Chiều 13/1, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông đã chủ trì cuộc họp triển khai xây dựng Chính phủ điện tử Bộ Giao thông vận tải năm 2021.
Cùng dự có lãnh đạo các Tổng cục, Cục, Trung tâm Công nghệ thông tin, đại diện Vụ Tài chính, Vụ KHCN, Vụ Kết cấu HTGT, Vụ KHĐT, Vụ Vận tải.
Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông chủ trì cuộc họp
Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông nhấn mạnh "Xây dựng Chính phủ điện tử là lĩnh vực được Chính phủ ưu tiên trong công tác chỉ đạo điều hành và đã được Chính phủ chỉ đạo xuyên suốt trong nhiều năm qua".
Theo Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông, trên cơ sở các chỉ đạo của Chính phủ, Bộ GTVT thời gian qua đã yêu cầu các Tổng cục, Cục đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ được giao và đã đạt được những kết quả nhất định. Tuy nhiên, Thứ trưởng cũng đánh giá kết quả đạt được của các Cục vẫn còn có sự khác biệt do sự nhận thức, sự quan tâm của các đơn vị còn chưa đồng đều.
Thứ trưởng yêu cầu, thời gian tới các Tổng cục, Cục cần xác định rõ vai trò nội dung trong xây dựng và cập nhật các hệ thống cơ sở dữ liệu giữa cơ quan quản lý nhà nước với các các doanh nghiệp, các Sở GTVT địa phương để đảm bảo các cơ sở dữ liệu có dữ liệu "sống" phục vụ công tác quản lý nhà nước của Tổng cục, Cục. Theo đó, Tổng cục, Cục tập trung vào xây dựng các hệ thống phục vụ công tác quản lý nhà nước của chính cơ quan mình, không làm thay, làm hộ các tổ chức cơ quan khác. Xác định rõ nội dung, thứ tự ưu tiên cần thực hiện cũng như định kỳ kiểm điểm tiến độ thực hiện.
Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông giao Vụ Kế hoạch đầu tư có văn bản hướng dẫn các đơn vị trình tự xây dựng kế hoạch vốn trung hạn phục vụ xây dựng Chính phủ điện tử.
Theo báo cáo của Trung tâm CNTT, năm 2020, các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ đã chủ động thực hiện các nhiệm vụ ưu tiên về xây dựng Chính phủ điện tử theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Bộ GTVT, đạt một số kết quả tích cực.
Cụ thể Bộ đã ban hành kịp thời các Kế hoạch, Chương trình triển khai xây dựng Chính phủ điện tử Bộ GTVT năm 2020 và định hướng triển khai trong giai đoạn 2021-2025.
Hoàn thành liên thông kết nối phần mềm quản lý văn bản để gửi, nhận văn bản điện tử, đẩy mạnh xử lý hồ sơ, công việc trên môi trường mạng; vận hành Hệ thống thông tin báo cáo Bộ GTVT; ứng dụng họp trực tuyến, bước đầu thay đổi phương thức, lề lối làm việc tại Bộ và các đơn vị thuộc Bộ.
Năm 2020, các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ đã thực hiện gửi hơn 21.000 văn bản và nhận gần 117.000 văn bản điện tử qua Trục văn bản Bộ GTVT, tỷ lệ gửi/nhận văn bản điện tử trong cơ quan nhà nước của các đơn vị thuộc Bộ đạt tỷ lệ gần 98% (năm 2019 là 23%).
Năm 2020 Bộ cũng đã hoàn thành các chỉ tiêu về cung cấp dịch vụ công trực tuyến, các nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao về kết nối Cổng dịch vụ công quốc gia. Tỷ lệ hồ sơ thực hiện trực tuyến/tổng số hồ sơ tăng mạnh (66,5%). Năm 2020 đã tiếp nhận và xử lý hơn 454.800 hồ sơ nộp trực tuyến (giảm 153.600 hồ sơ so với năm 2019, tương đương 25,2%). Tuy nhiên tỷ lệ hồ sơ trực tuyến/tổng số hồ sơ tăng từ 32,5% lên 66,5%), với hơn 128.200 tài khoản sử dụng, trong đó tài khoản doanh nghiệp là hơn 101.000 tài khoản.
Tính theo tỷ lệ trung bình, Bộ đã hoàn thành 4/4 chỉ tiêu được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao về cung cấp dịch vụ công trực tuyến, gồm: (1) Tối thiểu 50% dịch vụ công trực tuyến sử dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về Đăng ký doanh nghiệp; (2) Cung cấp tối thiểu 30% số Dịch vụ công trực tuyến thuộc thẩm quyền giải quyết ở mức độ 4; (3) Tỷ lệ hồ sơ giải quyết trực tuyến trên tổng số hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính của từng đơn vị đạt từ 20% trở lên. (4) Tối thiểu 20% dịch vụ công trực tuyến có ký số trên thiết bị di động.
Về xây dựng các CSDL và hệ thống nền tảng phục vụ xây dựng xây dựng Chính phủ điện tử, bước đầu các đơn vị thuộc Bộ đã xây dựng được các cơ sở dữ liệu chuyên ngành phục vụ công tác theo dõi hiện trạng và thống kê số liệu.
Công tác an toàn thông tin mạng được quan tâm. Hiện Hệ thống giám sát an toàn thông tin mạng và phòng chống mã độc Bộ GTVT đã được kết nối với Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia. Bộ GTVT cũng là một trong những Bộ đầu tiên Hoàn thành bảo đảm an toàn thông tin cho các hệ thống thông tin của Bộ với mô hình “4 lớp” theo yêu cầu của Chính phủ.
DT