"Dự án cao tốc Bắc – Nam sẽ làm thận trọng, tiết kiệm nhất"

Thứ hai, 10/01/2022 18:23
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, để có tổng mức đầu tư dự kiến, Bộ GTVT đã tính toán từng cây cầu, từng km hầm ở Dự án cao tốc Bắc - Nam.

Rất cần cơ chế đặc thù

Chiều nay (10/1), tiếp tục chương trình làm việc, Quốc hội thảo luận trực tuyến về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể giải trình và tiếp thu về những nội dung mà các đại biểu quan tâm

Sau khi lắng nghe ý kiến thảo luận của các ĐBQH, Bộ trưởng Bộ GTVT đã có những giải trình và tiếp thu về những nội dung mà các đại biểu quan tâm.

Về tổng mức đầu tư, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, Bộ GTVT đã tính toán từng cây cầu, từng km hầm, kể cả địa chất, thủy văn.

"Tính toán của tư vấn là có căn cứ, cơ sở, tuy nhiên, để tính toán đấu thầu chúng ta còn phải thuê tư vấn lập dự án, lúc đó sẽ xác định cụ thể hướng tuyến, cụ thể công trình. Chúng ta còn bước thiết kế kỹ thuật dự toán, lúc đó khoan địa chất, tính toán rất kỹ, sau khi phê duyệt thiết kế kỹ thuật dự toán thì chúng ta mới chỉ định thầu và đấu thầu”, ông Thể nói.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể khẳng định: "Ý kiến của các đại biểu chúng tôi tiếp thu, trong quá trình làm sẽ hết sức thận trọng để làm sao đúng quy định và tiết kiệm nhất".

Vấn đề thứ hai được Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể giải trình, tiếp thu là về thiết kế, các tuyến kết nối hoặc là cầu cạn, hầm chui.

Đây là vấn đề kỹ thuật, sẽ đảm bảo hiệu quả của tuyến. Trong giai đoạn 1, Bộ GTVT đã rút ra được nhiều kinh nghiệm. Ở giai đoạn 2, Bộ GTVT sẽ tiếp thu các ý kiến để trong quá trình lập hồ sơ thiết kế, sẽ thận trọng xem xét kỹ lưỡng hơn.

Vấn đề thứ ba là giải phóng mặt bằng (GPMB) và tái định cư, Bộ trưởng GTVT cho biết, cao tốc Bắc – Nam phía Đông đã nằm trong quy hoạch giao thông đường bộ được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Hiện đã thu hồi mặt bằng một lần, sau đó làm hàng rào, do đó sẽ không có lấn chiếm phần đất đã GPMB.

Trong tái định cư thì Bộ GTVT đã tính toán phù hợp với tình hình thực tiễn, tránh tình trạng xây dựng khu tái định cư nhiều dẫn đến lãng phí và tăng suất đầu tư.

Theo chỉ đạo của Thủ tướng, tháng 6/2022, sau khi phê duyệt Dự án sẽ bàn giao mặt bằng cho địa phương, lúc đó mới có tuyến đường đi trên cụ thể địa bàn.

"Lúc đó phải tập trung GPMB trong vòng 1 năm rưỡi. Đến cuối năm 2023 phải xong toàn bộ công tác GPMB", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể khẳng định.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cũng cho rằng, dự án này rất cần cơ chế đặc thù, nhất là chỉ định thầu tư vấn, chỉ định thầu xây lắp, bởi nếu không thì sẽ mất rất nhiều thời gian. Nếu được Quốc hội ủng hộ thì rút ngắn, mỗi bước đấu thầu sẽ rút ngắn khoảng 2 tháng, từ đó tiết kiệm ít nhất 6 đến 9 tháng.

Quy trình chỉ định thầu sẽ được công khai, minh bạch

Về vấn đề mỏ đất, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, rút kinh nghiệm của giai đoạn 1, ở giai đoạn 2 này sẽ giao cho tư vấn ngay ở bước lập dự án, xác định đầy đủ các mỏ đất.

Những mỏ đất đang khai thác có thể khai thác được bao nhiêu, những mỏ đã nằm trong quy hoạch thì sẽ làm thủ tục trình duyệt mở mỏ ngay. Những chỗ chưa đủ mỏ đất thì phải khảo sát để bổ sung mỏ, đưa vào quy hoạch của địa phương và tiến hành mở mỏ đất để đảm bảo nhu cầu.

Về vấn đề đường gom, đường công vụ, đường dân sinh sẽ được lưu tâm đặc biệt. "Riêng đường công vụ, Bộ GTVT đề xuất các đơn vị thi công sẽ ký quỹ để để đảm bảo công trình kết thúc, nếu đơn vị thi công không sửa chữa đầy đủ thì sẽ sử dụng quỹ này để khắc phục", Bộ trưởng Thể cho hay.

Về biện pháp thi công, dự án này sẽ ứng dụng các công nghệ mới, vật liệu mới và đặc biệt với đồng bằng sông Cửu Long nền đất yếu thì sẽ gia cố đất, gia cố xi măng từ đó sẽ rút ngắn được thời gian thi công.

Về tiến độ giải ngân, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, Chính phủ đang chỉ đạo sẽ ban hành quy chế, quy định trách nhiệm của địa phương, của Bộ GTVT, đặc biệt liên quan đến từng hạng mục công việc.

Trong đó có GPMB, thời điểm nào phải xong thiết kế, thời điểm nào khởi công, Chính phủ đang chỉ đạo dành 3 năm tập trung thi công, để cuối năm 2025 phải xong. Như vậy, cuối năm 2022 này phải khởi công hàng loạt gói thầu.

Về phân cấp, Tư lệnh ngành GTVT cho hay, nếu Quốc hội ủng hộ việc phân cấp cho Bộ GTVT thẩm định thì chúng ta sẽ rút ngắn tiến độ dự án ít nhất được 1 - 1,5 tháng.

Về chỉ định thầu, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể khẳng định sẽ công khai, minh bạch, tổ chức xét tuyển đàng hoàng và Chính phủ cũng đã dự kiến thành lập hội đồng liên bộ để đảm bảo tính công khai và minh bạch.

Về vấn đề thu phí, hiện đã có Nghị quyết 52 của Quốc hội khóa trước, hiện nay Bộ GTVT đề xuất phương án có thể bán quyền thu phí 2 năm, 5 năm, 10 năm… tùy theo điều kiện.

"Cái này Chính phủ sẽ xem xét kỹ lưỡng để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nói.

 

toanld

Nguồn: Báo Giao thông

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)