Xây dựng Luật Đường bộ để huy động tối đa nguồn lực phát triển hạ tầng

Thứ sáu, 10/11/2023 11:06
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho rằng, việc xây dựng dự án Luật Đường bộ được kỳ vọng tạo cơ chế huy động tối đa nguồn lực để phát triển kết cấu hạ tầng đường bộ.

Tạo đột phá phát triển hạ tầng giao thông đường bộ

Sáng 10/11, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội nghe Chính phủ trình dự án Luật Đường bộ.

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thắng thay mặt Chính phủ đọc tờ trình dự án luật.

Xây dựng Luật Đường bộ để huy động tối đa nguồn lực phát triển hạ tầng - Ảnh 1.

Sáng 10/11, tại Nhà Quốc hội, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng

thay mặt Chính phủ đọc tờ trình dự án Luật Đường bộ.

Bộ trưởng cho biết, sau 15 năm, Luật Giao thông đường bộ 2008 đã bộc lộ một số vướng mắc cần sửa đổi, bổ sung, đặc biệt là các quy định về cơ chế để huy động các nguồn lực xã hội trong việc xây dựng kết cấu hạ tầng đường bộ.

"Việc xây dựng dự án Luật Đường bộ là rất cần thiết, được kỳ vọng tạo cơ chế để huy động tối đa nguồn lực, tạo đột phá phát triển kết cấu hạ tầng đường bộ, làm cơ sở kết cấu lại các phương thức vận tải, nâng cao chất lượng dịch vụ, đảm bảo an toàn vận tải đường bộ", Bộ trưởng nói.

Hôm nay, Quốc hội thảo luận về 2 dự án luật giao thông đường bộ - Ảnh 1.

Sáng nay, Quốc hội nghe Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thắng

đọc tờ trình dự án Luật Đường bộ.

Dự thảo Luật Đường bộ gồm 6 chương, 92 điều. Ba chương của Luật này được chuyển sang Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Đó là các chương về quy tắc giao thông đường bộ, người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ, phương tiện tham gia giao thông đường bộ.

Dự thảo Luật Đường bộ sẽ bổ sung quy định tổ chức giao thông phân định rõ tốc độ thiết kế của đường, tốc độ khai thác trên đường bộ, trách nhiệm đầu tư xây dựng công trình đường bộ; Bổ sung trách nhiệm quản lý, vận hành khai thác, sử dụng và bảo trì kết cấu hạ tầng đường bộ.

Bên cạnh đó dự thảo cũng đưa thêm quy định về trung tâm quản lý hệ thống giao thông thông minh, quy định trạm dừng nghỉ, bến xe phải có hệ thống sạc điện cho phương tiện giao thông cơ giới sử dụng năng lượng điện; Bổ sung quy định thu phí sử dụng đường cao tốc đối với phương tiện lưu thông trên tuyến đường cao tốc do Nhà nước đầu tư, sở hữu, quản lý và khai thác, thanh toán điện tử giao thông...

Đánh giá kỹ tính khả thi và thống nhất trong hệ thống pháp luật

Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới cơ bản tán thành phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật Đường bộ để tập trung những quy định chuyên sâu về kết cấu hạ tầng đường bộ và hoạt động vận tải đường bộ.

Tuy nhiên, theo ông Tới, vẫn còn một số ý kiến khác nhau về nguồn tài chính để đầu tư xây dựng, quản lý, vận hành, khai thác và bảo trì kết cấu hạ tầng đường bộ. Trong đó, có ý kiến đề nghị rà soát lại các quy định của dự thảo Luật để bảo đảm tính thống nhất với Luật Ngân sách Nhà nước.

Xây dựng Luật Đường bộ để huy động tối đa nguồn lực phát triển hạ tầng - Ảnh 3.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới

trình bày báo cáo thẩm tra dự án Luật Đường bộ.

Một số ý kiến khác đề nghị bổ sung quy định cụ thể hơn về nguồn tài chính để đầu tư xây dựng, quản lý, vận hành, khai thác và bảo trì kết cấu hạ tầng đường bộ với các tuyến đường liên vùng, liên tỉnh.

Cũng có ý kiến đề nghị rà soát quy định về việc hỗ trợ ngân sách cho địa phương khác để đảm bảo tính thống nhất với pháp luật về ngân sách Nhà nước.

Một số ý kiến cho rằng, dự thảo Luật quy định phí sử dụng đường bộ thu qua phương tiện giao thông cơ giới đường bộ và phí sử dụng đường cao tốc thu đối với phương tiện lưu thông trên tuyến đường cao tốc do Nhà nước đầu tư, sở hữu, quản lý và khai thác có thể dẫn đến thu trùng các loại phí liên quan đến đường bộ.

Ý kiến này cho rằng, dự thảo Luật quy định điều khoản chuyển tiếp giao Chính phủ thẩm quyền quyết định xử lý thu phí chồng phí là chưa bảo đảm minh bạch về chính sách.

“Việc thu phí, quản lý, sử dụng phí phải đúng nguyên tắc, quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước, vừa tạo nguồn lực để phát triển, duy trì, bảo vệ kết cấu hạ tầng đường bộ, vừa khuyến khích phát triển, thúc đẩy hoạt động vận tải đường bộ và góp phần điều tiết kinh tế vĩ mô.

Do đó, đề nghị xem xét, đánh giá kỹ sự cần thiết, tính khả thi và tính thống nhất trong hệ thống pháp luật”, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới nêu.

Liên quan hoạt động vận tải đường bộ, theo ông Tới, một số ý kiến nhất trí với quy định của dự thảo Luật về quy định một số tổ chức, cá nhân sử dụng ứng dụng công nghệ thông tin để hỗ trợ kết nối giữa tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ vận chuyển với hành khách hoặc người thuê giao hàng được xếp vào loại hình hoạt động kinh doanh vận tải bằng ô tô.

Luồng ý kiến này chỉ ra: “Các tổ chức, cá nhân hỗ trợ kết nối giữa tổ chức, cá nhân vận chuyển với khách hàng đều phải có trách nhiệm bảo đảm tổ chức, cá nhân vận chuyển đủ năng lực, đáp ứng các điều kiện kinh doanh vận tải và các quy định khác của pháp luật có liên quan và phải chịu trách nhiệm liên đới về những hậu quả pháp lý cũng như thiệt hại phát sinh (nếu có) trong quá trình vận chuyển”.

Song theo ông Tới, cũng có ý kiến cho rằng, quy định một số tổ chức, cá nhân sử dụng, ứng dụng công nghệ thông tin để hỗ trợ kết nối giữa tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ vận chuyển với hành khách hoặc người thuê giao hàng được xếp vào loại hình hoạt động kinh doanh vận tải bằng ô tô là không đúng với bản chất kinh doanh.

Luồng ý kiến này cho rằng, việc sử dụng các công đoạn như quy định trong dự thảo Luật để định nghĩa kinh doanh vận tải không thể hiện đúng đặc thù hoạt động của các doanh nghiệp công nghệ, không khuyến khích được hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động vận tải, không phù hợp với tình hình thực tiễn và chủ trương của Đảng về phát triển công nghệ thông tin.

Những ý kiến này đề nghị quy định hoạt động nêu trên là dịch vụ phần mềm hỗ trợ kết nối vận tải bằng xe ô tô.

Vì vậy, Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề nghị nghiên cứu, xác định rõ vai trò, trách nhiệm của từng chủ thể để có các tiêu chí, điều kiện hoạt động và cơ chế quản lý phù hợp đối với các chủ thể tham gia vào hoạt động vận tải đường bộ. Từ đó, bảo đảm công bằng giữa các loại hình kinh doanh phù hợp với công tác quản lý, tình hình thực tiễn và chủ trương của Đảng về phát triển công nghệ thông tin. 

Báo Giao thông

Nguồn: Báo Giao thông

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)