Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đề nghị Chính phủ tập trung bố trí vốn để hoàn thành những đoạn đường còn lại này.
Tuyến đường có ý nghĩa quan trọng về nhiều mặt
Chiều 24/5, Quốc hội thảo luận tổ về thực hiện Nghị quyết số 66/2013/QH13 và kế hoạch triển khai dự án đường Hồ Chí Minh giai đoạn tiếp theo.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ
Tại phiên thảo luận tổ, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao tính chủ động, tích cực của Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường trong việc tiến hành theo dõi, giám sát nội dung liên quan đến việc thực hiện Nghị quyết số 66/2013/QH13 và kế hoạch triển khai dự án đường Hồ Chí Minh giai đoạn tiếp theo.
Khẳng định đường Hồ Chí Minh là tuyến đường có ý nghĩa quan trọng về lịch sử, chính trị, kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh của Quốc gia, Chủ tịch Quốc hội cho biết: Việc cơ bản hoàn thành dự án đã góp phần phát triển đất nước, đặc biệt là đối với các khu vực miền núi phía Bắc, miền Trung - Tây Nguyên và đồng bằng Nam Bộ.
Quốc hội đã quyết định mục tiêu thông tuyến từ Bắc tới Nam với quy mô 2 làn xe. Tuy nhiên, đến nay đã quá thời hạn 2 năm so với Nghị quyết của Quốc hội, nhưng vẫn còn một số đoạn tuyến chưa được hoàn thành để nối thông toàn tuyến.
Cụ thể, 3 đoạn tuyến chưa hoàn thành gồm đoạn Chợ Chu - Ngã Ba Trung Sơn; đoạn Rạch Sỏi - Bến Nhất, Gò Quao - Vĩnh Thuận; đoạn Cổ Tiết - Chợ Bến.
Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đề nghị Chính phủ tập trung bố trí vốn để hoàn thành những đoạn đường còn lại này. Đây là nhiệm vụ bắt buộc phải thực hiện, đồng thời cần tiến hành tổng kết, đánh giá kỹ lưỡng để rút kinh nghiệm, đề xuất đầu tư giai đoạn sau. Bố trí kinh phí duy tu, bảo dưỡng những đoạn đường xuống cấp để đảm bảo thông suốt tuyến đường.
Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội qua thông báo kết luận, Chính phủ đã rà soát trong tổng số vốn đầu tư công trung hạn 5 năm phân bổ cho ngành Giao thông vận tải để bố trí cho các đoạn tuyến Chợ Chu - Ngã Ba Trung Sơn và đoạn Rạch Sỏi - Bến Nhất, Gò Quao - Vĩnh Thuận. Các đoạn tuyến này sẽ tạo điều kiện phát triển kinh tế, xã hội, nâng cao đời sống người dân ở các vùng tuyến đường đi qua.
Đại biểu Thái Thanh Quý (đoàn Nghệ An)
Cân đối nguồn lực cần phải rõ hơn
Phát biểu thảo luận tại tổ, đại biểu Thái Thanh Quý (đoàn Nghệ An) cho rằng, trong đánh giá đã nêu rõ đây là tuyến đường chiến lược, quan trọng, nhất là về quốc phòng an ninh và phát triển kinh tế - xã hội khu vực phía Tây của tổ quốc. Không những thế, tuyến đường còn có giá trị lịch sử là con đường truyền thống.
"Từ năm 2004 đến nay là gần 20 năm chúng ta thực hiện xây dựng tuyến đường này nhưng chưa xong. Địa bàn Nghệ An thì thông tuyến đã lâu, nhưng rất tiếc chưa thông tuyến được từ Pác Bó đến Đất Mũi (Cà Mau)", ông Quý nói.
Về lý do, đại biểu Thái Thanh Quý cho rằng, chưa tập trung cao độ, chưa quyết liệt. Có những đoạn như đoạn ở Đà Nẵng 11 năm nay mới chỉ giải phóng mặt bằng 1,5 km trên 11km.
"Chúng ta xác định đây là con đường chiến lược về an ninh quốc phòng và phát triển khu vực phía Tây, có giá trị lịch sử nhưng ta chưa tập trung cao độ về cân đối bố trí nguồn lực. Nói rằng bố trí sớm trong nguồn đầu tư công của 2021 – 2025 để chúng ta quyết tâm thông tuyến năm 2025, nhưng cụ thể bố trí thế nào thì chưa được cụ thể", đại biểu đoàn Nghệ An bày tỏ băn khoăn.
Đại biểu Trần Văn Lâm (đoàn Bắc Giang) cũng cho rằng, dự án gần 20 năm triển khai thì cần phải kết thúc, tổng kết. Sau đó còn những phần việc cần phải tiếp tục triển khai thì gộp toàn bộ các dự án của đề án này vào trong quy hoạch đường bộ quốc gia để triển khai đồng bộ thống nhất. Khi đưa vào tổng thể thì chúng ta mới có đánh giá, so sánh, đối chiếu, xem xét, bố trí các nguồn lực ưu tiên.
P.Đ