Đoàn công tác của Bộ GTVT do Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang làm trưởng đoàn vừa có buổi làm việc với UBND tỉnh Thái Bình về lĩnh vực hàng hải và đường thủy nội địa trên địa bàn tỉnh.
Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình tiếp và làm việc với đoàn. Cùng dự có đồng chí Vũ Kim Cứ, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư; lãnh đạo một số sở, ban, ngành và huyện Thái Thụy.
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Khắc Thận phát biểu tại buổi làm việc
Về lĩnh vực thủy nội địa, trên địa bàn tỉnh Thái Bình có các tuyến đường sông với tổng chiều dài 262km. Theo quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tỉnh Thái Bình có các tuyến vận tải thủy trên các sông: Hồng, Luộc, Hóa, Trà Lý và Thái Bình; cụm cảng hàng hóa và cụm cảng khách Thái Bình. Quy hoạch 15 tuyến đường thủy nội địa phương chiều dài 207km. Năm 2019, UBND tỉnh đã công bố mở luồng đường thủy nội địa địa phương trên 8 tuyến sông địa phương với tổng chiều dài 136,9km.
Về lĩnh vực hàng hải, tỉnh Thái Bình có 54 km bờ biển, hiện tại chỉ có một tuyến luồng hàng hải Diêm Điền, với chiều dài 10,2km, đáy luồng rộng 45m, độ sâu luồng -1,5m; 2 bến cảng biển và 3 khu chuyển tải. Theo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt hệ thống cảng biển Thái Bình bao gồm: Khu bến Diêm Điền tiếp nhận tàu trọng tải đến 3.000 tấn; từng bước nghiên cứu hình thành bến cảng cho tàu trọng tải đến 5.000 tấn phía trong sông; Khu bến Trà Lý tiếp nhận tàu trọng tải đến 2.000 tấn hoặc đến 5.000 tấn nếu đủ điều kiện; Khu bến Ba Lạt tiếp nhận tàu trọng tải đến 3.000 tấn phía trong sông hoặc đến 5.000 tấn nếu đủ điều kiện; Các khu bến cảng khác: Từng bước nghiên cứu khả năng hình thành bến cảng cho tàu có trọng tải đến 50.000 tấn ngoài biển khi có điều kiện phù hợp.
Đại biểu dự buổi làm việc.
Tại buổi làm việc, các đại biểu đã tập trung thảo luận, nghiên cứu, đề xuất các phương án phát triển vận tải thủy, đặc biệt là vận tải đường biển trong giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 nhằm bảo đảm việc đầu tư, nâng cấp hạ tầng giao thông vận tải đường biển được nhanh chóng, thuận tiện và tuân thủ đúng quy định của pháp luật.
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh bày tỏ mong muốn tạo điều kiện hỗ trợ tỉnh Thái Bình trong hoạch định chính sách phát triển đường thủy nội địa cũng như hệ thống cảng biển tại tỉnh Thái Bình. Trên cơ sở tiềm năng, lợi thế của tỉnh cùng với hệ thống giao thông kết nối đang dần được hoàn thiện, cũng như Khu kinh tế Thái Bình đang thu hút mạnh mẽ các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài vào tỉnh, đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Bộ GTVT quan tâm xem xét, ủng hộ và tạo điều kiện để Thái Bình nghiên cứu, triển khai thực hiện dự án khu phức hợp cảng biển tại huyện Thái Thụy. Qua đó góp phần tạo không gian phát triển mới cũng như tạo đột phá về phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh trong thời gian tới.
Đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Bộ GTVT chỉ đạo Cục Hàng hải Việt Nam phối hợp với tỉnh trong quá trình triển khai Dự án nạo vét luồng hàng hải Diêm Điền cũng như việc quản lý, khai thác và duy tu định kỳ sau khi dự án hoàn thành, để bảo đảm an toàn hàng hải, bảo đảm luồng đã được đầu tư nạo vét và phát huy hiệu quả dự án.
Phát biểu kết luận buổi làm việc Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang ghi nhận và đánh giá cao những thành tựu về kinh tế - xã hội mà tỉnh Thái Bình đạt được trong thời gian qua, đồng thời cho biết Bộ GTVT đang tổ chức đẩy nhanh tiến độ triển khai, hoàn thiện hệ thống các quy hoạch nhóm 1, quy hoạch chi tiết vùng đất, vùng nước, cảng biển Thái Bình. Thứ trưởng yêu cầu Cục Hàng hải Việt Nam, tỉnh Thái Bình cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa, hỗ trợ đơn vị tư vấn lập quy hoạch nghiên cứu sâu hơn, chi tiết hơn, bảo đảm cơ sở khoa học và cân nhắc thống nhất quy hoạch chi tiết.
Thứ trưởng đánh giá lĩnh vực giao thông thủy nội địa của tỉnh Thái Bình còn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh. Do đó, song song với việc đầu tư xây dựng các cầu vượt sông để kết nối hạ tầng giao thông đường bộ, tỉnh cần có sự quan tâm, đầu tư hơn nữa về phát triển giao thông thủy nội địa trong tỉnh cũng như kết nối với các địa phương khác; Cục đường thủy nội địa nghiên cứu, tư vấn hỗ trợ địa phương trong khai thác cơ sở hạ tầng hiện hữu của các bến chuyên dùng vận tải thủy bên cạnh việc quy hoạch, đầu tư xây dựng các bến thủy nội địa mới tại địa phương.
Liên quan đến Dự án nạo vét luồng hàng hải Diêm Điền, Bộ GTVT nhất trí với đề xuất của tỉnh, sẽ bổ sung luồng hàng hải Diêm Điền vào kế hoạch duy tu, nạo vét, bảo trì hàng năm của Bộ GTVT năm 2023, phục vụ nhu cầu vận tải hàng hóa, tàu thuyền đánh bắt của ngư dân ra vào tuyến luồng cũng như bảo đảm an ninh, phòng thủ ven biển tại tỉnh Thái Bình. Ngoài ra, Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang cũng yêu cầu tỉnh Thái Bình tiếp tục quan tâm, chỉ đạo các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành ở địa phương, nhất là lực lượng Biên phòng tỉnh trong công tác bảo đảm an ninh, phòng chống cháy nổ, bảo vệ môi trường ở các khu neo đậu tại luồng hàng hải Diêm Điền.