Bộ GTVT rà soát, đề xuất chính sách phát triển phương tiện giao thông xanh

Thứ ba, 06/08/2024 19:48
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Đó là yêu cầu của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tại cuộc họp ngày 6/8 với các bộ, ngành về triển khai chính sách phát triển phương tiện giao thông xanh và chính sách phát triển trạm sạc xe điện.

xay dung cac chinh sach khuyen khich phat trien phuong tien giao thong xanh hinh anh 1

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp với các Bộ, ngành về

chính sách phát triển phương tiện giao thông xanh và chính sách

phát triển trạm sạc xe điện - Ảnh: VGP/Minh Khôi

Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn cho biết, thực hiện Quyết định số 876/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình hành động chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon và khí methane của ngành GTVT, Bộ đã rà soát, bổ sung các nội dung liên quan đến khuyến khích phát triển phương tiện sử dụng điện, năng lượng xanh.

Bộ GTVT cũng ban hành, sửa đổi, bổ sung quy định về kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường ô tô, xe máy điện; tổ chức xây dựng sửa đổi, bổ sung các quy chuẩn về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường liên quan đến ô tô điện; quy định về số vị trí lắp đặt trụ sạc điện, hạ tầng cung cấp điện cho các trụ sạc điện trong trạm dừng nghỉ; xây dựng "Báo cáo đề xuất chính sách hỗ trợ chuyển đổi sang xe ô tô điện".

Trong khi đó, đại diện Bộ KH&ĐT, Tài chính, cho biết, Chính phủ đã ban hành, thực hiện nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ về đầu tư, thuế, phí, đất đai, thị trường… đối với doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất xe điện, cũng như người tiêu dùng. Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Đỗ Thành Trung cho biết cần bổ sung ngay nội dung trạm/trụ sạc điện vào quy hoạch hệ thống đô thị, nông thôn.

Theo ông Nguyễn Trọng Đông, Phó Chủ tịch UBND Hà Nội: Hà Nội đang triển khai phương tiện giao thông công cộng là xe điện. Theo kế hoạch chuyển đổi và phát triển xe buýt sử dụng điện và năng lượng xanh trên địa bàn thành phố Hà Nội, đến năm 2030, tỷ lệ phương tiện xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh đạt khoảng 70%-90% và đến năm 2035 đạt 100%. Tuy nhiên, vướng mắc nhất hiện nay là cơ sở hạ tầng, các doanh nghiệp đầu tư vẫn mang tính chất tự phát. Do đó, cần có quy chuẩn riêng cho ô tô điện, trạm/cột sạc điện…

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Xuân Dũng cho biết: Bộ đang rà soát ban hành các tiêu chuẩn thiết kế đường dành cho xe điện. Từ nay đến quý 2/2025, Bộ Xây dựng sẽ hoàn thiện và có hướng dẫn các tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy hoạch bãi đỗ xe trong đô thị, bãi đỗ xe trong công trình dân dụng; Bộ cũng đang chuẩn bị dự thảo hướng dẫn lắp trụ sạc điện tại các công trình hiện hữu theo hướng gắn với công trình, thuộc nhóm công trình cải tạo, những trụ sở gắn với công trình hiện hữu thì sẽ coi như một thiết bị để gắn vào công trình và coi như công trình đó sửa chữa cải tạo, không ảnh hưởng đến các kết cấu của công trình, kiến trúc, PCCC…

Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành cho biết thêm, nhiều nước đã chuyển từ chính sách hỗ trợ người dân mua xe điện sang xây dựng hạ tầng, trạm/trụ sạc điện, nghiên cứu sản xuất pin; siết chặt quy chuẩn, tiêu chuẩn về khí thải của phương tiện giao thông sử dụng xăng, dầu.

Các đại biểu cũng đã thảo luận về phương án tính giá điện cho các trạm, trụ sạc điện; tiêu chuẩn kỹ thuật thống nhất cho các ổ sạc điện; các quy chuẩn, tiêu chuẩn về định mức tiêu thụ năng lượng đối với xe xăng; phát triển hệ thống giao thông công cộng sử dụng điện, nhiên liệu xanh…

Phát triển phương tiện giao thông xanh: Chi tiết, rõ trách nhiệm, có trọng tâm, trọng điểm- Ảnh 5.

Các đại biểu trao đổi về một số giải pháp, chính sách nhằm tăng tốc chuyển đổi

năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon và khí metan của ngành GTVT

- Ảnh: VGP/Minh Khôi

Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng việc thực hiện các nhiệm vụ trong Quyết định 876/QĐ-TTg của các bộ, ngành chưa có lộ trình rõ ràng, thiếu trọng tâm, trọng điểm, trong bối cảnh nhiều quốc gia đang triển khai chính sách liên quan đến chuyển đổi xanh trong lĩnh vực giao thông hết sức mạnh mẽ.

Phó Thủ tướng giao Bộ GTVT rà soát, báo cáo tổng thể về tình hình thực hiện Quyết định 876/QĐ-TTg. Trong đó chỉ rõ xác định mục tiêu, nhiệm vụ, cập nhật chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, các cơ chế, chính sách đã được luật hoá, những bất cập, khó khăn. Đồng thời xây dựng kế hoạch hành động chi tiết để thực hiện Chương trình, rõ vai trò, trách nhiệm của bộ, ngành, địa phương, đề xuất "cơ chế điều hành liên ngành" như một số ban chỉ đạo công trình, dự án trọng điểm về giao thông, năng lượng.

Bộ GTVT phối hợp với các bộ, ngành liên quan, địa phương để rà soát, đề xuất chính sách khuyến khích, hỗ trợ chuyển đổi sang phương tiện giao thông dùng điện, nhiên liệu xanh, đối với các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu, người sử dụng.

"Bộ Xây dựng, UBND các tỉnh, thành phố sớm có hướng dẫn tạm thời cho chính quyền địa phương bổ sung quy hoạch về trạm/trụ sạc điện trong xây dựng đô thị, hạ tầng giao thông", Phó Thủ tướng nói và lưu ý, cần có chính sách hỗ trợ cho nhà đầu tư trạm/trụ sạc điện về đất đai, quy hoạch, thuế, phí.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương sớm trình Chính phủ cơ chế tính giá điện cho các trạm/trụ sạc điện trên nguyên tắc hỗ trợ trực tiếp cho người sử dụng xe điện.

T.H

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)