Nhiều ĐBQH đề nghị cần ưu tiên mọi nguồn lực để sớm hoàn thành các dự án trọng điểm quốc gia, trong đó có cao tốc Bắc-Nam, sân bay Long Thành...
Chiều 27/7, Quốc hội thảo luận tại hội trường về nhiều nội dung quan trọng cho 5 năm tới, trong đó có Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.
Khẳng định hạ tầng giao thông có vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế, nhiều ĐBQH đề nghị cần ưu tiên mọi nguồn lực để sớm hoàn thành các dự án trọng điểm quốc gia, trong đó có cao tốc Bắc - Nam, sân bay Long Thành...
ĐB Dương Khắc Mai (Đắk Nông) đề nghị đẩy mạnh phát triển hạ tầng giao thông
để tạo được đột phá trong phát triển kinh tế
Bố trí đủ vốn cho các công trình trọng điểm
Theo ĐB Dương Khắc Mai (Đắk Nông), thời gian qua, liên kết, phát triển vùng còn lỏng lẻo một phần do hạ tầng giao thông chưa thuận lợi.
ĐB đề nghị kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn tới cần đẩy mạnh xây dựng phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ hiện đại để đến năm 2025 cơ bản hoàn thành tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, kết nối khu vực ĐBSCL, Đông Nam bộ, Tây Nguyên, Nam Trung bộ, tạo đột phát trong tăng trưởng kinh tế.
ĐB Đỗ Ngọc Thịnh (Khánh Hòa) cũng cho rằng, giao thông bao giờ cũng đi trước để mở đường và tạo động lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh - quốc phòng. Chính vì thế, đầu tư cho hạ tầng giao thông luôn phải là ưu tiên hàng đầu.
ĐB Nguyễn Quốc Hận (Cà Mau) đề nghị ưu tiên dành mọi nguồn lực để hoàn thành cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn từ Lạng Sơn đến Mũi Cà Mau trong giai đoạn 2021 - 2025.
Cùng đó, đưa dự án đường ven biển vào dự án quan trọng quốc gia, cần được ưu tiên trong phân bổ ngân sách trung ương, triển khai ngay trong giai đoạn này.
Trình bày Tờ trình Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021- 2025 trước đó, Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, tổng mức vốn ngân sách Nhà nước thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 là 2.870 nghìn tỷ đồng, bao gồm: 1.500 nghìn tỷ đồng vốn ngân sách trung ương (1.200 nghìn tỷ đồng vốn trong nước, 300 nghìn tỷ đồng vốn nước ngoài) và 1.370 nghìn tỷ đồng vốn ngân sách địa phương.
Tổng số dự án thực hiện trong giai đoạn 2021-2025 dưới 5.000 dự án, giảm hơn một nửa so với giai đoạn 2016-2020.
Trong đó, bố trí đủ vốn đầu tư cho các chương trình, dự án trọng điểm quốc gia; hoàn thành GPMB của dự án CHK quốc tế Long Thành và đáp ứng yêu cầu tiến độ để cơ bản hoàn thành tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, đường vành đai 3, 4 của khu vực động lực Hà Nội, TP HCM, kết nối vùng ĐBSCL, tuyến nối Tây Nguyên với Nam Trung bộ, khu vực miền núi phía Bắc, tuyến đường ven biển, hành lang kinh tế Đông - Tây...
Đầu tư xây dựng mới hàng chục tuyến cao tốc
Thi công dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam đoạn Cam Lộ - La Sơn
Vừa qua, Bộ GTVT đã gửi Bộ KH&ĐT kế hoạch dự kiến phân bổ nguồn vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 theo mức vốn được Thủ tướng Chính phủ thông báo tại Văn bản 419 ngày 2/4/2021 để trình cấp thẩm quyền xem xét, thông qua.
Đáng chú ý, số vốn ngân sách dự kiến dành cho Bộ GTVT trong kỳ trung hạn 2021 - 2025 được thông báo khoảng hơn 252.694 tỷ đồng gồm: Nguồn vốn trong nước 221.427,8 tỷ đồng vốn trong nước và 31.266,8 tỷ đồng nguồn vốn nước ngoài, chỉ cao hơn so kỳ trung hạn của 5 năm giai đoạn 2016 - 2020 (235.000 tỷ đồng) khoảng 10,7%.
Ông Lưu Quang Thìn, Phó vụ trưởng Vụ KH&ĐT (Bộ GTVT) cho biết, so với thực tế cần khoảng 462.031 tỷ đồng, nguồn vốn ngân sách nói trên chỉ đáp ứng khoảng 54,6% nhu cầu.
Theo ông Thìn, với nguồn vốn trong nước (hơn 221.427 tỷ đồng), Bộ GTVT dự kiến phân bổ kế hoạch cho các nhiệm vụ chi phải bố trí đủ theo quy định khoảng 123.898 tỷ đồng, trọng tâm là hoàn thành 11 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1 (60.669 tỷ đồng);
Hoàn thành các dự án, nhiệm vụ chuyển tiếp từ giai đoạn 2016 - 2020 (37.878 tỷ đồng); Thu hồi vốn ứng trước kế hoạch (7.194 tỷ đồng); Thanh toán theo hợp đồng BT trong giai đoạn 2021 - 2025 (12.794 tỷ đồng)…
Phần vốn còn lại khoảng 97.599 tỷ đồng, dự kiến phân bổ cho các dự án khởi công mới trong giai đoạn 2021 - 2025. Cụ thể, giai đoạn này, Bộ GTVT dự kiến khởi công xây dựng mới 10 dự án thành phần để nối thông tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông.
10 dự án cao tốc này được dự kiến đầu tư bằng hình thức PPP, tổng vốn đầu tư khoảng 118.521 tỷ đồn gồm: 58.680 tỷ đồng vốn ngân sách Nhà nước hỗ trợ và 59.841 tỷ đồng vốn nhà đầu tư huy động.
Trong đó, Bộ GTVT dự kiến phân bổ vốn kế hoạch trung hạn 2021 - 2025 để làm vốn “mồi” cho các dự án này khoảng 37.159 tỷ đồng.
Ngoài ra, giai đoạn 2021 - 2025, Bộ GTVT dự kiến bố trí vốn 46.102 tỷ đồng để đầu tư hàng loạt dự án mang tính động lực, kết nối liên vùng.
Trong đó, 28.299 tỷ đồng được dự kiến bố trí cho 15 dự án đường bộ cao tốc gồm: Vốn hỗ trợ của Nhà nước cho 10 dự án đầu tư theo hình thức PPP (Biên Hòa - Phú Mỹ - Vũng Tàu, Dầu Giây - Tân Phú, Buôn Ma Thuột - Vân Phong, Cần Thơ - Cà Mau, Châu Đốc - Cần Thơ, Cần Thơ - Sóc Trăng - Trần Đề, An Hữu - Cao Lãnh, Cao Lãnh - Lộ Tẻ, Lộ Tẻ - Rạch Sỏi và Chơn Thành - Đức Hòa).
Cùng đó, 3.692 tỷ đồng dự kiến phân bổ cho 2 dự án cao tốc khởi công mới theo hình thức đầu tư công (Chợ Mới - Bắc Kạn và Hòa Liên - Túy Loan); lên kế hoạch bố trí 985 tỷ đồng vốn đối ứng để đầu tư xây dựng mới 3 dự án cao tốc sử dụng vốn vay ODA (tuyến nối TP Hà Giang - cao tốc Nội Bài - Lào Cai, mở rộng cao tốc TP HCM- Long Thành - Dầu Giây và tuyến cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh).
Hạ tầng giao thông lộ diện trong hình hài mới
Theo ông Thìn, ngoài các dự án cao tốc quy mô lớn, giai đoạn 2021-2025, Bộ GTVT dự kiến bố trí 5.514 tỷ đồng để đầu tư xây dựng hai cây cầu có quy mô rất lớn là Rạch Miễu 2 và cầu Đại Ngãi; Vốn đối ứng cho dự án ODA mở rộng các cầu, hầm trên QL1; QL14E qua Quảng Nam, QL28B…
Đồng thời, dự kiến bố trí 584 tỷ đồng để chuẩn bị đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam và các dự án đường sắt kết nối cảng biển, cảng hàng không, đường sắt mới.
Đối với dự án hàng hải, 5 năm tới, dự kiến phân bổ 3.500 tỷ đồng đầu tư xây dựng luồng Cái Mép - Thị Vải, luồng Nam Nghi Sơn, luồng Thọ Quang, luồng Quy Nhơn và đường kết nối sau bến cảng Lạch Huyện.
Trong lĩnh vực đường thủy nội địa dự kiến có 3 dự án được phân bổ 4.451 tỷ đồng để thực hiện đầu tư gồm: Dự án nâng tĩnh không cầu Đuống, dự án nâng tĩnh không các cầu trên các hành lang vận tải thủy quốc gia và dự án logistics khu vực phía Nam.
Còn lại dự án hàng không dự kiến khởi công mới trong giai đoạn này là công trình cải tạo khu bay CHK Côn Đảo, theo kế hoạch được phân bổ khoảng 1.000 tỷ đồng.
Kỳ trung hạn 2021 - 2025, Bộ GTVT cũng dự kiến bố trí vốn ngân sách khoảng 13.966 tỷ đồng để đầu tư các dự án cấp bách nhằm tháo gỡ điểm nghẽn, nút thắt, đảm bảo ATGT, đảm bảo chủ quyền biển đảo gồm: 8.734 tỷ đồng cho dự án đường bộ, 3.678 tỷ đồng dự án đường sắt và 1.553 tỷ đồng dự án hàng hải.
Đối với phần vốn nước ngoài (31.266,8 tỷ đồng), dự kiến phân bổ để thực hiện đầu tư 19 dự án ODA chuyên ngành giao thông chuyển tiếp từ giai đoạn 2016 - 2020, dự án cầu Đại Ngãi, dự án cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh, tuyến nối TP Hà Giang - cao tốc Nội Bài - Lào Cai…
Với phương án phân bổ vốn và kế hoạch đầu tư nêu trên, dự kiến đến năm 2025, cả nước sẽ có khoảng 3.195km đường cao tốc hoàn thành đưa vào khai thác và khoảng 936km cao tốc được khởi công xây dựng mới.
Cụ thể, đến cuối năm 2025, toàn bộ tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông sẽ được thông xe. Ở khu vực phía Bắc sẽ hoàn thành thêm 74km cao tốc (Hữu Nghị - Lạng Sơn, Chợ Mới - Bắc Kạn), khởi công 337km (Vành đai 4 TP Hà Nội, Hòa Bình - Mộc Châu, Đồng Đăng - Trà Lĩnh, tuyến nối Hà Giang với cao tốc Nội Bài - Lào Cai).
Khu vực miền Trung và Tây Nguyên sẽ có 79km cao tốc hoàn thành và 105km cao tốc khởi công mới; khởi công xây dựng mới 194km Vành đai 3 TP HCM các đoạn còn lại, TP HCM- Mộc Bài...; Khu vực ĐBSCL hoàn thành 136km cao tốc và khởi công mới 300km cao tốc.
Cũng trong giai đoạn 2021-2025, Bộ GTVT sẽ hoàn thành cải tạo khoảng 1.600km quốc lộ, hoàn thành cải tạo 3 hầm (đèo Ngang, Phú Gia, Phước Tượng); Đầu tư xây dựng 7 cầu lớn (sông Hóa, Đại Ngãi, Rạch Miễu 2, sông Gianh, Quán Hàu, Xương Giang, Như Nguyệt).
Đến năm 2025, sẽ hoàn thành dự án CHK quốc tế Long Thành giai đoạn 1, dự án cải tạo khu bay CHK Côn Đảo, dự án nâng cấp CHK Điện Biên, nhà ga T3 Tân Sơn Nhất và hoàn thành giai đoạn 2 dự án cải tạo đường cất hạ cánh 2 sân bay Nội Bài, Tân Sơn Nhất.
Đối với lĩnh vực đường sắt đến năm 2025, hoàn thành đấu nối ray Hà Khẩu để đảm bảo thông tàu chuyển tải với phía Trung Quốc; hoàn thành cải tạo một số ga đường sắt để tăng năng lực xếp dỡ, gom hàng…
Trong lĩnh vực hàng hải, hoàn thành đầu tư hoàn chỉnh tuyến luồng sông Hậu để đảm bảo tàu tải trọng lớn vào được cụm cảng Cần Thơ; hoàn thành cải tạo tuyến luồng vào cụm cảng Cái Mép - Thị Vải; nâng cấp tuyến luồng Quy Nhơn, tuyến luồng Thọ Quang…
Về đường thủy nội địa, trong 5 năm tới, sẽ đầu tư hoàn chỉnh tuyến kênh Chợ Gạo và nâng tĩnh không các cầu trên một số tuyến đường thủy nội địa quốc gia có lưu lượng vận tải lớn như luồng sông Hồng và một số tuyến vùng ĐBSCL...