Sáng 11/6, tại phiên họp thứ 34, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đường bộ.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn.
Phát biểu thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị tiếp tục rà soát, bám sát ý kiến của ĐBQH để tiếp thu, giải trình tối đa các ý kiến.
Chủ tịch Quốc hội cho biết, thời gian qua, Quốc hội có nhiều Nghị quyết thí điểm liên quan đến đầu tư, quản lý đường bộ, đường cao tốc. Chính sự điều hành quyết liệt của Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) nên đầu tư, quản lý đường bộ, đường cao tốc có nhiều tiến bộ.
Theo Chủ tịch Quốc hội, trong dự thảo Luật Đường bộ có nhiều nội dung được luật hóa chính sách đặc thù, thí điểm. Tuy nhiên qua, cuộc họp hôm nay cần rà soát, tính toán cho phù hợp.
Chủ tịch Quốc hội lưu ý, về nội dung quy định thu phí sử dụng đường cao tốc, dự kiến có hiệu lực từ ngày 1/10/2024. Tuy nhiên, quá trình tiếp thu, chỉnh lý, Thường trực Uỷ ban Quốc phòng và An ninh đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho bổ sung khoản 3, Điều 50: Chính phủ quy định về điều kiện, thời điểm thực hiện việc thu phí sử dụng đường cao tốc; việc thu phí sử dụng đối với đường cao tốc thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này mà chưa đáp ứng quy định tại khoản 1 Điều 45 và khoản 2 Điều 47 của Luật này.
"Tôi cho rằng điều này là phù hợp, đảm bảo linh hợp, không nên quy định quá cứng trong luật", Chủ tịch Quốc hội nói.
"Đại lộ là đại phú"
Về đường cao tốc, Chủ tịch Quốc hội tán thành nhiều nội dung trong dự thảo Luật. Đây là nội dung mới so với luật hiện hành, nhiều vấn đề được luật hóa từ thực tiễn đầu tư đường cao tốc trong thời gian vừa qua.
"Đề nghị tiếp tục rà soát, chỉnh lý kỹ nội dung, nhất là quy định tiêu chuẩn, điều kiện đường cao tốc, đầu tư xây dựng phát triển đường cao tốc, hình thức đầu tư, mối quan hệ giữa đường cao tốc và đường hiện hữu", ông Mẫn nói và đề nghị Bộ GTVT đánh giá như thế nào là đường cao tốc đạt chuẩn, như thế nào là đường cao tốc không đạt chuẩn.
Toàn cảnh phiên họp sáng 11/6, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Hiện khoản 5 Điều 47 dự thảo Luật quy định: Trường hợp quyết định tách dự án thành các tiểu dự án, dự án thành phần, cấp quyết định chủ trương đầu tư quyết định việc giao cho một cơ quan chủ trì chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện dự án bảo đảm tính tổng thể, đồng bộ toàn dự án; chịu trách nhiệm rà soát, điều hòa, cân đối và thống nhất điều chỉnh tổng mức đầu tư giữa các tiểu dự án, dự án thành phần, bảo đảm không vượt sơ bộ tổng mức đầu tư của toàn bộ dự án đã được quyết định chủ trương đầu tư.
Chủ tịch Quốc hội cho rằng đây là nội dung được bàn thảo nhiều. Tuy nhiên, đề nghị tiếp tục rà soát lại cho chặt chẽ, đảm bảo tính khả thi và phù hợp với các quy định khác có liên quan.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị về giao thông thông minh, cơ quan soạn thảo và thẩm tra xem xét đưa nội dung này vào báo cáo những vấn đề lớn.
"Nội dung này cũng được nhiều người quan tâm, giao thông thông minh áp dụng như thế nào ở lĩnh vực đường bộ? Đề nghị tiếp tục nghiên cứu, chỉnh lý, thống nhất", ông Mẫn nói.
Hệ thống giao thông thông minh sẽ được đầu tư với công nghệ mới nhất
Giải trình một số nội dung, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng cho biết, Bộ GTVT sẽ tiếp tục phối hợp với cơ quan thẩm tra để tiếp thu các nội dung.
Về phân cấp, phân quyền liên quan đến Điều 7 của dự thảo Luật Đường bộ, Bộ GTVT sẽ tiếp tục nghiên cứu để đảm bảo với thực tiễn, đồng thời không xung đột với các luật liên quan như Luật PPP, Luật Đầu tư công.
Về quy mô của các tuyến đường cao tốc, vừa qua đã ban hành Quy chuẩn đường cao tốc.
"Trong quy chuẩn này có đầy đủ về quy mô, hệ thống giao thông thông minh. Dự kiến tất cả các tuyến đường kết nối với 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM được quy hoạch tối thiểu là 8 làn. Trong thời gian tới, Bộ GTVT tiếp tục điều chỉnh để tối thiểu là 10 làn", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nói.
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng phát biểu tại Phiên họp
Về hệ thống giao thông thông minh, Điều 40 của dự thảo Luật đã có đề cập vấn đề này và nêu "đối với nội dung cụ thể thì sẽ giao Chính phủ quy định".
"Tiếp thu ý kiến của Chủ tịch Quốc hội, Bộ GTVT trong quá trình tham mưu cho Chính phủ sẽ có quy định hết sức cụ thể", ông Thắng nói và cho biết, quan điểm là Bộ GTVT phải là Bộ ứng dụng công nghệ thông tin mạnh mẽ nhất trên tất cả lĩnh vực.
Bộ trưởng Thắng cho biết, sắp tới ở lĩnh vực đường bộ, nước ngoài có cái gì thì chúng ta có cái đó. Hệ thống giao thông thông minh sẽ được đầu tư với công nghệ mới nhất, đầy đủ cấu phần như các tuyến cao tốc ở quốc gia phát triển.
"Các lĩnh vực khác cũng như vậy, ví dụ như sân bay, sau này tất cả khâu đều tự động hết. Hay là cảng biển cũng tự động 100%", Bộ trưởng Bộ GTVT khẳng định.
Theo Báo Giao thông