Bộ GTVT đối thoại với 200 doanh nghiệp hàng hải, đường thủy nội địa

Thứ sáu, 22/03/2024 20:02
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Chiều 22/3, Hội nghị đối thoại doanh nghiệp hàng hải và đường thủy nội địa diễn ra tại TP.HCM do Bộ GTVT tổ chức.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng và các thứ trưởng, lãnh đạo các Bộ và các cục chuyên môn; lãnh đạo các Sở GTVT khu vực phía Nam và khoảng 350 khách mời đại diện cho các doanh nghiệp cảng biển, đường thủy nội địa, các hãng tàu, doanh nghiệp vận tải, các hiệp hội và chuyên gia, báo chí cùng tham dự. Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Xuân Sang điều hành chương trình.

Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thắng phát biểu tại hội nghị

Mở đầu buổi đối thoại, Vụ trưởng Vụ Vận tải, Bộ GTVT đã trình bày Báo cáo tổng quát về lĩnh vực hàng hải và đường thuỷ nội địa.

Lãnh đạo các Bộ chuyên môn, các Sở và khách mời tham gia hội nghị.

Việt Nam có 3/50 cảng container sản lượng lớn nhất thế giới

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang bày tỏ lời cảm ơn đến lãnh đạo các Bộ, ngành, UBND và các Sở GTVT các tỉnh thành; cộng đồng các đơn vị, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực hàng hàng và đường thuỷ nội địa có mặt tại hội nghị.

Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang phát biểu khai mạc hội nghị.

Thứ trưởng nhận định: Thời gian qua, tình hình thế giới diễn biến phức tạp, lạm phát tăng cao, dịch bệnh dẫn đến giá nhiên liệu tăng, hoạt động kinh doanh, giao thông vận tải hàng hải đường thủy nội địa, vận tải biển gặp nhiều khó khăn. Trong đó, nguồn hàng giảm, chi phí đầu tư tăng cao. Trước tình trạng này, Bộ GTVT đã chia sẻ và có nhiều biện pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp vận tải biển…

Thứ trưởng cũng nhìn nhận về ưu điểm: Việt Nam là một quốc gia ven biển, với lợi thế có bờ biển dài, gần các tuyến hàng hải quốc tế, hệ thống sông ngòi dày đặc, ngành hàng hải và đường thuỷ nội địa có vai trò quan trọng trong lĩnh vực giao thông vận tải nói riêng và nền kinh tế Việt Nam nói chung.

“Đây là phương thức vận tải có chi phí thấp, có khả năng chuyên chở hàng hoá với khối lượng lớn, siêu trường, siêu trọng, đi các tuyến đường xa.

Thực tế cho thấy, phần lớn hàng hoá xuất nhập khẩu của Việt Nam được vận tải bằng đường biển. Hệ thống cảng biển Việt Nam đã tiếp nhận được tàu có trọng tải lớn nhất thế giới, thu hút được 40 hãng tàu lớn trên thế giới vào hoạt động”, ông cho biết.

Theo Thứ trưởng, Việt Nam hiện có 3 cảng nằm trong danh sách 50 cảng container có sản lượng thông qua lớn nhất thế giới (TP.HCM, Hải Phòng và Cái Mép - Thị Vải).

Không những thế, ngành hàng hải cũng có tác động tích cực đến hoạt động du lịch, hàng năm hệ thống cảng biển Việt Nam đón hàng nghìn chuyến tàu khách du lịch quốc tế từ khắp các nước trên thế giới đến Việt Nam.

Trong nhiều năm trở lại đây, lĩnh vực hàng hải và đường thuỷ nội địa luôn có tốc độ tăng trưởng hàng hoá cao, ổn định, kể cả trong thời gian dịch bệnh Covid-19, chúng ta vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng dương.

Vận tải hàng hóa năm 2023 đạt 2.344 triệu tấn, tăng 15,4% còn luân chuyển hàng hóa đạt 490 tỷ tấn tăng 10,8% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, vận chuyển hàng hóa đường thủy 476 triệu tấn (tăng 18,7%) và đường biển 116 triệu tấn (tăng 7,8%).

Lũy kế 2 tháng đầu năm 2024 ước đạt 416 triệu tấn tăng 13,9%; luân chuyển hàng hóa ước đạt 88 tỷ tấn tăng 14% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, vận chuyển hàng hóa đường thủy, đường biển tăng trưởng ấn tượng nhất với tỷ lệ lần lượt là 21%, 18,1% so với cùng kỳ.

Để đạt được những thành quả trên là nỗ lực không ngừng nghỉ của các đơn vị đã xây dựng cảng biển, hệ thống đường thủy đa dạng

“Bộ GTVT luôn đồng hành lắng nghe ý kiến của các doanh nghiệp, hiệp hội để tiếp tục đồng hành, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp hàng hải và đường thủy nội địa”, thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang nói.

Đội tàu biển phát triển nhanh với 1.447 tàu

Tiếp theo, ông Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vụ Vận tải, Bộ GTVT trình bày một số vấn đề của ngành hàng hàng hải và đường thuỷ nội địa Việt Nam.

Ông Trần Bảo Ngọc cho biết, theo thống kê của Tạp chí Lloyd’s List (Anh), trong năm 2022, Việt Nam có 3 cảng biển nằm trong nhóm 50 cảng biển có sản lượng container thông qua lớn nhất trên thế giới, đó là Cảng TP.HCM đứng thứ 22, Cảng Hải Phòng đứng thứ 28, cảng Cái Mép Thị Vải đứng thứ 32

Ông Trần Bảo Ngọc trình bày tại hội nghị.

Tại khu vực cảng biển Hải Phòng, hiện có 69 tuyến nội Á, 2 tuyến Mỹ - Á, 1 tuyến Á – Âu; cụm cảng biển Hồ Chí Minh có 106 tuyến nội Á, 1 tuyến Mỹ - Á, 2 tuyến Á - Âu; cụm cảng bà Rịa - Vũng Tàu có 9 tuyến nội Á, 21 tuyến Mỹ - Á, 5 tuyến Á - Âu.

Tính đến năm 2023, đội tàu biển Việt Nam có 1.447 tàu. Trong đó, tàu vận tải là 1.015 tàu. Tổng trọng tải đội tàu biển khoảng 10,7 triệu DWT. Đội tàu Việt Nam đứng thứ 3 Asean và thứ 27 trên thế giới với độ tuổi trung bình 15,5 tuổi.

Ngoài ra, doanh nghiệp Việt Nam còn sở hữu đội tàu mang cờ nước ngoài với tổng trọng tải 2,5 triệu DWT.

Theo báo cáo của Bộ GTVT, đội tàu Việt Nam phát triển nhanh trong những năm gần đây, đang đảm nhận 100% sản lượng nội địa và từ 6 - 8% thị phần hàng hóa xuất nhập khẩu. Tuy vậy, cơ cấu vẫn chưa hợp lý, tàu tổng hợp chiếm tỉ lệ cao, trọng tải tàu nhỏ.

Việt Nam ngày càng tham gia sâu rộng vào các tổ chức quốc tế thực hiện các chính sách toàn cầu như giảm khí thải, môi trường xanh… đang nâng tầm vị trí ngành hàng hải Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Ưu thế đường thuỷ nội địa: 26.737km

Đối với đường thủy nội địa, ông Ngọc cho biết: Hiện cả nước có 202 cảng hàng hóa, 11 cảng hành khách, 97 cảng chuyên dùng, 4.791 bến thủy nội địa có phép, 1.271 bến không phép và 2.526 bến khách ngang sông.

Việt Nam có 2.360 con sông, kênh có tổng chiều dài gần 41.900km với 9 hệ thống sông chính đổ ra biển thông qua hơn 120 cửa sông. Tổng chiều dài đường thủy nội địa cả nước đang được quản lý khai thác là 26.737km.

Năm 2023, tuyến vận tải ven biển có lưu lượng vận chuyển hàng hóa thông qua các cảng thủy nội địa, cảng biển ước khoảng 225 triệu tấn.

Xu thế phát triển ngành hàng hải và đường thủy nội địa hiện nay là công nghệ số, cảng xanh, chuyển đối năng lượng, giảm khí thải và sử dụng tàu trọng tải lớn.

Đây là những thách thức lớn đối với các chủ tàu, chủ cảng. Doanh nghiệp cần phải có kế hoạch phát triển để thích ứng kịp thời, nếu không sẽ bị tụt hậu so với thế giới…

Từ thực tế đó, ông Ngọc cho rằng: Ngành hàng hải cần tập trung vào nhiều nhiệm vụ như: rà soát, đề xuất sửa đổi Luật Hàng hải năm 2015; đẩy nhanh tiến độ trình cấp có thẩm quyền phê duyệt các quy hoạch nhóm, quy hoạch cảng cạn và triển khai thực hiện quy hoạch hiệu quả; triển khai đề án phát triển đội tàu biển; đảm bảo tiến độ các dự án nạo vét, duy tu tuyến luồng.

Đối với đường thủy nội địa, theo ông Ngọc, cần hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, đổi mới cơ chế chính sách, đẩy mạnh cải cách hành chính; tham mưu đề xuất xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ ưu đãi cho lĩnh vực đường thủy nội địa;

Nghiên cứu triển khai xã hội hóa, kêu gọi nguồn vốn ODA để đầu tư vào các công trình, dự án; nâng cấp chất lượng hiệu quả công tác quy hoạch đã được Thủ tướng phê duyệt; tập trung xử lý các điểm nghẽn trên tuyến luồng nội địa; đôn đốc các địa phương triển khai hiệu quả công tác quản lý Nhà nước…

Đề xuất bổ sung quy hoạch và xây dựng chiến lược phát triển cảng xanh

Ông Nguyễn Lê Chơn Tâm, đại diện Hiệp hội Cảng biển VN, Tổng giám đốc cảng Sài Gòn là vị khách đầu tiên được mời trình bày tham luận.

Ông Tâm cho biết, vận tải biển đang chiếm khoảng 90% tổng lượng vận tải toàn cầu. Từ 1980 đến nay, tăng trưởng từ 5%-10%/năm.

Sản lượng vận tải container tăng từ 36 triệu TEU (năm 1980) lên 237 triệu TEU (năm 2000), 545 triệu TEU (2010) và 816 triệu TEU (2020). Dự kiến đạt 978 triệu TEU vào năm 2025. Gần 60% khối lượng vận tải container qua Biển Đông.

Ông Nguyễn Lê Chơn Tâm, đại diện Hiệp hội Cảng biển VN,
Tổng giám đốc cảng Sài Gòn trình bày tham luận.

Hàng container trung chuyển khoảng 28% - 30% tổng khối lượng hàng vận tải container toàn cầu, tương đương 274 – 293 triệu TEU (năm 2025). Đông Nam Á chiếm khoảng 30% lượng hàng trung chuyển, tương đương 82 – 88 triệu TEU (năm 2025).

Dự báo 100 triệu TEU qua eo Malacca (năm 2030). Trong khi đó, công suất các cảng trung chuyển quốc tế tại Đông nam Á khoảng 53,6 triệu TEU nên cơ hội cho các cảng mới là 28,4 – 34,4 triệu TEU…

Điều kiện cần và đủ để có cảng trung chuyển đầu tiên tại Việt Nam là phải có đối tác phù hợp; đúng vị trí gần với các tuyến đường hàng hải chính toàn cầu, dễ dàng tiếp cận bằng các dịch vụ trung chuyển và biển sâu, yếu tố địa lý thuận lợi, nước sâu >15,5m tiếp nhận tàu post-panamax, bãi có thể mở rộng, trang thiết bị công suất lớn và đúng thời điểm.

Hiệp hội Cảng biển Việt Nam đề xuất Chính phủ và Bộ GTVT bổ sung quy hoạch và xây dựng chiến lược cho khu vực cảng, phát triển cảng xanh; thiết lập cơ chế hỗ trợ chính sách, thu hút vốn đầu tư; cải tạo mở rộng hệ thống sông ngòi, có cơ chế phát triển giao thông thủy nội địa.

Nâng tỷ trọng vận tải hàng hải, thuỷ nội địa lên ít nhất 50%

Sau tham luận đầu tiên, từ vị trí Đoàn chủ tịch điều hành, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng gợi ý một số vấn đề mà Bộ “rất trăn trở”.

Theo Bộ trưởng, hội nghị này nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực hàng hải, đường thuỷ nội địa như giá vận tải, phát triển cảng biển xanh…

Cũng theo Bộ trưởng, hiện nay có bất cập là kết cấu đường bộ dù đã cố gắng đầu tư, nhưng thị phần đường bộ chiếm 80% hàng hoá và gần 100% hành khách. Trong khi hệ thống đường thuỷ, hàng hải rất tốt ở cả 3 miền thì chưa khai thác hiệu quả.

“Mong muốn của chúng tôi là trong thời gian tới phải nâng tỷ trọng vận tải hàng hải, thuỷ nội địa lên, ít nhất là 50%...

Nếu làm được điều đó, sẽ giảm chi phí logistics, giảm chi phí bảo trì, bảo dưỡng, giảm được tai nạn giao thông. Đây là vấn đề mà Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm”, Bộ trưởng nói.

Bộ trưởng cũng bày tỏ mong muốn qua hội nghị này, đặt ra các mục tiêu, giải pháp cho các bộ ngành, địa phương, doanh nghiệp tham gia kinh doanh, đóng góp vào lĩnh vực này.

"Cụ thể, với Bộ GTVT phải làm gì? Phát triển các cảng thủy thế nào? Kết nối giữa cảng biển và đường thuỷ nội địa có vấn đề gì? Từ cảng bến thuỷ lên cảng cạn, kho hàng ra sao…? Chúng tôi rất cần sự tham gia góp ý của các doanh nghiệp.

Hay như phát triển đội tàu vận tải ven bờ, số lượng như hiện nay đủ chưa? Nếu chưa thì cần chính sách gì để hỗ trợ nhằm phát triển.

Rồi hành lang pháp lý, để triển khai được các vấn đề trên thì nhà nước cần ban hành các chính sách gì?

Đây là những nội dung mà Bộ GTVT kỳ vọng để với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước có thể tham mưu cho các cấp chính quyền, phối hợp với các địa phương đề cùng xây dựng, phát triển", Bộ trưởng nói.

Đề xuất chính sách lãi vay phát triển đội tàu container

Tại hội nghị, ông Vũ Thanh Hải, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Vận tải và xếp dỡ Hải An đã trình bày về giải pháp phát triển và khai thác hiệu quả hoạt động vận tải container.

Ông Vũ Thanh Hải, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Vận tải và xếp dỡ Hải An.

Theo ông Hải, những người trong ngành rất tự hào khi Việt Nam có 3 cảng nằm trong danh sách 50 cảng container có sản lượng thông qua lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, “thực trạng đáng buồn là Việt Nam có 1.015 tàu vận tải thủy nhưng tàu container lại rất ít, chỉ 48 tàu”.

Trong đó, theo ông, có nhiều tàu đã trên 25 tuổi và theo các quy định mới nhất về bảo vệ môi trường, các tàu tuổi 25 năm trở lên không đáp ứng được nhiều yêu cầu, có thể sẽ không được vận chuyển.

Để duy trì phát triển đội tàu Việt Nam, theo ông Hải, các đơn vị cần có thêm nhiều đội tàu mới để phù hợp với nhu cầu thực tiễn, trong đó cần ưu tiên phát triển tàu có capacity từ 1.700 TEU. Trong đó ưu tiên tàu đóng mới hoặc đã qua sử dụng nhưng có đặc tính tốt về hiệu quả năng lượng.

Nhưng theo ông Hải, khó khăn trong phát triển đội tàu là chi phí đầu tư tàu quá lớn, nhất là tàu container. Bởi lãi suất vay tại các ngân hàng tương đối cao và chi phí VAT nhập khẩu tàu là 10%.

Từ những vấn đề trên, ông Hải đề xuất Nhà nước có chính sách tốt về lãi vay cho doanh nghiệp đầu tư phát triển đội tàu container. Miễn hoặc giảm thuế VAT nhập khẩu tàu container và miễn thuế nhà thầu cho doanh nghiệp khi thực hiện việc thuê, hoặc thuê mua container.

Đồng thời, ông đề xuất tăng tuổi tàu được phép đăng ký và treo cờ Việt Nam từ 15 lên 17 tuổi. Quản lý và điều chỉnh các chí phí liên quan đến hoạt động khai thác tàu container tại tất cả các cảng biển Việt Nam như phí tàu lai dắt, phí bốc xếp một cách đồng nhất, ưu tiên giá tốt cho các doanh nghiệp Việt Nam.

Bên cạnh đó, cần áp dụng chính sách quản lý giám sát hải quan theo hướng linh hoạt và thông thoáng nhất cho doanh nghiệp Việt Nam khai thác và vận chuyển container hàng xuất nhập khẩu chuyển cảng, quá cảnh. Ngoài ra, cũng cần miễn thuế thu nhập cho thuyền viên trên tàu khai thác nội địa.

Cần xây dựng luật mới, thay thế quy định lỗi thời

Phát biểu tại hội nghị, ông Trần Đỗ Liêm, Chủ tịch Hội Vận tải thủy nội địa Việt Nam đặt vấn đề bổ sung danh mục phương tiện và đề nghị Nhà nước ưu tiên tín dụng đầu tư ưu đãi cho các doanh nghiệp đầu tư phương tiện tàu.

Ông Trần Đỗ Liêm, Chủ tịch Hội Vận tải thủy nội địa Việt Nam.

Theo ông Liêm, phương tiện vận tải thuỷ kinh doanh chuyên nghiệp chiếm tỷ lệ chưa cao, kinh doanh không thường xuyên.

Ba năm gần đây, do nhu cầu và để bù đắp cho các chi phí không chính thức, đa số phương tiện đóng mới hoán cải đều tăng trọng tải lên 1,5-2 lần, tải trọng bình quân lên 1.000 tấn/chiếc.

Tuy nhiên, đa số phương tiện vận tải lẻ, công ty tư nhân chỉ có số lượng 2-3 sà lan, manh mún, đông nhưng không mạnh, không đủ cạnh tranh. Ngược lại tạo ra sự cạnh tranh giá cước, tăng tiêu cực, tăng chi phí, trốn thuế làm chậm sự phát triển ngành đuòng thủy nội địa.

Từ thực tế trên, Hội kiến nghị bổ sung danh mục phương tiện, Nhà nước ưu tiên tín dụng đầu tư ưu đãi cho các doanh nghiệp. Hiện mức vốn đầu tư 3.000 tỷ đồng mới được hưởng ưu đãi là quá cao, chưa phù hợp. Bởi thực tế cảng đường thủy nội địa đón tàu đến 20.000 tấn, tàu có giá trị đầu tư chỉ 300 - 400 tỷ đồng là cao nhất.

Ngoài ra, cần xây dựng ban hành Luật Giao thông đường thủy mới, thay thế các quy định lỗi thời, không đồng nhất dễ dẫn đến TNGT trong lĩnh vực hàng hải.

Một vấn đề khác, ông Liêm nêu là “có vấn đề rất đau đầu của chủ tàu là bồi dưỡng nhân công hai đầu tàu rất cao”. Việc này làm vận tải đường thủy khó phát triển nhanh được, theo ông.

“Cuối cùng, đề nghị Bộ sớm ban hành quy chuẩn tàu sông 72 sửa đổi, giúp ngành đóng tàu và người dân có bộ luật hoàn chỉnh, không làm mất thời gian và giảm chi phí đầu tư phát triển phương tiện”, ông kiến nghị.

Kiến nghị sớm ban hành nghị định thay thế Nghị định 159

Tại hội nghị, ông Nguyễn Xuân Kỳ, Tổng giám đốc Công ty TNHH Cảng Quốc tế Cái Mép (CMIT) trình bày tham luận về áp dụng các thủ tục, nghĩa vụ tài chính theo Luật Khoáng sản vào hoạt động duy tu nạo vét trước bến cảng Bà Rịa - Vũng Tàu.

Ông Nguyễn Xuân Kỳ, Tổng giám đốc Cty TNHH Cảng Quốc tế Cái Mép (CMIT).

Ông Kỳ cho rằng, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đang áp dụng các thủ tục, nghĩa vụ tài chính theo Luật Khoáng sản vào hoạt động duy tu nạo vét ở bến cảng đến nay vẫn chưa được tháo gỡ.

Trước tháng 5/2023, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu không công bố khu vực đổ chất nạo vét trên bờ, theo quy định tại khoản 2, điều 47, Nghị định 159 quy định về trách nhiệm của UBND tỉnh trong việc công bố địa điểm đổ chất nạo vét trên bờ và ngoài biển thuộc phạm vi quản lý.

Tuy nhiên, tỉnh vẫn thu và truy thu các nghĩa vụ tài chính theo Luật Khoáng sản đối với vật chất nạo vét đổ lên bờ (theo phương án đổ san lấp - trên hồ sơ của doanh nghiệp).

Khi các doanh nghiệp đồng loạt gửi kiến nghị nhiều lần, các cơ quan ngành hàng hải, báo đài vào cuộc kể từ năm 2021 đến tháng 5/2023 tỉnh mới công bố khu vực đổ trên bờ.

Hiện nay, các doanh nghiệp cảng Bà Rịa - Vũng Tàu vẫn phải thực hiện các thủ tục và nghĩa vụ tài chính theo Luật Khoáng sản khi thực hiện duy tu nạo vét khu nước trước bến. Trên cả nước, chỉ có tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phát sinh vấn đề này.

Bộ GTVT và Cục Hàng hải VN đã tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp nhằm tháo gỡ khó khăn, đồng thời Bộ GTVT đưa nội dung này trong các buổi làm việc với tỉnh.

Cục Hàng hải đã có nhiều văn bản báo cáo và kiến nghị Bộ GTVT và Bộ TN&MT, Cảng vụ cũng đã có văn bản gửi UBND tỉnh về việc này. Kiến nghị Bộ GTVT tiếp tục thúc đẩy làm việc với các Bộ, ngành để sớm ban hành Nghị định thay thế Nghị định 159 nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp cảng tháo gỡ khó khăn…

Sau phần tham luận của một số doanh nghiệp, Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang đề nghị các cục chuyên môn của Bộ GTVT có trả lời tại chỗ những kiến nghị của doanh nghiệp ngay tại hội nghị.

Sẽ duy tu, nạo vét luồng lạch để tàu qua lại thông suốt

Ông Mười cho biết, đối với đề án Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, Bộ Giao thông vận tải đã báo cáo lên Phó thủ tướng Trần Hồng Hà và sau đó đã giao lại vấn đề này cho TP.HCM tiếp tục xây dựng đề án.

Ông Lê Đỗ Mười, Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam.

Về vấn đề duy tu, nạo vét luồng lạch hàng hải, ông cho biết Cục cùng các đơn vị bố trí nguồn lực xử lý để tàu qua lại thông suốt. Đối với các vị trí chưa bố trí nguồn kinh phí sẽ đề xuất và triển khai khi có nguồn.

Riêng vấn đề phát triển, làm mới đội tàu, ông cho rằng "đây là vấn đề lớn, liên quan đến nhiều bộ ngành, không riêng đơn vị nào".

Do đó, "Cục Hàng hải sẽ ghi nhận, kiến nghị để có phương án tốt nhất cho vấn đề này", ông Mười nói.

Về miễn giảm thuế cho doanh nghiệp hàng hải, đường thuỷ nội địa, Cục sẽ tiếp thu, ghi nhận vì đây là vấn đề liên bộ ngành, không riêng Bộ GTVT nên cần phối hợp, nghiên cứu để có những đề xuất cụ thể.

Còn vấn đề tuổi tàu, ông Mười cho biết các đơn vị liên quan cũng đang chỉnh sửa, đề xuất về vấn đề này.

Riêng nội dung áp dụng phí hải quan, miễn thuế cho thuyền viên, ông nói: "Chúng tôi sẽ phối hợp với Bộ Tài chính và các bộ, ban ngành khác để có phương án phù hợp"

"Về cơ chế bốc dỡ hàng hóa, chúng tôi sẽ tiếp thu, trao đổi với Cục Đường thủy nội địa", ông Mười bày tỏ.

Liên quan đến vận tải container phía Bắc gặp nhiều khó khăn, cũng như vùng neo đậu, lai dắt tàu…, ông Mười cho rằng: trong các quy hoạch cảng biển đều quy hoạch bến thủy nội địa để kết nối đường thủy nội địa và hàng hải.

Đầu tư 3.000 tỷ đồng mới được hưởng ưu đãi: Cần điều chỉnh phù hợp

Trả lời các vấn đề kiến nghị liên quan đường thủy nội địa, cụ thể, với kiến nghị sửa đổi Nghị định 32/2017/NĐ-CP về tín dụng đầu tư, theo ông Bùi Thiên Thu, Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, hiện nay chưa được áp dụng. Dù vậy, Cục sẽ đề xuất báo cáo Chính phủ sửa đổi nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp.

Ông Bùi Thiên Thu, Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa Việt Nam.

Về kiến nghị xuất vốn 3.000 tỷ đồng để đầu tư tàu mới được hưởng ưu đãi được cho là quá lớn, ông Thu chia sẻ với băn khoăn của doanh nghiệp và cho rằng cũng cần điều chỉnh phù hợp.

Với các đề xuất sửa luật giao thông đường thủy, vốn vay ưu đãi, đầu tư phát triển, giảm thuế thu nhập… và một số nội dung khác, "Cục sẽ tiếp thu các ý kiến và nghiên cứu, đề xuất sửa đổi cho phù hợp".

Với những kiến nghị khác đang được tiếp thu để điều chỉnh, ông Thu cho biết "Cục sẽ đưa lên trang web để các doanh nghiệp nắm được quá trình tiếp thu, xử lý".

Lượng tàu thuyền lớn, khu neo đậu vừa thiếu vừa yếu

Đại diện Tổng công ty cổ phần Cảng Nghệ Tĩnh, ông Bùi Kiều Hưng nêu hai nội dung kiến nghị.

Thứ nhất, kiến nghị Bộ GTVT sớm triển khai dự án nâng cấp luồng tàu hàng hải cảng Cửa Lò cho tàu container cập bến, đảm bảo an toàn giao thông đường biển.

Tuyến luồng có thể đáp ứng cho tàu đến 30.000 tấn nhưng hiện chỉ tiếp nhận được tàu đến khoảng 20.000 tấn.

“Chúng tôi mong sớm triển khai dự án nâng cấp luồng tàu hàng hải cảng Cửa Lò để giảm chi phí xuất nhập khẩu, đẩy nhanh tốc độ lưu thông hàng hóa, thu hút đầu tư vào tỉnh Nghệ An”, ông Hưng nói.

Thứ hai, Nghệ An có lượng tàu thuyền lớn nhưng khu neo đậu cho tàu thuyền vừa yếu lại vừa thiếu, chưa đáp ứng nhu cầu của ngư dân. Vì vậy, cần xây dựng thêm nơi tránh trú bão đủ lớn cho tàu thuyền neo đậu trong mùa mưa bão.

Về vấn đề này, ông Lê Đỗ Mười, Cục trưởng Cục Hàng hải cho biết, Cục đã cập nhật bổ sung vào quy hoạch và sắp xếp vào nguồn vốn trung hạn trong thời gian tới để duy tu cho phương tiện ra vào bình thường. “Đây là nguồn quan trọng nhưng sẽ sắp xếp theo thứ tự”, ông Mười nói.

Về xây dựng nơi tránh trú bão, ông Mười cho biết “hiện tại đã đưa vào quy hoạch và sắp tới sẽ đưa vào quy hoạch chi tiết”.

Ông Lê Văn Phú, Giám đốc điều hành Công ty CP Giang Nam Logistics kiến nghị nới rộng thêm dung tích của tàu (hiện nay đang áp dụng dung tích 2.000 DWT là không còn phù hợp), tạo điều kiện để sà lan neo đậu ở khu vực sông phù hợp.

Theo ông Lê Đỗ Mười, vấn đề này Cục Hàng hải Việt Nam đang tiếp thu để điều chỉnh tại Quyết định 1254, dự kiến hoàn thành vào quý 3/2024.

Ngoài ra đại diện một số doanh nghiệp cũng đã nêu ra một số kiến nghị: Ông Nguyễn Kiều Hưng, đại diện hãng tàu Wanhai Việt Nam kiến nghị Cục Hàng hải Việt Nam bỏ quy định tàu chạy đêm để tạo điều kiện cho các hãng tàu tối ưu hóa khai thác; Ông Nguyễn Hoàng Anh, Thư ký Hiệp hội Visaba hỏi: “Hiện nay, các hãng tàu nước ngoài đang thu khoảng 10 loại phụ phí với hàng hóa đang xếp dỡ tại cảng. Các hãng tàu đơn phương và liên tục tăng phí phụ thu, phương án kiểm soát thế nào?”.

Đứng trước kiến nghị của các hiệp hội, các doanh nghiệp, Ông Lê Đỗ Mười cho biết, Cục Hàng hải Việt Nam đã mời các bên cùng các hãng tàu ngồi lại để trao đổi. Các hãng tàu lớn đã cam kết không tăng giá nữa trong khi một số hãng tàu sẽ giảm giá trong thời gian sớm nhất. Ông Mười cũng cho biết, Bộ GTVT đang kiến nghị Bộ Tài chính để sửa Quy định 146; trong dài hạn sẽ tham mưu để sửa Nghị định 158. Các hãng tàu phải đăng ký các tuyến cố định, cơ quan quản lý không cho phép hãng tàu đơn phương tăng giá, nếu vi phạm sẽ bị phạt nặng.

Hoạt động vận tải là thước đo của phát triển hệ thống hạ tầng

Lắng nghe các phát biểu tại tọa đàm, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng đánh giá cao các ý kiến, kiến nghị, đề xuất của các doanh nghiệp, hiệp hội.

"Tôi ghi nhận những khó khăn, vướng mắc và biểu dương sự nỗ lực, những kết quả quan trọng mà các doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị đã đạt được trong thời gian qua", ông nói.

Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thắng.

Bộ trưởng cho rằng, hoạt động vận tải là mục tiêu, thước đo của phát triển hệ thống hạ tầng, thể chế chính sách về vận tải, có tác động trực tiếp đến đời sống nhân dân và hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

"Thời gian qua, nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, sự phối hợp hiệu quả của các Bộ, ngành Trung ương, cùng sự vào cuộc của chính quyền các tỉnh, thành phố, các hiệp hội và cộng đồng doanh nghiệp, hoạt động vận tải nói chung và vận tải hàng hải, đường thủy nội địa nói riêng đã có những bước phát triển cả về chất và lượng, bước đầu đạt được những kết quả khích lệ, đóng góp vào sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước", Bộ trưởng nhận định.

Vận chuyển hàng hóa đường thủy tăng trưởng ấn tượng

Đánh giá vận tải hàng hoá năm 2023 tăng 15,5% so với 2022, trong đó, vận chuyển hàng hóa đường thủy đạt 476 triệu tấn (tăng 18,7%) và đường biển 116 triệu tấn (tăng 7,8%), Bộ trưởng nhận định đó là mức tăng trưởng ấn tượng. Bên cạnh đó, vận chuyển hành khách đường thủy cũng tăng 6,4%, đường biển tăng 10,2%.

Dù vậy, Bộ trưởng cũng lưu ý: thời gian tới tình hình thế giới tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp, thời tiết, biến đổi khí hậu bất thường dẫn đến những khó khăn, thách thức lớn đối với doanh nghiệp.

Hiện nay với thị phần vận tải hàng hoá và hành khách của đường bộ chiếm tỷ trọng cao (79,84% về hàng hoá, 91,79% về hành khách). Do đó, để tái cơ cấu thị phần vận tải, Bộ GTVT phải quyết liệt triển khai các giải pháp và ban hành các cơ chế chính sách để khuyến khích phát triển vận tải đường biển, đường thuỷ nội địa để chia sẻ thị phần vận tải đường bộ và đường sắt, đặc biệt trên hành lang vận tải Bắc - Nam.

"Trong bối cảnh trên, để phục hồi nhanh và phát triển bền vững, chúng ta cần cùng nhau giải quyết những khó khăn với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, kịp thời, hiệu quả. Bộ GTVT thấu hiểu, chia sẻ, lắng nghe và sẽ tiếp tục có các giải pháp hỗ trợ để doanh nghiệp vượt qua khó khăn, vươn xa hơn nữa", ông bày tỏ.

Sớm hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật để tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh

Về phía Bộ GTVT, Bộ trưởng yêu cầu các cục, vụ, Sở GTVT triển khai các nhiệm vụ quan trọng. Trong đó, khẩn trương rà soát, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật để tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh; thu hút các thành phần kinh tế tham gia kinh doanh các loại hình vận tải và vận tải đa phương thức.

Khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông. Tăng cường vai trò của doanh nghiệp trong việc chia sẻ trách nhiệm đầu tư, bảo trì kết cấu hạ tầng công cộng.

Rà soát các quy hoạch, kế hoạch và tổ chức thực hiện bảo đảm tính đồng bộ kết nối của hạ tầng giao thông, đặc biệt là kết nối cảng biển với đường bộ, đường sắt, đường thuỷ nội địa. Trong đó, ưu tiên kết nối đường thủy nội địa với cảng biển để tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hoá, qua đó giảm chi phí vận chuyển, chi phí logistics, nâng cao năng lực cạnh tranh hàng hóa Việt Nam với khu vực và thế giới.

Tập trung đầu tư phát triển các cảng cửa ngõ quốc tế

Bộ trưởng yêu cầu tiếp tục tập trung đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, nhất là việc triển khai các dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành GTVT, đặc biệt là các cảng cửa ngõ quốc tế, phục vụ chung cho khu vực, có tính lan tỏa, để đón đầu xu hướng phát triển trong nước và thế giới.

Tiếp tục chủ động phối hợp chặt chẽ có hiệu quả cùng các hiệp hội, doanh nghiệp quyết liệt thực hiện các giải pháp để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp.

Phát triển hệ thống cảng xanh, giảm phát thải và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý điều hành, khai thác vận tải, liên kết các phương thức vận tải, quản lý vận tải đa phương thức, dịch vụ logistics, sẵn sàng cho việc hội nhập quốc tế, trở thành những mắt xích quan trọng trong các tuyến, hành lang vận tải hàng hải xanh của quốc tế.

Nâng cao chất lượng đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, cập nhật, cải tiến nội dung chương trình đào tạo về vận tải, logistics, áp dụng phương pháp đào tạo tiên tiến, theo hướng đào tạo chuyên sâu về chuyên môn, tăng thời gian đào tạo thực hành.

Tăng cường hợp tác, mở rộng kết nối hạ tầng, hoạt động vận tải với các nước trong khu vực ASEAN, Đông Bắc Á và các khu vực khác trên thế giới nhằm phát huy tác dụng của vận tải đa phương thức, vận tải xuyên biên giới và quá cảnh.

Về phía hiệp hội, Bộ trưởng đề nghị tiếp tục phát huy hơn nữa vai trò nhằm kết nối, định hướng phát triển và hỗ trợ cho các doanh nghiệp nâng cao trình độ, năng lực đàm phán, ký kết, thực hiện hợp đồng, xử lý tranh chấp liên quan đến hoạt động vận tải.

"Với tinh thần đồng hành cùng phát triển, cùng có trách nhiệm với ngành và xã hội; cân đối, hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân, Bộ GTVT mong tiếp tục nhận được sự quan tâm phối hợp của các Bộ, ngành, địa phương, hiệp hội, người dân và cộng đồng doanh nghiệp", Bộ trưởng bày tỏ.

nhunghv

Nguồn: Báo Giao thông

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)