Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng trả lời nhiều vấn đề nóng tại phiên chất vấn của Quốc hội, chiều nay (7/6)

Thứ tư, 07/06/2023 21:29
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Chiều nay (7/6), lần đầu trả lời chất vấn trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng đã nhận được 110 câu hỏi của các đại biểu quan tâm đến các vấn đề của Ngành GTVT. Đó là các câu hỏi liên quan đến kết cấu hạ tầng giao thông, đăng kiểm, đào tạo cấp giấy phép lái xe...


Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng tại phiên chất vấn trước Quốc hội, chiều nay (7/6)

Phát biểu tại Hội trường, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng bày tỏ sự cảm ơn tới lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã luôn quan tâm, chỉ đạo sát sao, toàn diện, mọi mặt công tác của ngành GTVT; các đại biểu Quốc hội, đồng bào và cử tri cả nước đã luôn đồng hành, ủng hộ, đóng góp nhiều ý kiến, giải pháp quý báu, sâu sắc đối với ngành. Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cũng chia sẻ bản thân mới có 7 tháng kinh nghiệm trong lĩnh vực này nhưng không chỉ riêng cá nhân, với tinh thần cầu thị, trách nhiệm, Bộ GTVT luôn lắng nghe, tiếp thu đầy đủ các ý kiến để nâng cao hơn nữa hiệu quả quản lý ngành.


Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng

"Những ý kiến đóng góp sâu sắc, tâm huyết, trách nhiệm của các vị đại biểu Quốc hội chính là động lực, là hành trang tri thức giúp tôi cùng ngành GTVT phấn đấu hoàn thành tốt trọng trách được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng bày tỏ.

Tại Quốc hội, các đại biểu Quốc hội đồng tình cho rằng, được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, sự phối hợp trách nhiệm, hiệu quả của các Bộ, ngành trung ương và của địa phương, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông nước ta đã có những đột phá đáng ghi nhận, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế và hội nhập quốc tế của đất nước. Nhiều công trình giao thông quan trọng, quy mô lớn được tập trung đầu tư; đẩy nhanh tiến độ sớm đưa vào khai thác, bảo đảm chất lượng, phát huy hiệu quả đầu tư. Năng lực hệ thống kết cấu hạ tầng được nâng lên đáng kể, bảo đảm kết nối giữa các vùng miền trong cả nước và giao thương quốc tế, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, góp phần tạo diện mạo mới cho đất nước.

Kết cấu hạ tầng giao thông đóng vai trò quan trọng trong kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, là một trong ba đột phá chiến lược đã được xác định trong Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, cần ưu tiên đầu tư đồng bộ, hiện đại, tạo tiền đề cho phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, bảo đảm quốc phòng, an ninh, chủ quyền lãnh thổ quốc gia, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững.

Quan tâm về kết cấu hạ tầng giao thông của tỉnh, đại biểu Trần Văn Lâm – Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang nêu rõ, hiện Bắc Giang còn 02 nút thắt giao thông mà cử tri đã phản ánh qua nhiều Kỳ họp Quốc hội. Một là, cầu Cẩm Lý từ những năm 1979 hiện có đường bộ đi chung với đường sắt, tuổi đời đã gần 50 năm trên Quốc lộ 37. Đây là tuyến huyết mạch nối giữa Lạng Sơn, Bắc Giang, Hải Dương, Hải Phòng và Quảng Ninh. Lưu lượng phương tiện quan đây rất lớn thường xuyên ùn tắc và xảy ra nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng. Đây là dự án nằm trong danh mục dự án khẩn cấp được Chính phủ phê duyệt từ năm 2011 nhưng đến nay vẫn chưa có vốn bố trí cho dự án. Hai là, cao tốc Bắc Giang đi vào hoạt động từ tháng 1/2016, đây là tuyến huyết mạch nối cửa khẩu Hữu Nghị với các tỉnh phía Bắc có lưu lượng rất lớn nhưng thường xuyên ùn tắc ở hai cây cầu Như Nguyệt và Xương Giang. Lý do là hai cây cầu này mới có 02 làn xe.


Đại biểu Trần Văn Lâm – Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang

Đại biểu cho biết, cầu Như Nguyệt đã được mở rộng, tuy nhiên nếu không mở rộng cầu Xương Giang thì tình trạng ùn tắc vẫn tiếp tục diễn ra. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho cử tri Bắc Giang biết, trong nhiệm kỳ này, hai nút thắt trên có giải quyết được không?

Cũng quan tâm đến tuyến đường quan trọng này, đại biểu Tạ Văn Hạ - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam chỉ rõ, hàng ngày tại tuyến đường cao tốc Bắc Giang có hàng nghìn lượt xe tải chở thanh long, sầu riêng và những hoa quả khác đang ùn tắc tại địa phận hai cây cầu này. Thậm chí có những trường hợp phải bán hoa quả giải cứu. Bởi vì điểm tắc chính là nút thắt ở hai cầu, mà hai cầu này chỉ có một chiều đi chiều về cùng trên một cây cầu, như vậy rất khó khăn.

Đại biểu Tạ Văn Hạ nhấn mạnh đây là con đường huyết mạch, ngắn nhất từ mũi Cà Mau thông thương với Trung Quốc. Do vậy, đây là vấn đề bức xúc, cần tiến hành khẩn trương. Bên cạnh đó, cây cầu Cẩm Lý cũng từ thập niên 70 đến nay, rất nguy hiểm cho tính mạng người dân. Do đó, đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết cần những thủ tục gì để xử lý vấn đề trên?

Bên cạnh đó, cũng tại phiên chất vấn, đại biểu Thái Quỳnh Mai Dung – Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, thời gian vừa qua, việc triển khai các dự án đường cao tốc được người dân của các địa phương nhiệt tình ủng hộ. Tuy nhiên sau khi dự án hoàn thành thì các đường dân sinh phụ trợ giúp cho xây dựng đường cao tốc xuống cấp nghiêm trọng, gây ra nhiều bất tiện cho cuộc sống, tai nạn giao thông, khiếu nại khiếu kiện.


Đại biểu Thái Quỳnh Mai Dung – Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc

Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết Bộ đã có kế hoạch hoàn trả các tuyến đường này hay chưa, bao giờ thì triển khai được? Giải pháp nào để ngăn chặn tình trạng xuống cấp đường dân sinh trong tương lai khi chúng ta đang và sẽ xây dựng nhiều tuyến đường cao tốc?

Trả lời chất vấn của các đại biểu về kết cấu hạ tầng giao thông, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết, theo quy định của pháp luật hiện hành, các tuyến đường cao tốc, quốc lộ thuộc trách nhiệm của Bộ Giao thông vận tải, các tuyến đường còn lại thuộc trách nhiệm của địa phương. Trong bối cảnh ngân sách trung ương có hạn, nếu ngân sách địa phương bố trí để cùng với Trung ương đầu tư các quốc lộ thì sẽ giải quyết được khó khăn. Đồng thời, Chính phủ đã đề nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép thực hiện cơ chế này.

Về cầu Cẩm Lý, Bộ trưởng cho biết, đây là cây cầu duy nhất ở miền Bắc đi chung đường sắt và đường bộ. Giai đoạn 2021-2025, Bộ Giao thông vận tải đề xuất đưa vào bổ sung nguồn vốn đầu tư công nhưng do nguồn lực có hạn nên chưa bố trí được. Bộ Giao thông vận tải đã tính đến phương án làm việc với các tổ chức quốc tế để bố trí nguồn lực nhưng chưa thành công. Còn đối với cầu Xương Giang, tỉnh Bắc Giang đề nghị Trung ương ủng hộ với tinh thần chia sẻ. Bộ Giao thông vận tải nhận thấy sự cần thiết đầu tư và tham mưu Thủ tướng trình cơ quan có thẩm quyền sử dụng nguồn tăng thu năm 2022 đầu tư cây cầu này, nếu được cấp có thẩm quyền chấp thuận sẽ bố trí nguồn để thực hiện.

Về các giải pháp lâu dài đối với hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông, Bộ Giao thông vận tải sẽ tiếp tục thực hiện xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách; rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật để kịp thời sửa đổi các quy định chưa phù hợp nhằm rút ngắn thời gian, thủ tục đầu tư. Cải cách thủ tục hành chính, thể chế hóa các giải pháp về phân cấp, phân quyền trong huy động, sử dụng nguồn lực ở trung ương và địa phương tạo điều kiện để các địa phương cùng đầu tư ngân sách vào các hạ tầng dùng chung, hạ tầng liên kết vùng.

Đồng thời, cần huy động tối đa các nguồn lực ngoài ngân sách, sử dụng hiệu quả nguồn vốn ngân sách nhà nước với mục tiêu lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư, áp dụng linh hoạt các loại hợp đồng đầu tư theo phương thức PPP phù hợp với đặc điểm, lợi thế của từng lĩnh vực, xây dựng và áp dụng cơ chế chia sẻ rủi ro hợp lý, bảo đảm lợi ích của nhà nước, nhà đầu tư và người sử dụng.

Ngoài ra, tiếp tục nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn, trong đó tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông quan trọng như đầu tư các tuyến đường bộ cao tốc, quốc lộ trọng yếu, đường sắt tốc độ cao, đường sắt đô thị, các cảng biển, cảng hàng không quan trọng; tái cơ cấu thị phần vận tải theo hướng giảm thị phần vận tải đường bộ, tăng thị phần các phương thức vận tải đường thủy nội địa và đường sắt. 

Trong phiên chất vấn, các đại biểu cũng giành nhiều câu hỏi về các vấn đề liên quan đến đăng kiểm; công tác đào tạo sát hạch cấp giấy phép lái xe; giảm chi phí vận tải, logicstics...; Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng cho biết, chi phí logistics những năm vừa qua đã có cải thiện đáng kể. Tính đến năm 2022, logistics chiếm 16,8% GDP trong khi những năm trước là 21% GDP. Mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 chi phí logistics sẽ ở mức 16- 20%.

“Hiện chúng ta đã ở mức tiệm cận rồi nhưng vẫn ở mức cao so với thế giới, bình quân thế giới chiếm chỉ khoảng 11%”, Bộ trưởng nói và cho biết, thời gian tới cần triển khai nhiều giải pháp.

Trong đó, theo Bộ trưởng, tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng, tăng cường kết nối cảng biển với cao tốc và đường thủy nội địa. Vừa qua, các kết nối này đem lại hiệu quả rất cao. Tại cảng Cái Mép - Thị Vải có hơn 70% container được vận chuyển bằng đường thuỷ nội địa, trong khi cảng Lạch Huyện và các cảng ở phía Bắc chỉ đạt 13,4% bởi gặp bất cập khi một số cầu không đảm bảo tĩnh không.

Để khắc phục, Bộ GTVT đã lập dự án để nâng tĩnh không các cầu này.

Giải pháp tiếp theo là rà soát, nghiên cứu, đề xuất các chính sách liên quan đến giá, chi phí vận tải như phí đường bộ, phí hạ tầng cảng biển, lệ phí ra vào cảng biển… Đồng thời, tập trung ban hành các cơ chế, chính sách liên quan đến vận hành khai thác các chuỗi cung ứng logistics để các doanh nghiệp khai thác logistics và doanh nghiệp cảng biển có thể giảm chi phí, nâng cao khả năng cạnh tranh.

Song song với đó, ứng dụng công nghệ thông tin vào kiểm soát chi phí để phát triển cảng xanh, cảng thông minh, góp phần giảm thời gian tiếp nhận tàu ra/vào và tăng năng suất khai thác.

Liên quan đến băn khoăn của đại biểu Nguyễn Thị Huế khi thời gian vừa qua, tại một số địa phương, công tác quản lý đào tạo, sát hạch, cấp đổi giấy phép lái xe còn hạn chế, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết, vừa qua Bộ GTVT vừa qua đã thanh tra toàn diện nội dung này tại 63 tỉnh thành, ghi nhận một số bất cập.

“Khi phát hiện, tôi đã chỉ đạo Thanh tra Bộ xử lý nghiêm, chuyển 6 hồ sơ sang cơ quan công an để điều tra, làm rõ”, Bộ trưởng nói và cho biết, Bộ GTVT khẩn trương chỉ đạo, sửa đổi các văn bản, thông tư liên quan nhằm siết chặt quản lý, khắc phục các tồn tại.

Hoạt động đăng kiểm là vấn đề được rất nhiều đại biểu quan tâm và đặt câu hỏi.

Đại biểu Đặng Bích Ngọc (đoàn Hòa Bình) cho biết, trong thời gian qua, tại các trung tâm đăng kiểm nhiều nơi đã đóng cửa, gây bức xúc và khó khăn cho người dân và doanh nghiệp. “Qua tiếp xúc cử tri, có nhiều ý kiến đề nghị tạo điều kiện để mở lại các trung tâm này. Đề nghị Bộ trưởng có giải pháp gì để sớm triển khai nội dung này”, bà Ngọc nói.

Trả lời, Bộ trưởng Thắng cho biết, vừa qua có một số nhân viên và lãnh đạo các trung tâm đăng kiểm bị khởi tố, hiện tại chưa mở lại được vì thiếu cán bộ và đăng kiểm viên. Cả nước hiện còn hai tỉnh là Bắc Kạn và Hòa Bình chưa có trung tâm đăng kiểm nào được mở lại.

Với Hòa Bình, Bộ GTVT đã làm việc với Bí thư Tỉnh ủy và Giám đốc Sở GTVT để tìm giải pháp. Vừa qua, Bộ hỗ trợ địa phương đào tạo nhân lực, thi tuyển, cấp chứng chỉ để tìm người giữ cương vị lãnh đạo trung tâm đăng kiểm. Bộ cũng phối hợp với Sở địa phương bố trí đăng kiểm viên.

"Trung tâm đăng kiểm ở Hòa Bình sẽ sớm được mở lại", Bộ trưởng cho biết.

Đại biểu Trần Thị Kim Nhung (Thường trực Ủy ban Pháp luật) nói vụ việc xảy ra tại các trạm đăng kiểm vừa qua gây thiếu hụt trầm trọng đăng kiểm viên, dẫn đến các trung tâm trên cả nước bị quá tải. Bà đề nghị Bộ trưởng nêu giải pháp, hướng xử lý vấn đề này trong thời gian tới.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết, sai phạm tại các trung tâm đăng kiểm xảy ra là hết sức đáng tiếc. Cả nước có xấp xỉ 2.000 đăng kiểm viên, nhưng đến nay đã mất gần 1/3 bị khởi tố. Trong khi đó, để tuyển dụng được một đăng kiểm viên mất rất nhiều thời gian đào tạo, tuyển dụng và trải qua nhiều bước trong một năm để cấp chứng chỉ.

Để khắc phục, Bộ GTVT đã đề nghị Bộ Công an, Bộ Quốc phòng hỗ trợ lực lượng đăng kiểm viên. Bộ cũng huy động đăng kiểm viên ở các trung tâm toàn quốc vào làm việc tại các nơi đang thiếu hụt. Nhiều người phải làm việc cả ngày nghỉ, không có ngày Tết.

Hiện nay, Cục Đăng kiểm Việt Nam đã chuẩn bị được 350 nhân lực đăng kiểm viên. Sắp tới, Bộ sẽ trình Thủ tướng điều chỉnh lại văn bản quy định hoạt động đăng kiểm, để không nhất thiết một dây chuyền cần đủ ba đăng kiểm viên.

"Nhân lực phục vụ thời gian tới chắc chắn sẽ đầy đủ. Tôi cam kết hết tháng 6, chậm nhất không quá đầu tháng 7 hoạt động đăng kiểm sẽ trở lại bình thường", Bộ trưởng nói.

Sau khi kết thúc phần trả lời chiều nay, Bộ trưởng GTVT sẽ có khoảng 1 tiếng tiếp tục trả lời chất vấn về các vấn đề của ngành vào sáng mai 8/6. Theo thống kê, có tới 110 câu hỏi chất vấn được gửi tới Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng trong lần đầu tiên ông trả lời chất vấn tại Quốc hội.

P.V (t/h quochoi.vn)

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)