Ngày 17/11, Sở GTVT TP Cần Thơ tổ chức lễ khởi công các gói thầu thuộc Dự án đường Vành đai phía Tây TP (nối QL91 và QL61C).
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đến dự lễ và phát lệnh khởi công dự án. Cùng dự có Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm, các đại biểu Trung ương và địa phương…
Mở không gian phát triển
Dự án đường Vành đai phía Tây được UBND TP Cần Thơ phê duyệt tháng 11/2021, có tổng chiều dài toàn tuyến 19,3km. Tuyến đường đi qua địa bàn 5 quận, huyện: Ô Môn, Bình Thủy, Ninh Kiều, Cái Răng, Phong Điền, với tổng mức đầu tư hơn 3.800 tỷ đồng.
Thủ tướng và các đại biểu phát lệnh khởi công dự án.
Điểm đầu của dự án giao QL91 (Km 20+370, gần cầu Ô Môn) và giao ĐT922, điểm cuối giao QL61C (Km 1+400). Mặt cắt ngang đầu tư 2 đơn nguyên, mỗi bên 16,5m (trong đó phần mặt đường 11m), vận tốc thiết kế từ 50- 60 km/giờ.
Trong đó có 24 vị trí cầu trung và nhỏ, 1 vị trí cầu lớn (bao gồm 49 đơn nguyên cầu) và các cống thoát nước theo địa hình. Lớn nhất là cầu Ba Láng vượt sông Cần Thơ dài gần 518m; 14 cống mỗi bên cùng 9 nút giao và 9 điểm quay đầu xe.
Dự án có tổng số hơn 1.200 hộ dân bị ảnh hưởng. Trong đó, quận Ô Môn có gần 500 trường hợp, quận Bình Thủy có 396 trường hợp, huyện Phong Điền có 300 trường hợp và quận Cái Răng có 38 trường hợp bị ảnh hưởng.
Ông Lê Tiến Dũng, Giám đốc Sở GTVT TP Cần Thơ, cho biết, dự án khi hoàn thành sẽ hình thành trục vành đai ngoài đặc biệt quan trọng của TP, kết nối với các tuyến giao thông quan trọng của quốc gia và của vùng ĐBSCL, như: QL91, QL61C, QL1A. Từ đó, tạo nên hệ thống giao thông liên hoàn, giúp cho việc vận chuyển hàng hóa, hành khách giữa TP với các tỉnh lân cận được thuận lợi, nhanh chóng và an toàn.
Việc đưa dự án vào khai thác góp phần rất lớn vào việc giảm ùn tắc giao thông khu vực nội ô quận Ninh Kiều, mở rộng không gian phát triển TP về phía Tây, tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy việc xây dựng và phát triển TP Cần Thơ ngày càng văn minh, hiện đại.
Tại buổi lễ, sẽ có 3 gói thầu được khởi công, bao gồm: gói thầu 16, thi công xây dựng đường và các cầu với chiều dài 3,08km (đoạn Km 03+000 - Km 06+080), do liên danh Công ty CP Tập đoàn Phú Tài miền Trung và Công ty TNHH MTV Quốc Đại - Công ty CP Xây dựng Hạ tầng CII thi công. Thời gian thực hiện hợp đồng là 900 ngày.
Kế đến là gói thầu số 17 thi công xây dựng đường và các cầu (đoạn Km 06+080 - Km 09+340), do liên danh Công ty CP 471, Công ty CP Cầu đường 10 và Công ty CP Đầu tư và Xây lắp An Đông thực hiện. Thời gian thực hiện hợp đồng là 896 ngày.
Sau cùng là gói thầu 20, thi công xây dựng cầu Ba Láng, do Liên danh Công ty liên hợp Xây dựng Vạn Cường, và Công ty CP Đầu tư - Xây dựng hạ tầng Khang Nguyên thực hiện. Thời gian thực hiện hợp đồng 1.020 ngày.
Các gói thầu còn lại sẽ tiếp tục triển khai trong giai đoạn từ năm 2023- 2024.
Ông Lê Hoài Nam, Chỉ huy công trình gói thầu số 16, Công ty CP Tập đoàn Phú Tài miền Trung, cho biết đơn vị thi công gói thầu số 16, đi qua địa bàn quận Ô Môn với chiều dài 3,08km.
“Đến nay, đơn vị đã huy động nhân lực, máy móc để ngay sau lễ khởi công sẽ tiến hành thi công gói thầu. Đơn vị sẽ nỗ lực hết mình để công trình hoàn thành đúng tiến độ”, ông Nam nói.
Ông Lê Quý Hợi (đại diện Liên danh Công ty liên hợp Xây dựng Vạn Cường, và Công ty CP Đầu tư - Xây dựng hạ tầng Khang Nguyên), thi công gói thầu số 20 cũng cam kết: “Chúng tôi sẽ huy động nguồn nhân lực, máy móc, trang thiết bị tốt nhất để thi công đảm bảo tiến độ, chất lượng và an toàn”.
Đảm bảo tiến độ, nói không với tiêu cực
Phát biểu tại lễ khởi công, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Dự án đường vành đai phía Tây Cần Thơ tuy không tuy không dài nhưng mang lại ý nghĩa rất lớn. Dự án không chỉ có ý nghĩa về mặt giao thông, tạo cảnh quan đô thị mà còn mở ra không gian phát triển mới.
Phối cảnh Dự án đường Vành đai phía Tây Cần Thơ.
Trong mọi định hướng phát triển, vùng ĐBSCL cần phải phát triển nhanh, nhưng cũng phải bền vững. Trong đó vấn đề cần khắc phục trước mắt là điểm yếu của hạ tầng chiến lược và nguồn nhân lực.
Thủ tướng nhấn mạnh về tầm quan trọng của hạ tầng chiến lược, và khẳng định: Đảng và Nhà nước luôn quan tâm, tạo mọi điều kiện để đầu tư cho vùng ĐBSCL. Dự án đã thể hiện sự nỗ lực chung của cả Trung ương và địa phương giữa bối cảnh khó khăn như hiện nay.
Qua đó tạo không gian phát triển mới cho vùng đất vốn giàu tiềm năng nhưng lại chưa có hệ thống giao thông hoàn thiện. Từ đó, mở ra nhiều sự phát triển khác, như hình thành các khu công nghiệp, khu đô thị…
Đặc biệt, toàn tuyến dự án có 24 cây cầu sẽ tạo điểm nhấn cảnh quan sinh động, qua đó, có thể quan tâm phát triển du lịch.
Thủ tướng cho rằng, tiến độ dự án đề ra còn quá dài, phải rút ngắn thời gian trên cơ sở thay đổi biện pháp thi công, cách làm, huy động tối đa khả năng của nhà thầu.
“Dự án có 8 gói thầu, cần thu hẹp và bớt lại các gói thầu, vì như thế, sẽ phát sinh nhiều thủ tục hành chính. Cần Thơ nghiên cứu thêm việc này”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng cũng gửi lời cảm ơn sâu sắc đến bà con nhân dân, những người đã dành những mảnh đất mà mình đã sinh sống bao năm nay để thực hiện dự án. Do đó, ngành chức năng phải đặc biệt quan tâm đến quyền lợi của họ, chăm lo đời mọi mặt đời sống nhân dân; đảm bảo cuộc sống nơi ở mới từ bằng đến tốt hơn nơi ở cũ.
Đặc biệt dự án thi công phải đúng tiến độ, không kéo dài, đảm bảo chất lượng, nói không với tiêu cực, không tham nhũng, không thông thầu. Các đơn vị cùng chung tay thực hiện tốt các công việc, để dự án mang lại sự phát triển, ấm no cho người dân theo đúng mục tiêu đã đề ra.
Hiện Cần Thơ cũng triển khai thi công dự án đường nối Cách Mạng Tháng Tám đến ĐT918.
Đây là dự án giao thông trục ngang kết nối với các trục dọc tại 4 nút giao, gồm: điểm giao đường Cách Mạng Tháng Tám, điểm giao với đường Võ Văn Kiệt, điểm giao đường Nguyễn Văn Linh (thuộc QL91B) và điểm giao cuối nối vào ĐT918 ở chợ Phó Thọ (phường Long Tuyền, quận Bình Thủy).
Theo quy hoạch, sau khi dự án hoàn thành, Cần Thơ sẽ tiếp tục đầu tư thêm một tuyến đường mới nối từ ĐT918 đến đường Vành đai phía Tây. Từ đó, tạo ra mạng lưới giao thông đồng bộ, thúc đấy phát triển TP.
Ngoài ra, Cần Thơ cũng đang chuẩn bị triển khai thêm 2 dự án giao thông trọng điểm là đường kết nối quận Ô Môn, huyện Thới Lai của TP với huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang (đoạn qua địa phận TP Cần Thơ) và đường nối Vị Thanh (Hậu Giang) với TP Cần Thơ giai đoạn II (Quốc lộ 61C).
Sau khi hoàn thành, các tuyến đường sẽ là động lực liên kết, thúc đẩy sự phát triển kinh tế, tăng khả năng kết nối thuận tiện giữa các địa phương.