Chiều 8/5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành Giao thông vận tải (Ban Chỉ đạo) chủ trì Phiên họp thứ 11 của Ban Chỉ đạo.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp
Phiên họp được thực hiện theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến giữa đầu cầu Trụ sở Chính phủ với đầu cầu 45 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đang có các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành Giao thông vận tải.
Dự phiên họp có Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, Phó trưởng ban chỉ đạo, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng; các thành viên Ban Chỉ đạo là Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố; đại diện các Ban quản lý dự án, các tập đoàn kinh tế Nhà nước, các nhà đầu tư, đơn vị tư vấn, nhà thầu xây lắp.
Mở đầu Phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, thời gian qua, cả nước đang thực hiện tốt 3 đột phá chiến lược mà Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã xác định, trong đó có các đột phá về phát triển hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông; đạt nhiều kết quả tích cực, mang lại niềm vui cho nhân dân, tạo không gian phát triển mới, góp phần tạo thuận lợi, giảm giá thành vận tải, giảm chi phí đầu vào, tăng cạnh tranh cho hàng hóa.
Tại phiên họp thứ 10, chúng ta đã kiểm điểm, đánh giá, tháo gỡ một số khó khăn, bất cập liên quan thể chế, cơ chế, chính sách, quy định mà còn vướng mắc. Tại Thông báo ngày 10/4, chúng ta có 53 nhiệm vụ giao các địa phương, trong đó có 15 nhiệm vụ có thời gian; Thủ tướng Chính phủ có nhiều văn bản chỉ đạo liên quan đôn đốc triển khai các công trình. Từ phiên họp trước đến nay, chúng ta đã khánh thành các dự án Cam Lâm-Vĩnh Hảo, thông xe kỹ thuật Diễn Châu-Bãi Vọt… là những sản phẩm cụ thể, "cân, đong, đo, đếm" được, được nhân dân đón nhận hồ hởi, tạo điều kiện phát triển kinh tế-xã hội các địa phương. Bộ Tài nguyên và Môi trường đã thành lập Tổ công tác liên ngành tháo gỡ khó khăn về vật liệu san lấp ở khu vực Tây Nam Bộ, hướng dẫn các địa phương trong giải phóng mặt bằng… Vừa qua, các bộ, ngành, địa phương, nhà thầu tư vấn, giám sát, thi công đã nỗ lực, cố gắng vượt qua khó khăn, thách thức, hạn chế, bất cập để triển khai các dự án với tinh thần "vượt nắng, thắng mưa", "ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương", làm việc xuyên ngày nghỉ, ngày lễ, ngày Tết, "chỉ bàn làm, không bàn lùi"… Nhờ vậy, liên quan chúng ta đạt được hết sức tích cực.
Thủ tướng bày tỏ vui mừng việc Bí thư, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh đã tích cực vào cuộc, đôn đốc trên các công trường, nhất là thời gian gần đây bắt đầu nắng nóng, thi công trong điều kiện khó khăn. Nhờ đó, các công việc đang được triển khai đúng tiến độ. Bộ Giao thông vận tải với vai trò là cơ quan thường trực đã có nhiều nỗ lực, phân công các lãnh đạo Bộ đi kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn cho các dự án; cùng các địa phương đánh giá lại cái được, chưa được, khó khăn để tháo gỡ, lập tiến độ di dời bàn giao mặt bằng các công trình kỹ thuật ở các địa phương, bảo đảm kỹ mỹ thuật các dự án; các địa phương cũng tích cực tìm hiểu tình hình để triển khai nhanh; Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp vào cuộc tích cực; các dự án trước đây thuộc tập đoàn, tổng công ty nhà nước phụ trách làm với tốc độ chậm thì nay được triển khai nhanh như các dự án nhà ga, cảng hàng không.
Cũng từ sau Phiên họp thứ 10 tới nay, đã đưa vào khai thác và thông xe 2 tuyến đường bộ cao tốc là Cam Lâm – Vĩnh Hảo và Diễn Châu – Bãi Vọt, nâng tổng số tuyến đường cao tốc trên trục Bắc - Nam là 1.187 km và tổng chiều dài các tuyến cao tốc trên cả nước trên 2.000 km. Tuy nhiên, một số dự án vẫn còn chậm so với yêu cầu và còn dư địa rút ngắn thời gian thi công.
Do đó, Thủ tướng yêu cầu các thành viên Ban Chỉ đạo, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương rà soát công việc, đánh giá tình hình, chỉ rõ những hạn chế và nguyên nhân, nhất là trong công tác giải phóng mặt bằng, nguyên vật liệu, cấp vốn; chỉ rõ vướng mắc ở đâu, khâu nào, trách nhiệm của ai; đồng thời đề xuất giải pháp giải quyết.
Cho biết, việc thúc đẩy các dự án giao thông, góp phần quan trọng giải ngân đầu tư công – một trong 3 động lực phát triển; đồng thời tạo ra không gian phát triển mới, khu đô thị mới, khu du lịch mới…, Thủ tướng yêu cầu các đại biểu đề xuất cải giải pháp huy động các nguồn lực, sức mạnh tổng hợp để phát triển hạ tầng giao thông; đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc…để các dự án được triển khai đảm bảo tiến độ, chất lượng, kỹ/mỹ thuật, an toàn, bảo đảm môi trường, chống tham nhũng, tiêu cực…
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng báo cáo tại Phiên họp - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Theo báo cáo của Bộ Giao thông vận tải, về tình hình triển khai các dự án trọng điểm: đối với công tác giải phóng mặt bằng, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, nhiều địa phương đã tích cực triển khai và bàn giao mặt bằng để thi công, tuy nhiên, việc triển khai tại một số địa phương vẫn còn chưa đạt so với yêu cầu, công tác giải phóng mặt bằng tại dự án đường Hồ Chí Minh đoạn Rạch Sỏi-Bến Nhất, Gò Quao-Vĩnh Thuận còn chậm.
Đại diện các Bộ, ngành tham dự phiên họp.
Việc di dời các đường điện cao thế còn chậm, ảnh hưởng đến tiến độ thi công, đặc biệt đối với các đoạn tuyến phải xử lý nền đất yếu và dự án cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2021-2025 (đường dây 220-500 kV còn 50/143 vị trí, trong đó có 12/50 vị trí qua khu vực đất yếu; đường dây 110 kV còn 42/94 vị trí, trong đó có 10/42 vị trí qua khu vực đất yếu).
Bộ Giao thông vận tải đang phối hợp Bộ Tài nguyên và Môi trường làm việc với các cơ quan thuộc Quốc hội để thẩm tra điều chỉnh Nghị quyết số 273/NQ-UBTVQH15 về chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng, đất rừng, đất lúa tại dự án cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025.
Về vật liệu xây dựng thông thường, phần lớn đáp ứng nhu cầu cho các dự án; tuy nhiên tại một số dự án vẫn chưa hoàn thành thủ tục để khai thác mỏ. Mặt khác công suất khai thác các mỏ cũng không đáp ứng yêu cầu vật liệu cho san lấp, đắp nền, nhất là tại các dự án thành phần đường bộ cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn, Chí Thạnh - Vân Phong, Cần Thơ - Cà Mau; các dự án thành phần 2, 3 đường Vành đai 4 Hà Nội. Về khai thác cát biển, đến nay nhà thầu đã hoàn tất các thủ tục khảo sát, lập hồ sơ đăng ký khu vực và khối lượng khai thác.
Về nguồn vật liệu đắp cho dự án Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh, Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng, Biên Hòa-Vũng Tàu: Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Giao thông vận tải đã phối hợp cùng Ủy ban nhân dân các tỉnh liên quan để rà soát tổng thể khả năng khai thác, cung ứng để cân đối, điều hòa. Tỉnh Bắc Ninh còn khó khăn trong xác định nguồn vật liệu cho dự án thành phần 2.3 Vành đai 4 Hà Nội. Về nguồn vật liệu cho các dự án khác cơ bản đáp ứng yêu cầu.
Bộ Giao thông vận tải đang quyết liệt chỉ đạo các nhà thầu tận dụng thời tiết thuận lợi, tích cực triển khai dự án cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025, Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột, Chơn Thành-Đức Hòa, tiến độ cơ bản bám sát kế hoạch; riêng dự án Cần Thơ-Cà Mau, Biên Hòa-Vũng Tàu, đường Hồ Chí Minh đoạn Rạch Sỏi-Bến Nhất, Gò Quao-Vĩnh Thuận chậm so với kế hoạch do thiếu nguồn vật liệu đắp và chưa đủ mặt bằng thi công.
Tiến độ triển khai thi công tại các địa phương như Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hưng Yên, Long An, Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu, An Giang, Hà Giang, Đồng Tháp bám sát yêu cầu; các tỉnh còn lại tiến độ chưa đạt yêu cầu do các vướng mắc về mặt bằng thi công cũng như nguồn vật liệu đắp.
Đặc biệt, đối với Dự án Cảng Hàng không quốc tế Long Thành, các dự án thành phần cơ bản đáp ứng tiến độ; trong đó, gói thầu nhà ga hành khách đang thi công phần bê tông cốt thép bảo đảm tiến độ yêu cầu, phấn đấu đến tháng 9/2024 chuyển sang lắp dựng kết cấu thép mái. Các gói thầu đường cất hạ cánh, tuyến giao thông kết nối đang triển khai đáp ứng tiến độ đề ra. Dự án nhà ga hành khách T3 Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất đang triển khai thi công bám sát tiến độ đề ra…
Lãnh đạo các địa phương phát biểu tại Phiên họp - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Tại phiên họp, lãnh đạo các bộ, ngành, tỉnh, thành phố đều dành nhiều thời gian đề cập vấn đề tăng cường bảo đảm các nguồn nguyên vật liệu đào đắp nền các dự án. Lãnh đạo Ủy ban nhân dân TP Hồ Chí Minh kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành ưu tiên cân đối nguồn cát do dự án đường Vành đai 3 Thành phố.
Các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Sóc Trăng… phát biểu bày tỏ nỗ lực bố trí đủ nguồn cát, giải quyết nhanh các thủ tục cấp phép khai thác mỏ cát… Tỉnh Đồng Tháp đang nỗ lực bảo đảm nguồn cát, cố gắng đưa thêm một số mỏ cát vào khai thác, thậm chí điều chuyển bớt 200 nghìn m3 cát của các dự án trong địa bàn tỉnh để ưu tiên cho các công trình giao thông trọng điểm; đang phối hợp chặt chẽ với các nhà khoa học để đánh giá lại trữ lượng để công suất khai thác mỏ cát. Tỉnh Sóc Trăng cũng cơ bản đáp ứng nhu cầu cát cho các dự án theo kế hoạch được giao.
Các tỉnh, thành phố cũng dành nhiều thời gian thảo luận vấn đề giải phóng mặt bằng trên địa bàn, kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhiều giải pháp để đẩy nhanh tiến độ công tác này. TP Hồ Chí Minh kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo đưa một số dự án giao thông trọng điểm trên địa bàn vào danh mục của Ban Chỉ đạo để tiến độ được đẩy nhanh trong thời gian tới…
Phát biểu kết luận phiên họp Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, sau cuộc họp lần thứ 10 Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải vào ngày 29/3/2024, các bộ, ngành và địa phương đã chủ động, tích cực, phối hợp triển khai các nhiệm vụ được giao với tinh thần "chỉ bàn làm, không bàn lùi"; các chủ đầu tư, nhà thầu tiếp tục nỗ lực tổ chức thi công với quyết tâm "vượt nắng, thắng mưa", "ăn tranh thủ ngủ khẩn trương", thi công "3 ca 4 kíp", làm việc cả thứ 7, chủ nhật để đẩy nhanh tiến độ thi công công trình đúng hoặc vượt tiến độ từ 3 đến 6 tháng.
Thay mặt Chính phủ, Ban Chỉ đạo, Thủ tướng biểu dương sự nỗ lực cố gắng của các Bộ, ngành, địa phương; biểu dương tinh thần trách nhiệm của các kỹ sư, công nhân, người lao động ngành giao thông để chung tay xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông hiện đại, đồng bộ góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng XIII.
Thủ tướng yêu cầu các nhà thầu thi công đảm bảo đúng tiến độ chất lượng,
kỹ mỹ thuật, an toàn lao động
Nhắc lại mục tiêu Đại hội XIII của Đảng là đến năm 2025 cả nước có 3.000 km đường bộ cao tốc và đến măm 2030 cả nước có 5.000 km đường bộ cao tốc; nhấn mạnh, khối lượng công việc triển khai năm 2024 là rất lớn, thời gian còn lại chỉ còn 07 tháng, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các các bộ, ngành, địa phương cần tích cực, quyết liệt hơn nữa, tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, triển khai các nhiệm vụ để các dự án được triển khai đảm bảo tiến độ, chất lượng, kỹ-mỹ thuật, an toàn, bảo đảm môi trường, chống tham nhũng, tiêu cực.
Cho rằng, giải phóng mặt bằng có tính chất quyết định tiến độ các dự án, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các địa phương huy động cả hệ thống chính trị, phát huy vai trò người đứng đầu giải quyết dứt điểm công tác giải phóng mặt bằng; đẩy nhanh thi công các khu tái định cư; phối hợp chặt chẽ với các đơn vị thuộc EVN để đẩy nhanh tiến độ di dời đường điện cao thế.
Đặc biệt, các địa phương liên quan khẩn trương rà soát, hướng dẫn các nhà thầu thi công hoàn thiện thủ tục thu hồi vật liệu san lấp; bổ sung mỏ theo cơ chế đặc thù, nghiên cứu tăng công suất và hoàn tất các thủ tục để đưa các mỏ vật liệu vào khai thác, điều phối nguồn vật liệu nhằm bảo đảm nguồn đất đắp phục vụ thi công dự án.
Thủ tướng đề nghị các nhà thầu thi công đảm bảo đúng tiến độ chất lượng, kỹ mỹ thuật, an toàn lao động, "đã nói thì phải làm, đã cam kết thì phải thực hiện", rà soát các thủ tục tránh tình trạng xảy ra sai phạm nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn.
Đối với các dự án đang thi công xây dựng và các nội dung liên quan Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo các Chủ đầu tư, các nhà thầu phối hợp với các địa phương sớm hoàn thiện các thủ tục để khai thác các mỏ vật liệu xây dựng, bảo đảm đủ trữ lượng và công suất để có thể khai thác các mỏ thuộc dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021;
Về vật liệu Thủ tướng đề nghị các tỉnh có nguồn vật liệu cát đắp các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Tiền Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bến Tre,… phối hợp chặt chẽ với Tổ công tác liên ngành do Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì để rà soát, thực hiện việc điều phối nguồn vật liệu, đảm bảo việc cung ứng đáp ứng kế hoạch triển khai hoàn thành các dự án, ưu tiên cung ứng cho các dự án có kế hoạch hoàn thành vào cuối năm 2025, đẩy nhanh tiến độ triển khai, hoàn thiện các thủ tục giao mỏ cát biển cho các nhà thầu khai thác làm VLXD cho các dự án giao thông.
Về triển khai thi công Thủ tướng đề nghị các tỉnh, thành phố đôn đốc các nhà thầu huy động đầy đủ nhân, vật lực để thi công đồng thời kiểm soát chặt chẽ tiến độ, chất lượng và kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc đáp ứng kế hoạch đề ra; với các dự án chậm tiến độ cần chỉ đạo các nhà thầu bổ sung nhân vật lực để triển khai thi công đảm bảo tiến độ các dự án.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nói: "Tôi rất mong là cuộc họp nay phát huy tinh thần tích cực chủ động vào cuộc kịp thời lãnh đạo các cấp, các ngành và các địa phương. Thứ hai là phát huy tinh thần vì nước, vì dân của các nhà thầu, tư vấn, nhà thầu giám sát, nhà thầu thi công, rồi sự vào cuộc của nhân dân chúng ta làm sao mà đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng, đảm bảo an toàn về vệ sinh môi trường, đảm bảo cuộc sống của người dân khi mà dự án chúng ta, và hai việc nó nổi lên thì tôi đề nghị cuộc họp sau không phải bàn đến nữa, một là vật liệu xây dựng, thứ hai là giải phóng mặt bằng".
P.V