Khi các phương án tiếp cận bằng trực thăng chưa thể triển khai, các lực lượng ngành GTVT vẫn đang ngày đêm nỗ lực mở đường tiếp cận vào thủy điện Rào Trăng 3 (Thừa Thiên - Huế) và trước đó là khu vực Đoàn Kinh tế - quốc phòng 337 (Quảng Trị), phối hợp chặt chẽ cùng các lực lượng chức năng đẩy nhanh việc tiếp tế, cứu nạn.
Thứ trưởng Lê Đình Thọ chỉ đạo các lực lượng nòng cốt ngành GTVT:
Sở GTVT Thừa Thiên - Huế, Ban QLDA đường HCM... huy động nhân, vật lực cứu hộ, cứu nạn Rào Trăng 3.
Phía trước Rào Trăng 3!
Ăn tạm miếng lương khô, anh Minh tập trung lái chiếc máy cẩu đánh gầu 1 khối 3 ngoặc sâu xuống mớ đất đá sạt lở xuống mặt đường 71. Mưa không dứt, tạt mạnh cửa kính.
Những ngón tay nhăn nheo, ngả bạc vì ướt sũng suốt những ngày qua. Phía sau, tài xế Phan Trọng Huỳnh, lái máy ủi của Công ty Hòa Hiệp tập trung cao độ, lau giọt nước mưa bắn vào mặt để san gạt, mở những vệt đường mới.
Cạnh đó, tiếng máy xúc bánh lốp của Công ty Thuận An cũng rền vang, đưa gầu múc đất đá tràn lấp mặt đường để khơi thông…
Cứ thế, 3 “chiến binh” lặng thầm thành mũi tiên phong mở tuyến đường 71 qua khu vực Rào Trăng 4 và đang tiến về Rào Trăng 3. Đây chỉ là 3 trong số gần chục thiết bị mở đường chuyên dụng được Ban QLDA đường Hồ Chí Minh điều động trực tiếp từ các đơn vị tham gia dự án cao tốc Cam Lộ - La Sơn mở đường cứu nạn.
Do đường 71 bị tái sạt lở, 3 lái xe được “trung chuyển” từ phía bên ngoài qua đường thủy vào tiểu khu 67 (xã Phong Xuân, huyện Phong Điền, Thừa Thiên - Huế), sử dụng 3 mũi xúc, ủi tại đây để mở đường lên phía Rào Trăng 3 - nơi vẫn đang có 16 công nhân mất tích.
Ở mũi bên ngoài, các lực lượng nòng cốt của ngành GTVT địa phương và Ban QLDA đường Hồ Chí Minh cũng huy động hơn chục máy chuyên dụng mở đường, với phương châm “trong đánh lên, ngoài đánh vào”.
Ngay trong đêm 19/10, 3 mũi khoan chọc thẳng vào khối đất đá sạt lở, bám theo trục 71 để thông từng mét đường. Tiếng máy xúc gầm gừ bỗng đứng sựng, bởi gặp tảng đá lớn hàng chục khối lở chắn lòng đường. Tình thế khó khăn. Giữa đêm tối, “biệt đội” máy xúc cùng “hợp lực” đưa các mũi gầu kích, lăn và hất khối đá ra bên vệ đường.
Phó giám đốc Ban QLDA đường HCM Nguyễn Vũ Quý trực tiếp tại hiện trường mở đường cứu nạn từ ngày đầu tiên cho hay, đường 71 hầu như bị phá hủy, biến dạng, đất đá sạt trượt, địa hình phức tạp và thường trực nguy hiểm. Nhận chỉ đạo của Bộ GTVT, trực tiếp Thứ trưởng Lê Đình Thọ tại công trường, những ngày qua, máy móc chuyên dụng của các đơn vị thi công liên tục được tăng cường.
Anh em lái xe hầu như ăn ngủ tại chỗ hoặc các điểm dã chiến. Ngày thông được vào tiểu khu 67, mọi người nhìn nhau đến bật khóc. Một cảnh tượng quá tang thương, hỗn độn. Chẳng ai nói ai, anh em lại tiếp tục lên xe, mở đường đến Rào Trăng 4.
Nhiều đoạn tuyến 71 mở xong lại tiếp tục sạt lở, cắt đường. Hiện máy móc bên ngoài chưa thể vào tiểu khu 67. Ngành GTVT xác định tăng cường 2 mũi, 1 mũi từ tiểu khu 67 đi lên, một mũi tiếp tục mở đường vào lại tiểu khu 67 để huy động máy móc, tiếp tế lương thực.
“Đến tối 20/10, mũi mở đường đã vượt được Rào Trăng 4, và chỉ còn cách chừng 5-7km để có thể tiếp cận Rào Trăng 3. Gian nan, hiểm trở nhưng mọi người luôn động viên nhau, phía trước là Rào Trăng, cứu người là trên hết. Mục tiêu đến khoảng 22/10, có thể thông đường đến Rào Trăng 3, hỗ trợ tìm kiếm công nhân còn mất tích”, ông Quý nói.
Tất cả vì mục tiêu cứu nạn khẩn cấp
Các mũi thi công mở đường vào Rào Trăng 3 của lực lượng
“nòng cốt” GTVT, các đơn vị thi công dự án Cam Lộ - La Sơn
Khi 22 thi thể cán bộ, chiến sĩ Đoàn Kinh tế - quốc phòng 337 (Quân khu 4, xã Hướng Phùng, Hướng Hóa, Quảng Trị) được đưa xuống TP Đông Hà để chuẩn bị lễ truy điệu, công tác gia cố, đảm bảo giao thông tuyến đường lên Đoàn 337 vẫn được ngành GTVT triển khai. Đến 2h sáng 19/10, các tuyến đường vào Đoàn 377 đã được thông suốt hoàn toàn.
Ông Trần Quang Thanh, Phó cục trưởng Cục QLĐB II (Tổng cục Đường bộ VN) trực tiếp hiện trường mở đường cứu nạn cho hay, ngành GTVT sử dụng nguồn lực tại chỗ để tăng cường mở đường, tạo điều kiện công tác cứu hộ, cứu nạn, tiếp tế vào hiện trường.
“Khối lượng công việc rất lớn, nhưng tinh thần làm việc của mọi người tập trung cao độ, tất cả cho mục tiêu cứu nạn khẩn cấp”, ông Thanh nói.
Theo ông Lê Công Diễn, Phó giám đốc Sở GTVT Thừa Thiên - Huế, cùng với những nỗ lực, quyết tâm của mỗi đơn vị ngành GTVT, sự chỉ đạo sát sao, kịp thời của lãnh đạo Bộ GTVT, trực tiếp là Thứ trưởng Lê Đình Thọ đã góp phần tạo hiệu quả, đẩy nhanh tiến độ mở đường.
Trao đổi với PV, Thứ trưởng Lê Đình Thọ cho hay, ngành còn rất nhiều việc trong công tác khắc phục hậu quả mưa lũ, đặc biệt công tác cứu hộ, cứu nạn thủy điện Rào Trăng 3.
Kinh nghiệm cho thấy sự vào cuộc hết sức quyết liệt và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng, địa phương. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT đã phối hợp chặt chẽ với tỉnh Thừa Thiên - Huế, Quảng Trị, Bộ Quốc phòng, Quân khu 4 triển khai khắc phục các thiệt hại, cứu hộ, cứu nạn các vụ việc trên.
133 người chết và mất tích, 16 tuyến quốc lộ bị ngập, sạt lở
Tính đến chiều 20/10, mưa lũ miền Trung đã làm 133 người chết và mất tích. Trong đó, 106 người chết, 27 người mất tích. Về giao thông, tới chiều 20/10 có 16 tuyến quốc lộ, 163.150m đường quốc lộ, 161.880m đường giao thông địa phương bị ngập, sạt lở, hư hỏng (tại các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị). Hiện đường Hồ Chí Minh nhánh Tây, tỉnh Quảng Bình còn 7 vị trí ngập, sạt lở và nhiều tuyến đường nội tỉnh đang ngập lụt, chia cắt; QL1A đoạn qua thị trấn Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh còn bị ngập.