Sáng nay (10/1), Cục Đường sắt Việt Nam tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2023 và triển khai kế hoạch năm 2024. Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng đã tới dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.
Tham dự Hội nghị có Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy, đại diện lãnh đạo Công đoàn GTVT Việt Nam, Đảng ủy Bộ GTVT, Văn phòng Ban Cán sự đảng, Văn phòng Ủy ban ATGT quốc gia, các cơ quan đơn vị thuộc Bộ GTVT, Ban Quản lý dự án đường sắt, Tổng công ty ĐSVN cùng toàn thể lãnh đạo, công chức Cục ĐSVN.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị tổng kết năm 2023,
triển khai kế hoạch năm 2024 của Cục ĐSVN
Báo cáo tại Hội nghị, Phó Cục trưởng Cục ĐSVN Nguyễn Huy Hiền cho biết: Năm 2023 với sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Cán sự đảng, Lãnh đạo Bộ, Đảng ủy Bộ GTVT, sự phối hợp của các cơ quan, các cấp chính quyền địa phương, tập thể lãnh đạo, công chức Cục ĐSVN đã đoàn kết, nỗ lực khắc phục khó khăn, hoàn thành hầu hết các mặt công tác theo kế hoạch đề ra.
Kết quả nổi bật trong công tác chỉ đạo, điều hành của Cục ĐSVN, Cục đã ban hành 16 công điện, gần 300 thông báo kết luận và trên 3.000 văn bản chỉ đạo, điều hành triển khai toàn diện các nhiệm vụ, kế hoạch của Cục ĐSVN. Hoàn thành 100% nhiệm vụ xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật. Cụ thể, đã trình cấp có thẩm quyền ban hành 7 văn bản QPPL (Chính phủ ban hành 1 Nghị định; Bộ trưởng Bộ GTVT ban hành 6 Thông tư); tổ chức Hội nghị Tổng kết 05 năm thi hành Luật Đường sắt 2017 và hoàn thành Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Đường sắt (sửa đổi) để Bộ trình Chính phủ; hợp nhất 3 văn bản QPPL; kiểm tra, rà soát, xử lý theo thẩm quyền 42 văn bản QPPL (1 Luật, 6 Nghị định và 35 Thông tư). Tích cực phối hợp cùng Vụ KHĐT, Ban QLDA Đường sắt và các cơ quan liên quan xây dựng, hoàn thiện Đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam.
Các văn bản QPPL do Cục tham mưu đều đúng tiến độ, đảm bảo về chất lượng, tuân thủ trình tự, thủ tục theo quy định, đáp ứng giải quyết các nhiệm vụ về phân cấp, phân quyền và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân như: Kéo dài niên hạn sử dụng phương tiện GTĐS; Phân cấp cho UBND cấp tỉnh thực hiện đăng ký phương tiện GTĐS; Sát hạch cấp giấy phép lái tàu trên đường sắt đô thị và đường sắt chuyên dùng.
Công tác xây dựng, hoàn thiện các quy chuẩn, tiêu chuẩn luôn được Cục ĐSVN định kỳ rà soát, nghiên cứu tham mưu sửa đổi. Năm 2023 đã công bố 01 TCCS phục vụ công tác bảo trì công trình đường sắt; phối hợp công bố 15 Tiêu chuẩn quốc gia. Sửa đổi, bổ sung, ban hành kịp thời các tiêu chuẩn cơ sở phù hợp với nhu cầu thực tiễn hoạt động trong đầu tư, quản lý KCHT đường sắt hiện có.
Công tác lập các quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành, phối hợp xây dựng đề án, dự án đảm bảo chất lượng. Cục ĐSVN đã xây dựng, Bộ GTVT trình và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch, chính sách, giải pháp và nguồn lực thực hiện Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050. Đây là cơ sở quan trọng định hướng, huy động, sử dụng hợp lý nguồn lực để thực hiện thành công các mục tiêu về phát triển kết cấu hạ tầng GTVT đường sắt đồng bộ, hiện đại; hoàn thành lập Quy hoạch tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng và ký bàn giao kết quả nghiên cứu; lập Điều chỉnh Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo Nghị quyết của Quốc hội và 4 quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành.
Hoạt động vận tải đường sắt năm 2023 có nhiều đổi mới tích cực, trong đó có sự chủ động phối hợp giải quyết tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp của cơ quan quản lý nhà nước từ Bộ GTVT đến Cục ĐSVN. Chất lượng dịch vụ được nâng lên. Tỷ lệ tàu đi đúng giờ đạt hơn 99%, đến đúng giờ đạt từ 91 đến 93%. Hành khách lên tàu tăng 135,62%; hành khách-Km tăng 135,94% so với năm 2022. Cục đã tham mưu Bộ GTVT quyết định thiết lập Ga Kép là ga liên vận quốc tế mới, góp phần nâng cao sản lượng vận tải hàng hóa liên vận quốc tế khu công nghiệp Bắc Giang và các tỉnh phía Bắc.
Cục đã ban hành trên 40 văn bản gửi Ban ATGT các tỉnh/thành phố về tăng cường công tác bảo đảm TTATGTĐS; thành lập các Đoàn kiểm tra, làm việc với 15 tỉnh/thành phố để đôn đốc thực hiện các biện pháp đảm bảo TTATGTĐS, qua đó các địa phương đã xóa bỏ được 184 lối đi tự mở. Bên cạnh đó, Cục đã ký kết và triển khai có hiệu quả thỏa thuận phối hợp với Tổng công ty ĐSVN, Ban QLDA đường sắt trong các dự án sửa chữa đường sắt giúp trạng thái kết cấu hạ tầng được nâng lên, điểm xóc lắc bình quân giảm, an toàn giao thông tại đường ngang được nâng cao.
Trong năm, Cục ĐSVN thực hiện 03 cuộc thanh tra theo đoàn; 605 cuộc kiểm tra theo kế hoạch, thường xuyên, đột xuất và liên ngành; xử phạt 75 trường hợp, phạt tiền hơn 220 triệu đồng.
Năm 2023, Cục ĐSVN đã hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ của cơ quan quản lý nhà nước về đường sắt và của cơ quan được giao tổ chức thực hiện kế hoạch bảo trì KCHTĐS quốc gia. Cục đã hoàn thành 100% kế hoạch kiểm tra công tác quản lý, bảo trì KCHT đường sắt Quốc gia; quản lý hiệu quả công tác quản lý tài chính, tài sản công; tích cực thực hiện các hoạt động hợp tác quốc tế về GTVTĐS. Công tác xây dựng Chính phủ điện tử, chuyển đổi số, tổ chức cán bộ, cải cách hành chính cũng luôn được lãnh đạo Cục ĐSVN quan tâm, chỉ đạo kịp thời và hoàn thành theo kế hoạch.
Phó Cục trưởng Cục ĐSVN Nguyễn Huy Hiền trình bày kết quả
thực hiện nhiệm vụ năm 2023, triển khai kế hoạch năm 2024
Phát huy kết quả đạt được trong năm 2023, Cục ĐSVN tiếp tục bám sát chỉ đạo của Bộ GTVT tập trung thực hiện tốt kế hoạch của năm 2024 với mục tiêu hoàn thành 100% kế hoạch xây dựng VBQPPL; kế hoạch xây dựng quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức kinh tế - kỹ thuật trong lĩnh vực đường sắt; kế hoạch lập quy hoạch, xây dựng đề án và triển khai thực hiện các đề án đạt hiệu quả cao. Hoàn thành đạt chất lượng, hiệu quả 100% các cuộc thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch; chủ động tổ chức kiểm tra đột xuất, thường xuyên, liên ngành xử phạt vi phạm hành chính theo chức năng nhiệm vụ được giao. Hoàn thành các dự án CNTT phục vụ chuyển đổi số và CCHC theo kế hoạch; tiếp tục thực hiện số hóa hồ sơ, giấy tờ, kết quả giải quyết TTHC để đảm bảo việc kết nối chia sẻ dữ liệu trong giải quyết TTHC trên môi trường điện tử. Phối hợp đảm bảo hoạt động vận tải đường sắt thông suốt, an toàn, thuận lợi, phục vụ kịp thời cho người dân, doanh nghiệp. Phối hợp với các cơ quan liên quan xoá bỏ lối đi tự mở; phấn đấu giảm 03 tiêu chí: số vụ, số người chết, số người bị thương so với năm 2023; hạn chế thấp nhất tai nạn giao thông đường sắt đặc biệt nghiêm trọng.
Tại Hội nghị, lãnh đạo Tổng công ty ĐSVN, Ban QLDA đường sắt, phòng chức năng thuộc Cục ĐSVN đã trình bày tham luận đánh giá sâu sắc, toàn diện kết quả đạt được của Ngành Đường sắt; phân tích, làm rõ các tồn tại hạn chế, nguyên nhân, bài học kinh nghiệm, đồng thời đề xuất các giải pháp nhằm tiếp tục thực hiện thành công các nhiệm vụ trong năm 2024 và kế hoạch giai đoạn 2021-2025.
Toàn cảnh Hội nghị
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết: Năm 2023, toàn Ngành GTVT đã đạt được rất nhiều kết quả nổi bật trên tất cả các lĩnh vực quản lý. Trong thành tích chung của ngành, Bộ trưởng đánh giá cao sự đóng góp của các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ GTVT, đặc biệt các Cục chuyên ngành trong đó có Cục ĐSVN.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng đánh giá cao tinh thần đoàn kết, chủ động, nỗ lực quyết tâm vượt khó của tập thể lãnh đạo, cán bộ, công chức Cục ĐSVN để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Nhấn mạnh những kết quả đạt được trong năm 2023 của Cục ĐSVN, Bộ trưởng ghi nhận công tác chỉ đạo, điều hành của Cục có nhiều đổi mới, sáng tạo, có trọng tâm, trọng điểm. Lãnh đạo Cục đã thường xuyên kiểm tra, đôn đốc tình hình thực hiện nhiệm vụ; triển khai rất hiệu quả các nội dung phối hợp giữa Cục ĐSVN, Tổng công ty ĐSVN, Ban QLDA ĐS. Công tác xây dựng và triển khai các văn bản quy phạm pháp luật, quy hoạch được thực hiện hiệu quả, nhất là đóng góp trong xây dựng hồ sơ Luật Đường sắt (sửa đổi). Công tác lập quy hoạch được đặc biệt chú trọng, đã tham mưu Bộ GTVT trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kế hoạch, chính sách, giải pháp và nguồn lực để thực hiện quy hoạch mạng lưới đường sắt. Công tác đảm bảo trật tự, ATGT được nâng cao. Công tác xây dựng, hoàn thiện các quy chuẩn, tiêu chuẩn; công tác quản lý kết cấu hạ tầng đường sắt, phòng chống lụt bão... đều đạt hiệu quả.
Chỉ đạo về nhiệm vụ trọng tâm năm 2024, Bộ trưởng đề nghị Cục Đường sắt VN cần ưu tiên tập trung sửa đổi, bổ sung Luật Đường sắt 2017, cùng với đó chuẩn bị đầy đủ các văn bản quy phạm như nghị định, thông tư để khi Luật được phê duyệt có thể ban hành, triển khai được ngay. Mỗi văn bản quy phạm pháp luật, mỗi chính sách sau khi sửa phải đánh giá kĩ tác động, tính khả thi, hiệu quả, đảm bảo hiệu lực thực thi. Đồng thời xây dựng các cơ chế, chính sách liên quan đầu tư, vận hành, khai thác đường sắt tốc độ cao, đường sắt đô thị; khuyến khích, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đầu tư, kinh doanh vận tải đường sắt; xây dựng và triển khai các quy hoạch ngành Đường sắt; tiếp tục tập trung hoàn thiện để trình cấp có thẩm quyền 4 quy hoạch có tính chất kĩ thuật chuyên ngành đường sắt; điều chỉnh quy hoạch mạng lưới đường sắt; phối hợp với các địa phương, cục chuyên ngành để triển khai các quy hoạch hiệu quả, đồng bộ, kết nối.
Bộ trưởng yêu cầu Cục chủ động phối hợp với các cơ quan hoàn thiện hai đề án lớn, phức tạp là Đề án quản lý, sử dụng và khai thác kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia và Đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kĩ thuật, định mức lĩnh vực đường sắt. Thúc đẩy đàm phán để ký Hiệp định vận tải đường sắt thay thế cho hiệp định đường sắt biên giới đã ký từ năm 1992; đàm phán phương án nối ray giữa ga Lào Cai với ga Hà Khẩu Bắc (Trung Quốc); học hỏi kinh nghiệm từ các quốc gia phát triển xây dựng mới đường sắt tốc độ cao. Xây dựng kế hoạch nguồn lực chuyển đổi số, chuyển đổi năng lượng trong đầu tư, khai thác hạ tầng, trang thiết bị đường sắt để đáp ứng cam kết của Việt Nam chống biến đổi khí hậu.
Nâng cao chất lượng tuyển dụng nhân sự, quan tâm phát triển, đào tạo nguồn nhân lực lĩnh vực đường sắt. Công tác tuyển dụng, đào tạo, quy hoạch cán bộ, nhân lực phải công khai, khách quan, chọn được người tài, có đạo đức công vụ, dám làm, dám chịu, không né tránh việc.
Bộ trưởng đề nghị tập thể lãnh đạo, cán bộ, công chức Cục ĐSVN tiếp tục giữ vững đoàn kết nội bộ, đồng thời tin tưởng sự đoàn kết giữa 3 cơ quan lĩnh vực ĐS: Cục ĐSVN, Tổng công ty ĐSVN, Ban QLDA ĐS góp phần hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ 2024, giúp ngành Đường sắt Việt Nam ngày càng phát triển.
Cục trưởng Cục ĐSVN Trần Thiện Cảnh phát biểu tại Hội nghị
Cục trưởng Cục ĐSVN Trần Thiện Cảnh nhấn mạnh, năm 2023, bám sát sự lãnh đạo chỉ đạo của Ban Cán sự đảng, Lãnh đạo Bộ, Đảng ủy Bộ GTVT, Đảng ủy và lãnh đạo Cục Đường sắt Việt Nam đã quyết liệt chỉ đạo toàn diện, quán triệt đến đảng viên, công chức, người lao động phát huy tinh thần làm việc với quyết tâm cao, không đùn đẩy, né tránh trách nhiệm với phương châm hành động “Đoàn kết, kỷ cương; bản lĩnh, linh hoạt; đổi mới, sáng tạo; kịp thời, hiệu quả”; triển khai đồng bộ, sáng tạo các nhiệm vụ, giải pháp; hoàn thành tốt các nhiệm vụ về quản lý nhà nước lĩnh vực đường sắt năm 2023.
Thay mặt Cục ĐSVN, Cục trưởng Trần Thiện Cảnh trân trọng cảm ơn sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo Bộ, sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan, đơn vị liên quan để Cục ĐSVN đạt được những thành tích trong năm 2023. Tiếp thu những ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng tại Hội nghị, Cục trưởng Trần Thiện Cảnh khẳng định, với tinh thần chủ động, sáng tạo và đoàn kết của tập thể lãnh đạo, công chức, Cục ĐSVN quyết tâm nỗ lực hoàn thành tốt kế hoạch, nhiệm vụ được giao trong năm 2024 và những năm tiếp theo, từng bước nâng cao vai trò, vị thế của Ngành GTVT đường sắt, góp phần vào sự thành công thực hiện nhiệm vụ chính trị của Bộ GTVT.
V.H