Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng giao Bộ Giao thông vận tải tiếp tục hoàn thiện Đề án cải thiện hạ tầng và chất lượng dịch vụ đường sắt phục vụ khách du lịch.
Theo ý kiến của Phó Thủ tướng, Đề án trên phải bảo đảm phù hợp với Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, thống nhất nội dung các đề án trong lĩnh vực giao thông vận tải đường sắt do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và theo đúng chỉ đạo tại văn bản số 724/VPCP-CN ngày 3/2/2020 của Văn phòng Chính phủ, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Bộ Giao thông vận tải cho biết, giao thông vận tải đường sắt đóng vai trò quan trọng trong hệ thống giao thông vận tải quốc gia, là một trong những ngành mũi nhọn về công nghiệp hóa, hiện đại hóa, thể hiện mức độ phát triển của mỗi quốc gia. Với các ưu điểm vượt trội so với các loại hình vận tải khác như: vận tải đường dài với khối lượng lớn, ổn định, an toàn, ít gây ô nhiễm môi trường, tiết kiệm đất, thích hợp với đại đa số các tầng lớp dân cư, vận tải đường sắt đang ngày càng trở nên thiết yếu đối với sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước.
Hiện nay, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đang được Nhà nước giao trực tiếp quản lý tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt với 15 tuyến đường sắt đi qua 34 tỉnh, thành phố bao gồm 3.160,947 km đường sắt, trong đó, có 2.646,106 km đường chính tuyến, đường nhánh và 514,841 km đường ga, nhánh, bao gồm 3 loại khổ đường 1000mm, 1435mm, khổ đường lồng 1000mm và 1435mm với 297 nhà ga và tại mỗi tuyến đường sắt có rất nhiều điểm du lịch, danh lam thắng cảnh, các điểm du lịch tâm linh nổi tiếng trên cả nước. Điều đó cho thấy đường sắt Việt Nam có lợi thế và tiềm năng trong việc phát triển du lịch trong cả nước.
Theo số liệu của Tổng cục Du lịch, năm 2018, tổng lượng khách du lịch của Việt Nam là 95,497 triệu lượt khách với tổng doanh thu ngành du lịch là 637.000 tỷ đồng. Trong khi đó, tổng khối lượng vận chuyển hành khách năm 2018 của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam là 8,687 triệu lượt khách (tương đương với 9,1% lượng khách du lịch), tổng doanh thu là 2.814 tỷ đồng (tương đương với 0,44% tổng doanh thu khách du lịch). Việc vận chuyển hành khách phục vụ du lịch của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam hầu hết chỉ tập trung vào dịp nghỉ Hè (bắt đầu từ tháng 5 cho đến hết tháng 8) và chủ yếu phục vụ cho các đoàn khách lẻ từ 10 – 20 người. Theo thống kê thì mức chi phí của khách du lịch dành cho các phương tiện đi lại chiếm tỷ lệ là 25% trên tổng chi phí của mỗi du khách.
Ngoài ra theo số liệu thống kê trong năm 2017, thì mức chi phí của khách du lịch dành cho việc đi lại chiếm tỷ lệ vào khoảng 25,5% trên tổng chi phí chuyến đi của mỗi du khách. Do đó, ngành đường sắt còn nhiều công việc cần phải làm để hỗ trợ hành khách lựa chọn đi du lịch bằng phương tiện đường sắt.
Theo Bộ Giao thông vận tải, căn cứ Quyết định số 214/QĐ-TTg ngày 10/2/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt điều chỉnh Chiến lược phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050 thì ngành đường sắt phải: “Phát triển hệ thống giao thông vận tải đường sắt đồng bộ cả về kết cấu hạ tầng, tổ chức quản lý khai thác vận tải, công nghiệp và dịch vụ với trình độ cao; đảm bảo hoạt động giao thông vận tải đường sắt thông suốt, trật tự, an toàn, chính xác, nhanh chóng, thuận tiện và hiệu quả; tạo thành động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đáp ứng yêu cầu hội nhập khu vực và quốc tế, bảo đảm quốc phòng, an ninh và bảo vệ môi trường”.
Để đạt được mục tiêu trên là đặc biệt khó khăn đối với ngành đường sắt, bởi theo số liệu thống kê năm 2018, sản lượng vận chuyển hành khách của đường sắt 8,6 triệu lượt hành khách chỉ chiếm tỷ lệ 0,20% trên tổng số 4.081 triệu lượt khách của cả nước.
Chính vì vậy, việc xây dựng Đề án cải thiện hạ tầng và chất lượng dịch vụ đường sắt phục vụ khách du lịch thực sự cần thiết nhằm xây dựng lộ trình và các kế hoạch cụ thể nhằm nâng cao khả năng hỗ trợ, phát triển du lịch từ đó nâng cao sản lượng và thị phần vận tải đường sắt đáp ứng theo mục tiêu định hướng của Chính phủ tại Quyết định số 214/QĐ-TTg ngày 10/2/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt điều chỉnh Chiến lược phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050.