Thứ trưởng Nguyễn Nhật vừa ký ban hành Thông tư số 10/2021/TT-BGTVT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 46/2016/TT-BGTVT ngày 29 tháng 12 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định cấp kỹ thuật đường thủy nội địa.
Theo đó, Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 46/2016/TTBGTVT ngày 29 tháng 12 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về cấp kỹ thuật đường thủy nội địa gồm: Điều 1, Điều 2 và Điều 4.
Cụ thể: Sửa đổi, bổ sung Điều 1 như sau:
“Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Thông tư này quy định cấp kỹ thuật luồng đường thủy nội địa.ˮ
Sửa đổi, bổ sung Điều 2 như sau:
“Điều 2. Đối tượng áp dụng
Thông tư này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt độngđường thủy nội địa, bao gồm: đầu tư xây dựng công trình, khai thác, bảo trì, bảo vệ luồng và hành lang luồng đường thủy nội địa.ˮ
Sửa đổi, bổ sung Điều 4 như sau:
“Điều 4. Cấp kỹ thuật luồng đường thủy nội địa
1. Luồng đường thủy nội địa được chia thành 7 cấp kỹ thuật, bao gồm: cấp đặc biệt, cấp I, cấp II, cấp III, cấp IV, cấp V và cấp VI.
2. Cấp kỹ thuật luồng đường thủy nội địa xác định theo Tiêu chuẩn Việt Nam về phân cấp kỹ thuật đường thủy nội địa.
3. Các tuyến đường thủy nội địa kết nối với các tuyến hành lang vận tải, tuyến vận tải chính được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt được áp cấp kỹ thuật luồng đường thủy nội địa là đồng cấp hoặc giảm cấp so với các tuyến hành lang vận tải, tuyến vận tải chính đó.
4. Khi xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp công trình cầu đường bộ, cầu đường sắt hoặc công trình khác qua luồng phải bảo đảm chiều cao, chiều rộng khoang thông thuyền, độ sâu an toàn của đáy luồng theo tiêu chuẩn cấp kỹ thuật tuyến luồng đường thủy nội địa được xác định trong quy hoạch đã công bố.
5. Kích thước đường thủy nội địa tương ứng với mỗi cấp kỹ thuật đường thủy nội địa quy định tại Phụ lục 1 của Thông tư này.
6. Cấp kỹ thuật đường thủy nội địa quốc gia quy định tại Phụ lục 2 Thông tư này.”
Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 15 tháng 6 năm 2021.
Toàn văn Thông tư xem Tại đây!