Thúc đẩy tiến độ các dự án giao thông quan trọng quốc gia

Thứ ba, 05/07/2022 08:34
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương và Phiên họp Chính phủ thường kỳ ngày 4/7 dành nhiều thời gian thảo luận về các dự án giao thông quan trọng quốc gia như các tuyến cao tốc, đường Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội; đường Vành đai 3 vùng Thành phố Hồ Chí Minh, Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Thúc đẩy tiến độ các dự án giao thông quan trọng quốc gia - Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục rà soát,
làm tốt công tác chuẩn bị đầu tư - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Ngày 4/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương và Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6 năm 2022 về tình hình kinh tế - xã hội tháng 6, 6 tháng năm 2022 và triển khai các Nghị quyết của kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV.

Một trong những nội dung trọng tâm tại Hội nghị và Phiên họp là việc triển khai các dự án giao thông quan trọng quốc gia, những khó khăn, vướng mắc và nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới.

Các dự án này gồm dự án đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 và giai đoạn 2021-2025; đường bộ cao tốc Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột, Biên Hòa-Vũng Tàu, Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng; đường Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội; đường Vành đai 3 vùng Thành phố Hồ Chí Minh; Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Báo cáo của Bộ  GTVT cho thấy, ngay từ đầu nhiệm kỳ, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ GTVT và các bộ, ngành, địa phương tích cực chuẩn bị, hoàn thiện thủ tục đầu tư để kịp thời báo cáo Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư các dự án đường bộ cao tốc.

Song song với công tác chuẩn bị đầu tư, Chính phủ chỉ đạo Bộ GTVT tập trung triển khai để hoàn thành 3 dự án giao thông quan trọng quốc gia gồm: Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2017-2020 với 4 dự án thành phần dài 361 km hoàn thành cuối năm 2022, hoàn thành toàn bộ dự án vào đầu năm 2024; dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021-2025 và dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành hoàn thành năm 2025.

Thúc đẩy tiến độ các dự án giao thông quan trọng quốc gia - Ảnh 2.

Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương và Phiên họp Chính phủ thường kỳ
ngày 4/7 dành nhiều thời gian thảo luận về các dự án giao thông quan trọng quốc gia

Theo Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể, quan điểm chỉ đạo nhất quán của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ là phải đổi mới tư duy, phương thức, cách làm, bám sát quy định pháp luật, tích cực tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ các công việc liên quan; tuyệt đối không được để xảy ra sai phạm, tiêu cực.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có các chỉ đạo, các giải pháp để tháo gỡ các khó khăn trong quá trình triển khai dự án, như thành lập Ban Chỉ đạo của Chính phủ trực tiếp chỉ đạo các dự án giao thông quan trọng quốc gia; thực hiện giao ban định kỳ, kiểm tra hiện trường, trực tiếp chỉ đạo, đôn đốc, có giải pháp kịp thời để đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, triển khai thi công các dự án.

Chính phủ kịp thời ban hành 2 Nghị quyết về việc áp dụng cơ chế đặc thù bảo đảm nguồn vật liệu thi công; chỉ đạo Bộ GTVT và các địa phương trong việc bảo đảm nguồn vật liệu cho các dự án sắp triển khai, đặc biệt là Dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2021-2025; chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu, xử lý các vấn đề liên quan đến thủ tục cấp phép khai thác các mỏ làm vật liệu xây dựng cho các dự án giao thông quan trọng quốc gia.

Chính phủ cũng yêu cầu các bộ, ngành và địa phương công bố kịp thời giá và chỉ số giá các loại vật liệu xây dựng hằng tháng sát với thực tế để giải quyết các khó khăn về biến động giá; kiểm tra, kiên quyết xử lý hành vi đầu cơ, nâng giá, ép giá vật liệu xây dựng; chỉ đạo Bộ Xây dựng hướng dẫn việc điều chỉnh giá hợp đồng do ảnh hưởng của biến động giá.

Đến nay, tiến độ các dự án giao thông quan trọng quốc gia cơ bản bám sát yêu cầu của Quốc hội và Chính phủ, theo Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể.

Với các dự  án cao tốc Bắc Nam phía đông giai đoạn 2017-2020, đầu năm 2022, đoạn Cao Bồ - Mai Sơn đã đưa vào khai thác; 4 dự án thành phần với chiều dài 361,47 km dự kiến hoàn thành năm 2022; 4 dự án thành phần 3 với chiều dài 148,39 km dự kiến hoàn thành năm 2023; 2 dự án thành phần 4 với chiều dài 127,8 km dự kiến hoàn thành năm 2024. Riêng 4 dự án có yêu cầu hoàn thành trong năm 2022 (Mai Sơn - Quốc lộ 45, Cam Lộ - La Sơn, Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây), đến nay sản lượng trung bình đạt 61,3%.

Tuy nhiên, dự án Cảng hàng không Long Thành còn chậm trong công tác giải phóng mặt bằng, thi công san nền khu vực nhà ga.

Với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong thời gian qua và sự vào cuộc của các bộ, ngành, địa phương đã cơ bản tháo gỡ các khó khăn vướng mắc, các dự án đã có chuyển biến tích cực. Bộ GTVT đang quyết liệt, tập trung chỉ đạo các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, nhà thầu tập trung cao độ triển khai thi công bảo đảm hoàn thành các dự án theo đúng kế hoạch.

Tuy nhiên, thực tiễn thực hiện các dự án trong thời gian qua cho thấy còn một số khó khăn, vướng mắc gây ảnh hưởng đến tiến độ triển khai các dự án như về giải phóng mặt bằng, nguồn vật liệu đắp nền đường, giá nhiên, nguyên, vật liệu thời gian qua có biến động lớn, thời tiết có diễn biến bất thường, mưa nhiều và đến sớm hơn thường lệ ảnh hưởng đến tiến độ thi công; năng lực của một số chủ đầu tư/ban quản lý dự án còn hạn chế, chưa đồng đều, chưa đáp ứng yêu cầu của dự án…

Với các dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Biên Hòa - Vũng Tàu, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1 vừa được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT đã xây dựng dự thảo Nghị quyết của Chính phủ triển khai Nghị quyết của Quốc hội về các dự án này, đề nghị phân cấp cho các địa phương làm cơ quan chủ quản để có cơ sở triển khai các bước tiếp theo đáp ứng tiến độ yêu cầu.

Thúc đẩy tiến độ các dự án giao thông quan trọng quốc gia - Ảnh 4.

Theo Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể, đến nay, tiến độ các dự án

giao thông quan trọng quốc gia cơ bản bám sát yêu cầu

của Quốc hội và Chính phủ - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Cũng tại Hội nghị, lãnh đạo các bộ, cơ quan, địa phương đã báo cáo về tình hình, tiến độ triển khai các nhiệm vụ được giao, trong đó có việc triển khai dự án đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh và dự án Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội vừa được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư.

Kết luận nội dung này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng, việc triển khai các dự án giao thông trọng điểm quốc gia là thực hiện nhiệm vụ đột phá chiến lược mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã chỉ rõ.

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục rà soát, làm tốt công tác chuẩn bị đầu tư. Thúc đẩy mạnh việc giải phóng mặt bằng, trong đó vai trò quan trọng của chính quyền địa phương. Bố trí vốn đủ để thực hiện các dự án và giải ngân hiệu quả các nguồn vốn. Các bộ, ngành, địa phương tiếp tục phối hợp rà soát, nếu còn vướng mắc thì tháo gỡ ngay để có các mỏ, đủ nguyên vật liệu cho các dự án. Thủ tướng cũng đề nghị các bộ, ngành, địa phương phối hợp nghiên cứu khai thác các công trình lưỡng dụng như các sân bay Thành Sơn (Ninh Thuận), Nà Sản (Sơn La)...

Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu nhanh chóng kiện toàn Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển hạ tầng; các địa phương thành lập Tổ công tác, trong đó Chủ tịch UBND là Tổ trưởng để thúc đẩy triển khai và xử lý các vướng mắc nảy sinh trong quá trình triển khai các dự án./.

toanld

Nguồn: Chinhphu.vn

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)