Thứ trưởng Lê Đình Thọ: Ngành Đăng kiểm khó khăn mấy cũng phải vượt qua để phục vụ nhân dân

Thứ năm, 19/10/2023 21:37
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Chiều 19/10, tại Hà Nội, Cục Đăng kiểm Việt Nam (ĐKVN) tổ chức Hội nghị đánh giá tình hình hoạt động kiểm định phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, đề xuất giải pháp phòng ngừa nguy cơ ùn tắc phương tiện kiểm định vào những tháng cuối năm 2023 và trong năm 2024, tiếp tục thực hiện Nghị định số 30/2023/NĐ-CP của Chính phủ quy định về kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới.

Tham dự Hội nghị có Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ, đại diện Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường, Thanh tra Bộ; đại điện Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng; đại diệnHiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam; 19 Sở GTVT các tỉnh và các đơn vị cung cấp thiết bị kiểm định xe cơ giới. Đồng thời, Hội nghị cũng có sự tham gia trực tiếp của 44 Sở GTVT các tỉnh và hơn 200 Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới trên cả nước.

Về phía Cục ĐKVN có sự tham gia của Cục trưởng Nguyễn Chiến thắng, Phó Cục trưởng Nguyễn Tô An cùng cán bộ các Phòng ban và 64 cán bộ trẻ được quy hoạch vào các chức danh lãnh đạo của Ngành giai đoạn 2021-2026.

Cục trưởng Cục ĐKVN Nguyễn Chiến Thắng phát biểu khai mạc Hội nghị

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Cục trưởng Cục ĐKVN Nguyễn Chiến Thắng cho biết, sau gần 5 tháng triển khai Nghị định 30/2023/NĐ-CP đến nay, hoạt động kiểm định xe cơ giới cơ bản ổn định, không còn tình trạng ùn tắc, đáp ứng nhu cầu kiểm định xe của người dân và doanh nghiệp.

Đến nay, toàn quốc có 271/288 (chiếm khoảng 95%) trung tâm đăng kiểm với số dây chuyền đã được đầu tư là 510/536 dây chuyền (chiếm 95,15%) nhưng thực tế mới có 435/536 dây chuyền kiểm định đang hoạt động.

Thời gian vừa qua, Cục Đăng kiểm Việt Nam đã rà soát, nghiên cứu, đánh giá số liệu cụ thể nhu cầu kiểm định xe của người dân ở các tỉnh, thành phố cũng như khả năng đáp ứng ở từng trung tâm đăng kiểm. Qua đó cho thấy, trong thời gian tới, nếu không chuẩn bị tốt, tình trạng ùn tắc có thể tiếp tục xảy ra. Cục trưởng Nguyễn Chiến Thắng mong muốn Hội nghị là cơ hội để các cơ quan, đơn vị đóng góp ý kiến, tiếp tục nghiên cứu để cùng nhau có giải pháp để hạn chế tối đa hiện tượng ùn tắc tại các Trung tâm đăng kiểm trên cả nước.

Báo cáo đánh giá tình hình hoạt động kiểm định phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, đề xuất giải pháp phòng ngừa nguy cơ ùn tắc phương tiện kiểm định vào những tháng cuối năm 2023 và trong năm 2024, tiếp tục triển khai thực hiện Nghị định số 30/2023/NĐ-CP, Phó Cục trưởng Cục ĐKVN Nguyễn Tô An cho biết, hiện vẫn còn nhiều trung tâm đăng kiểm (TTĐK) đang bị cơ quan công an các địa phương điều tra, xác minh.

Phó Cục trưởng Cục ĐKVN Nguyễn Tô An trình bày báo cáo

Do đó, thời gian tới có thể sẽ có thêm các lãnh đạo và đăng kiểm viên (ĐKV) bị khởi tố, thậm chí có thể bị tạm giam, nên số lượng ĐKV trong thời gian tới có thể tiếp tục bị thiếu hụt và khả năng đáp ứng nhu cầu kiểm định phương tiện của người dân sẽ bị sụt giảm.

Bên cạnh đó, khi các ĐKV bị đưa ra xét xử cũng sẽ tạo tâm lý bất ổn, áp lực cho những ĐKV khác đang làm việc, dẫn đến năng suất, hiệu suất kiểm định bị suy giảm, thậm chí còn góp phần cho việc gia tăng nguy cơ bị ùn tắc phương tiện vào kiểm định.

Tâm lý bất ổn, lo sợ ở hầu hết các đăng kiểm viên và trung tâm đăng kiểm là một trong những nguyên nhân làm suy giảm hiệu suất, năng suất làm việc của hệ thống đăng kiểm, thậm chí còn khiến gia tăng nguy cơ bị ùn tắc phương tiện vào kiểm định.

Ngoài ra, các trung tâm đăng kiểm còn bị sụt giảm nguồn thu do một lượng lớn các phương tiện được miễm kiểm định lần đầu, kéo dài thời gian chu kỳ kiểm định, được gia hạn tự động ngay chu kỳ kiểm định mới mà không phải đưa xe đến kiểm định. Trong khi đó, giá dịch vụ kiểm định hiện tại được ban hành cách đây đã 10 năm, chưa có quy định về giá thu cho việc cấp miễn kiểm định lần đầu, in, cấp lại Giấy chứng nhận, Tem  kiểm định bị hỏng mất..., gây ảnh hưởng lớn đến nguồn thu và kế hoạch tài chính của các TTĐK, nhiều TTĐK nguồn thu không đủ bù đắp chi phí.

Ông An cho biết thêm, theo báo cáo của các Sở GTVT, hiện nay chi phí cho kiểm định, hiệu chuẩn thiết bị, dụng cụ kiểm tra của TTĐK rất nhiều và không đồng nhất việc chi trả tiền kiểm định, hiệu chuẩn thiết bị kiểm tra gây khó khăn cho các TTĐK.

Được biết, việc này trước đây do Cục ĐKVN thực hiện và thu giá theo quy định tại Thông tư số 238/2016 chỉ có 450 nghìn đồng/1 thiết bị.

Trong khi giá kiểm định thiết bị đo phân tích khí xả của các đơn vị kiểm định được chỉ định (theo thông báo ngày 16/8/2023 của Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng -Bộ Khoa học và Công nghệ) thu giá không đồng nhất từ  8 – 11,5 triệu đồng/1 thiết bị hoặc như thước đo khi mua chỉ có giá  300 nghìn đồng/1 thước đo nhưng giá kiểm định từ 800 nghìn đồng đến 1,5 triệu đồng/1 thước đo 20m, 750 nghìn đồng/1 thước đo 5m.

Các đơn vị kiểm định, hiệu chuẩn các dụng cụ, thiết bị đo nhóm 2 do Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng cung cấp vừa không trực tiếp đến TTĐK để thực hiện, vừa không có khả năng thực hiện kiểm định, hiệu chuẩn được hết tất cả các thiết bị, dụng cụ đo (có đơn vị chỉ có chức năng kiểm định hiệu chuẩn 1 thiết bị, có đơn vị chỉ có chức năng kiểm định được 1 thiết bị và 1 dụng cụ), vừa không có mật khẩu và thiết bị giải mã để mở vào các phần mềm của thiết bị kiểm tra để phục vụ cho việc  kiểm định, hiệu chuẩn (mật khẩu và thiết bị giải mã này chỉ có nhà cung cấp thiết bị mới có).

Điều này đã khiến các TTĐK gặp nhiều khó khăn khi thực hiện quy định về kiểm định, hiệu chuẩn các thiết bị trong dây chuyền kiểm định.

Bên cạnh đó, một số TTĐK phải sửa chữa lại cơ sở vật chất (máy móc, thiết bị, mặt bằng xưởng kiểm  định, khu vực kiểm tra) và đầu tư một số dụng cụ kiểm tra, đánh giá thiết bị kiểm tra do trước đây chưa làm đúng theo quy định của quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN) về đơn vị đăng kiểm; máy móc, thiết bị chưa được quan tâm, chăm sóc, bảo dưỡng, sửa chữa theo hướng dẫn của nhà sản xuất. 

Theo ông Nguyễn Tô An, nắm bắt được khó khăn của các TTĐK, Cục ĐKVN đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong hoạt động kiểm định xe cơ giới, đồng thời, tổ chức đi kiểm tra, động viên một số TTĐK ở các địa phương, tổ chức nhiều cuộc họp trực tiếp, trực tuyến với các TTĐK trong toàn quốc để giải đáp thắc mắc, khích lệ, động viên tinh thần cho các ĐKV thực hiện  đúng các quy định của pháp luật để yên tâm công tác, cùng đoàn kết, tương thân, tương ái vượt qua giai đoạn khó khăn, không hèn nhát, yếu đuối, ích kỷ tự bỏ việc, nghỉ việc mà không có lý do chính đáng.

Về giá dịch vụ kiểm định xe cơ giới, Cục ĐKVN đã có văn bản đề nghị Bộ GTVT báo cáo Chính phủ sớm ban hành Nghị định cho phép Bộ GTVT ban hành giá dịch vụ kiểm định xe cơ giới đang lưu hành theo hình thức giá tối đa. Trên cơ sở đó, Bộ GTVT sớm ban hành thông tư điều chỉnh mức giá dịch vụ kiểm định xe cơ giới đang lưu hành nhằm tháo gỡ khó khăn cho các TTĐK hiện nay.

Cùng với đó, đề xuất Bộ GTVT xem xét nội dung dự thảo thông tư quy định giá dịch vụ lập hồ sơ phương tiện được miễn kiểm định lần đầu và dịch vụ in lại Giấy chứng nhận và Tem kiểm định để sớm được ban hành.

Đông đảo các đại biểu tham dự Hội nghị tại Cục ĐKVN

Về sửa chữa cơ sở vật chất (máy móc, thiết bị, mặt bằng xưởng kiểm định  và khu vực kiểm tra), trang bị các dụng cụ kiểm tra, đánh giá tình trạng hoạt động  của các thiết bị kiểm tra, Cục ĐKVN đã nghiên cứu, tìm hiểu và phối hợp với các nhà cung cấp thiết  bị, chỉ đạo rà soát, kiểm tra, đánh giá các thiết bị kiểm tra, tình trạng lắp đặt, mặt bằng khu vực kiểm tra để hướng dẫn và yêu cầu các TTĐK thực hiện chưa đúng chủ động khắc phục như phải sửa chữa, thay thế các thiết bị cũ không còn chuẩn, sửa chữa mặt bằng nhà xưởng, đặc biệt là tại các khu vực kiểm tra có mặt bằng, khoảng cách không chuẩn; đã đề nghị các đơn vị cung cấp dụng cụ kiểm tra, đánh giá tình trạng hoạt động của thiết bị kiểm tra cung cấp cho TTĐK với giá phù hợp (thấp hơn so với báo giá ban đầu).

Ngoài ra, đã đề xuất Bộ GTVT điều chỉnh sửa đổi, bổ  sung quy định về nội dung này trong dự thảo QCVN về đơn vị đăng kiểm xe cơ giới thay thế QCVN 103:2019/BGTVT, theo hướng phù hợp với thực tế và giảm  nhẹ việc bắt buộc phải đầu tư một số dụng cụ, thiết bị để cho TTĐK không phải mất nhiều chi phí đầu tư mua sắm.

Đối với việc kiểm định, hiệu chuẩn thiết bị kiểm tra nhóm 2 theo quy định pháp luật đo lường, Cục ĐKVN đã đề xuất Bộ GTVT có văn bản đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ chỉ đạo Tổng cục Tiêu  chuẩn Đo lường Chất lượng yêu cầu các đơn vị cung cấp dịch vụ kiểm định, hiệu chuẩn các dụng cụ, thiết bị đo nhóm 2 cho các TTĐK thống nhất mặt bằng giá dịch vụ thu đối với từng thiết bị, dụng cụ đo phải kiểm định, hiệu chuẩn.

Từ đó, tạo điều kiện thuận lợi cho các TTĐK khi thực hiện, rút ngắn thời gian thực hiện thấp nhất có thể để các TTĐK nhanh chóng đưa được các thiết bị, dụng cụ vào hoạt động (hạn chế việc TTĐK bị dừng hoạt động do phải mang thiết bị đi kiểm định, hiệu chuẩn và chờ  đợi nhiều ngày).

Trong khuôn khổ Hội nghị, đại diện các Sở GTVT và trung tâm đăng kiểm, Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam đã đưa ra loạt để xuất các giải pháp để tháo gỡ ùn tắc.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho biết, đầu tuần tới, thứ trưởng sẽ chủ trì họp với Cục ĐKVN về việc dự báo khó khăn thách thức của lĩnh vực đăng kiểm thời gian tới, từ đó, có phương án các giải pháp cụ thể để triển khai tháo gỡ.

Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ phát biểu kết luận Hội nghị

Nhấn mạnh tinh thần lĩnh vực đăng kiểm khó khăn mấy cũng phải vượt qua để phục vụ nhân dân, Thứ trưởng cho biết, theo Nghị định 30/2023, nhiệm vụ của Sở GTVT rất quan trọng. Từ đó, thứ trưởng yêu cầu giám đốc các sở GTVT phải quan tâm đến lĩnh vực đăng kiểm, để không tạo ra các điểm nóng, phức tạp đến mấy cũng phải tháo gỡ.

Thời gian tới, nhóm phương tiện được gia hạn kiểm định sẽ bắt đầu quay trở lại kiểm định khi đến hạn làm tăng nhu cầu kiểm định xe cơ giới, Thứ trưởng đề nghị các Sở GTVT địa phương, các hiệp hội vận tải tuyên truyền, vận động người dân và doanh nghiệp chủ động đưa xe đi đăng kiểm mà không nhất thiết phải chờ đến ngày hết hạn kiểm định để hạn chế tình trạng ùn tắc,

Đối với vấn đề nhân lực đăng kiểm viên, Thứ trưởng đề nghị Cục ĐKVN chủ động xây dựng nguồn nhân lực mới bù cho số đăng kiểm viên bị khởi tố, nghỉ việc. Đồng thời, yêu cầu các địa phương, các trung tâm đăng kiểm phải hỗ trợ nhau trong điều tiết nhân sự.

Thứ trưởng cho biết rất tâm đắc với câu nói của Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng: "Các trung tâm đăng kiểm bình thường có thể cạnh tranh nhau khốc liệt nhưng khi khó khăn phải cùng chia sẻ, đoàn kết, hỗ trợ nhau". Chúng ta cần nhất quán quan điểm chỉ đạo này để cùng hành động, vượt khó khăn, thử thách", Thứ trưởng nhấn mạnh và cho biết: Kể cả phải làm ngày, làm đêm; ba ca bốn kíp cũng phải quyết tâm tháo gỡ.

Thứ trưởng cũng lưu ý cần xem xét lại quy trình tuyển dụng, tập huấn đăng kiểm viên theo hướng rút gọn thời gian tập huấn, nhất là đối với các kỹ sư ô tô, cơ khí ô tô để nhanh chóng có được nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu của hệ thống kiểm định. Quy định nào ở thông tư, quy chuẩn cần sửa đổi để thực hiện phải nghiên cứu đề xuất bộ.

Đối với việc nâng cao trách nhiệm quản lý, Thứ trưởng cho biết, Nghị định 30/2023 đã phân cấp, phân quyền mạnh mẽ, cần xác định rõ vai trò, nhiệm vụ của Cục ĐKVN, của Sở GTVT để thực hiện cho sát, cho hiệu quả. Các Sở GTVT phải nhận thức được trách nhiệm của mình trong quản lý hoạt động đăng kiểm trên địa bàn, không thể đưa ra các lý do để chậm trễ trong thực hiện nhiệm vụ.

Thứ trưởng đề nghị Cục ĐKVN cần xem xét quy trình kiểm định phương tiện sao cho phù hợp với thực tiễn ở Việt Nam, tạo thuận lợi trong công tác kiểm định của đăng kiểm viên cũng như cho người dân, doanh nghiệp./.

KC

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)