu dự tại các phòng họp trực tuyến; các đồng chí lãnh đạo Tổng cục Đường bộ VN, các Cục chuyên ngành dự tại đầu cầu ở đơn vị.
Bộ trưởng chỉ đạo Hội nghị giao ban Tháng 4 trực tuyến tại điểm cầu 80 Trần Hưng Đạo
Ngành GTVT tích cực thực hiện "nhiệm vụ kép"
Tại Hội nghị, Chánh Văn phòng Bộ Nguyễn Trí Đức khẳng định, Bộ GTVT tiếp tục tổ chức triển khai trong toàn Ngành thực hiện nghiêm các Chỉ thị, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về công tác phòng, chống dịch Covid-19. Các đơn vị trong ngành GTVT đã rất chủ động, tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan về công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19, đặc biệt là tại các cảng hàng không, ga đường sắt, các dịch vụ vận tải công cộng…
Theo đó, sản lượng vận tải 4 tháng đầu năm 2020 ước đạt 534,514 triệu tấn hàng, giảm 7,2%; đạt 1.231,280 triệu lượt hành khách, giảm 27,5% so với cùng kỳ năm 2019; khối lượng luân chuyển hàng hóa ước đạt 103,753 triệu Tấn.km, luân chuyển hành khách ước đạt 57,433 triệu HK.km; giảm 7,8% về luân chuyển hàng hóa và giảm 30,6% về luân chuyển hành khách so với cùng kỳ năm 2019. Riêng trong tháng 4/2020, sản lượng vận tải ước đạt 105,699 triệu tấn hàng (giảm 27,2%); đạt 99,802 triệu hành khách (giảm 76,8%); luân chuyển 21,283 triệu Tấn.km (giảm 25,2%) và 4,157 triệu HK.km (giảm 80,2%) so với tháng cùng kỳ năm 2019.
“Bộ trưởng đã tổ chức nhiều cuộc họp rà soát, đánh giá tác động và đề ra các giải pháp khắc phục các ảnh hưởng đến ngành GTVT do dịch bệnh Covid-19 gây ra. Ban Cán sự đảng Bộ GTVT đã ban hành Chỉ thị về tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 và thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, ứng phó dịch Covid-19 trong tình hình mới”, ông Nguyễn Trí Đức nhấn mạnh.
Báo cáo cụ thể về nội dung này, Vụ trưởng Vụ Vận tải Trần Bảo Ngọc cho biết, dù đối mặt với nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng về tổng thể, Ngành GTVT vẫn đáp ứng tốt nhu cầu vận tải của toàn xã hội với chất lượng ngày càng được cải thiện và nâng cao.
“Trong Quý I, tổng khối lượng vận chuyển và luân chuyển hàng hoá tăng khoảng 1,1% so với cùng kỳ năm 2019, đây là mức tăng trưởng chậm nhất trong 10 năm lại đây; đối với hành khách khối lượng vận chuyển giảm khoảng 6%, luân chuyển giảm 8%. Các chuyên ngành vận tải đều bị ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19”, đại diện Vụ Vận tải cho biết.
Cụ thể, theo ông Trần Bảo Ngọc, điển hình là ngành Hàng không, từ 01/4 đến nay, lượng hành khách vận chuyển hàng không chỉ bằng 1-2% so với thời điểm trước khi có dịch. Hầu hết đội tàu bay của các hãng hàng không Việt Nam đang phải đậu lại tại các cảng hàng không, không được đưa vào khai thác. Đối với các doanh nghiệp có vốn Nhà nước trong lĩnh vực Hàng không, Tổng công ty Hàng không Việt Nam là một trong những doanh nghiệp chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Trong Quý I/2020, doanh thu hợp nhất của doanh nghiệp này giảm khoảng 26%; doanh thu và lợi nhuận của Tổng công ty Cảng hàng không (ACV) giảm khoảng 24%; sản lượng điều hành bay và doanh thu Tổng công ty Quản lý bay VN giảm khoảng 60% so với cùng kỳ năm 2019.
“Tình hình của ngành Hàng không đang diễn ra theo tình huống xấu hơn các kịch bản đã dự báo, với tổng thị trường năm 2020 đạt khoảng 43% triệu khách, giảm 46% so với năm 2019”, Vụ trưởng Vụ vận tải nhấn mạnh.
Đối với ngành hàng hải, vận tải khách giảm gần như 100% so cùng kỳ. Doanh nghiệp vận tải biển chưa thoát khỏi khủng hoảng từ 2008 lại thêm dịch Covid đã gây ra tác động tiêu cực kép khiến doanh nghiệp vận tải biển đã khó khăn lại càng khó khăn hơn.
Đối với vận tải đường bộ, sản lượng vận tải khách, hàng hoá đều giảm mạnh doanh thu từ 40-80% so với cùng kỳ; số lượng xe xuất bến giảm mạnh từ 30-50% so với năm 2019…
So cùng kỳ 2019, doanh thu vận tải đường sắt cũng giảm 14,63%; sản lượng Tkm giảm 14,77%
Lãnh đạo các cơ quan tham mưu của Bộ dự họp tại các phòng họp trực tuyến
và tại các điểm cầu của đơn vị
Đại diện Vụ Vận tải Bộ GTVT cũng khẳng định, kể từ ngày 15/1/2020, Bộ GTVT đã bám sát các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và ý kiến của các cơ quan, tổ chức có liên quan với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, coi nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh là một trong các nhiệm vụ trọng tâm và cấp bách. Bộ GTVT đã có báo cáo Thủ tướng Chính phủ tháo gỡ các khó khăn cho sản xuất kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19.
Cụ thể, Bộ đã ban hành hơn 84 văn bản chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tập trung thực hiện “nhiệm vụ kép” là vừa phòng chống dịch, vừa phát triển KTXH, khẩn trương thực hiện cá giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19. Trong đó có việc hướng dẫn các đơn vị kinh doanh, cắt giảm thủ tục hành chính, giảm chi phí logicstics; Không thực hiện thanh tra ngoài kế hoạch, trừ trường hợp đặc biệt được giao; Rà soát để ban hành theo thẩm quyền việc giảm phí, lệ phí đối với các đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh, hoặc đề xuất phương án giảm phí, lệ phí và gửi về Bộ Tài chính; chưa thực hiện điều chỉnh tăng giá trong Quý I và Quý II năm 2020 đối với các mặt hàng là đầu vào cho sản xuất của doanh nghiệp do Nhà nước định giá thuộc lĩnh vực quản lý; Tập trung tái cấu trúc nghiệp vụ, các thủ tục hành chính cấp độ 3,4 tích hợp với Cổng dịch vụ quốc gia theo hướng cắt giảm mạnh chi phí và tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp…
An toàn giao thông được đảm bảo
Đối với các mặt công tác khác, Chánh Văn phòng Bộ Nguyễn Trí Đức cho biết, về công tác đảm bảo TTATGT, trong 4 tháng đầu năm 2020 (tính từ ngày 15/12/2019 đến ngày 14/4/2020), cả nước xảy ra 4.509 vụ tai nạn giao thông, làm chết 2.138 người, bị thương 3.305 người. So với 4 tháng đầu năm 2019, số vụ TNGT giảm 944 vụ (giảm 17,31%), số người chết giảm 432 người (giảm 16,81%), số người bị thương giảm 847 người (giảm 20,91%). Tháng 4/2020, cả nước xảy ra 1.040 vụ, làm chết 499 người và làm bị thương 736 người. So với tháng cùng kỳ năm 2019 giảm 383 vụ (giảm 26,91%), giảm 166 người chết (giảm 24,96%), giảm 302 người bị thương (giảm 29,09%).
Bộ cũng đã ban hành văn bản chỉ đạo triển khai Công điện số 480/CĐ-TTg ngày 23/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân và bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong dịp nghỉ Lễ 30/4 và 01/5/2020. Trong 4 ngày nghỉ Lễ 30/4 - 01/5/2020, toàn quốc xảy ra 133 vụ TNGT, làm chết 79 người, bị thương 76 người. So sánh với 4 ngày đầu của kỳ nghỉ lễ năm 2019, tăng 18 vụ, giảm 02 người chết, giảm 02 người bị thương.
Tỷ lệ giải ngân đạt cao, công trình trọng điểm đúng tiến độ
Công tác triển khai các dự án trọng điểm của ngành như tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, Dự án cảng hàng không quốc tế (CHKQT) Long Thành, mở rộng CHKQT Tân Sơn Nhất, nghiên cứu tiền khả thi đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, thu phí tự động không dừng... tiếp tục được Bộ tập chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan bám sát kế hoạch đề ra. Đã tổ chức họp trực tuyến với các địa phương thúc đẩy công tác giải phóng mặt bằng cao tốc Bắc – Nam phía Đông và đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ tình hình thực hiện công tác giải phóng mặt bằng dự án; đẩy nhanh tiến độ để tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư đối với các dự án thành phần đầu tư theo hình thức PPP thuộc Dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông trong tháng 5/2020. Đồng thời, thực hiện Nghị quyết số 41/NQ-CP ngày 09/4/2020 của Chính phủ, Bộ GTVT cũng đang tích cực chuẩn bị các thủ tục cần thiết chuyển đổi sang hình thức đầu tư công đối với các dự án thành phần thuộc Dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông, Dự án đường bộ cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ để có thể triển khai ngay sau khi được cấp có thẩm quyền chấp thuận. Tập trung đẩy nhanh hoàn thiện các thủ tục để triển khai cải tạo, nâng cấp đường cất hạ cánh, đường lăn CHKQT Nội Bài và Tân Sơn Nhất.
Với sự chỉ đạo quyết liệt của Bộ trưởng, các đồng chí Thứ trưởng, kết quả giải ngân đã có chuyển biến tích cực, công tác kế hoạch dần đi vào nề nếp. Đặc biệt nhóm các dự án đường sắt cấp bách cơ bản sẽ khởi công trong tháng 5 và tháng 6/2020. Mặc dù trong tháng 4/2020 giải ngân 1.711 tỷ đồng thấp hơn so với 2.642 tỷ đồng kế hoạch đề ra, tuy nhiên lũy kế 4 tháng cơ bản vẫn đáp ứng yêu cầu do tháng 3/2020 đã giải ngân vượt kế hoạch khoảng 850 tỷ đồng (do trả nợ được trước dự kiến của Dự án BT La Sơn - Túy Loan).
Kết quả giải ngân kế hoạch lũy kế 4 tháng đầu năm cơ bản đang bám sát kế hoạch giải ngân chi tiết do các chủ đầu tư/Ban quản lý dự án lập, đạt khoảng 99,5% kế hoạch giải ngân chi tiết (9.208/9.250 tỷ đồng, hụt khoảng 42 tỷ đồng). Bên cạnh các Chủ đầu tư/Ban QLDA có kết quả giải ngân vượt kế hoạch đề ra như Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Ban QLDA Thăng Long, Ban QLDA 85, Ban QLDA Đường sắt, cũng còn các chủ đầu tư có kết quả thực hiện kế hoạch đáng quan ngại là: Sở GTVT Kon Tum và Sở GTVT Hòa Bình hầu như chưa giải ngân kế hoạch 2020.
Đánh giá công tác giải ngân kế hoạch của Bộ Giao thông vận tải 4 tháng đầu năm và kế hoạch triển khai trong tháng 5 và cho đến cuối năm, ông Nguyễn Danh Huy, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch đầu tư, Bộ GTVT cho biết: “Trong bối cảnh cả hệ thống chính trị và toàn dân đang tập trung nỗ lực kiểm soát, đẩy lùi dịch bệnh, nền kinh tế gặp nhiều khó khăn đặc biệt là đợt giãn cách toàn xã hội trong tháng 4 cũng ảnh hưởng rất lớn đến các hoạt động kinh tế - xã hội trong đó có lĩnh vực Giao thông vận tải.
Tuy nhiên với quyết tâm chính trị cao và ý thức được trách nhiệm của mình, Bộ Giao thông vận tải đang rất nỗ lực để thúc đẩy tiến độ giải ngân và thi công các dự án do Bộ quản lý, đặc biệt là các dự án trọng điểm quốc gia. Mặc dù kết quả giải ngân 4 tháng đạt khá cao so với bình quân chung của cả nước, song kết quả giải ngân 4 tháng đầu năm phần nhiều vẫn nằm ở hoàn ứng trước kế hoạch (khoảng 5.000 tỷ đồng), hoàn trả quỹ tích lũy trả nợ của 02 dự án BT (khoảng 1.334 tỷ đồng). Phần giải ngân cho GPMB và các hợp đồng xây lắp chiếm tỷ trọng không lớn trong kết quả giải ngân.
Để thực hiện thành công kế hoạch năm 2020 theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ thì đồng chí Bộ trưởng đã chỉ đạo rất quyết liệt các Chủ đầu tư/ Ban QLDA cần kiện toàn, tăng cường năng lực cán bộ điều hành tại các dự án; phối hợp chặt chẽ với các địa phương đẩy nhanh công tác GPMB, chỉ đạo quyết liệt công tác nội nghiệp; bên cạnh đó các Chủ đầu tư/Ban QLDA cần kiện toàn, tăng cường năng lực các phòng kế hoạch để thực hiện tốt công tác tham mưu xây dựng, điều hành kế hoạch được giao. Việc lập kế hoạch giải ngân phải bám sát hơn nữa tiến độ thực hiện Dự án; trong đó các cơ quan tham mưu của Bộ phải thường xuyên đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ những thủ tục đầu tư”.
Về công tác thẩm tra quyết toán, trong tháng 4/2020 đã lập, trình quyết toán 01 dự án NSNN; lũy kế 4 tháng, đã lập, trình quyết toán 4/5 dự án (đạt 80% kế hoạch); đã hoàn thành thẩm tra, phê duyệt quyết toán 02 dự án vốn đầu tư công; luỹ kế đến nay đã phê duyệt được 4/4 dự án (đạt 100% kế hoạch).
Tiếp tục triển khai kế hoạch bảo trì năm 2020 đối với lĩnh vực đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải, đường bộ và đôn đốc các đơn vị xây dựng, phê duyệt Kế hoạch bảo trì công trình hàng không năm 2020. Thực hiện Nghị quyết số 41/NQ-CP ngày 09/4/2020 của Chính phủ, Bộ đã triển khai giao dự toán kinh phí quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia năm 2020 cho Tổng công ty Đường sắt Việt Nam.
Nhìn chung, hầu hết các nhiệm vụ trọng tâm của ngành đều được Bộ chỉ đạo quyết liệt và các cơ quan, đơn vị tập trung, triển khai, đạt kết quả tích cực”, Chánh Văn Phòng Bộ Nguyễn Trí Đức khẳng định.
Quyết liệt thực hiện nhiệm vụ tháng 5 và cả năm 2020
Kết luận Hội nghị, sau khi nghe ý kiến phát biểu của các đồng chí lãnh đạo các cơ quan, đơn vị cũng như của các đồng chí Thứ trưởng, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể ghi nhận và đánh giá cao kết quả hoạt động trong toàn Ngành tháng 4 và 4 tháng đầu năm đã cơ bản hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu được giao, đặc biệt là công tác đảm bảo trật tự ATGT và công tác giải ngân đạt kết quả rất tốt.
Bộ trưởng yêu cầu các đơn vị tiếp thu ý kiến của các đồng chí Thứ trưởng về các mặt công tác như vận tải, đảm bảo TTATGT cũng như tiếp tục quyết liệt vừa chống dịch, vừa phát triển KT-XH.
Bộ trưởng cũng chỉ đạo các đơn vị phát huy và thực hiện tốt hơn các mặt đã làm được, rút kinh nghiệm các việc còn hạn chế để thực hiện tốt các nhiệm vụ trong tháng 5 và các tháng tiếp theo.
Chỉ đạo phương hướng hoạt động, Bộ trưởng yêu cầu các đơn vị trong Ngành bám sát chương trình công tác của Chính phủ và Bộ năm 2020, chủ động hoàn thiện các dự thảo văn bản QPPL, đề án bảo đảm chất lượng và trình đúng hạn. “Văn phòng và Vụ Pháp chế không được nể nang, phải chỉ rõ đơn vị nào còn chậm, chậm từ đâu để “thúc” nhau hoàn thành, nếu không báo cáo ngay lãnh đạo Bộ để có phương án giải quyết tận gốc, đơn vị nào chậm trễ không có lý do thuyết phục phải bị phê bình và có ngay biện pháp đẩy nhanh đảm bảo tiến độ”, Bộ trưởng chỉ rõ.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cũng yêu cầu Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 của Bộ và các cơ quan, đơn vị liên quan tiếp tục theo dõi, bám sát, cập nhật diễn biến tình hình dịch và bám sát chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 để triển khai mạnh mẽ, quyết liệt, nghiêm túc công tác phòng, chống dịch, hạn chế tối đa sự lây lan và ảnh hưởng của dịch bệnh đến hoạt động của Ngành cũng như cộng đồng.
Bộ trưởng cũng đồng ý với ý kiến của các đồng chí Thứ trưởng và lãnh đạo các đơn vị về việc “nới lỏng” các quy định thuộc thẩm quyền của Bộ GTVT mà vẫn đảm bảo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ và Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch, đồng thời phù hợp với từng địa phương để tạo điều kiện cho các đơn vị kinh doanh vận tải được phục hồi hoạt động, thúc đẩy phát triển kinh tế đất nước nhưng vẫn đảm bảo an toàn cho người dân và xã hội. Nếu có biểu hiện dịch bệnh phải kiểm soát ngay đồng thời báo cáo với Bộ, địa phương và y tế các cấp để có phương án phòng chống kịp thời.
Do đó, Bộ trưởng yêu cầu các cơ quan quản lý từng chuyên ngành vận tải chủ động có phương án cụ thể tham mưu cho Bộ và Chính phủ kiểm soát dịch trong cộng đồng trong công tác vận tải khách trong tình hình mới được cập nhật liên tục.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cũng chỉ đạo các cơ quan tập trung hoàn thành các nhiệm vụ được giao như hoàn thành kế hoạch thu phí không dừng; đảm bảo tiến độ các dự án trọng điểm; công tác giải ngân phải được tiếp tục tập trung; công tác cải cách hành chính và thủ tục hành chính tiếp tục đảm bảo để tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp; Công tác đảm bảo ATGT và TTATGT không được lơ là bởi sau khi người dân và các doanh nghiệp vận tải được hoạt động bình thường trở lại sẽ dễ chủ quan, thiếu ý thức, là cơ sở để xảy ra TNGT…
“Kết quả thực hiện nhiệm vụ tháng 4 và 4 tháng tương đối tốt nhưng không được chủ quan, lơ là mà toàn Ngành phải tập trung thực hiện nhiệm vụ vì đây là thời điểm quan trọng để quyết định xem có hoàn thành nhiệm vụ năm hay không. Do đó từng cá nhân, tập thể, đơn vị phải tập trung làm tốt hơn nữa, nếu không hoàn thành nhiệm vụ sẽ phải chịu trách nhiệm”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể chỉ đạo cương quyết.
Lâm Hoài