Bộ GTVT vừa có Công văn số 6105/BGTVT-PC gửi các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ hướng dẫn tổ chức hưởng ứng Ngày Pháp luật năm 2020.
Theo đó, Luật Phổ biến giáo dục pháp luật năm 2012 quy định “Ngày 09 tháng 11 hằng năm là Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam". Sau gần 08 năm thực hiện Luật Phổ biến giáo dục pháp luật, Ngày Pháp luật đã được cán bộ, công chức, người lao động và học viên, sinh viên ngành Giao thông vận tải tích cực hưởng ứng, triển khai nghiêm túc, tạo hiệu ứng tích cực, góp phần xây dựng lối sống, làm việc theo Hiến pháp và pháp luật.
(Ảnh minh họa)
Để Ngày Pháp luật năm 2020 tiếp tục được thực hiện sâu rộng, thực chất và hiệu quả, Bộ Giao thông vận tải yêu cầu các cơ quan, đơn vị trong ngành Giao thông vận tải triển khai thực hiện một số nội dung sau: Tiếp tục tổ chức tuyên truyền, phổ biến về mục đích, ý nghĩa của Ngày Pháp luật Việt Nam, lựa chọn nội dung pháp luật để thông tin, phổ biến thiết thực, phù hợp; trong đó, tập trung giáo dục ý thức tuân thủ và chấp hành pháp luật; tuyên truyền gương người tốt, việc tốt trong xây dựng, thực hiện và bảo vệ pháp luật; phê phán, đấu tranh với hành vi vi phạm pháp luật hoặc lệch chuẩn xã hội; nâng cao ý thức trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và Nhân dân trong chủ động tìm hiểu, học tập pháp luật; nội dung cơ bản của các luật, pháp lệnh, văn bản mới ban hành có hiệu lực năm 2019, năm 2020; các dự thảo chính sách, quy định của pháp luật có nội dung liên quan trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp; những vấn đề được người dân, xã hội quan tâm hoặc cần định hướng dư luận xã hội, vấn đề nóng trong xã hội, trọng tâm là các lĩnh vực: an toàn giao thông; cải cách hành chính; lao động; đầu tư; phòng, chống tham nhũng, lãng phí; khiếu nại, tố cáo; bảo vệ môi trường; đất đai; phòng, chống dịch bệnh, cháy nổ; phòng, chống tác hại của rượu bia, thuốc lá; biên giới, hải đảo; xử lý vi phạm hành chính; các điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết tham gia là thành viên có liên quan...
Về hình thức tổ chức thực hiện, căn cứ vào tình hình, điều kiện thực tế, các cơ quan, đơn vị có thể lựa chọn các hỉnh thức tổ chức phù hợp, đảm bảo thiết thực, hiệu quả, gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao. Trong đó, chú trọng đổi mới, đa dạng các hình thức hưởng ứng một cách linh hoạt, tiết kiệm và có sức lan tỏa sâu rộng; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, xã hội hóa trong việc tổ chức thực hiện, cụ thể một số hoạt động như sau: Phổ biến pháp luật trên các phương tiện thông tin đại chúng (báo, đài, Cổng/Trang thông tin điện tử của cơ quan, đơn vị); truyền thông trên mạng viễn thông, mạng xã hội; biên soạn và phát hành các tài liệu phổ biến giáo dục pháp luật; Tố chức mít tinh hưởng ứng Ngày Pháp luật gắn với biểu dương, khen thường các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác xây dựng, thi hành và bảo vệ pháp luật. Triển khai các hoạt động tuyên truyền thông qua các hội nghị, hội thảo, tọa đàm, cuộc thi tìm hiểu pháp luật, đối thoại chính sách, tư vấn pháp luật trực tiếp; Thực hiện các hoạt động tuyên truyền cố động trực quan về Ngày Pháp luật qua hệ thống áp phích, băng rôn, cờ phướn tại cơ quan, đơn vị; tổ chức lồng ghép hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật kết hợp với các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao; Tổng kết, xây dựng, nhân rộng mô hình hay, cách làm mới, hiệu quả trong công tác phố biến giáo dục pháp luật và phù hợp với điều kiện, tình hình thực tế của cơ quan, đơn vị...
Căn cứ chức năng, nhiệm vụ và tình hình thực tế của từng đơn vị, các cơ quan, đơn vị chủ động lựa chọn khẩu hiệu tuyên truyền, phổ biến về Ngày Pháp luật cho phù hợp với điều kiện đặc thù của cơ quan, đơn vị mình để bám sát nội dung Ngày Pháp luật năm 2020. Ngoài ra, các cơ quan, đơn vị có thể tham khảo và sử dụng một số khẩu hiệu do Bộ Tư pháp cung cấp trên cổng thông tin điện tử của Bộ Tư pháp.
Các hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật tập trung trong tháng cao điểm, bắt đầu từ ngày 15/10 đến ngày 15/11/2020. Trong tháng cao điểm, khuyến khích các cơ quan, đơn vị tổ chức các chuỗi hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật.
Các Vụ, Văn phòng Bộ, Thanh tra Bộ; các Cục, Tổng cục; các Viện, trường đại học, cao đẳng thuộc Bộ tổ chức triển khai các nội dung đảm bảo Ngày Pháp luật được tổ chức thiết thực, hiệu quả và tiết kiệm; Văn phòng Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp Vụ Pháp chế tổ chức treo băng rôn, áp phích tại cơ quan Bộ để tuyên truyền cho cán bộ, công chức về ý nghĩa của Ngày Pháp luật; Các tổ chức, bộ phận pháp chế thuộc các cơ quan, đơn vị là đầu mối triển khai thực hiện, tổ chức kiểm tra, đôn đốc giám sát việc thực hiện Ngày Pháp luật tại cơ quan, đơn vị.
Vụ Pháp chế chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị tổ chức kiểm tra, đôn đốc, giám sát việc thực hiện Ngày Pháp luật của các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ; tổng hợp báo cáo gửi Bộ Tư pháp theo quy định.
Trung tâm Công nghệ thông tin, các Cục, Tổng cục, Báo Giao thông tăng cường công tác tuyên truyền, thông tin về ý nghĩa, mục đích của Ngày Pháp luật trên Cổng/Trang Thông tin điện tử của Bộ, Cục, Tổng cục và các số báo, tạp chí.
Kết quả triển khai Ngày Pháp luật đề nghị các cơ quan, đơn vị báo cáo về Bộ Giao thông vận tải (qua Vụ Pháp chế và địa chỉ mail: thuyle@mt.gov.vn) trước ngày 20/11/2020 để tổng hợp báo cáo gửi Bộ Tư pháp theo quy định.
Bộ Giao thông vận tải yêu cầu các cơ quan, đơn vị nghiêm túc triển khai thực hiện./.