Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Công điện số 1082/CĐ-TTg ngày 16/8/2021 về việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2021.
Kết quả giải ngân vốn đầu tư công đến 31/7/2021 mới đạt 36,71%
so với kế hoạch vốn năm 2021 được Thủ tướng Chính phủ giao - Ảnh minh họa
Công điện gửi các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nêu rõ:
Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang tiếp tục diễn biến phức tạp ở trong nước và trên thế giới, tình hình kinh tế- xã hội nước ta tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức, đòi hỏi cả hệ thống chính trị phải vào cuộc quyết liệt với quyết tâm, nỗ lực cao hơn nữa để thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội; trong đó đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công là một nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết, vừa góp phần kích thích tổng cầu, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, vừa tạo thêm việc làm, thu nhập, nâng cao đời sống cho người lao động. Trong thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều biện pháp chỉ đạo quyết liệt, cụ thể nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2021.
Tuy nhiên, kết quả giải ngân vốn đầu tư công đến 31 tháng 7 năm 2021 mới đạt 36,71% so với kế hoạch vốn năm 2021 được Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2020 (40,67%), đặc biệt tỷ lệ giải ngân vốn ODA và vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài rất thấp (7,52%). Nhiều Bộ, cơ quan, địa phương đã tích cực, chủ động với nhiều biện pháp hiệu quả nên kết quả giải ngân đạt cao (trên 50%) như: Thái Bình (71%), Hưng Yên (65%), Hà Nam (64,36%), Thanh Hóa (61,59%), Nam Định (58,01%), Hà Tĩnh (55,49%), Thái Nguyên (51,33%), Ngân hàng Chính sách xã hội (67,27%), Văn phòng Quốc hội (52,9%); đặc biệt một số địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg nhưng vẫn có kết quả giải ngân tốt như Bắc Ninh (55,37%), Bình Phước (52,88%), Tiền Giang (50,90%).
Bên cạnh đó, vẫn còn nhiều Bộ, cơ quan, địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp như: Bộ Thông tin và Truyền thông (0,40%), Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh (0,56%), Ban Quản lý Làng văn hóa các dân tộc Việt Nam (0,95%), Đài truyền hình Việt Nam (1,17%), Thông tấn xã Việt Nam (1,19%), Bộ Ngoại giao (2,57%), Viện Khoa học công nghệ Việt Nam (2,67%), Hội Nông dân Việt Nam (2,7%), Bắc Kạn (8,37%), Quảng Bình (15,46%), Cao Bằng (15,84%), Đắk Lắk (15,86%)… Đặc biệt một số cơ quan chưa giải ngân (0%), như: Ủy ban Dân tộc, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam, Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam, Liên hiệp các hiệp hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam, Ngân hàng Phát triển Việt Nam.
Tỉ lệ giải ngân thấp làm giảm hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công, gây lãng phí nguồn lực, ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế, việc triển khai các chính sách tài khoá, tiền tệ, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế nước ta đang chịu tác động của đại dịch COVID-19.
Việc giải ngân chậm do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân khách quan do dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp phải thực hiện giãn cách xã hội tại một số địa phương. Tuy nhiên nguyên nhân chủ quan vẫn là chủ yếu, nhất là các tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý, điều hành, tổ chức thực hiện. Một số bộ, cơ quan, địa phương, nhất là những nơi không thực hiện giãn cách xã hội thiếu quyết tâm chính trị, vai trò người đứng đầu chưa được phát huy đầy đủ, công tác lập kế hoạch vốn chưa sát với thực tế và khả năng giải ngân; công tác thiết kế thi công, đấu thầu lựa chọn nhà thầu chậm, giải phóng mặt bằng chưa được giải quyết dứt điểm; quy trình, thủ tục thanh quyết toán vốn đầu tư công còn bất cập; sự phối hợp giữa các cơ quan có trường hợp thiếu chặt chẽ; công tác thanh tra, kiểm tra chưa quyết liệt; việc xử lý các trường hợp chậm trễ, vi phạm quy định còn chưa kịp thời, nghiêm minh...
Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2021, phấn đấu tỉ lệ giải ngân năm 2021 đạt trên 95% kế hoạch theo tinh thần Nghị quyết số 63/NQ-CP ngày 29 tháng 6 năm 2021 của Chính phủ, góp phần quan trọng vào việc phục hồi và phát triển nền kinh tế trong bối cảnh đại dịch COVID-19, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:
1. Các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương:
a) Xác định việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm của năm 2021, là ý thức thực hiện nhiệm vụ chính trị trong tình hình hiện nay, nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thực hiện cao nhất các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội năm 2021 trong bối cảnh đại dịch COVID-19. Đẩy mạnh giải ngân đi đôi với bảo đảm chất lượng công trình và hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công. Thực hiện quyết liệt, đồng bộ các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra trong Nghị quyết 01/NQ-CP ngày 01 tháng 01 năm 2021, Nghị quyết số 63/NQ-CP ngày 29 tháng 6 năm 2021, các Nghị quyết phiên họp thường kỳ của Chính phủ và các văn bản chỉ đạo của Lãnh đạo Chính phủ về giải ngân vốn đầu tư công năm 2021.
b) Tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong giải ngân vốn đầu tư công, đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, rà soát việc phân bổ vốn cho các dự án phù hợp với tiến độ thực hiện và khả năng giải ngân, bảo đảm trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải, manh mún, kéo dài.
c) Có chế tài xử lý nghiêm khắc các chủ đầu tư, Ban quản lý dự án, tổ chức, cá nhân cố tình gây khó khăn, cản trở, làm chậm tiến độ giao vốn, thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công. Thay thế kịp thời những cán bộ, công chức, viên chức yếu kém về năng lực, trì trệ, gây nhũng nhiễu, tiêu cực, kiên quyết xử lý các hành vi tiêu cực trong quản lý đầu tư công. Kết quả giải ngân dự án đầu tư công là một trong những căn cứ quan trọng để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ năm 2021 của tổ chức, cá nhân được phân công theo dõi và người đứng đầu các cấp chính quyền.
d) Thành lập ngay Tổ công tác đặc biệt thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công trong từng bộ, cơ quan, địa phương do Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan, đơn vị, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp đứng đầu để thường xuyên lãnh đạo, đôn đốc, kiểm tra, giám sát, xử lý các điểm nghẽn trong giải ngân đầu tư công. Lập kế hoạch giải ngân chi tiết cho từng dự án, nhất là các dự án trọng điểm, dự án có vốn lớn; phân công lãnh đạo cơ quan, đơn vị, địa phương trực tiếp phụ trách từng dự án; tổ chức giao ban định kỳ với các cơ quan, đơn vị liên quan để kịp thời nắm bắt và tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong công tác giải ngân.
đ) Khẩn trương hoàn thiện thủ tục đầu tư các dự án sử dụng vốn đầu tư công năm 2021 để hoàn thành việc giao vốn chi tiết cho các dự án. Tập trung đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, tiến độ thi công, tháo gỡ các khó khăn vướng mắc về đất đai, tài nguyên; thực hiện nghiệm thu, thanh toán ngay khi có khối lượng; chủ động rà soát điều chuyển vốn theo thẩm quyền giữa các dự án chậm giải ngân sang các dự án có khả năng giải ngân tốt hơn, còn thiếu vốn.
e) Giao chi tiết kế hoạch vốn đầu tư công năm 2021 cho các dự án khởi công mới ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. Trong khi thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15/CT-TTg và 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, khẩn trương hoàn thiện thủ tục đầu tư các dự án dự kiến đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 nhưng chưa đáp ứng đủ điều kiện theo quy định tại Điều 52 Luật Đầu tư công đến thời điểm Quốc hội thông qua kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp, báo cáo cấp thẩm quyền theo quy định.
g) Tiếp tục rà soát các cơ chế, chính sách, quy định pháp luật liên quan đến các quy trình, thủ tục đầu tư công để kịp thời sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền theo quy định.
h) Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các cơ quan khác ở Trung ương, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm toàn diện trước Thủ tướng Chính phủ về kết quả giải ngân vốn đầu tư công của bộ, cơ quan, địa phương mình.
i) Yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng của 34 bộ, cơ quan và 07 địa phương có ỉệ giải ngân 7 tháng đầu năm dưới 25% (không bao gồm các địa phương thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg) chịu trách nhiệm và kiểm điểm nghiêm túc rút kinh nghiệm, rà soát, chấn chỉnh, có giải pháp cụ thể để khắc phục, không để tiếp tục tình trạng giải ngân chậm trong thời gian tới.
k) Các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg tập trung hoàn thiện thủ tục đầu tư các dự án theo quy định để bảo đảm triển khai ngay sau khi hết giãn cách xã hội.
2. Bộ Kế hoạch và Đầu tư:
a) Thực hiện nghiêm túc việc tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền việc cắt giảm kế hoạch vốn đầu tư nguồn ngân sách Trung ương năm 2021 của các bộ, cơ quan, địa phương đến ngày 30 tháng 9 năm 2021 có tỉ lệ giải ngân dưới 60% kế hoạch vốn ngân sách Trung ương được giao từ đầu năm để cương quyết điều chuyển cho các bộ, cơ quan, địa phương khác có nhu cầu bổ sung vốn thực hiện các dự án quan trọng, cấp bách cần đẩy nhanh tiến độ theo quy định tại Nghị quyết số 63/NQ-CP ngày 29 tháng 6 năm 2021 của Chính phủ.
b) Trình Thủ tướng Chính phủ trước ngày 20 tháng 8 năm 2021 để giao kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 nguồn ngân sách Trung ương đối với các dự án đủ điều kiện theo quy định tại Điều 52 Luật Đầu tư công đến thời điểm Quốc hội thông qua Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, làm cơ sở cho các bộ, cơ quan, địa phương giao vốn chi tiết cho các dự án khởi công mới năm 2021 theo quy định.
c) Khẩn trương báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả kiểm tra công tác giải ngân vốn đầu tư công đối với các bộ, cơ quan, địa phương theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 63/NQ-CP ngày 29 tháng 6 năm 2021, đề xuất các giải pháp quyết liệt, hiệu quả phấn đấu đạt mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công năm 2021 đã đề ra.
d) Trình Chính phủ trong tháng 8 năm 2021 dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 56/2020/NĐ-CP ngày 25 tháng 5 năm 2020 để tháo gỡ ngay các khó khăn, vướng mắc trong giải ngân vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài.
3. Bộ Tài chính:
a) Chỉ đạo các đơn vị chức năng bảo đảm nguồn thanh toán cho các dự án; đơn giản hoá thủ tục, rút ngắn thời gian kiểm soát chi, thời gian kiểm soát thủ tục rút vốn từ nhà tài trợ, bảo đảm đúng quy định; phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan kịp thời xử lý các vướng mắc về thanh, quyết toán, đàm phán, ký kết hiệp định, rút vốn từ nhà tài trợ.
b) Công khai tình hình thực hiện và tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công của các bộ, cơ quan, địa phương trên các phương tiện thông tin đại chúng.
4. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Thủ trưởng các đơn vị sử dụng vốn đầu tư công chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện nghiêm các nhiệm vụ, giải pháp tại Công điện này./.