Bộ GTVT luôn ủng hộ Quảng Bình trong đầu tư hạ tầng giao thông để phát triển KT-XH

Thứ tư, 10/03/2021 13:43
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Sáng 10/3, tại Bộ GTVT, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đã làm việc với Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Quảng Bình Vũ Đại Thắng, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Thắng và các cơ quan liên quan của Quảng Bình về các dự án hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể khẳng định Bộ GTVT luôn ủng hộ về mặt chủ trương
các đề xuất của Tỉnh trong phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn

Tại buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Vũ Đại Thắng nhấn mạnh sự hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi của Bộ GTVT thời gian qua đối với sự phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ trên địa bàn tỉnh, tạo điều kiện để tỉnh phát triển KT-XH địa phương.

Bí thư Vũ Đại Thắng cho biết Quảng Bình mong muốn nhận được sự quan tâm,
giúp đỡ của Bộ GTVT nhằm tháo gỡ khó khăn trong đầu tư xây kết cấu hạ tầng GTVT

“Đối với nhiệm vụ phát triển giai đoạn 2020-2025, tỉnh Quảng Bình đã xác định tập trung phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông bảo đảm đồng bộ theo hướng hiện đại để đẩy nhanh phát triển kinh tế - xã hội, du lịch”, Bí thư Vũ Đại Thắng cho biết và nói thêm, để từng bước hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông theo mục tiêu đã đề ra, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đẩy nhanh phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh Quảng Bình mong muốn nhận được sự quan tâm, giúp đỡ của Bộ GTVT và các bộ, ngành Trung ương nhằm tháo gỡ khó khăn trong đầu tư xây kết cấu hạ tầng GTVT.

Chủ tịch UBND tỉnh Trần Thắng phát biểu tại buổi làm việc

Chủ tịch UBND tỉnh Trần Thắng cho biết, về các công trình, dự án đường bộ như dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam đã và đang triển khai đầu tư xây dựng từ Ninh Bình đến Hà Tĩnh. Việc đầu tư xây dựng đoạn Vũng Áng - Bùng - Vạn Ninh sẽ sớm kết nối các đoạn tuyến cao tốc đã được đầu tư xây dựng nhằm đảm bảo thông suốt từ Bắc vào Nam. Vì thế, tỉnh đề nghị Bộ GTVT báo cáo Quốc hội, Chính phủ cho phép triển khai ngay các thủ tục chuẩn bị đầu tư đối với các dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 và bố trí kinh phí để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng ngay từ bây giờ để kịp khởi công các dự án theo đúng kế hoạch.

Đối với tuyến đường tỉnh quan trọng huyết mạch của tỉnh được hình thành trên cơ sở các tuyến ĐT.560 (dài 10km), đường huyện (mới được đầu tư dài 8,3km) và ĐT.562 (dài 66,2km), là đường ngang theo trục Đông - Tây, nối cụm cảng biển (cảng Gianh, cảng Thắng Lợi) với Cửa khẩu Cà Roòng trên biên giới Việt - Lào. Trong những năm qua, tuyến đường ngang này đã phát huy hiệu quả khai thác của tuyến đường HCM, giảm tải cho QL.1, phục vụ nhu cầu phát triển KTXH giữa hai vùng Đông và Tây, thúc đẩy hợp tác, phát triển kinh tế đối ngoại với nước CHDCND Lào.

Vì vậy, để nâng cao năng lực quản lý và hiệu quả khai thác tuyến đường, UBND tỉnh Quảng Bình đề nghị Bộ GTVT chuyển các tuyến ĐT.560, đường huyện và ĐT.562 thành QL.9G. Ngoài ra, Quảng Bình cũng đề nghị Bộ GTVT thực hiện các thủ tục để tiếp tục thực hiện dự án Quốc lộ 1A đoạn tránh Nhà máy xi măng sông Gianh, tỉnh Quảng Bình; Triển khai thực hiện đầu tư Dự án xây dựng, nâng cấp Quốc lộ 9B…

Bộ trưởng đề nghị Quảng Bình phối hợp chặt chẽ với Bộ GTVT, báo cáo Chính phủ,
tiến hành các thủ tục để được bố trí vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025

Sau khi nghe ý kiến của lãnh đạo tỉnh Quảng Bình và các cơ quan liên quan, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể khẳng định: “Bộ GTVT luôn ủng hộ về mặt chủ trương các đề xuất của Tỉnh trong phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn, góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, đối với mỗi đề xuất, tùy theo tính chất mà có thời điểm và những cách làm cụ thể trên cơ sở tuân thủ chặt chẽ các quy định, trình tự thủ tục pháp luật”.

“Cụ thể, liên quan đến đường cao tốc Bắc - Nam, hiện nay theo chỉ đạo của Chính phủ, còn 10 dự án từ Hà Nội - TP. HCM lập thành một dự án mới, kết hợp với dự án từ Cần Thơ đi Cà Mau để trình Quốc hội khóa XV. Đây là dự án trọng điểm quốc gia nên phải trình Quốc hội cả dự án, không thể trình lẻ từng dự án thành phần, trong đó có dự án trên địa bàn Quảng Bình. Do đó phải chờ Nghị quyết của Quốc hội về toàn bộ dự án này về chủ trương đầu tư. Tuy nhiên, đề nghị tỉnh khẩn trương chuẩn bị công tác giải phóng mặt bằng”, Bộ trưởng cho biết.

Đối với kiến nghị nâng cấp quản lý các tuyến đường tỉnh thành đường QL.9G, hiện Bộ GTVT đã đưa vào quy hoạch điều chỉnh giao thông đường bộ để trình Chính phủ thẩm định, phê duyệt. Trong khi chờ Chính phủ phê duyệt, Bộ trưởng đề nghị tỉnh Quảng Bình hoàn chỉnh hồ sơ về việc chuyển tài sản từ địa phương lên trung ương, để khi có Nghị định của Chính phủ, Bộ Tài chính có cơ sở xem xét, bố trí nguồn vốn cho công tác duy tu, bảo trì.

Liên quan đến các kiến nghị khác về lĩnh vực đường bộ, Bộ trưởng đề nghị Quảng Bình phối hợp chặt chẽ với Bộ GTVT, báo cáo Chính phủ, tiến hành các thủ tục để được bố trí vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.

Cũng tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Trần Thắng đề nghị Bộ GTVT chỉ đạo Tổng công ty Cảng hàng không VN (ACV) đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án đầu tư mở rộng, nâng cấp Cảng hàng không Đồng Hới, nhằm nâng cao khả năng khai thác và chất lượng dịch vụ vận tải hành khách của cảng.

“Cảng Hàng không Đồng Hới được thành lập với công suất nhà ga hành khách hiện tại 0,5 triệu hành khách/năm, giờ cao điểm đáp ứng 300 hành khách/giờ, phục vụ tàu bay A320/321 trở xuống, đáp ứng 2 chuyến bay tại cùng một thời điểm.

Theo Quy hoạch phát triển GTVT hàng không giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, công suất thiết kế hành khách dự kiến của Cảng hàng không Đồng Hới đến năm 2020 là 2,0 triệu hành khách/năm và đến năm 2030 là 3 triệu hành khách/năm. Hiện nay, ACV đang triển khai công tác chuẩn bị đầu tư mở rộng sân đỗ tàu bay từ 4 vị trí lên 8 vị trí và xây dựng nhà ga hành khách mới công suất 3 triệu hành khách/năm”, ông Thắng cho biết.

Ngoài đẩy nhanh tiến độ dự án, tỉnh Quảng Bình cũng đề nghị Bộ GTVT quan tâm, báo cáo Thủ tướng Chính phủ nâng cấp Cảng hàng không Đồng Hới thành cảng hàng không quốc tế từ năm 2021.

Về đề nghị này của tỉnh Quảng Bình, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho rằng, cần xem xét, rà soát lại quy hoạch Cảng hàng không Đồng Hới hiện nay, về bố trí quỹ đất dự phòng cũng như vị trí, thiết kế, công suất các công trình như nhà ga, sân đỗ, đài kiểm soát không lưu, khu vực để xe… để không chỉ đáp ứng nhu cầu phát triển giai đoạn đến 2030, mà cần định hướng xa hơn.

“Cần nghiên cứu, thiết kế theo hình thức các module, các block để khi cần đầu tư có thể xây dựng tiếp, tránh phải dỡ bỏ công trình cũ để xây mới”, Bộ trưởng Thể gợi ý và yêu cầu ACV trước mắt tập trung triển khai thi công sớm sân đỗ, xem xét lại vị trí thi công đài kiểm soát không lưu. Đồng thời, khẩn trương rà soát lại thiết kế nhà ga để có thể khởi công sớm, đáp ứng nhu cầu đi lại tăng cao của người dân sau khi dịch Covid-19 được kềm chế.

H.N

 

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)