Nhắc lại câu thơ "Tổ quốc tôi như một con tàu/Mũi thuyền ta đó – mũi Cà Mau", Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng mỗi người Việt Nam và mỗi người nước ngoài tới Việt Nam đều muốn đặt chân đến Cà Mau.
Sáng 9/12, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh Cà Mau, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự lễ công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư tỉnh Cà Mau.
Cùng tham dự chương trình có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Dương Thanh Bình, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải; lãnh đạo các bộ ngành, cơ quan Trung ương, tỉnh Cà Mau và một số tỉnh khu vực ĐBSCL, đại diện một số cơ quan, tổ chức quốc tế, các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng cho biết Đảng, Nhà nước đã nhận diện những khó khăn, thách thức này và đề ra, triển khai các nhiệm vụ, giải pháp phát triển nhanh, bền vững khu vực ĐBSCL, nhất là triển khai 3 đột phá về hạ tầng, thể chế, nhân lực.
Chính phủ đã ban hành chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 13 của Bộ Chính trị, Thủ tướng đã phê duyệt quy hoạch vùng. Gần đây nhất, chúng ta đang triển khai chương trình 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp tại ĐBSCL. Nhiều dự án hạ tầng giao thông lớn trong vùng đang được triển khai, gồm các tuyến cao tốc trục ngang và trục dọc.
Với Cà Mau, Thủ tướng cho biết có nhiều điểm tương đồng với vùng, nhưng cũng có nhiều khác biệt, như là tỉnh cực Nam của Tổ quốc, 3 mặt giáp biển. Đây là một điểm khác biệt, là thương hiệu của Cà Mau cần khai thác.
Nhắc lại câu thơ "Tổ quốc tôi như một con tàu/Mũi thuyền ta đó – mũi Cà Mau", Thủ tướng cho rằng mỗi người Việt Nam và mỗi người nước ngoài tới Việt Nam đều muốn đặt chân đến Cà Mau.
Thủ tướng chúc mừng các doanh nghiệp được địa phương trao chủ trương đầu tư,
giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, trao chủ trương tiếp cận,
nghiên cứu, khảo sát dự án - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Thời gian tới, Thủ tướng nêu rõ, cần khẩn trương triển khai quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả Quy hoạch tỉnh, song cần triển khai công việc có trọng tâm, trọng điểm. Trong đó, cần tập trung triển khai đột phá về hạ tầng giao thông, nhất là đường bộ, đường thủy nội địa, hàng không, đường biển.
Thủ tướng nhấn mạnh, phải làm bằng được đường băng để máy bay lớn có thể hạ xuống sân bay Cà Mau sớm nhất có thể, khi nào đông khách hơn thì sẽ mở rộng nhà ga.
Đồng thời, Thủ tướng nêu rõ trong nhiệm kỳ này phải thông tuyến đường bộ cao tốc từ Bắc vào Nam tới Cà Mau và sẽ tiếp tục triển khai xây dựng cao tốc tới tận mũi Cà Mau, thay vì TP. Cà Mau như quy hoạch hiện nay (dự kiến khoảng 70 km nếu đi theo tuyến ngắn nhất, thẳng nhất).
Tiếp đó, chiều 9/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính có buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Cà Mau về việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội và tháo gỡ những khó khăn, điểm nghẽn của địa phương.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng, việc có cơ chế ưu tiên đầu tư
và hỗ trợ đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng của vùng bán đảo Cà Mau
theo đề xuất của tỉnh Cà Mau là hợp lý.
Trước kiến nghị của tỉnh Cà Mau về việc nâng cấp Cảng hàng không Cà Mau để đáp ứng nhu cầu phát triển của địa phương, ông Lại Xuân Thanh, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam cho biết, qua nghiên cứu, việc đầu tư mở rộng Cảng hàng không Cà Mau đáp ứng các dòng tàu bay A321 và Boeing 777 là hoàn toàn khả thi và triển khai được.
"Theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, thi công khoảng 18 tháng. Nếu các thủ tục triển khai nhanh, đến đầu năm 2026 có thể hoàn thành đưa vào khai thác", ông Thanh cho hay.
Cũng theo ông Thanh, để triển khai dự án cần điều chỉnh quy hoạch. Trong tuần tới, đơn vị tư vấn sẽ thống nhất với Tổng công ty Hàng không Việt Nam, Cảng hàng không Cà Mau và tỉnh Cà Mau ranh cắm mốc giải phóng mặt bằng.
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng thông tin thêm về việc mở rộng QL1
từ Bạc Liêu đến Cà Mau và đường Hồ Chí Minh đoạn Năm Căn - Đất Mũi (tỉnh Cà Mau).
Ông Thanh cũng đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép vừa triển khai điều chỉnh quy hoạch, vừa triển khai công tác chuẩn bị đầu tư, cố gắng quý II đến đầu quý III/2024 triển khai thi công.
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thắng cho biết, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (AVC) cần phải sớm lập và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư dự án trong quý I/2024. Bộ GTVT cũng rất quan tâm chỉ đạo và phối hợp với địa phương, tạo điều kiện để dự án sớm được triển khai.
Sau khi nghe báo cáo của các đơn vị, Thủ tướng Chính phủ lưu ý, từ năm 2024 đến giữa năm 2025, chuẩn bị đại hội Đảng các cấp.
"Trên tinh thần đó, cố gắng đến tháng 6/2025, hoàn thành nâng cấp sân bay Cà Mau, để các dòng tàu bay A321 và Boeing 777 có thể hạ cánh xuống sân bay Cà Mau", Thủ tướng yêu cầu.
Ông Lại Xuân Thanh, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam.
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng cũng thông tin thêm, theo quy hoạch phát triển đường bộ, Quốc lộ 1 (đoạn từ Bạc Liêu đến Năm Căn, tỉnh Cà Mau) và đường Hồ Chí Minh (đoạn Năm Căn - Đất Mũi) qua địa bàn tỉnh Cà Mau sẽ được nâng cấp, mở rộng trước năm 2030. Nếu phân bổ được kinh phí có thể triển khai trong giai đoạn 2021-2025, còn không phải đến giai đoạn 2026-2030.
"Từ đầu nhiệm kỳ, Bộ GTVT và Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình Chính phủ, Quốc hội về dự án trên, nhưng chưa bố trí được nguồn vốn. Quốc hội cũng đã có nghị quyết cho phép thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư, Bộ GTVT cũng đã có quyết định và đang phối hợp với tỉnh để triển khai các bước tiếp theo", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng thông tin.
Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng, Bộ GTVT đang rà soát để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt điều chỉnh quy hoạch về đường bộ, trong đó, có bổ sung tuyến cao tốc Cà Mau - Đất Mũi.
Đối với tiến độ triển khai thi công cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết, thời hạn cấp bách, nhưng do thiếu nguồn nguyên vật liệu, nên dự án bị chậm 8 tháng so với kế hoạch.
"Với tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đến 2025 là xong. Như vậy, trong năm 2024 phải xong việc đắp nền toàn tuyến. Đến tháng 6/2025, triển khai thảm nhựa, hoàn thành các công trình phụ trợ và an toàn giao thông", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nói.
Bộ trưởng Bộ GTVT cũng đề nghị các địa phương tập trung nguồn lực, tích cực phối hợp làm tốt việc giải phóng mặt bằng, không được chậm trễ.
Trước đó, trưa 9/12, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đi khảo sát việc nâng cấp, cải tạo đường băng sân bay Cà Mau, tiến độ triển khai dự án cao tốc Bắc-Nam đoạn qua tỉnh Cà Mau và cụm dự án Khí-điện-đạm Cà Mau.
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các đơn vị cần cố gắng đẩy nhanh tiến độ,
hoàn thành việc nâng cấp,xây dựng đường băng Cảng hàng không Cà Mau
trong 18 tháng; phần cải tạo nhà ga hành khách sẽ triển khai xây dựng
khi lượng hành khách đông hơn - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Khảo sát việc nâng cấp, cải tạo đường băng Cảng hàng không Cà Mau do Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) triển khai, Thủ tướng chỉ đạo chậm nhất trong quý I/2024, Bộ Giao thông vận tải hoàn thành các công việc liên quan điều chỉnh, bổ sung quy hoạch; địa phương hoàn thành giải phóng mặt bằng; ACV chủ trì thu xếp nguồn vốn cho dự án.
Nhấn mạnh cần nâng cấp đường băng để tiếp nhận được máy bay lớn như Airbus A321, Boeing 737, Thủ tướng yêu cầu các đơn vị cần cố gắng đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành việc nâng cấp, xây dựng đường băng này trong 18 tháng; nếu cần có thể nghiên cứu hình thức chỉ định thầu trên tinh thần bảo đảm đúng các quy định. Phần cải tạo nhà ga hành khách sẽ triển khai xây dựng khi lượng hành khách đông hơn.
Thủ tướng thị sát công trường thi công cao tốc Hậu Giang-Cà Mau
- Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Khảo sát, động viên cán bộ, công nhân đang thi công dự án cao tốc Hậu Giang-Cà Mau thuộc dự án cao tốc Bắc Nam phía Đông, Thủ tướng yêu cầu các đơn vị thi công bảo đảm tiến độ, chất lượng các dự án. Thủ tướng nêu rõ trong nhiệm kỳ này phải thông tuyến đường bộ cao tốc từ Bắc vào Nam tới Cà Mau và sẽ tiếp tục triển khai xây dựng cao tốc tới tận mũi Cà Mau, thay vì TP. Cà Mau như quy hoạch hiện nay (dự kiến khoảng 70 km nếu đi theo tuyến ngắn nhất, thẳng nhất).
Theo báo cáo, các dự án cao tốc từ Cần Thơ xuống Cà Mau hiện đã thi công khoảng 15%, công tác giải phóng mặt bằng cơ bản hoàn thành, toàn tuyến còn khoảng 80 hộ dân tại 5 tỉnh. Nguồn vật liệu đắp nền cũng cơ bản được bảo đảm.
T.H