3 phương thức khai thác kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa

Thứ hai, 02/04/2018 09:53
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Chính phủ đã ban hành Nghị định số 45/2018/NĐ-CP quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa.

Ảnh minh họa

Theo Nghị định, toàn bộ tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa do Nhà nước đầu tư, quản lý (không tính thành phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp) được giao cho cơ quan được giao quản lý tài sản.

Cơ quan được giao quản lý tài sản ở trung ương là cơ quan giúp Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải thực hiện chức năng quản lý nhà nước chuyên ngành về giao thông đường thủy nội địa; cơ quan được giao quản lý tài sản ở địa phương là cơ quan giúp UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện chức năng quản lý nhà nước chuyên ngành về giao thông đường thủy nội địa.

Thủ tướng Chính phủ quyết định giao quản lý tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa có liên quan đến quốc phòng, an ninh quốc gia và tài sản hình thành từ dự án do Thủ tướng Chính phủ quyết định đầu tư theo quy định trên cơ sở đề nghị của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, Chủ tịch UBND cấp tỉnh và ý kiến của các cơ quan có liên quan.

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quyết định giao quản lý tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa thuộc trung ương quản lý không thuộc phạm vi quy định.

Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định giao quản lý tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa thuộc địa phương quản lý không thuộc phạm vi quy định.

Phương thức khai thác

Nghị định nêu rõ, việc khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa được thực hiện theo các phương thức sau: Cơ quan được giao quản lý tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa trực tiếp tổ chức khai thác tài sản; cho thuê quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa; chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa.

Nguồn thu từ khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa gồm: Phí, lệ phí theo quy định của pháp luật về phí, lệ phí; tiền thu từ giá dịch vụ sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa và các khoản thu khác liên quan đến việc cung cấp dịch vụ theo quy định của pháp luật; tiền thu từ cho thuê quyền khai thác, chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa theo quy định tại Nghị định này trong trường hợp cho thuê quyền khai thác, chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác tài sản.

Đối với các tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa phục vụ mục đích công cộng, không áp dụng các phương thức khai thác tài sản quy định thì cơ quan được giao quản lý tài sản thực hiện quản lý, sử dụng theo quy định; không phải lập Đề án khai thác tài sản trình cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt theo quy định. Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định danh mục tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa thuộc phạm vi quản lý phục vụ mục đích công cộng không áp dụng các phương thức khai thác tài sản quy định trên cơ sở đề nghị của cơ quan được giao quản lý tài sản.

Điều chuyển kết cấu hạ tầng giao thông thủy nội địa

Tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa được điều chuyển trong các trường hợp sau: Khi có sự thay đổi về cơ quan quản lý, phân cấp quản lý, phân loại tài sản; tài sản được giao nhưng không còn nhu cầu sử dụng hoặc việc khai thác không hiệu quả; trường hợp khác theo quy định của pháp luật.

Thủ tướng Chính phủ quyết định điều chuyển tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa từ cơ quan được giao quản lý tài sản (ở trung ương và địa phương) sang doanh nghiệp quản lý theo hình thức đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp và tài sản có liên quan đến quốc phòng, an ninh quốc gia theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, Chủ tịch UBND cấp tỉnh, Bộ trưởng Bộ Tài chính và các cơ quan có liên quan.

Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định điều chuyển tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa không thuộc phạm vi quy định giữa Bộ Giao thông vận tải với bộ, cơ quan trung ương, UBND cấp tỉnh trên cơ sở đề nghị của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, Chủ tịch UBND cấp tỉnh có liên quan.

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quyết định điều chuyển tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa không thuộc phạm vi quy định giữa các cơ quan, đơn vị thuộc phạm vi quản lý.

Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định điều chuyển tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa không thuộc phạm vi quy định giữa các cơ quan, đơn vị thuộc địa phương quản lý.

 

toanld

Nguồn: Chinhphu.vn

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)