Thứ trưởng Nguyễn Văn Công vừa ký ban hành Quyết định số 3014/QĐ-BGTVT ngày 20/8/2015 về việc chuyển đoạn luồng hàng hải từ cầu Sài Gòn đến ngã ba rạch Thị Nghè thành đường thủy nội địa quốc gia và ủy quyền cho Sở GTVT TP Hồ Chí Minh quản lý.
Theo Quyết định, chuyển đoạn luồng hàng hải từ cầu Sài Gòn đến ngã ba rạch Thị Nghè (dài 1,9 km) thành đường thủy nội địa quốc gia và ủy quyền cho Sở GTVT thành phố Hồ Chí Minh quản lý, bảo trì và thực hiện công tác quản lý nhà nước tại các cảng, bến thủy nội địa.
Cục Hàng hải Việt Nam chủ trì, phối hợp với Cục Đường thủy nội địa Việt Nam thực hiện các thủ tục chuyển đoạn luồng hàng hải từ cầu Sài Gòn đến ngã ba rạch Thị Nghè thành đường thủy nội địa quốc gia; Thống nhất với Cục Đường thủy nội địa Việt Nam việc bàn giao hoặc thu hồi hệ thống báo hiệu hàng hải để đảm bảo công tác quản lý được thực hiện liên tục, an toàn, thông suốt.
Cục Đường thủy nội địa Việt Nam phối hợp với Cục Hàng hải Việt Nam, Sở GTVT TP. Hồ Chí Minh tổ chức tiếp nhận luồng, báo hiệu; thiết lập hệ thống báo hiệu và tổ chức quản lý, bảo trì đoạn tuyến cầu Sài Gòn đến ngã ba rạch Thị Nghè theo quy định của pháp luật; hoàn thành trước 05 tháng 9 năm 2015;
Cục Đường thủy nội địa Việt Nam có trách nhiệm thực hiện các thủ tục ủy quyền quản lý, bảo trì và thực hiện công tác quản lý nhà nước tại các cảng, bến thủy nội địa cho Sở GTVT TP. Hồ Chí Minh ngay sau khi chuyển đoạn tuyến trên thành đường thủy nội địa quốc gia; Thống nhất với Cục Hàng hải Việt nam, Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải miền Nam về việc tiếp nhận hoặc giải quyết chế độ cho lao động đang tham gia quản lý, vận hành đoạn luống hàng hải này theo quy định; báo cáo Bộ GTVT xem xét những nội dung vượt thẩm quyền.
Sở GTVT thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với Cục Đường thủy nội địa Việt Nam thực hiện các thủ tục ủy quyền ngay sau khi đoạn tuyến trên được chuyển thành đương thủy nội địa quốc gia; Tổ chức quản lý, bảo trì và thực hiện công tác quản lý nhà nước tại các cảng, bến thủy nội địa trên đoạn tuyến đường thủy nội quốc gia (đoạn từ cầu Sài Gòn đến ngã ba rạch Thị Nghè) theo quy định của pháp luật để đảm bảo việc quản lý được liên tục, hiệu quả và an toàn.
Các cơ quan, đơn vị liên quan có trách nhiệm phối hợp kịp thời trong quá trình bàn giao, tổ chức quản lý, sử dụng đường thủy nội địa quốc gia đoạn tuyến từ cầu Sài Gòn đến ngã ba rạch Thị Nghè; thực hiện thủ tục điều chuyển và hạch toan tăng, giảm giá trị tài sản đã bàn giao theo quy định hiện hành của pháp luật về kế toán, thống kê, quản lý, sử dụng tài sản nhà nước.