Ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em

Thứ sáu, 19/11/2021 11:28
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Bộ GTVT vừa ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em giai đoạn 2021 - 2030 trong lĩnh vực Giao thông vận tải (GTVT)

Mục tiêu tổng quát nhằm nâng cao năng lực, nhận thức, trách nhiệm của đội ngũ công chức, viên chức, người lao động trong ngành GTVT, người tham gia giao thông, các tổ chức, cá nhân liên quan về thực hiện các biện pháp phòng, chống tai nạn và đuối nước ở trẻ em; tạo môi trường an toàn cho trẻ em khi tham gia giao thông. Từng bước hạn chế tình trạng trẻ em bị thương hoặc tử vong do tai nạn giao thông và đuối nước gây ra. Giáo dục và nâng cao ý thức chấp hành các quy định pháp luật về đảm bảo an toàn giao thông của người dân nói chung và trẻ em nói riêng.

Các mục tiêu cụ thể

Mục tiêu 1: Kiểm soát, giảm tỷ lệ tai nạn, thương tích và tử vong do tai nạn giao thông, đuối nước trẻ em: 95% các phương tiện xe cơ giới đường bộ chuyên chở trẻ em, xe đưa đón học sinh, mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện, phương tiện thủy chuyên chở hành khách đảm bảo tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường năm 2025 và 100% vào năm 2030. 100% người lái phương tiện chở khách ngang sông có đầy đủ bằng cấp, chứng chỉ theo quy định. 100% phương tiện giao thông thủy nội địa được trang bị áo phao, dụng cụ nổi cứu sinh cá nhân cho trẻ em khi tham gia giao thông đường thủy nội địa. Hằng năm giảm 5 - 10% số trẻ em bị tử vong và bị thương do tai nạn giao thông đường bộ. Giảm 20% số trẻ em bị tử vong do đuối nước năm 2030 khi tham gia giao thông đường thủy

Mục tiêu 2: Đào tạo, truyền thông, nâng cao kỹ năng về phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em: 90% lái xe, người lái phương tiện thủy được trang bị kiến thức cơ bản về sơ cứu nạn nhân tai nạn giao thông, đuối nước năm 2025 và 100% năm 2030. 90% trẻ em từ 6 đến dưới 16 tuổi biết các quy định về an toàn giao thông đường bộ năm 2025 và 95% vào năm 2030. 90% trẻ em sử dụng áo phao cứu sinh khi tham gia giao thông trên các phương tiện giao thông đường thủy nội địa có bắt buộc sử dụng phao cứu sinh năm 2025 và 95% vào năm 2030.

Chương trình tập trung vào nhiệm vụ và giải pháp

Tổ chức tuyên truyền, nâng cao nhận thức, kiến thức, kỹ năng về phòng, chống tai nạn, thương tích, đuối nước trẻ em khi tham gia giao thông. 

Xây dựng các sản phẩm, tài liệu truyền thông, đa dạng hóa các phương thức truyền thông về phòng, chống tai nạn giao thông, đuối nước cho trẻ em phù hợp với từng loại hình vận tải, địa phương, vùng miền; tuyên truyền tại các bến xe, trường học, điểm du lịch, các bến khách ngang sông, lòng hồ.

Tăng cường các biện pháp tuyên truyền, giáo dục việc chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông đường bộ, đường thuỷ đối với các phương tiện chuyên chở trẻ em với số lượng đông, xe đưa đón học sinh.

Tổ chức các hội nghị, hội thảo chuyên đề, lớp tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng phòng, chống đuối nước trẻ em, kỹ năng sơ cấp cứu các trường hợp bị tai nạn giao thông, đuối nước cho cán bộ, cộng tác viên tại cộng đồng.

Triển khai các hoạt động dạy kỹ năng phòng tránh tai nạn giao thông, đuối nước, giáo dục ý thức khi tham gia giao thông, gồm: thói quen thắt dây an toàn, ngồi ghế an toàn trên ô tô; đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông bằng mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện; sử dụng áo phao hoặc dụng cụ cứu sinh cá nhân khi tham gia giao thông đường thủy; hướng dẫn trẻ em kỹ năng phòng ngừa tai nạn giao thông, đuối nước; xử lý tình huống khi có bạn bị tai nạn giao thông, đuối nước,…

Xây dựng môi trường giao thông an toàn cho trẻ em

Tổ chức tốt các hoạt động và đảm bảo an toàn đón, trả khách tại các bến xe, điểm đưa đón học sinh đi học, bến phà, bến khách ngang sông.

Rà soát, kiểm tra việc tuân thủ các quy định về an toàn, công tác kiểm định chất lượng xe cơ giới chuyên chở trẻ em; xe đưa đón học sinh; phương tiện thủy nội địa chuyên chở hành khách; việc trang bị và mặc áo phao, dụng cụ nổi cứu sinh cá nhân khi đi thuyền, đò.

Tăng cường biện pháp đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông, đặc biệt là đối với trẻ em trong quá trình tổ chức thi công các công trình giao thông, bao gồm: rà soát, bổ sung các biển cấm, biển báo, biển chỉ dẫn tại các khu vực thi công công trình giao thông, những vị trí có nguy cơ đuối nước đối với trẻ em,…

Xây dựng và nhân rộng các mô hình an toàn phòng, chống tai nạn giao thông và đuối nước trẻ em với các nội dung: “Trường học an toàn giao thông”, “Cộng đồng an toàn giao thông”, “Phương tiện an toàn”, “Bến đò an toàn”, “Người đi đò mặc áo phao”, “Hành động vì an toàn trẻ em trên sông nước”, “Môi trường giao thông an toàn cho trẻ em”,...

Phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan quản lý chuyên ngành, nhà trường và gia đình trong việc giám sát, yêu cầu các học sinh chấp hành nghiêm chỉnh việc đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông bằng mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện.

Triển khai các giải pháp phòng ngừa tai nạn liên quan đến trẻ em khi tham gia giao thông hoặc sinh sống trên, ven các tuyến đường thủy nội địa.

Huy động các nguồn lực, kết hợp với việc vận động rộng rãi tới các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, cộng đồng và các cá nhân trong và ngoài nước tham gia công tác phòng, chống tai nạn, đuối nước trẻ em khi tham gia giao thông bằng các hình thức như trao tặng mũ bảo hiểm cho trẻ em, tặng áo phao cứu sinh, dụng cụ nổi cứu sinh cho trẻ em thường xuyên phải đi lại bằng phương tiện thủy nội địa; tổ chức các hoạt động ngoại khóa và các cuộc thi tìm hiểu về luật giao thông, thực hành luật giao thông,…

Tăng cường hợp tác quốc tế và tận dụng nguồn tài trợ, kinh nghiệm, kỹ thuật của các nước, các tổ chức quốc tế để thực hiện các chương trình, đề án, dự án về phòng, chống tai nạn, đuối nước trẻ em khi tham gia giao thông.

Tăng cường thực hiện pháp luật về việc phòng, chống tai nạn, thương tích, đuối nước trẻ em khi tham gia giao thông. 

Rà soát, sửa đổi, bổ sung và tổ chức thực hiện quy định pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn về phòng, chống tai nạn, đuối nước trẻ em khi tham gia giao thông như: quy định, tiêu chuẩn chất lượng phương tiện cơ giới đường bộ chuyên chở trẻ em, xe đưa đón học sinh, mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện, phương tiện thuỷ chuyên chở hành khách.

Xây dựng, hướng dẫn thực hiện, theo dõi, kiểm tra, đánh giá các tiêu chí, tiêu chuẩn và nhân rộng mô hình phương tiện, bến xe, cảng, bến an toàn.

Huy động sự tham gia của các cấp, các ngành, đoàn thể và cộng đồng xã hội trong việc phát hiện, giám sát, gia cố, cải tạo cơ sở hạ tầng giao thông, phương tiện có nguy cơ gây tai nạn, thương tích, đuối nước cho trẻ em khi tham gia giao thông.

Tăng cường quản lý, đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật, các tiêu chuẩn, quy chuẩn bảo đảm an toàn, phòng, chống tai nạn, thương tích, đuối nước trẻ em khi tham gia giao thông và tại các cơ sở dịch vụ, vui chơi giải trí có sử dụng phương tiện giao thông.

Chế độ báo cáo

Định kỳ hằng năm, các đơn vị báo cáo kết quả thực hiện Chương trình về Bộ Giao thông vận tải (qua Vụ An toàn giao thông) trước ngày 15/11 để Bộ tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền. Trong quá trình triển khai, nếu có vướng mắc, bất cập, đơn vị báo cáo về Bộ Giao thông vận tải để xử lý./.

Nội dung chi tiết xem tại đây.

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)