Thông qua Báo cáo giữa kỳ nghiên cứu tiền khả thi Đầu tư xây dựng bến cảng Trần Đề thuộc Cảng biển Sóc Trăng

Thứ bẩy, 24/02/2024 08:43
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Ngày 23/2, tại UBND tỉnh Sóc Trăng đã diễn ra Hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sóc Trăng lần thứ 75 thông qua Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Đầu tư xây dựng bến cảng Trần Đề thuộc Cảng biển Sóc Trăng (báo cáo giữa kỳ).

Dự họp có đồng chí Nguyễn Xuân Sang - Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải và các đơn vị có liên quan. Phía tỉnh Sóc Trăng có các đồng chí: Lâm Văn Mẫn - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; Hồ Thị Cẩm Đào - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Trần Văn Lâu - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy; Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh; các đơn vị có liên quan và UBND huyện Trần Đề.

Tại cuộc họp, các đơn vị có liên quan đã thông qua tóm tắt các nội dung tiếp thu, chỉnh sửa theo ý kiến góp ý tại cuộc họp ngày 6/1/2024; các nội dung phát sinh mới cần thảo luận, góp ý; tư vấn thông qua báo cáo tóm tắt Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đầu tư xây dựng bến cảng Trần Đề thuộc Cảng biển Sóc Trăng; báo cáo tóm tắt đánh giá, dự báo sơ bộ các tác động môi trường…

Theo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thì cảng biển Sóc Trăng được phân loại là cảng biển loại III, thuộc nhóm cảng biển số 5, quy hoạch tiềm năng thành cảng biển đặc biệt khi hình thành cảng cửa ngõ vùng đồng bằng sông Cửu Long tại Trần Đề. Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định phê duyệt kế hoạch, chính sách, giải pháp và nguồn lực thực hiện Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, xác định một trong những nhiệm vụ phát triển kết cấu hạ tầng hàng hải là kêu gọi đầu tư khu bến cảng Trần Đề, giai đoạn khởi động với nhu cầu vốn lên đến 50.000 tỷ đồng.

Theo lãnh đạo UBND tỉnh Sóc Trăng, việc xây dựng bến cảng cửa ngõ vùng đồng bằng sông Cửu Long tại Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng phục vụ xuất nhập khẩu hàng hóa, tăng cường kết nối, giảm chi phí vận tải và khối lượng hàng hóa tiếp chuyển lên các cảng biển Đông Nam Bộ, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của vùng.

Theo đó, quy mô đầu tư bến cảng ngoài khơi Trần Đề gồm có: cầu cảng dài 5.300 mét; hệ thống kè/đê chắn sóng dài 9.800 mét; cầu vượt biển dài 17,8km… Đồng thời sẽ đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật khác bao gồm: cấp điện, cấp nước, thoát nước, phòng cháy chữa cháy và các công trình phụ trợ khác đảm bảo hoạt động khai thác cho toàn bộ khu cảng cho từng giai đoạn. Khu dịch vụ hậu cần cảng, logistics có tổng diện tích khoảng 4.000ha. Khu này cơ sở hạ tầng bao gồm: san lấp mặt bằng, xây dựng đường giao thông nội bộ, hệ thống cấp thoát nước, điện động lực, hệ thống phòng cháy chữa cháy, thông tin liên lạc để kêu gọi nhà đầu tư thuê cơ sở hạ tầng…

Về phát triển cơ sở kết cấu hạ tầng cảng Trần Đề, kiến nghị xin hỗ trợ từ ngân sách Trung ương kết hợp xã hội hóa xây dựng một số hạng mục thuộc Bến cảng Trần đề (theo các dự án thành phần). Đề xuất một số cơ chế chính sách hỗ trợ về thủ tục, phát triển nguồn hàng và cơ chế chính sách đối với khai thác cát, chuyển đổi mục đích sử dụng rừng. Đề xuất thành lập Khu kinh tế Trần Đề, trong đó có khu công nghiệp, khu chế xuất và khu phi thuế quan tại Khu bến cảng Trần Đề, nhằm mục đích tạo động lực phát triển cho Sóc Trăng trong việc thu hút nhà đầu tư và tạo nguồn hàng cho cảng Trần Đề.

Về Logistics thì kiến nghị xây dựng Khu hậu cần cảng, logistics gắn với dự án cảng biển; có giải pháp phát triển nguồn hàng thông qua thu hút phát triển sản xuất, ưu tiên quỹ đất phát triển khu công nghiệp gần cảng, có chính sách phát triển hoạt động trung chuyển hàng hóa quốc tế; phân luồng hàng hóa giữa Khu bến cảng Trần Đề và các cảng khác trong vùng đồng bằng sông Cửu Long và Cái Mép - Thị Vải.

Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang phát biểu tại hội nghị

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang cho rằng, việc tỉnh Sóc Trăng thực hiện nghiên cứu tiền khả thi đầu tư xây dựng bến cảng Trần Đề có ý nghĩa quan trọng trong việc cùng với Bộ Giao thông vận tải thực hiện công tác quy hoạch tổng thể Cảng biển quốc gia; quy hoạch vùng đất, vùng nước tỉnh Sóc Trăng. Tỉnh Sóc Trăng có thể dựa vào đề án này để xin cơ chế chính sách đặc thù cho việc đầu tư xây dựng, khai thác Cảng biển Trần Đề không chỉ cho tỉnh mà cả vùng đồng bằng sông Cửu Long. Vì vậy, đơn vị tư vấn cần nghiên cứu trình tự thủ tục trình cấp thẩm quyền phê duyệt đề án để có cơ sở triển khai các nội dung tiếp theo. Tỉnh Sóc Trăng cần kêu gọi các nhà đầu tư quan tâm đầu tư xây dựng bến cảng.

Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng Lâm Văn Mẫn phát biểu tại hội nghị

Kết luận hội nghị, đồng chí Lâm Văn Mẫn thống nhất với các ý kiến tại hội nghị và đề nghị đơn vị tư vấn tiếp tục giúp địa phương về dự thảo tờ trình xin chủ trương đến Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư dự án quan trọng này. Về nội dung đề án đã qua 2 kỳ báo cáo thì tư vấn cần lưu ý đến một số ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải; các bộ, ngành có liên quan và ý kiến góp ý của lãnh đạo UBND tỉnh Sóc Trăng để bổ sung và sớm hoàn thiện nội dung báo cáo cuối kỳ của dự án; đồng thời làm tiếp báo cáo tiền khả thi các dự án thành phần. Về cơ chế chính sách thì tư vấn phối hợp nghiên cứu theo các cơ chế chính sách theo quy định hiện hành, cơ chế đặc thù cho các bến cảng Đồng bằng sông Cửu Long.

 

 

hoavt

Nguồn: Báo Sóc Trăng

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)