Sáng 26/12, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác năm 2022, triển khai kế hoạch, nhiệm vụ năm 2023.
Tham dự Hội nghị có Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Xuân Sang, Phó Bí thư thường trực Đảng ủy Bộ GTVT Đào Văn Tiến, Chủ tịch Công đoàn GTVT Việt Nam Phạm Hoài Phương và đại diện các Cục, Vụ, Viện, trường trực thuộc Bộ GTVT.
Phó Cục trưởng Cục Đường thủy Việt Nam Tống Hoàng Kha phát biểu khai mạc Hội nghị
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Cục trưởng Cục Đường thủy Việt Nam Tống Hoàng Kha cho biết: Từ đầu năm 2022, tình hình thế thế giới biến động nhanh chóng, phức tạp, chưa có tiền lệ, khó khăn hơn so với khi xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022. Trước bối cảnh khó khăn đó, bám sát các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Bộ GTVT cùng với sự đồng tình, ủng hộ, chia sẻ, tham gia tích cực của các địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và sự quyết tâm nỗ lực của lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động toàn ngành với phương châm hành động: đoàn kết, kỷ cương, chủ động thích ứng, an toàn hiệu quả, phục hồi phát triển ngành ĐTNĐ đã triển khai mạnh mẽ các giải pháp thực hiện hoàn thành nhiệm vụ trên các mặt công tác.
Hội nghị hôm nay nhằm đánh giá khách quan những kết quả đạt được, thống nhất các nhiệm vụ giải pháp trong thời gian tiếp theo, là hội nghị có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của Ngành ĐTNĐ không chỉ trong năm 2023 mà còn trong nhiệm kỳ và những năm tiếp theo.
Phó Cục trưởng Cục ĐTNĐ Việt Nam Lê Minh Đạo trình bày báo cáo
Báo cáo Tổng kết công tác năm 2022 và triển khai kế hoạch, nhiệm vụ năm 2023, Phó Cục trưởng Lê Minh Đạo cho biết: Được sự quan tâm chỉ đạo, điều hành quyết liệt, toàn diện của Lãnh đạo Bộ; sự quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành của Đảng ủy Cục, Lãnh đạo Cục và sự quyết tâm, cố gắng, nỗ lực của tập thể cán bộ công chức, viên chức và người lao động, các mặt công tác của Cục đã đạt được một số kết quả nổi bật.
Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật tiếp tục được triển khai quyết liệt, kịp thời, hiệu quả; chất lượng VBQPPL lĩnh vực đường thủy đã được cải thiện, đáp ứng yêu cầu đòi hỏi của thực tiễn, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh lĩnh vực giao thông đường thủy với các loại hình giao thông truyền thống khác.
Công tác quản lý điều hành hoạt động vận tải đường thủy tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực. Sản lượng vận tải tiếp tục tăng so với năm 2021 và là một trong những chỉ tiêu quan trọng góp phần phục hồi và phát triển kinh tế đất nước. Năm 2022, vận tải hành khách đường thủy nội địa đạt 232,4 triệu lượt khách, tăng 48% và 4,1 tỷ lượt khách.km, tăng 55%; về hàng hóa đạt 406 triệu tấn, tăng 29% so với năm trước và 97,4 tỷ tấn.km, tăng 43% so với năm trước.
Công tác bảo đảm trật tự ATGT đường thủy được tập trung triển khai với nhiều giải pháp cụ thể: Cục đã ban hành Kế hoạch hành động bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa “Năm An toàn giao thông 2022” và ban hành 22 văn bản gửi Ban ATGT, Sở GTVT các tỉnh thành phố và các đơn vị trong ngành phối hợp tăng cường bảo đảm TT ATGT đường thủy tại các bến hành khách, bến khách ngang sông; tăng cường công tác bảo đảm an toàn giao thông đường thủy nội địa đối với vận tải hành khách, vận tải hàng hóa, hoạt động của phương tiện vận tải khách ngang sông, phương tiện thủy thô sơ…
Đông đảo các đại biểu tham dự Hội nghị
Cục ĐTNĐ Việt Nam đã tổ chức 13 đoàn kiểm tra công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa đối với hoạt động vận tải hành khách, hàng hóa tại các địa phương, gồm: Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Yên Bái, Điện Biên, Lai Châu, Hòa Bình, Cần Thơ, Kiên Giang, An Giang, TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai... Tổ chức làm việc với Sở GTVT và các cơ quan chức năng của tỉnh Tây Ninh, Bình Dương về tăng cường công tác quản lý nhà nước về đường thủy và bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên vùng lòng hồ Dầu Tiếng.
Cục đã tổ chức 03 đoàn kiểm tra về công tác quản lý hoạt động vận tải hành khách trên các tuyến từ bờ ra đảo do Cục quản lý; tổ chức 03 đoàn kiểm tra công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn lĩnh vực đường thủy nội địa năm 2022 tại Hải Phòng, Quảng Ninh, Quảng Nam, Đà Nẵng, TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai (Sar 79).
11 tháng năm 2022, cả nước xảy ra 30 vụ TNGT đường thủy nội địa, làm chết 44 người, bị thương 05 người; So cùng kỳ năm 2021: giảm 18 vụ (-37,5%); tăng 10 người chết và tăng 04 người bị thương.
Công tác quản lý bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông, phòng, chống thiên tai tiếp tục được thực hiện hiệu quả, kịp thời khắc phục những hư hỏng về kết cấu hạ tầng khi xảy ra mưa bão để bảo đảm an toàn cho người dân và phục vụ phát triển kinh tế xã hội của vùng, địa phương.
Công tác cải cách hành chính, xây dựng chính phủ điện tử, chuyển đổi số tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực. Việc cấp đổi giấy phép hoạt động cho người và phương tiện đã đơn giản hoá về mặt thủ tục.
Công tác hợp tác quốc tế trong lĩnh vực giao thông thủy tiếp tục được nâng cao với nhiều thoả thuận được ký kết, với các mối quan hệ sâu sắc được hình thành trong lĩnh vực giao thông thủy giữa Việt Nam và các nước trong khu vực. Vai trò thường trực thực hiện các Điều ước quốc tế khi đề xuất tháo gỡ được những khó khăn bất cập không nhỏ đã được đặc biệt ghi nhận không chỉ với các doanh nghiệp, cơ quan liên quan mà còn được phía các nước thành viên đánh giá rất cao.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Cục vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục trong công tác xây dựng VBQPPL; công tác bảo đảm TT ATGT đường thủy nội địa, công tác quản lý phương tiện, thuyền viên; công tác quản lý cảng, bến thủy nội địa…
Phó Cục trưởng Lê Minh Đạo cũng trình bày các giải pháp và nhiệm vụ chủ yếu của Cục ĐTNĐ phải thực hiện trong năm 2023 đồng thời cũng đưa ra kiến nghị, đề xuất phục vụ cho công tác trong thời gian tới.
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Xuân Sang phát biểu chỉ đạo Hội nghị
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Xuân Sang ghi nhận và đánh giá cao những kết quả mà Cục ĐTNĐ Việt Nam đã nỗ lực đạt được trong năm vừa qua. Cụ thể: Công tác xây dựng VB QPPL cơ bản đáp ứng được tiến độ, chất lượng xây dựng VB QPPL dần được nâng lên, đáp ứng được nhu cầu của người dân. Cục ĐTNĐ Việt Nam cũng đã kiện toàn được bộ máy theo hướng tinh gọn hơn, tập trung hơn vào công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Bên cạnh đó, quản lý nhà nước tại các cảng bến tiếp tục được quan tâm, chỉ đạo của các cấp ngành góp phần giảm thiếu tai nạn giao thông. Đây là sự đóng góp, nỗ lực không mệt mỏi của Cục ĐTNĐ Việt Nam, các Cảng vụ, Thanh tra ĐTNĐ…
Thứ trưởng đánh giá công tác bảo trì kết cấu hạ tầng, khảo sát đánh giá hiện trạng đang dần đi vào nề nếp, là khởi đầu quan trọng, bước chuẩn bị cho những cải cách lớn hơn. Bên cạnh đó, lãnh đạo Cục cũng hết sức quan tâm kiểm tra, giám sát việc phân cấp, phân quyền quản lý về cảng bến cho một số địa phương…
Thứ trưởng ghi nhận những kết quả Cục ĐTNĐ Việt Nam đã đạt được và mong rằng trong năm 2023, Cục sẽ tiếp tục phát huy để gặt hái được nhiều thành tích hơn nữa, xây dựng Cục ĐTNĐ ngày càng vững mạnh hơn.
Bước sang năm 2023 với nhiều khó khăn phía trước, Thứ trưởng chỉ đạo lãnh đạo Cục ĐTNĐ Việt Nam giữ vững khối đoàn kết nội bộ, tập trung khắc phục những tồn tại để vượt qua thử thách, hoàn thành nhiệm vụ đề ra. Thứ trưởng yêu cầu Cục ĐTNĐ tập trung rà soát VB QPPL để kịp thời bổ sung, sửa đổi; tiếp tục kiện toàn tổ chức cán bộ, đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng, tuyển dụng nhân sự; tiếp tục hoàn thành các công tác bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông; công tác bảo đảm TT ATGT đặc biệt đối với tàu SB; tập trung vào công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí…/.
KC