Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định 1762/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tỉnh Tiền Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó định hướng phát triển nhiều cảng biển, bến cảng, tuyến đường thủy nội địa.
Ảnh minh họa: Cổng TTĐT Tiền Giang
Về lĩnh vực hàng hải, Quy hoạch định hướng ưu tiên duy tu, nâng cấp, bảo trì 2 luồng hàng hải Soài Rạp và Cửa Tiểu, đảm bảo phương tiện hoạt động lưu thông, an toàn trên tuyến.
Cùng với đó sẽ quy hoạch phát triển cảng biển Tiền Giang đạt cảng biển loại III bao gồm: Khu bến Gò Công trên sông Soài Rạp đến cửa biển và sông Vàm Cỏ; có bến tổng hợp, container, bến cảng hàng rời, hàng lỏng/khí và bến khách, đáp ứng cho tàu biển có trọng tải đến 70.000 tấn hoặc lớn hơn phù hợp với điều kiện khai thác của tuyến luồng hàng hải;
Khu bến Mỹ Tho trên sông Tiền đến Vàm Kỳ Hôn có bến tổng hợp, container, hàng rời, hàng lỏng/khí, đáp ứng cho tàu có trọng tải đến 5.000 tấn và bến cảng hành khách cho phương tiện đến 300 khách;
Ngoài ra, quy hoạch các bến phao, khu neo đậu chuyển tải, tránh, trú bão và các cơ sở đóng mới, sửa chữa tàu thủy thuộc vùng nước cảng biển Tiền Giang tại cửa sông Soài Rạp, huyện Gò Công Đông; cồn Tân Long, thành phố Mỹ Tho và khu vực khác có đủ điều kiện.
Đối với hệ thống đường thủy nội địa do Trung ương quản lý, sẽ đầu tư phát triển 5 tuyến đường thủy nội địa quốc gia được xác định tại Quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Với cảng thủy nội địa trên tuyến đường thủy nội địa quốc gia sẽ quy hoạch mới cụm cảng Tiền Giang (loại I - III) trên sông Tiền, sông Soài Rạp, sông Vàm Cỏ, Rạch Lá.
Đối với tuyến đường thủy nội địa địa phương sẽ nâng cấp các tuyến có lưu lượng phương tiện lớn như: Kênh 28, kênh Nguyễn Văn Tiếp, kênh Nguyễn Tấn Thành. Mở mới 1 tuyến kết nối song Tiền với song Vàm Cỏ kết nối với sông Soài Rạp.
Về cảng, bến thủy nội địa do địa phương quản lý sẽ được quy hoạch theo từng nhóm.
Cụ thể, Nhóm I thực hiện quy hoạch mới 9 khu bến hàng hóa trên sông Tiền, sông Soài Rạp, sông Vàm Cỏ, kênh Nguyễn Văn Tiếp, kênh Nguyễn Tấn Thành và 8 khu bến hành khách trên sông Tiền, sông Soài Rạp và các cơ sở đóng mới, sửa chữa phương tiện thủy. Duy trì 8 cảng chuyên dùng, di dời cảng cá Mỹ Tho về khu vực sông Tiền huyện Chợ Gạo.
Nhóm II sẽ quy hoạch 2 bến cảng đường thuỷ nội địa phục vụ phát triển công nghiệp, gồm1 bến cảng nội địa cặp kênh Nguyễn Văn Tiếp tại thị trấn Mỹ Phước phục vụ công nghiệp (khu vực quy hoạch 3 cụm công nghiệp); 1 bến cảng nội địa cặp kênh Nguyễn Tấn Thành tại xã Phước Lập, kết nối đường phát triển vùng Đồng Tháp Mười (ĐT867B).
Nhóm III sẽ duy trì, nâng cấp 2 cảng khách trên sông Tiền (cảng du thuyền Mỹ Tho và cảng khách Cái Bè) và 1 cảng khách trên sông Soài Rạp (cảng Tân Thành kết nối huyện Cần Giờ, thành phố Vũng Tàu).
Đối với các bến thủy nội địa đang hoạt động, địa phương định hướng vận động các chủ bến cơ bản đủ điều kiện hoạt động thực hiện việc cải tạo, nâng cấp các bến đảm bảo an toàn giao thông. Đồng thời, có kế hoạch thực hiện di dời, dừng khai thác các bến không đủ điều kiện.
P.V