Đây là khẳng định của Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể tại buổi làm việc với Lãnh đạo Thành phố Cần Thơ, chiều nay (11/12).
Dự buổi làm việc, về phía Cần Thơ có Bí thư Thành uỷ Lê Quang Mạnh; Chủ tịch UBND Thành phố Trần Việt Trường cùng lãnh đạo một số Sở, Ban, Ngành của Thành phố.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể làm việc với lãnh đạo Thành phố Cần Thơ
về phát triển GTVT, chiều nay (11/12)
Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đánh giá cao công tác phát triển hạ tầng giao thông tại Cần Thơ.
“Cần Thơ đã song hành cùng Ngành GTVT phát triển hạ tầng giao thông rất tốt không chỉ tại riêng địa phương mà còn góp phần làm thay đổi bộ mặt giao thông kết nối vùng”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đánh giá.
Sau khi nghe ý kiến, kiến nghị phát biểu của lãnh đạo Thành phố Cần Thơ và đại diện các cơ quan tham mưu của Bộ, các Cục quản lý chuyên ngành, Tổng cục Đường bộ Việt Nam… về các công tác liên quan đến các dự án giao thông tại địa phương, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, về tuyến cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, hiện tại, Bộ GTVT đã hoàn thiện công tác đấu thầu và chi 900 tỷ phục vụ công tác GPMB, giúp việc thi công trên tuyến có khoảng 20km mặt bằng sạch.
Khoảng 5km còn lại ngay dốc cầu Vàm Cống, do vướng nhiều nhà cửa của người dân, cần khoảng 500 tỷ đồng nữa, Bộ GTVT chủ trương sẽ phối hợp với tỉnh Vĩnh Long bố trí vốn hoàn thành GPMB trên toàn tuyến vào đầu năm 2021.
Đối với tuyến Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng và Cần Thơ - Cà Mau, Bộ trưởng Thể cho biết, trong nhiệm kỳ tới, Bộ GTVT sẽ kiến nghị Chính phủ, Quốc hội xem xét, phê duyệt GPMB toàn bộ từ Châu Đốc đến Sóc Trăng và từ Cần Thơ đến Cà Mau.
“Với các dự án này, định hướng trước mắt của Bộ GTVT là xây dựng một đơn nguyên, để thông xe giai đoạn 1 chỉ dành cho xe ô tô, phần mặt bằng còn lại sẽ lập hàng rào bảo vệ. Đơn nguyên thứ 2 sẽ sắp xếp vào các giai đoạn tiếp theo. Trong năm 2020, Bộ GTVT sẽ xem xét rõ vấn đề này để báo cáo Chính phủ, Quốc hội, phấn đấu sẽ khởi công dự án vào năm 2022”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể khẳng định.
Liên quan đến đề xuất về Quốc lộ Nam sông Hậu, Bộ trưởng Bộ GTVT giao Tổng cục Đường bộ VN, Vụ KHĐT nghiên cứu nâng cấp, tôn độ cao mặt đường, hoàn chỉnh hạ tầng đồng bộ để nâng cao hiệu quả kết nối giao thông xuống cảng Cái Cui.
Đối với QL91 (Km0 - Km7), Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đánh giá, dự án này có khó khăn nhất định do chi phí GPMB lớn gấp 2 - 3 lần chi phí xây lắp. Năm 2008, Bộ GTVT có quyết định chuyển tuyến này thành đường đô thị và chuyển cho TP Cần Thơ khai thác, đầu tư.
Chỉ đạo về việc thi công hoàn thành giai đoạn 2 dự án Luồng cho tàu biển tải trọng lớn vào Sông Hậu, theo người đứng đầu Bộ GTVT, Bộ GTVT đã đề nghị Bộ KHĐT báo cáo Thủ tướng Chính phủ bố trí vốn trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 với hơn 1.500 tỷ đồng.
“Cục Hàng hải có trách nhiệm phối hợp nghiên cứu phân bổ, giải quyết một số vị trí bối lắng và đầu tư một số hạng mục cần thiết chống bồi lắng đảm bảo hiệu quả khai thác của tuyến luồng, tránh tình trạng “khoán trắng”, chỉ dùng gia cố bờ sẽ không đạt hiệu quả mong muốn đối với dự án này”, Bộ trưởng chỉ đạo.
Riêng về Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ, Bộ trưởng giao Cục Hàng không VN nghiên cứu. Nếu cần thiết, sân bay cần được mở rộng 2 đường băng để đáp ứng nhu cầu khai thác. Ngoài ra, khi lượng hành khách gia tăng, đường băng hiện hữu phải duy tu, cải tạo có đường băng khác thay thế để đảm bảo hiệu quả khai thác.
Tại buổi làm việc, Giám đốc Sở GTVT TP Cần Thơ Lê Tiến Dũng cho biết thời gian qua, Bộ GTVT đã quan tâm chỉ đạo, ưu tiên huy động nguồn vốn để đầu tư xây dựng hoàn thành các dự án kết cấu hạ tầng giao thông quan trọng kết nối vùng qua địa bàn TP Cần Thơ như: cầu Cần Thơ, QL1, đường Nam Sông Hậu, QL91 (đoạn Km7-Km50+889), QL91B, cầu Vàm Cống, tuyến Lộ Tẻ - Rạch sỏi, Cảng hàng không Quốc tế Cần Thơ…
Đại diện Sở GTVT Cần Thơ khẳng định, tháng 8/2020, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 59 yêu cầu TP Cần Thơ phải phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, phát huy vai trò trung tâm, động lực phát triển vùng, là đầu mối quan trọng về GTVT nội vùng và liên vận quốc tế.
Do đó, ông Lê Tiến Dũng khẳng định, để triển khai nhiệm vụ này, UBND TP Cần Thơ kiến nghị Bộ GTVT đẩy nhanh tiến độ đầu tư và hoàn thành đưa vào khai thác trong giai đoạn 2021 - 2025 các dự án đường cao tốc trọng điểm kết nối vùng qua địa bàn TP Cần Thơ như: đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ; đường cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng; đường cao tốc Cần Thơ - Cà Mau.
Đồng thời, đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 của Bộ GTVT để sớm triển khai đầu tư và hoàn thành các dự án: nâng cấp Quốc lộ Nam Sông Hậu (đoạn từ ngã năm cầu Cần Thơ đến cảng Cái Cui); tuyến tránh thành phố Long Xuyên (đoạn Thốt Nốt - Lộ Tẻ); Nâng cấp, mở rộng QL91 (đoạn Km0 - Km7)…
Lãnh đạo Sở GTVT TP Cần Thơ cũng kiến nghị Bộ GTVT ủng hộ và đề xuất Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương giao địa phương này làm chủ đầu tư thực hiện dự án mở rộng tuyến đường nối thành phố Vị Thanh (Hậu Giang) với TP Cần Thơ (QL61C) đối với đoạn qua địa phận TP Cần Thơ, chiều dài tuyến 10,2km với quy mô 4 làn xe, tổng mức đầu tư dự kiến là 978 tỷ đồng bằng nguồn vốn Ngân sách Trung ương giai đoạn 2021 - 2025.
Cùng đó, sớm thi công hoàn thành giai đoạn 2 dự án Luồng cho tàu biển tải trọng lớn vào Sông Hậu (kênh Quan Chảnh Bố) trong giai đoạn 2021 - 2025 để đáp ứng cho tàu có tải trọng đến 20.000 tấn vào các cảng của TP Cần Thơ.
Bên cạnh đó, Cần Thơ cũng đề nghị Bộ GTVT nghiên cứu các vấn đề liên quan đến, Cảng hàng không Quốc tế Cần Thơ; quy hoạch xây dựng tuyến đường sắt TP Hồ Chí Minh - Cần Thơ, đưa vào Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050; sớm duy tu, sửa chữa các vị trí hư hỏng mặt đường, đảm bảo ATGT trên các tuyến quốc lộ: 61C, 80, Nam sông Hậu, QL1 (đường dẫn cầu Cần Thơ); thảm bê tông nhựa lại toàn bộ mặt cầu, vuốt dốc đường vào cầu Hưng Lợi thuộc Quốc lộ Nam sông Hậu trước Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021…
H.L