Bộ trưởng Bộ GTVT mong doanh nghiệp tiếp tục đầu tư vào hạ tầng giao thông

Chủ nhật, 22/09/2024 19:17
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Chỉ ra nhu cầu phát triển giao thông rất lớn, lên tới hàng triệu tỷ đồng nữa, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng bày tỏ mong tiếp tục nhận được sự quan tâm đầu tư phát triển lĩnh vực hạ tầng giao thông.

Chia sẻ tại hội nghị của Thường trực Chính phủ làm việc với các doanh nghiệp về giải pháp góp phần phát triển kinh tế - xã hội đất nước vào sáng 21/9, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thắng cho biết, vừa qua, Đảng và Nhà nước đã có chủ trương rất mạnh mẽ về hoàn thiện hạ tầng chiến lược, đó là hạ tầng giao thông để tập trung phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng.

Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, theo quy hoạch chiến lược, riêng ở 3 lĩnh vực đường bộ, đường hàng không, đường thủy, chúng ta cần khoảng hơn 2 triệu tỷ đồng.

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng chia sẻ tại hội nghị (Ảnh: VGP)

Từ năm 2021 đến nay, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã dành hơn 100 nghìn tỷ để triển khai xây dựng các dự án lớn, rất lớn trên mọi lĩnh vực và ưu điểm là đường cao tốc.

"Hiện chúng ta có hơn 1.000km đường cao tốc, dự kiến đến năm 2025 có hơn 1.000km đường cao tốc nữa và đến năm 2030, chúng ta có khoảng 5.000km đường cao tốc. Có thể nói đây là nguồn lực rất lớn mà Đảng và Nhà nước đã dành cho phát triển kết cấu hạ tầng giao thông", Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh.

Tuy nhiên, dự kiến đến năm 2030, nhu cầu phát triển giao thông rất lớn, chưa tính đến lĩnh vực đường sắt và dự án đường sắt cao tốc thì cần hơn 2 triệu tỷ đồng, trong khi ngân sách nhà nước dự kiến hơn 1 triệu tỷ đồng, như vậy còn hơn 1 triệu tỷ đồng sẽ phải huy động nguồn xã hội hóa từ các doanh nghiệp.

Nếu tính cả đường sắt cao tốc và dự án đường tiêu chuẩn thì cần khoảng thêm 3 triệu tỷ đồng nữa. Riêng đường sắt tốc độ cao đã cần hơn 1,7 triệu tỷ đồng.

Do đó, cần nguồn xã hội hóa rất lớn, vì vậy Bộ trưởng Bộ GTVT bày tỏ mong tiếp tục nhận được sự quan tâm đầu tư để phát triển lĩnh vực hạ tầng giao thông vận tải.

Về đường bộ, Luật Đường bộ đã được ban hành và sắp tới Bộ GTVT sẽ phối hợp với các Bộ, ngành thực hiện đấu thầu về việc thu phí ở tất cả các tuyến cao tốc mà nhà nước đã đầu tư. Đây là cơ hội rất tốt để các doanh nghiệp có thể tham gia.

Bên cạnh đó, có nhiều dự án về giao thông có thể làm BOT, Bộ GTVT mong các doanh nghiệp sẽ tiếp tục đầu tư xây dựng, tham gia theo hình thức BOT.

Để làm được điều này, thời gian tới, Chính phủ cũng sẽ có nhiều cơ chế, chính sách và sẽ trình Quốc hội về các chính sách tạo điều kiện cho doanh nghiệp.

Về đường sắt, hiện nay, ngoài đường sắt cao tốc có nhiều dự án đường sắt thuộc tiêu chuẩn đường sắt hỗn hợp, đường sắt đô thị. Theo tính toán của Bộ GTVT, riêng các dự án đường sắt sẽ tạo ra cho thị trường xây dựng khoảng 75,6 tỷ USD và cho thị trường sản xuất hơn 34 tỷ USD.

Còn những vấn đề liên quan đến các thiết bị phục vụ đường sắt cao tốc 250km/h, 350km/h cơ bản không có sự khác biệt nhiều.

Trả lời kiến nghị của địa phương về quy hoạch cảng biển, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt 2 quy hoạch là quy hoạch nhóm cảng biển và quy hoạch chi tiết. Hiện nay, Bộ GTVT đã làm song song 2 quy hoạch này.

Riêng quy hoạch nhóm cảng biển, Bộ GTVT đã trình Thủ tướng và Phó thủ tướng phụ trách đã họp xem xét, có thông báo về nội dung này vào ngày 5/9. Dự kiến, trong tháng 9 này có đầy đủ quy hoạch cảng biển để triển khai.

kieuanh

Nguồn: Báo Giao thông

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)