Sáng 12/7, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang chủ trì Hội nghị sơ kết công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông 6 tháng đầu năm, phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia. Hội nghị được kết nối trực tuyến đến Ủy ban An toàn giao của 63 tỉnh, thành trong cả nước.
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang phát biểu tại Hội nghị - Ảnh: VGP/Hải Minh
Báo cáo tại Hội nghị cho thấy, từ ngày 15/12/2023 đến ngày 14/6/2024, toàn quốc xảy ra 12.350 vụ tai nạn giao thông, làm chết 5.343 người, bị thương 9.552 người.
So với cùng kỳ năm 2023, số người tử vong do tai nạn giao thông giảm 10,61% nhưng số vụ tai nạn giao thông tăng 15,58% và số người bị thương tăng 34%.
Đặc biệt số vụ tai nạn giao thông do người điều khiển phương tiện vi phạm quy định nồng độ cồn trong các dịp cao điểm giảm sâu so với các năm trước; số vụ ùn, tắc giao thông trong các dịp cao điểm cũng được kéo giảm so với cùng kỳ năm 2023.
Tình hình vi phạm về chở quá tải trọng xe, vi phạm về cơi nới thành thùng xe tại các địa phương đã được xử lý một cách căn bản.
Tuy nhiên, cả nước ghi nhận 9 vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng tại Lào Cai, Ninh Bình, Quảng Ninh, Tuyên Quang, Thanh Hoá, Hà Tĩnh, Thừa Thiên Huế, Đắk Lắk và Trà Vinh. Nguyên nhân ban đầu là do không chấp hành quy định về tốc độ, không đi đúng chiều đường, phần đường, làn đường quy định.
Ý thức chấp hành các quy định pháp luật về trật tự an toàn giao thông (TTATGT) của một bộ phận người tham gia giao thông, lái xe và chủ doanh nghiệp còn chưa cao; hành vi vi phạm quy định nồng độ cồn, chất ma túy khi lái xe đã giảm sâu nhưng vẫn còn tồn tại.
Cấp ủy, chính quyền và lực lượng chức năng ở một số địa phương còn nhận thức chưa đúng, thiếu quyết liệt trong chỉ đạo, còn tình trạng ỷ lại cho các lực lượng chức năng trong khi công tác quản lý nhà nước tại một số lĩnh vực liên quan tới công tác bảo đảm TTATGT còn bất cập.
Hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật về TTATGT ở một số đơn vị, địa phương còn hạn chế do lực lượng mỏng, ứng dụng khoa học công nghệ còn hạn chế, một số quy định còn chồng chéo; sự phối hợp thực hiện các nhiệm vụ bảo đảm TTATGT giữa các cơ quan, lực lượng bảo đảm TTATGT có nơi, có lúc chưa chặt chẽ.
Nguồn kinh phí dành cho công tác bảo đảm TTATGT còn hạn chế, nhất là kinh phí để thực hiện duy tu, bảo trì, khắc phục điểm đen về tai nạn giao thông trên mạng lưới kết cấu hạ tầng, kinh phí dành cho công tác tuyên truyền, phổ biến, vận động nhân dân chấp hành pháp luật về TTATGT dành cho các đoàn thể, chính trị xã hội.
Số người chưa đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông có chiều hướng gia tăng, nhất là lứa tuổi vị thành niên, học sinh.
Tại hội nghị, TP. Hà Nội kiến nghị nâng cao mức phạt đối với những hành vi là nguyên nhân chính dẫn đến tai nạn giao thông như vi phạm nồng độ cồn, vi phạm tốc độ…
TPHCM kiến nghị Bộ Công an, Bộ Giao thông vận tải có kịch bản đóng các tuyến cao tốc tại thành phố để tránh ùn tắc.
Hà Tĩnh đề nghị Bộ Giao thông chỉ đạo các đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ triển khai tuyến cao tốc qua địa bàn tỉnh.
Thanh Hoá đề xuất cần có cơ chế khuyến khích đưa vào sử dụng các phương tiện mới hiện đại hỗ trợ người lái; tổ chức lại tốc độ phương tiện trên một số tuyến cao tốc có lưu lượng giao thông lớn.
Các địa phương đều nhấn mạnh sự cần thiết phải tập trung xử lý những nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông như nồng độ cồn, sử dụng chất cấm, vi phạm tốc độ, quá tải, đi không đúng làn đường, phần đường…
Phó Thủ tướng yêu cầu người đứng đầu các địa phương phải
quan tâm hơn, quyết liệt hơn trong công tác bảo đảm TTATGT - Ảnh: VGP/Hải Minh
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đánh giá cao nỗ lực của các bộ, ngành là thành viên của Uỷ ban An toàn giao thông quốc gia và các địa phương trong việc tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về bảo đảm TTATGT; kéo giảm số người chết vì tai nạn giao thông; giảm mạnh tai nạn giao thông do rượu bia; công tác tuyên truyền về an toàn giao thông có hiệu quả.
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cũng nêu rõ số vụ tai nạn giao thông và người bị thương còn tăng, tạo gánh nặng rất lớn cho gia đình và xã hội; còn xảy ra các vụ tai nạn nghiêm trọng; số vụ chống người thi hành công vụ tăng gần 60%.
Ý thức của người tham gia giao thông chưa có chuyển biến lớn; vẫn còn tình trạng sử dụng rượu bia, chất cấm khi tham gia giao thông; không phải nơi nào cũng áp dụng tốt khoa học công nghệ, dành sự quan tâm thích đáng đến công tác bảo đảm TTATGT.
Bên cạnh đó, kinh phí xóa điểm đen, phát triển hạ tầng còn hạn chế; số người chưa đủ điều kiện điều khiển phương tiện giao thông tăng, chủ yếu là trẻ em.
Về nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an, Bộ Giao thông vận tải tập trung hoàn thành việc xây dựng các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ và Luật Đường bộ.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh phải ưu tiên từng bước chuyển biến ý thức của người tham gia giao thông và cả người không tham gia giao thông (người bán hàng trên vỉa hè); quản lý tốt phương tiện để phòng ngừa nguy cơ gây tai nạn giao thông; tập trung cải thiện và quản lý tốt cơ sở hạ tầng.
Đối với các địa phương, Phó Thủ tướng yêu cầu người đứng đầu các địa phương phải quan tâm hơn, quyết liệt hơn trong công tác bảo đảm TTATGT; phối hợp tốt hơn nữa giữa các lực lượng; chủ động trong thẩm quyền được giao như quy định mức phạt hành vi vi phạm TTATGT.
Phó Thủ tướng đề nghị các cơ quan truyền thông, cơ quan đoàn thể tiếp tục phát huy hơn nữa vai trò tuyên truyền, phổ biến pháp luật với nội dung, hình thức đa dạng, đúng đối tượng, góp phần tạo chuyển biến mạnh mẽ về ý thức tự giác, nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật về giao thông của người tham gia giao thông.
Các lực lượng chức năng tiếp tục tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm hành vi vi phạm TTATGT, không có ngoại lệ, không có vùng cấm, Phó Thủ tướng quán triệt.
Về đề xuất tăng mức phạt đối với những hành vi phạm TTATGT, Phó Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần là tăng tính răn đe nhưng phải nằm trong khuôn khổ của pháp luật, trong đó có Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ và Luật Đường bộ.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh sự cần thiết phải đánh giá lại vai trò của cơ quan thường trực của Uỷ ban An toàn giao thông quốc gia để có sự điều chỉnh cho phù hợp, bảo đảm hiệu quả; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong điều hành, quản lý hệ thống hạ tầng giao thông, xử phạt vi phạm./.