Bộ GTVT tổng kết giai đoạn 2016-2020, bàn giải pháp chủ yếu giai đoạn 2021-2025

Thứ năm, 24/12/2020 08:35
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Sáng nay 24/12/2020, Bộ GTVT long trọng tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác năm 2020, giai đoạn 2016-2020 và triển khai kế hoạch năm 2021, giải pháp chủ yếu giai đoạn 2021-2025 của Bộ GTVT.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng dự và chỉ đạo Hội nghị.
Hội nghị diễn ra trong buổi sáng 24/12, được truyền hình trực tuyến, điểm cầu chính tại Trung tâm Hội nghị quốc tế 11 Lê Hồng Phong, Hà Nội và 62 điểm cầu tại Trụ sở VNPT các tỉnh/thành phố.


Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng dự và chỉ đạo Hội nghị, sáng nay (24/12)

Ngành GTVT đã rất nỗ lực vượt qua khó khăn của năm 2020

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng ghi nhận và đánh giá cao sự nỗ lực, cố gắng vượt qua khủng hoảng do dịch bệnh, thiên tai gây ra cũng như khó khăn riêng của CBCCVC Ngành GTVT trong năm 2020 là năm đặc biệt quan trọng, diễn ra nhiều sự kiện lớn của đất nước, thậm chí là của cả thế giới.


Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chỉ đạo tại Hội nghị

Thiên tai, bệnh dịch diễn ra toàn cầu và ảnh hưởng lớn của nhiều địa phương trong cả nước. Tuy nhiên, do sự chỉ đạo sâu sát của Đảng, sự vào cuộc quyết liệt của các bộ, ngành, địa phương và nhân dân cả nước nên chúng ta vẫn cơ bản đạt khá các mục tiêu vì con người, tiến bộ và công bằng xã hội, có sự đóng góp đặc biệt quan trọng của Ngành GTVT.


Hội nghị Tổng kết năm 2020 của Bộ GTVT được tổ chức tại Hà Nội
và trực tuyến tới 63 điểm cầu trên cả nước

Đối với kết quả thực hiện nhiệm vụ của Ngành GTVT, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng, Ngành GTVT có đóng góp đặc biệt quan trọng trong giai đoạn vừa qua của đất nước. Đó là việc cải tạo hệ thống hạ tầng giao thông, thay đổi toàn diện bộ mặt, tạo hệ thống logicstics rộng khắp trên cả nước. Trong đó, Phó Thủ tướng cho rằng Ngành GTVT tập trung hoàn thiện thể chế, tập trung rà soát, cập nhật bổ sung chiến lược, quy hoạch hệ thống, cơ cấu giao thông vận tải.

Ngành GTVT cũng kịp thời tháo gỡ khó khăn, triển khai thúc đẩy các dự án của Ngành GTVT. Tuy các dự án của Ngành GTVT không nhanh như giai đoạn trước nhưng đây là bản lề tốt để việc thực hiện nhiệm vụ của nhiệm kỳ sau sẽ chặt chẽ, thận trọng, an toàn và hiệu quả từ cốt lõi. Công tác quản lý vận tải được tăng cường, đảm bảo TTATGT tốt hơn.

“Với trách nhiệm của một cơ quan quản lý ngành, Ngành GTVT đã tái cấu trúc vận tải tương đối tốt trong thời gian qua”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Theo Phó Thủ tướng, công tác đảm bảo TTATGT được kiềm chế tốt, phối hợp với các lực lượng trách nhiệm, có nhiều sáng kiến và góp nhiều công sức vào công tác tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ trong nhiều sự cố thiên tai xảy ra trong năm qua. “Đâu có mặt trận nguy hiểm nhất, khó khăn nhất từ ngoài biển, trên đất liền hay miền núi, đồng bằng đều thấy sự góp sức của Ngành GTVT, sự có mặt chỉ đạo phối hợp kịp thời từ đồng chí Bộ trưởng, thứ trưởng và các đơn vị”, Phó Thủ tướng đánh giá.


Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể phát biểu tại Hội nghị

Bên cạnh đó, đại diện Chính phủ khẳng định Ngành GTVT phối hợp tốt với các địa phương kêu gọi người dân ủng hộ, bàn giao mặt bằng, tạo điều kiện cho hoàn thành kịp và vượt tiến độ nhiều dự án giao thông trọng điểm.

“Không chỉ hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn mà công tác xây dựng Chính phủ điện tử, tái cơ cấu doanh nghiệp và các nhiệm vụ khác Ngành GTVT cũng đạt kết quả khả quan”, Phó Thủ tướng nói.

Chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thủ tướng cũng chỉ ra một số tồn tại, do đó lưu ý Tập thể, lãnh đạo cũng như từng CBCCVC-NLĐ Ngành GTVT phải nỗ lực, cố gắng hơn nữa trong năm 2021 để hoàn thành nhiệm vụ được giao, tạo tiền đề cho nhiệm kỳ mới, đưa Ngành GTVT phát triển xứng tầm.

Cụ thể, Phó Thủ tướng yêu cầu tập trung cải tạo, nâng cấp hạ tầng hàng không, cảng biển, đường thuỷ nội địa, đường sắt quốc gia chuẩn bị cho các đoạn đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam…kết nối đồng bộ hạ tầng giao thông liên kết vùng.

Năm 2021 cũng là năm đầu thực hiện nhiệm kỳ 2021-2025 và năm đầu thực hiện kế hoạch 10 năm. “Nếu năm 2021 không chuẩn bị xong các dự án để triển khai thì đến năm 2025 cũng không thể xong được”, Phó Thủ tướng chỉ rõ.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT nhanh chóng triển khai chương trình hành động, Nghị quyết 01, trong đó tập trung hoàn thiện thể chế, liên quan đến phát triển GTVT toàn diện; khẩn trương rà soát hoàn thành quy hoạch  giao thông đảm bảo chất lượng; tập trung xây dựng kế hoạch thực hiện quy hoạch; phối hợp với Bộ KHĐT xây dựng hoàn thiện kế hoạch đầu tư xây dựng trung hạn cũng như tiến độ giải ngân các dự án đã có nguồn cụ thể; đẩy mạnh tái cơ cấu vận tải, nâng cao tính kết nối, phát triển dịch vụ logicstics; đảm bảo TTATGT, cứu hộ cứu nạn…

Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh, dịch Covid-19 vẫn có diễn biến đặc biệt quan trọng gây hậu quả nặng nề, Ngành GTVT phải đặc biệt quan tâm tới vấn đề này, có nhiều kịch bản ứng phó hiệu quả…

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu lãnh đạo các địa phương đồng hành, hỗ trợ cùng Ngành GTVT tiếp tục xử lý triệt để vướng mắc về mặt bằng cũng như các vấn đề liên quan để Ngành GTVT triển khai các dự án thuận lợi, kịp tiến độ…

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể trân trọng cảm ơn sự chỉ đạo sâu sát của Chính phủ nói chung, của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nói riêng đã quan tâm, sâu sát, ghi nhận những thành quả đạt được của Ngành GTVT cũng như các khó khăn của Ngành trong giai đoạn vừa qua.

Bộ trưởng chỉ đạo toàn Ngành thực hiện nghiêm các nhiệm vụ mà Phó Thủ tướng đã thay mặt Chính phủ giao cho Ngành GTVT để làm tiền đề cho Ngành GTVT hoàn thành nhiệm vụ được giao, phát triển bền vững trong năm 2021 và 5 năm 2021-2025.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cũng không quên cảm ơn các bộ, ngành, các địa phương và toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động Ngành GTVT đã đồng hành, nỗ lực, vượt qua khó khăn để Ngành đạt được nhiều kết quả tốt trong năm 2020 và nhiệm kỳ 2016-2020 vừa qua.

Tạo  đột phá trong phát triển kết cấu hạ tầng giao thông

Báo cáo tại Hội nghị về kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2020 và giai đoạn 2016-2020, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho biết, năm 2020 và giai đoạn 2016 - 2021, Bộ GTVT đã bám sát các Nghị quyết của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ để triển khai thực hiện tốt nhiều nhiệm vụ và giải pháp cơ bản hoàn thành các mục tiêu đề ra.


Thứ trưởng Lê Đình Thọ báo cáo tại Hội nghị

Trong đó, về công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, đề án,  đây luôn được coi là điều kiện bản lề, xuyên suốt trong quá trình thực hiện nhiệm vụ cũng như tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp hoạt động, kinh doanh trong lĩnh vực GTVT. Bộ GTVT đã tham mưu Chính phủ trình Quốc hội thông qua 02 dự án Luật, cho ý kiến 01 dự án Luật; đã trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành 44 Nghị định, 11 Quyết định, phê duyệt 15 đề án trong tổng số 22 đề án đã trình; Bộ trưởng Bộ GTVT đã ban hành 232 thông tư, phê duyệt 29 đề án. Bộ đang triển khai lập 05 quy hoạch ngành quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, dự kiến trình Thủ tướng Chính phủ theo đúng kế hoạch vào Quý II năm 2021. Năm 2020, Chính phủ đã ban hành 04 Nghị định, Thủ tướng Chính phủ ban hành 01 Quyết định.


Các đồng chí lãnh đạo các cơ quan Đảng, Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành
tham dự Hội nghị 

Về công tác cải cách hành chính, Bộ GTVT đã bám sát vào Nghị quyết của Đảng, các Nghị quyết, kế hoạch, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về công tác cải cách hành chính hàng năm và giai đoạn 2011-2020, Bộ GTVT đã tập trung hoàn thành các nhiệm vụ trọng tâm như cải cách thể chế; xây dựng, tinh gọn bộ máy hành chính, xây dựng và nâng cao chất lượng, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, chú trọng cải cách chính sách tiền lương nhằm tạo động lực thực sự để cán bộ, công chức, viên chức thực thi công vụ có chất lượng và hiệu quả cao; nâng cao chất lượng dịch vụ hành chính và chất lượng dịch vụ công. Bộ đã kiện toàn, tinh giảm 130 đầu mối trong tổng số 1.118 tổ chức; phê duyệt phương án cắt giảm 35 TTHC, đơn giản hóa 166 TTHC, cắt giảm 384 điều kiện trên tổng số 570 điều kiện kinh doanh (đạt tỷ lệ 67,36%). Đã có 254 thủ tục được cung cấp ở mức độ 3, 4; hoàn thành 5/5 chỉ tiêu được Thủ tướng Chính phủ giao về cung cấp dịch vụ công và tích hợp 114 TTHC trên Cổng dịch vụ công quốc gia.


Dự án TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây 

Về công tác đầu tư xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, Bộ GTVT đã triển khai đồng bộ các giải pháp, huy động tối đa mọi nguồn lực để tạo ra đột phá trong phát triển KCHTGT; đồng thời kiện toàn công tác quản lý đầu tư xây dựng. Nhiều công trình giao thông lớn, hiện đại đã và đang từng bước được đầu tư xây dựng, góp phần tạo diện mạo mới cho đất nước, tạo lập được sự kết nối giữa các vùng miền trong cả nước và với quốc tế. Năm 2020, đã kịp thời hoàn thành đưa vào khai thác 21 công trình, dự án; triển khai thi công 19 công trình dự án mới.


Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn nút khởi công Dự án thành phần Mai Sơn - QL45
 thuộc Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông

Về công tác quản lý, khai thác kết cấu hạ tầng giao thông, trong thời gian qua, Thứ trưởng Lê Đình Thọ cho biết, Bộ GTVT đã có những chuyển biến tích cực, hiệu quả quản lý nhà nước được tăng cường, chất lượng quản lý bảo trì, khai thác KCHTGT từng bước được nâng cao.


Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng và xây dựng công trình giao thông Nguyễn Duy Lâm
báo cáo về công tác quản lý chất lượng, tiến độ các công trình xây dựng hạ tầng giao thông năm 2020,
giai đoạn 2016-2020 và kế hoạch 2021

Chất lượng, tiến độ công tác sửa chữa được cải thiện rõ rệt; nguồn vốn bố trí cho công tác quản lý bảo trì hiện nay ổn định và được tăng đáng kể (trung bình hàng năm tăng khoảng 3-8%), đã góp phần giảm nhẹ thiên tai, nâng cao đời sống nhân dân, xoá đói, giảm nghèo, giảm các tiêu chí về tai nạn giao thông.


Dự án cao tốc La Sơn - Túy Loan

Về công tác quản lý vận tải và dịch vụ vận tải, vận tải đường bộ có sự cải thiện vượt bậc, chất lượng dịch vụ được nâng cao. Vận tải đường sắt từng bước được nâng cao theo hướng hiện đại, đảm nhận vận tải hàng hóa khối lượng lớn; vận tải biển đã đáp ứng kịp thời nhu cầu của nền kinh tế, chất lượng dịch vụ cảng biển được cải thiện rõ rệt; vận tải thủy nội địa đã tăng về thị phần sau khi đã tháo gỡ về các điểm nghẽn về hạ tầng, đưa vào khai thác các tuyến vận tải sông - biển; vận tải hàng không đã có những bước phát triển đột phá về cả quy mô và chất lượng dịch vụ, phát triển liên tục với tốc độ tăng trưởng đạt 15%/năm về hành khách và 12%/năm về hàng hóa (đến năm 2020 có 75 hãng hàng không nước ngoài và 05 hãng hàng không Việt Nam), đáp ứng kịp thời sự bùng nổ của nhu cầu vận tải hàng không trong giai đoạn vừa qua, tạo nên sự phát triển mạnh mẽ về chất lượng dịch vụ,... Riêng năm 2020, do ảnh hưởng của dịch Covid -19, sản lượng vận tải giảm sâu so với cùng kỳ các năm trước, nhất là lĩnh vực hàng không, đường sắt. Sản lượng vận tải giai đoạn 2016 – 2020 ước đạt 7.559,621 triệu tấn hàng; đạt 20.617,8 triệu lượt hành khách; khối lượng luân chuyển hàng hóa ước đạt 1.431,356 triệu Tấn.km; luân chuyển hành khách ước đạt 988,981 triệu HK.km. Năm 2020, do ảnh hưởng của dịch Covid -19, sản lượng vận tải giảm sâu so với cùng kỳ các năm trước, nhất là lĩnh vực hàng không. Tính đến hết tháng 11 tháng năm 2020, sản lượng vận tải giảm 29,7%; khối lượng luân chuyển hàng hóa giảm 7,9% và giảm 35,1% về luân chuyển hành khách so với cùng kỳ năm 2019.

Trật tự ATGT được đảm bảo, phối hợp chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn rất tốt

Tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cũng cho biết, trong năm 2020 và giai đoạn 5 năm 2016-2020, Bộ GTVT đã tham mưu Chính phủ ban hành một số văn bản có tác động tích cực đến xã hội và được dư luận đồng tình ủng hộ như Nghị định số 100/2019/NĐ-CP; Nghị định số 10/2020/NĐ-CP của Chính phủ, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, hiệu quả trong quản lý kinh doanh vận tải, giảm tai nạn giao thông.

Từ năm 2016 trở lại đây, tai nạn giao thông giảm liên tiếp trong 5 năm liền trên cả 3 tiêu chí. So với giai đoạn 2011-2015, số vụ tại nạn giao thông giảm 42,7%, số người chết giảm 19%, số người giảm 53,91%. 11 tháng năm 2020, số vụ TNGT giảm giảm 18,26%, số người chết giảm giảm 13,3%, số người bị thương giảm 20,52% so với 11 tháng năm 2019.

Trong giai đoạn vừa qua, công tác giảm ùn tắc giao thông trên các trục giao thông chính, các đô thị lớn và trên địa bàn thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục được đẩy mạnh với nhiều giải pháp đồng bộ. Đến nay, hầu như không xảy ra các vụ ùn tắc giao thông kéo dài trên 30 phút tại hai thành phố lớn.

Công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm, cứu nạn luôn được Bộ chủ động từ công tác xây dựng kế hoạch, bảo đảm đầy đủ các nguồn lực, triển khai kịp thời công tác ứng phó, đã hạn chế tối đa thiệt hại về người và tài sản; đồng thời bảo đảm giao thông thông suốt trong tất cả các lĩnh vực GTVT.

Song song với nhiệm vụ chuyên môn, công tác tái cơ cấu, sắp xếp đổi mới, cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước cũng được đẩy mạnh, hoàn thành sớm. Bộ đã hoàn thành phê duyệt phương án tái cơ cấu 04 doanh nghiệp; trình và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án tái cơ cấu 02 doanh nghiệp. Trong giai đoạn 2016-2020, Bộ GTVT đã thực hiện chuyển giao 05 Tổng công ty về Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và hiện nay, Bộ đang tích cực phối hợp với Ủy ban thực hiện công tác tái cơ cấu các Tổng công ty theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Khó khăn và thách thức

Tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2020, giai đoạn 2016-2020 và triển khai kế hoạch năm 2021, nhiệm vụ chủ yếu giai đoạn 2021-2025, lãnh đạo Bộ GTVT cũng thẳng thắn chỉ ra nhiều khó khăn để toàn Ngành tập trung giải quyết một cách căn cơ, hiệu quả. Trong đó phải kể đến hệ thống chính sách, pháp luật về đầu tư, xây dựng, đất đai, quản lý vận tải chưa đồng bộ, đầy đủ, chưa kịp thời ở một số lĩnh vực nên chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu của thực tiễn. Hệ thống hạ tầng GTVT vẫn còn thiếu đồng bộ, tính kết nối. Chất lượng dịch vụ vận tải đường sắt, đường thủy nội địa còn thấp. Thị phần vận tải chưa hợp lý, số lượng doanh nghiệp vận tải, dịch vụ logistics có đủ năng lực dẫn dắt thị trường và cạnh tranh quốc tế còn ít. Đầu tư cho khoa học công nghệ trong nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao vẫn còn hạn chế. Các quy định về bảo vệ môi trường còn nhiều vướng mắc trong triển khai thực hiện. Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát còn chồng chéo, chưa có cơ chế giám sát đồng bộ ngay từ những khâu đầu để tăng cường tính phòng ngừa, cảnh báo, ngăn chặn kịp thời.

Thứ trưởng Lê Đình Thọ cũng cho rằng, công tác đồng bộ giữa việc triển khai quy hoạch của các ngành, lĩnh vực, giữa quy hoạch chuyên ngành với quy hoạch ngành chưa cao. Cân đối vốn thực hiện quy hoạch gặp nhiều khó khăn, không đáp ứng nhu cầu. Việc huy động nguồn lực ngoài ngân sách đầu tư phát triển KCHTGT còn khó khăn.

“Tại một số công trình, dự án trọng điểm đang triển khai vẫn còn khó khăn như vốn đầu tư không đáp ứng yêu cầu, cơ chế giải ngân phức tạp, công tác lựa chọn nhà đầu tư, nhà thầu còn nhiều vướng mắc, các quy định của pháp luật liên quan đến đầu tư xây dựng nói chung còn nhiều bất cập, chưa có nhiều cơ chế đặc thù áp dụng đối với các dự án trọng điểm hoặc dự án cấp bách. Công tác GPMB vẫn luôn khó khăn, phức tạp, làm kéo dài tiến độ thi công các công trình, phát sinh chi phí đầu tư, chậm đưa vào khai thác sử dụng, làm giảm hiệu quả đầu tư”, Thứ trưởng Lê Đình Thọ nhấn mạnh.

Lãnh đạo Bộ GTVT cũng khẳng định, vốn dành cho công tác duy tu, sửa chữa định kỳ còn thiếu so với nhu cầu; công tác bảo trì lĩnh vực hàng hải, đường thủy nội địa còn khó khăn do quy định về đổ thải, có năm không giải ngân hết được số vốn đã bố trí. Một số mục tiêu đặt ra trong nghị quyết, chiến lược, quy hoạch phát triển ngành GTVT đến năm 2020 chưa đạt, một số chỉ tiêu thực hiện còn chậm so với mục tiêu tại Nghị quyết 13-NQ/TƯ và quy hoạch đường bộ cao tốc.

Năm 2020, sản lượng, tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp vận tải giảm sút trầm trọng do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nhất là đối với lĩnh vực đường sắt và hàng không.

Giai đoạn 2016 - 2020, số người chết vì TNGT đã giảm hơn 9.372 người so với giai đoạn 2011 - 2015 (giảm 19%), nhưng còn xảy ra nhiều vụ TNGT nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng. Vi phạm trật tự ATGT vẫn còn diễn ra khá phổ biến, vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gia tăng TNGT trong khi phương tiện tham gia giao thông tiếp tục tăng, cơ sở hạ tầng giao thông tuy được cải thiện nhưng chưa đáp ứng yêu cầu. Tình hình ùn tắc giao thông ở thủ đô Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh chưa giải quyết được triệt để đang là vấn đề bức xúc của xã hội.

Nguồn lực đầu tư xây dựng Kiến trúc Chính phủ điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin còn hạn chế. Chưa hoàn thành xây dựng được hệ thống cơ sở dữ liệu chuyên ngành phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành.

Tập trung thúc đẩy tiến độ xây dựng các dự án giao thông quan trọng

Để giải quyết những vấn đề còn tồn tại trước mắt và lâu dài, Lãnh đạo Bộ GTVT đề ra nhiều giải pháp và mục tiêu cho năm 2021 và nhiệm kỳ 5 năm tiếp theo.

Trong đó tập trung hoàn thiện dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) để báo cáo Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến, xem xét thông qua; đẩy nhanh tiến độ xây dựng Chiến lược GTVT toàn ngành, các quy hoạch ngành GTVT (thực hiện theo Luật Quy hoạch), bảo đảm chất lượng, thời hạn trình các văn bản QPPL, đề án theo đúng Chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và của Bộ GTVT; Tập trung thúc đẩy tiến độ xây dựng các dự án giao thông quan trọng.. Đồng thời tăng cường kiểm tra, thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý chất lượng, tiến độ thực hiện các dự án đối với các chủ thể có liên quan; Tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách về xã hội hóa công tác bảo trì KCHTGT. Tiếp tục xử lý các tồn tại, bất cập tại các trạm thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ. Triển khai nhanh, đồng bộ và hiệu quả hệ thống thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử tự động không dừng. Tập trung ưu tiên sửa chữa bảo trì trên các tuyến đường trọng yếu như QL.1, đường Hồ Chí Minh và các quốc lộ khác có lưu lượng xe tăng trưởng cao.


Vụ trưởng Vụ Kế hoạch đầu tư Nguyễn Danh Huy có báo cáo chuyên đề về công tác giải ngân
kế hoạch năm 2020, giai đoạn 2016-2020 và triển khai kế hoạch đầu tư công năm 2021

Về công tác quản lý vận tải và dịch vụ hỗ trợ vận tải, tiếp tục triển khai nghiêm túc công tác phòng, chống dịch Covid-19; tiếp tục tái cơ cấu thị phần vận tải. Đẩy mạnh triển khai thực hiện Nghị quyết của Chính phủ về việc tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

 Công tác bảo đảm TTATGT, giảm ùn tắc giao thông, PCTT&TKCN, tiếp tục thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp, nhất là siết chặt quản lý phương tiện và người điều khiển phương tiện nhằm kiềm chế, giảm tai nạn giao thông từ 5 - 10% so với năm 2020 ở cả 3 tiêu chí; khắc phục ùn tắc giao thông trên các trục giao thông chính, các đầu mối giao thông trọng điểm và các đô thị trực thuộc trung ương. Chủ động xây dựng kế hoạch và kịp thời triển khai ứng phó với bão, lũ và nhanh chóng bảo đảm giao thông, khắc phục hậu quả do bão, lũ gây ra.

Bên cạnh đó, toàn Ngành cũng sẽ bám sát chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương có liên quan để thực hiện có hiệu quả công tác sắp xếp, đổi mới, cổ phần hóa và nâng cao hiệu quả hoạt động các doanh nghiệp nhà nước; tiếp tục củng cố, tăng cường kết nối GTVT với các nước láng giềng, có quan hệ truyền thống; tăng cường hợp tác song phương trong lĩnh vực phát triển kết cấu hạ tầng GTVT với các đối tác quan trọng, với các tổ chức tài chính quốc tế; Đẩy mạnh tự động hóa trong quy trình đăng kiểm phương tiện giao thông, triển khai áp dụng tiêu chuẩn khí thải mức 5 đối với xe ô tô sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu mới; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, các công nghệ mới, vật liệu mới trong công tác xây dựng, bảo trì, khai thác, vận hành các công trình giao thông. Triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình, Kế hoạch hành động của Bộ về ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh, bảo vệ môi trường giai đoạn 2021 – 2025; Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra; phòng, chống tham nhũng và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trên tất cả các lĩnh vực công tác…

Tại Hội nghị, các đại biểu cũng được nghe nhiều báo cáo chuyên đề về kết quả các lĩnh vực công tác của Bộ Giao thông vận tải do lãnh đạo các cơ quan, đơn vị của Bộ GTVT cũng như đại diện các Sở GTVT trình bày tại Hội nghị và qua truyền hình trực tuyến tại địa phương. Đồng thời đại diện các đơn vị cũng nêu ra các kiến nghị, khó khăn vướng mắc tại đơn vị quản lý để Hội nghị chỉ đạo, đưa giải pháp.


Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Văn Viện có tham luận tại Hội nghị

Nhiều tham luận chuyên đề có nội dung "nóng" được trình bày tại Hội nghị như Công tác ATGT năm 2020, giai đoạn 2016-2020 và triển khai kế hoạch năm 2021, giai đoạn 2021-2025; Công tác giải ngân; Công tác quyết toán dự án; Công tác quản lý chất lượng, tiến độ các công trình xây dựng hạ tầng giao thông năm 2020, kế hoạch năm 2021, giai đoạn 2021-2025.

Hội nghị cũng được nghe báo cáo Kết quả thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ và đánh giá tổng thể tình hình vận tải các lĩnh vực; Kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; Công tác phòng chống tham nhũng; Công tác bảo đảm đời sống việc làm thu nhập và thực hiện các chế độ chính sách đối với người lao động Ngành GTVT năm 2020.

 

hanhntc

Nguồn: Cổng Thông tin điện tử Bộ GTVT

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)